SEO là gì? SEO khác với Google Adwords ra sao? Qui trình thực hiện SEO?

02-SEO-là-gì-SEO-khác-với-Google-Adwords-ra-sao-Qui-trình-thực-hiện-SEO-01

Với sự phát triển của Digital Marketing và sự lớn mạnh của các công cụ tìm kiếm, trong đó đặc biệt là Google thì nhiều người làm công việc Marketing đã chuyển hướng từ Marketing truyền thống sang Marketing Online bởi sự phổ biến nhanh chóng, tiện lợi và tiết kiệm chi phí. Ngày nay, những người làm Marketing Online không thể thiếu các công cụ như Google Search, Google Adwords,… cũng như các mạng xã hội Facebook, Google+, Pinterest… và càng không thể bỏ qua SEO. Vậy SEO là gì? SEO khác với Google Adwords ra sao? Qui trình thực hiện SEO như thế nào?

SEO là gì? SEO khác với Google Adwords ra sao? Qui trình thực hiện SEO?

Tôi có một kinh nghiệm từ bản thân là ngay từ khi khởi sự kinh doanh tôi đã quan tâm đến việc thiết kế website, sau đó là tìm hiểu về Google Adwords và SEO từ 2008. Tôi tiêu tốn phần lớn số tiền kiếm được để thuê người thực hiện những công việc trên và có được nhiều bài học xương máu. Chỉ cho đến khi tôi tham gia những khóa học tại trung tâm iNET với các giảng viên Nguyễn Trọng Thơ, Nguyễn Trần Hưng, Nguyễn Quốc Anh, Trần Quốc Minh… tôi mới được dịp lĩnh hội và vỡ ra nhiều điều về SEO cũng như Digital Marketing.

02-SEO-là-gì-SEO-khác-với-Google-Adwords-ra-sao-Qui-trình-thực-hiện-SEO-01

Tìm hiểu SEO là gì?

SEO được viết tắt từ cụm từ Search Engine Optimization là một hình thức được sử dụng để quảng bá, tiếp thị trên công cụ tìm kiếm (gọi là SEM = Search Engine Marketing). Hiện nay, công thức của SEM = SEO + PPC. Trong đó PPC có nghĩa là Pay Per Click, bạn phải trả tiền cho mỗi lượt click chuột khi kết quả quảng cáo của bạn xuất hiện, đây là cách mà Google Adwords lấy được tiền từ túi của bạn.

SEO được hiểu theo nghĩa Tiếng Việt có nghĩa là tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, đây là một tập hợp các phương pháp kỹ thuật kết hợp với tư duy và công nghệ để tối ưu website nhằm có được thứ hạng cao trên máy chủ tìm kiếm, ở đây được hiểu là kết quả website của bạn sau khi làm SEO phải có vị trí trang đầu Google (là một trong 10 kết quả đầu tiên).

Mục đích của SEO là nhằm đưa thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn xuất hiện ở trang đầu Google với vị trí tốt hơn đối thủ cạnh tranh, nhằm tăng lượng truy cập vào website, tăng tỷ lệ chuyển đổi (ví dụ khách mua hàng, đặt dịch vụ nhiều hơn).

SEO khác với Google Adwords ra sao?

Cả SEO và Google Adwords đều cần đến chiến lược xây dựng hệ thống từ khóa để đón đầu xu hướng tìm kiếm của người dùng. Nhưng đối với Google Adwords bạn phải trả tiền trên mỗi lượt click vào website với mức phí giao động theo từng từ khóa, ví dụ nếu có nhiều người cùng quảng cáo một từ khóa thì bạn phải đấu thầu bỏ giá cao hơn những người còn lại thì kết quả của bạn mới xuất hiện ở vị trí tốt. Google Adwords không đòi hỏi bạn phải xây dựng nội dung cho đích đến của quảng cáo (mặc dù có sẽ tốt hơn) vì vậy bạn có thể dẫn người dùng đến bất kỳ trang nào của website (có thể là trang chủ/home), bạn có thể quảng cáo nhiều từ khóa nhưng chỉ cần dẫn về một kết quả. Chỉ cần khoảng 5 phút sau khi tạo lập quảng cáo và được chấp thuận là website của bạn đã xuất hiện trên kết quả tìm kiếm Google. Kết quả quảng cáo Google Adword sẽ được ưu tiên, thường xuất hiện ở 03 vị trí đầu tiên, ở cột bên tay phải, và thỉnh thoảng ở cuối trang (để khi người dùng chuyển sang trang kế sẽ nhìn thấy). Kết quả Google Adwords sẽ có dấu hiệu màu vàng là QC hoặc Ad khi xuất hiện.

SEO sẽ có kết quả tìm kiếm tự nhiên (không bị gắn dấu hiệu màu vàng), khi người dùng click vào kết quả SEO thì bạn không phải trả phí. SEO đòi hỏi bạn phải xây dựng nội dung website phải thật tốt, mỗi trang trong website tương đương với 1-2 từ khóa, nếu bạn có hệ thống khoảng vài trăm đến 1000 từ khóa thì việc xây dựng nội dung website sẽ rất tốn kém và mất thời gian. Khi tiến hành SEO, bạn cần một thời gian nhất định thì kết quả mới xuất hiện, trung bình từ 2-3 tháng đến nửa năm tùy thuộc vào mức độ cạnh tranh của từ khóa (ví dụ như có những đối thủ khác của bạn cũng làm SEO). Tuy mất nhiều thời gian và công sức nhưng tính theo đường dài, SEO sẽ lợi ích hơn Google Adwords rất nhiều bởi vì theo thống kê của Google 65% người dùng click vào kết quả tự nhiên (SEO) và 35% click vào kết quả quảng cáo. SEO click càng nhiều càng có lợi cho website, Google Adwords càng click càng tốn tiền.

Nhưng nếu là người chịu trách nhiệm về Marketing của thương hiệu/sản phẩm, bạn nên sử dụng cả SEO và Google Adwords để tăng tỷ lệ xuất hiện, tăng tỷ lệ click, đồng thời tăng doanh số.

Qui trình thực hiện SEO.

Tùy mỗi người làm SEO sẽ có một qui trình riêng, và các bước thực hiện sẽ có chút thay đổi, làm việc này trước việc kia sau, không ai giống nhau hoàn toàn. Qui trình thực hiện SEO sau dựa trên trải nghiệm thực tế của tôi từ thời gian đầu đi thuê người làm SEO đến khi đi học và trực tiếp làm SEO.

Website Performance Optimization.

Tối ưu hóa hiệu suất website, đây là một bài học tốn khá nhiều tiền của tôi. Lúc đầu làm website không nghĩ đến chuyện marketing, chỉ nghĩ đến việc có một website đẹp nên cũng tự design lay-out và thuê người thiết kế theo lay-out. Website hoạt động được một thời gian thì nảy sinh ý định làm SEO, khi công ty làm SEO đến và thẩm định website thì phán cho một câu “website không hỗ trợ SEO phải sửa lại hoặc thiết kế lại website khác”. Vì vậy, muốn làm SEO thì nền tảng website của bạn ngay từ đầu phải hỗ trợ SEO trước đã. Trong giai đoạn làm website bạn cũng lưu tâm đến tên miền website, nên chọn các tên miền gắn liền với thương hiệu, hoặc liên quan đến dịch vụ/sản phẩm mà mình cung cấp

Keyword Research.

Bài học thứ hai, tôi không biết nghiên cứu từ khóa, vì vậy mình nghĩ rằng từ khóa này hay, từ khóa này ổn đối với mình và đi đặt hàng làm SEO. Đầu tiên công ty làm SEO bảo “từ khóa này khó, mức độ cạnh tranh cao vì vậy chi phí cho từ khóa này sẽ cao hơn những từ khác”. Nhưng trên thực tế thì khách hàng không vào website của mình bằng từ khóa mà mình nghĩ rằng hay, hoặc họ vào website nhưng không phải với mục đích là để mua hàng/đặt dịch vụ. Dẫn đến là sau khi keyword lên top thì cũng chẳng để làm gì, vẫn không có khách. Lời khuyên, bạn cần nghiên cứu các từ khóa có lượng tìm kiếm cao, đồng thời phù hợp với đối tượng khách hàng mà mình đang nhắm đến.

Content Marketing.

Nội dung tiếp thị, quảng cáo nhằm phục vụ cho SEO còn gọi là Content SEO, công việc này chiếm rất nhiều thời gian và đặc biệt khó khăn với những người không có năng khiếu viết lách. Mục đích của bạn là muốn người ta vào website để mua hàng, sử dụng dịch vụ thì việc đầu tiên là bài viết trong website phải hấp dẫn, hữu ích. Ngoài chuyện nội dung hấp dẫn và hữu ích, nội dung đó phải đáp ứng được các tiêu chuẩn của SEO, thân thiện với máy chủ tìm kiếm. Viết bài thì có thể thuê người viết, nhưng sẽ khó khăn trong trường hợp ngành nghề quá đặc biệt, yêu cầu người viết phải có một lượng kiến thức chuyên môn thì sẽ rất khó để bạn có thể nhờ người khác viết hộ.

On-Page Optimization.

Bạn có website hỗ trợ SEO, bạn có nội dung bài viết hấp dẫn, đáp ứng các tiêu chuẩn SEO đó là lúc bạn cần tối hưu các chỉ số của bài viết trong website. Các chỉ số này bao gồm thẻ tiêu đề (h1, h2), đoạn mô tả đầu bài, alt-text, tỷ lệ từ khóa phân bổ trong bài viết… công việc này đòi hỏi bạn cần có kỹ năng quản trị website, sử dụng một vài công cụ để đo lường SEO Scores, đồng thời biết một chút về code (ở mức có thể chỉnh sửa, thay đổi cho phù hợp). Mục đích sau cùng là để bài viết sau khi đăng trên website sẽ đạt được điểm SEO cao.

Link Building.

Link Building hay còn gọi là Off-Page Optimization, đại ý quá trình này là sau khi bạn đã có bài viết trên website, chuẩn SEO thì là lúc bạn cần quảng cáo, “la làng” lên cho mọi người biết đến website của bạn để vào xem. Cách thực hiện dễ nhất mà các SEOer hay truyền đạt với nhau đó là vào các trang diễn đàn, mạng xã hội để post bài, comment rồi đặt backlink về trang cần SEO của mình. Một số người chú trọng đến chất lượng backlink, đặt ít nhưng đặt trên những trang uy tín có Page Rank cao. Một số người chú trọng đến số lượng backlink, càng đặt nhiều backlink càng tốt, miễn là đừng có đặt trên các trang bị Google phạt. Cách nào hiệu quả thì bạn áp dụng, nhưng quá trình này lượng traffic (người truy cập vào website của bạn) cũng rất quan trọng.

Result Analysis

Sau một thời gian thực hiện quá trình Link Building thì bạn nên bắt đầu thống kê đo lường kết quả thứ hạng của từ khóa cần SEO để có những thay đổi, chiến lược phù hợp.

Hiện tại, tôi vẫn đang áp dụng những cách làm trên cho các khách hàng của mình và thấy ổn. Bạn có thể xem bài viết này là một ví dụ để tham khảo. Chúc bạn thành công với SEO.

TMCUONG
Film Maker | Photographer | Marketer

BÀI VIẾT GẦN ĐÂY
Contact Me on Zalo