Chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng chăm sóc F0 tại nhà

Chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng chăm sóc F0 tại nhà.

Ngày 14/07, Bộ Y Tế đưa thông tin hướng dẫn quản lý điều trị F0 tại nhà trước tình trạng bệnh nhân Covid-19 tăng đột biến gây quá tải cho bệnh viện và những khu cách ly. Trước đó, tôi có cơ duyên được tham gia nhóm “Giúp nhau mùa dịch” được thành lập bởi các y bác sĩ, nhờ đó mà tiếp nhận được nhiều thông tin trong việc chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng chăm sóc F0 tại nhà. Tôi liền tổng hợp thành bài viết sau để gia đình tìm hiểu và áp dụng lúc cần thiết (nếu lỡ như tôi là người bệnh), bạn có thể xem đây là tư liệu tham khảo nhưng hãy đối chiếu thêm từ nhiều nguồn khác.

Chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng chăm sóc F0 tại nhà.

Nên giữ tâm thế nào trong mùa Covid?

Virus vốn không phân biệt ai.

Bản chất của con virus là nó không có sự phân biệt trai – gái, trẻ – già, giàu – nghèo,… bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm virus, đừng có nghĩ rằng nó sẽ chừa mình ra. Vì vậy, chúng ta không nên có thái độ phân biệt đối xử, kỳ thị những bệnh nhân Covid hay người là F1, F2, F3… bởi biết đâu chính bản thân ta, cha mẹ, vợ chồng, con cái ta cũng có thể trở thành bệnh nhân vào lúc nào đó. Nếu như bạn vẫn còn khỏe mạnh, hãy tiếp tục cẩn thận, phòng tránh và chia sẻ khó khăn, nâng đỡ tinh thần cho các bệnh nhân và những người đang bị cách ly. Nên tránh chụp hình, quay video những người được đưa đến bệnh viện hay khu cách ly, cũng đừng khuyến khích người khác làm điều khiến cho người bệnh/người nghi nhiễm xấu hổ. Thay vào đó, bạn hãy đứng cách đó một khoảng và ra dấu một biểu tượng động viên, chúc họ được may mắn và sớm hồi phục.

Covid có thật sự đáng sợ không?

Bản thân virus Covid đối với từng người không có gì đáng sợ, khi nhiễm bệnh nó thường gây ra một đợt cảm cúm, sốt, ho, sổ mũi, đau họng, nhức đầu, tiêu chảy, mất khứu giác, vị giác… mà hầu hết chúng ta đều có thể hồi phục trong 1 – 3 tuần, riêng triệu chứng mất khứu giác, vị giác có thể kéo dài tới vài tháng. Tuy nhiên Covid lại đáng sợ do tính lây lan rất nhanh, chẳng hạn một ngàn người nhiễm có thể không là gì, nhưng nếu một triệu bệnh nhân sẽ khiến cho bệnh viện quá tải, phương tiện cứu người sẽ thiếu thốn, xã hội xáo trộn… Do đó giới hạn sự lây nhiễm chính là mục tiêu quan trọng nhất giúp đối phó với Covid.

Nhiễm Covid có nghĩa là sẽ chết?

Chẳng may gia đình có người nhiễm virus, điều đầu tiên chúng ta cần làm là phải bình tĩnh đừng quá sợ hãi, nhất là người khỏe phải thật bình tĩnh để còn động viên người bệnh. Nếu bạn sợ thì việc chăm sóc người bệnh sẽ không được tốt, trong khi người bệnh nhận ra mình sợ hãi, ngại tiếp xúc với họ thì tâm lý nặng nề và buồn bã. Không phải cứ ai mắc Covid là sẽ chết, tỷ lệ chết vì Covid rất thấp và thường tập trung vào những người lớn tuổi với tiểu sử bệnh nền cao. BS Nguyễn Trọng Khoa trả lời trên Zing News, 80% người nhiễm Covid không có triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ, chỉ khoảng 5% người nhiễm Covid có biểu hiện nặng cần thở oxy mà thôi. Đa phần người nhiễm Covid sẽ tự khỏi nếu không có biểu hiện nặng, vấn đề là họ cần có đủ sự khỏe mạnh để chống chọi, cố gắng tận hết sức mình, càng lo lắng và sợ hãi thì càng ít hy vọng hơn. Để chi tiết hơn bạn nên tham khảo bài viết của BS Hưng Trương – Một bác sĩ người Mỹ gốc Việt, người từng khám cho vài trăm trẻ em mắc Covid và lúc cao điểm của dịch đã làm F1 hàng trăm lần.

Đã có thuốc đặc trị Covid chưa?

Kể từ khi Covid xuất hiện vào tháng 12/2019 cho đến nay vẫn chưa có một loại thuốc nào có thể diệt được chủng virus này. Mặc dù cả thế giới lên bờ xuống ruộng, các nhà khoa học vò đầu bứt tai khổ sở nghiên cứu, thử nghiệm búa xua ngay cả thuốc dùng trị để sán lãi như Ivermectin cũng đem ra thử (Ivermectin trong Covid-19)… cũng chưa mang lại một kết quả khả quan nào. Đến mức mà người ta phải áp dụng sản xuất Vaccine theo kiểu đốt cháy giai đoạn, nên các chuyên gia nhận định nếu bây giờ ai tạo ra thuốc diệt Covid chắc chắn sẽ được nhận giải Nobel. Một khi nắm được các thông tin này, bạn không nên tốn tiền cho những quảng cáo chiêu dụ của những người kinh doanh cơ hội, tránh cảnh tiền mất tật mang (Tham khảo bài: Người nghèo tuyệt vọng tìm thuốc Covid-19 ở chợ trời trên VNExpress).

Chăm sóc bệnh nhân Covid cần gì?

Chúng ta có thể làm hết trách nhiệm của mình để chăm sóc người bệnh và phòng chống sự lây lan Covid bằng cách chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết sau đây:

  • Mặt nạ phẫu thuật/thủ thuật dùng một lần.
  • Thiết bị bảo vệ mắt.
  • Bao tay dùng một lần.
  • Khăn giấy dùng một lần.
  • Khăn giấy lau mặt.
  • Thùng đựng chất thải có lót bao nhựa.
  • Nhiệt kế.
  • Thuốc không kê toa dùng để hạ sốt.
  • Nước sạch sinh hoạt.
  • Xà bông rửa tay diệt khuẩn.
  • Chất khử trùng chứa ít nhất 60% cồn.
  • Xà bông rửa chén.
  • Xà bông giặt quần áo thông thường.
  • Các sản phẩm tẩy rửa gia dụng thông thường.
  • Thuốc tẩy (5% sodium hypochlorite) và một hộp đựng riêng để pha loãng (01 phần thuốc tẩy với 09 phần nước).
  • Khăn lau có tẩm cồn.

Nguồn Canada.ca: Lời Khuyên Dành Cho Người Chăm Sóc Người Bị Nhiễm Covid-19 Tại Nhà.

Nên làm gì khi người nhà trở thành F0?

Tạo không gian sinh hoạt riêng cho người bệnh.

Nhằm hạn chế việc người bệnh có thể lây lan cho người khỏe mạnh thì cần phải hạn chế tiếp xúc, chỉ nên để một người khỏe mạnh chăm sóc người bị bệnh. Nếu như gia đình sắp xếp được không gian sinh hoạt riêng hoặc phòng riêng cho người bệnh là tốt nhất. Không dùng chung vật dụng cá nhân với người bệnh, như bàn chải đánh răng, khăn tắm, khăn trải giường, đồ dùng hoặc thiết bị điện tử… Cũng như không sử dụng chung phòng tắm với người bệnh, hoặc nếu không thể tránh thì tất cả cần đậy nắp bồn cầu trước khi xả nước. Trường hợp người bệnh không quá nặng (đến mức không thể tự chăm sóc bản thân) thì nên ở yên trong phòng, tránh tiếp xúc với người nhà ít nhất 14 ngày. Thức ăn, đồ uống, vật dụng cần thiết cứ để trước cửa phòng tự lấy, rửa tay trước và sau khi ăn. Nếu người bệnh phải ra khỏi phòng riêng hãy thông báo cho người nhà lánh đi chỗ khác và luôn đeo khẩu trang và rửa tay, hoặc giữ khoảng cách với người nhà ít nhất là 2m nếu không thể tránh mặt.

Người khỏe nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân.

Những người có thể gặp nguy cơ cao nếu nhiễm Covid thì không nên chăm sóc người bệnh, bao gồm người lớn tuổi, người mắc bệnh tim, tiểu đường hoặc bị suy giảm hệ thống miễn dịch…

Nếu chúng ta sinh hoạt chung với người bệnh trong bán kính 02 mét cần có thiết bị bảo vệ mắt, luôn đeo khẩu trang và sử dụng bao tay dùng một lần khi chạm vào người bệnh, không gian sinh hoạt của người bệnh hay các vật dụng, bề mặt có khả năng nhiễm bẩn.

Thường xuyên rửa tay với thời lượng ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bệnh và sau khi thực hiện thao tác gỡ bỏ bao tay, khẩu trang, thiết bị bảo vệ mắt… Tuyệt đối tránh chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng nếu chưa rửa tay.

Lau khô tay bằng khăn giấy dùng một lần. Nếu không có sẵn khăn giấy, hãy sử dụng khăn có thể tái sử dụng và thay khi khăn bị ướt. Ngoài ra, bạn cũng có thể lau bụi bẩn bằng khăn ướt và sau đó khử trùng tay với dung dịch chứa cồn.

Luôn làm sạch môi trường xung quanh.

Mỗi ngày ít nhất 01 lần sử dụng chất khử trùng hoặc thuốc tẩy pha loãng để làm sạch và khử trùng các bề mặt mà mọi người thường xuyên chạm vào. Ví dụ: Màn hình cảm ứng, mặt bàn, ghế, nhà vệ sinh, hộp đựng đồ giặt, bàn cạnh giường ngủ, tay nắm cửa, điện thoại, điều khiển tivi và máy lạnh… 

Thay khẩu trang, bao tay thường xuyên. Cho các vật dụng bị nhiễm bẩn vào thùng rác có lót, cột chặt bao chứa rác và xử lý chúng cùng với các chất thải gia đình khác. 

Gom đồ giặt có thể bị nhiễm bẩn vào thùng chứa có lót bao nhựa nhưng tránh rung lắc thùng chứa. Giặt bằng xà phòng giặt thông thường cùng nước nóng từ 60 – 90°C rồi sấy thật khô. Chúng ta có thể giặt quần áo và khăn trải giường/chăn mền/bao gối của người bệnh cùng với các đồ giặt khác.

Tự theo dõi các triệu chứng của bản thân.

Người nhà bệnh nhân phải thường xuyên theo dõi các triệu chứng của bản thân trong 14 ngày sau lần tiếp xúc cuối cùng với người bệnh. Nếu người nhà tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của người bệnh hay có các triệu chứng, hãy tự cách ly bản thân càng sớm càng tốt và liên lạc cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn thêm. Sau đây là các trường hợp triệu chứng cần lưu ý:

Các triệu chứng thường gặp nhất:

  • Sốt.
  • Ho khan.
  • Mệt mỏi.

Các triệu chứng ít gặp hơn:

  • Đau nhức.
  • Đau họng.
  • Tiêu chảy.
  • Viêm kết mạc.
  • Đau đầu.
  • Mất vị giác hoặc khứu giác.
  • Da nổi mẩn hay ngón tay hoặc ngón chân bị tấy đỏ hoặc tím tái.

Các triệu chứng nghiêm trọng:

  • Khó thở.
  • Đau hoặc tức ngực.
  • Mất khả năng nói hoặc cử động.

Hướng dẫn cách chăm sóc F0 tại nhà.

Bữa ăn cho bệnh nhân Covid.

Người nhiễm Covid nên ăn gì? Giống như nhiều bệnh thời khí khác, người mắc Covid thường mệt mỏi, uể oải và không thiết tha chuyện ăn uống. Vì vậy, khi chăm sóc chúng ta nên động viên người bệnh cố gắng ăn uống đầy đủ giúp cơ thể đủ sức chống lại virus. Nên ăn các loại thức ăn lỏng, mềm và nóng chẳng hạn như cháo sẽ giúp người bệnh dễ nuốt hơn và nhớ bổ sung những nguyên liệu hỗ trợ giải cảm cúm như: hành củ, hành lá, gừng, tía tô, hạt tiêu, trứng gà… Nấu một nồi cháo ăn thay cho các bữa cơm hàng ngày, vừa chữa bệnh, vừa nhẹ bụng dễ tiêu mà lại bổ. Trường hợp người bệnh thấy khó ăn quá, ăn không nổi thì tạm thời uống 01 ly nước trà ấm pha đường, việc nhịn đói rất nguy hại.

Thức uống cho bệnh nhân Covid.

Bệnh nhân Covid nên uống gì? Người bệnh Covid cần uống thật nhiều nước, đặc biệt nếu có triệu chứng sốt. Liều lượng khoảng từ 2 – 3 lít nước mỗi ngày và nên sử dụng nước ấm, tránh uống nước lạnh vì sẽ khiến cổ họng thêm khó chịu. Gia đình có thể nấu nước trà gừng, trà chanh sả cho người bệnh uống cả ngày bởi vì gừng và sả có tác dụng giải cảm, còn chanh giúp giải nhiệt, thông khí, sát trùng. Tuy nhiên cần lưu ý về việc kết hợp các thành phần với nhau, ví dụ do gừng và sả đều có tính nóng nên cần theo liều lượng cụ thể, chẳng hạn để trị ho do cảm lạnh, cảm cúm người ta chỉ dùng 40g củ sả và 40g gừng tươi để nấu với 650ml nước (Tham khảo bài: Chanh, sả, gừng, mật ong có phải là thần dược ngừa coronavirus?). Ngoài ra, hãy bổ sung thêm nước chanh, nước cam hoặc Vitamin C sủi giúp cơ thể tăng sức đề kháng, nếu như có mật ong thì pha chanh nóng mật ong hoặc dùng đường cát thay thế. Một khi bệnh nhân Covid cung cấp đủ nước cho cơ thể có giúp hạ sốt hiệu quả và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng xảy ra. Tuy nhiên theo Đại học Harvard công bố, các loại Vitamin C, D, Kẽm, melatonin… dùng liều cao trên bệnh nhân Covid cũng không có lợi ích nổi bật nào so với bệnh nhân không dùng, mặc dù vậy dùng thì cũng không hại gì nên các bác sĩ vẫn kê đơn.

Chế độ nghỉ ngơi của bệnh nhân Covid. 

Bệnh nhân Covid cần ngủ và nghỉ ra sao? Người thân hãy chuẩn bị cho bệnh nhân Covid một chỗ nghỉ ngơi thoáng khí, tốt nhất là một phòng riêng thoáng mát và có cửa sổ. Sau khi đã ăn uống đầy đủ, nếu cần thiết có thể dùng thuốc giảm đau, thuốc ho thì người bệnh hãy cố gắng ngủ càng nhiều càng tốt để dưỡng sức, việc thiếu ngủ sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Lúc thức dậy hãy uống 01 ly nước trà gừng, sả, cam, chanh… trước khi dùng bữa. Người bệnh cần có ý thức sinh hoạt tại khu vực riêng đã được bố trí, chú ý đến chuyện ăn uống, vệ sinh để tránh lây lan cho người thân. Suốt thời gian điều trị bệnh vẫn có thể nghe nhạc, đọc sách, giải trí nhẹ nhàng theo nhu cầu, bởi vì như đã nói 60 – 80% bệnh nhân có biểu hiện nhẹ.

Cách hạ sốt cho bệnh nhân Covid.

Giúp bệnh nhân Covid hạ sốt như thế nào? Khi cơ thể người bệnh tăng nhiệt độ cao hơn bình thường (tức sốt cao), cơ thể sẽ tự làm mát bằng cách tăng tiết mồ hôi, tăng lưu lượng máu dưới da nên bệnh nhân sẽ có cảm giác ớn lạnh, rét run. Tuy nhiên không nên đắp chăn dù cho cảm thấy ớn lạnh, hoặc nếu có thì đắp tấm khăn mỏng thôi. Người nhà hãy giúp bệnh nhân hạ nhiệt bằng cách chườm mát, thay khăn nhiều lần, sát chanh vào hai bên cổ, nách, bẹn… nhưng nhớ mặc đồ bảo hộ và đeo khẩu trang. Nếu thấy sốt cao có thể dùng các loại thuốc hạ sốt như: Acetaminophen (Tylenol), Paracetamol (do cùng loại với Acetaminophen nên chỉ cần dùng một thứ thôi – Theo BS Hưng Trương).

Ngoài ra, có thể hạ sốt bằng cách nấu một nồi lá xông, hoặc nước đun sôi nhỏ vài giọt dầu gió, dầu tràm… giúp chúng ta được giải nhiệt, thông khí huyết và cảm thấy dễ chịu hơn, làm loãng đàm nhớt đường hô hấp (chứ không làm gì được con Covid). Tuy nhiên, khi cơ thể đột ngột xuất mồ hôi nhiều sẽ dẫn đến tụt đường huyết gây đột qụy, muốn tránh làm cơ thể mất nước và tụt đường thì trước khi xông nên uống 02 ly nước ấm pha với mật ong hoặc đường cát (tương đương 500ml).

Giảm ho nếu bệnh nhân khó ngủ, khó thở.

Không phải bệnh nhân Covid nào cũng ho. Vì vậy nếu người thân của bạn ho ít thì có thể bỏ qua, trường hợp ho nhiều quá gây khó ngủ, đau ngực, khó thở thì mới tìm cách để giảm ho. Có nhiều cách giúp giảm ho trong đó có việc dùng thuốc tây, tuy nhiên lưu ý rằng trẻ con dưới 6 tuổi thì thuốc ho không tác dụng mấy, không cần uống cũng được. Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú ý thành phần của một số thuốc ho, cảm đã có tác dụng hạ sốt trong đó.

Sát khuẩn hầu họng cho bệnh nhân.

Sát khuẩn vùng hầu họng để làm gì? Nhằm tránh virus phát triển, lây lan sang người thân khỏe mạnh thì bệnh nhân Covid cần súc họng bằng dung dịch sát khuẩn chẳng hạn như Chlorhexidine, Povidone Iodine, hay nước muối pha theo công thức… khoảng 3 giờ/lần hoặc ngay sau khi ăn. Lưu ý rằng súc họng chứ không phải là súc miệng, có nghĩa là để dung dịch xuống sâu nhất vùng cổ họng mà người bệnh có thể chịu được. Súc họng bằng cách ngậm 01 ngụm khoảng 5ml là đủ, ngửa cổ ra để khò cho nước lọt sâu xuống họng, khoảng 1 – 2 phút thì nhổ đi. Không những với người bệnh mà gia đình của bệnh nhân cũng cần khò 2 – 3 lần/ngày trong suốt thời gian cách ly tại nhà. Bạn có thể đọc thêm ý kiến về việc sát khuẩn vùng họng của TS.BS Lê Quốc Hùng, ông là Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy. Ngoài ra, chúng ta cần hiểu rõ việc súc họng bằng nước muối chỉ có tác dụng giúp làm giảm triệu chứng đau họng chứ nước muối không trị được con virus Covid – tham khảo ý kiến BS Nguyễn Tấn Thủ. Thế nên bạn cần lưu ý cho người nhà và cẩn thận trước những lời những quảng cáo thuốc xịt họng thần kỳ trên mạng.

Cách thở bệnh nhân Covid nên áp dụng.

Theo Vinmec, từ lâu các bệnh viện trên thế giới đã trì hoãn việc dùng máy thở cho bệnh nhân nhiễm Covid, ngoại trừ trường hợp không còn lựa chọn nào khác để kéo dài thêm mạng sống của người bệnh. Như vậy chúng ta có thể thấy rằng sử dụng máy trợ thở không phải là lựa chọn ưu tiên nữa. Trường hợp bệnh nhân thấy khó thở hãy ngồi ngay ngắn lại, hít vào bằng mũi thật sâu, thở hết hơi ra bằng miệng, làm liên tục như vậy trong nhiều phút có thể giúp bệnh nhân tăng khả năng chịu đựng. Hoặc nấu nước xông mũi cũng là một cách giúp người bệnh thở được dễ dàng hơn. Chỉ trong trường hợp người bệnh thật sự không thể thở được nữa mới gọi cho cơ quan y tế để được hướng dẫn.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh tình trở nặng.

Sau đây là một số triệu chứng báo hiệu người thân của bạn đang cần tới sự giúp đỡ của bác sĩ: 

  • Cảm thấy khó thở, không duy trì được vận động bình thường.
  • Đau ngực liên tục, cảm thấy nặng ngực.
  • Sốt cao liên tục.
  • Rối loạn tri giác, nhận thức.
  • Lơ mơ, không thể ra khỏi giường.
  • Xanh xao, tím da (cái này là đã quá trễ).

Thực phẩm và thuốc cho người nhiễm Covid.

Sau đây danh sách gồm các loại thực phẩm và thuốc điều trị triệu chứng mà chúng ta cần chuẩn bị cho tình huống phải chăm sóc F0 tại nhà, bao gồm:

Nhóm đồ ăn:

  • Gạo (nấu cháo).
  • Trứng gà. Hoặc nấm rơm, nấm hương, đậu xanh…
  • Hành củ, hành lá. 
  • Gừng.
  • Tía tô.
  • Hạt tiêu.

Nhóm thức uống:

  • Cam, Chanh.
  • Gừng, Sả.
  • Mật ong hoặc đường cát.

Nhóm thuốc và hỗ trợ điều trị triệu chứng:

  • Lá xông.
  • Dầu gió, dầu tràm.
  • Thuốc hạ sốt.
  • Thuốc giảm ho.
  • Nước súc miệng, nước muối.
  • Vitamin bổ sung: C, D, kẽm…

Dù bạn cảm thấy bài viết này có đáng tin đến đâu thì cũng cần tham khảo trực tiếp ý kiến của chuyên gia, đặc biệt là trong vấn đề liên quan đến thuốc men, uống loại nào, liều lượng ra sao, tiền sử bệnh, dị ứng… Tất cả các thông tin đều cần được đối chiếu, kiểm chứng.

Tóm lại, nếu bỗng dưng một ngày bạn hoặc người thân trở thành F0, đừng quá sợ hãi mà thay vào đó nên duy trì thói ăn uống, vận động, ngủ nghỉ đầy đủ, tìm cách hạ sốt, hạn chế sự lây lan và biết khi nào cần kêu gọi giúp đỡ. Để hoàn thành bài viết “Chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng chăm sóc F0 tại nhà tôi đã tham khảo tư liệu từ BS Lê Quốc Hùng, BS Hưng Trương, BS Nguyễn Tấn Thủ,… bạn cũng nên tìm hiểu trực tiếp qua trang cá nhân của các bác để rõ ràng hơn.

BÀI VIẾT GẦN ĐÂY
Contact Me on Zalo