Kinh nghiệm quản lý tài chính cá nhân theo quy tắc chia lọ

Kinh nghiệm quản lý tài chính cá nhân theo quy tắc chia lọ.

Trong những ngày u ám bởi dịch Covid, việc kinh doanh trì trệ, thu nhập giảm sút, nạn đói kém diễn ra ở khắp nơi khiến cho nhiều gia đình lâm vào tình cảnh khốn khó. Tôi chợt nhớ về kinh nghiệm quản lý tài chính cá nhân theo quy tắc chia lọ mà mình may mắn được biết và áp dụng từ lâu. Có thể theo suy nghĩ thông thường, thời điểm này không phù hợp để bàn về chuyện tiết kiệm hay quản lý dòng tiền, nhưng nếu không phải bây giờ thì là bao giờ?

Kinh nghiệm quản lý tài chính cá nhân theo quy tắc chia lọ.

Tìm hiểu về quản lý tài chính cá nhân.

Quản lý tài chính cá nhân là gì?

Tài chính cá nhân là gì? Nếu hiểu theo cách đơn giản nhất thì tài chính cá nhân là tất cả khoản tiền liên quan đến thu – chi hàng ngày của bạn hoặc của gia đình bạn. Còn quản lý tài chính cá nhân là cách bạn vận dụng một số nguyên tắc tài chính vào cuộc sống gia đình, từ đó đưa ra những quyết định liên quan đến tiền bạc của bản thân hoặc của gia đình mình. Qua đó, quản lý tài chính cá nhân có thể giúp bạn lên kế hoạch cho ngân sách, kiếm tiền, tiêu tiền và tiết kiệm tiền theo thời gian, đồng thời có tính toán về những rủi ro và chuẩn bị cho tương lai. Nói cách khác nếu bạn biết cách quản lý tài chính cá nhân tốt sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu và ước mơ trong tương lai.

Vì sao cần quản lý tài chính cá nhân?

Tại sao bạn cần phải quản lý tốt dòng tiền cá nhân? Tiền bạc liên quan trực tiếp và gây ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động trong cuộc sống của chúng ta. Khi một cá nhân không biết cách kiểm soát, quản lý dòng tiền thu – chi hợp lý thì sớm muộn gì cuộc sống cũng sẽ xáo trộn nếu nguồn tiền dần dần cạn kiệt. Bạn hãy để ý xung quanh sẽ thấy không ít người luôn ở trong tình trạng rỗng túi, khốn khó, chưa kể là các khoản nợ nần bủa vây. Hoặc những người vốn đang có công ăn việc làm ổn định và khỏe mạnh, đột nhiên họ gặp tai nạn, bệnh tật hay thất nghiệp… chắc chắn sẽ cần đến khoản tiền tương đối lớn để duy trì sinh hoạt, chữa trị. Nếu không có sự chuẩn bị và khả năng quản lý tài chính cá nhân tốt chắc chắn khó mà chống chọi trước những rủi ro trên.

Tôi làm gì có tiền để mà quản lý?

“Việc quản lý tiền bạc chỉ dành cho người có tiền thôi”, “Bây giờ tôi làm gì có tiền để mà quản lý”, “Khi nào có tiền thì tôi sẽ học cách quản lý sau”. Mặc dù lối suy nghĩ này không đúng đắn nhưng chúng ta thường hay gặp, khi bạn đưa ra lập luận trên không khác gì nói: “Tôi sẽ học Tiếng Anh chăm chỉ khi nào tôi giỏi”, “Tôi sẽ tập thể dục khi nào khỏe mạnh”. Thực sự nếu bạn không quản lý tốt cuộc sống ở thời điểm hiện tại sẽ chẳng bao giờ có gì tốt đẹp xảy ra trong tương lai. Vốn là người theo chủ nghĩa khắc kỷ, tôi không đặt mục tiêu về sự giàu có mà hướng đến một cuộc sống “an yên”, tuy nhiên tôi tin rằng quản lý tài chính cá nhân chính là một bước để làm giàu và là cách để có cuộc sống yên bình. Bạn hãy đi tìm hiểu thử xem, rất nhiều vị doanh nhân và tỷ phú tự thân đi lên từ bàn tay trắng do biết cách quản lý tài chính tốt, đó chính là một trong những bí quyết của sự giàu có.

Lợi ích khi quản lý tài chính cá nhân tốt?

Một khi bạn biết cách quản lý tài chính cá nhân tốt, bao gồm: 

  • Kiểm soát chi tiêu gia đình. 
  • Kiểm soát khoản tiền dành cho các thú vui, sở thích.
  • Kiểm soát các mục tiêu dài hạn.
  • Kiểm soát khoản tiền đầu tư.
  • Hạn chế những rủi ro có thể xảy ra trong cuộc sống.

Tôi tin chắc bạn và gia đình sẽ nhanh chóng đạt đến sự tự do tài chính và có cuộc sống mong muốn. Tôi liệt kê danh sách những lợi ích khi bạn quản lý tài chính cá nhân tốt ở dưới đây:

  • Hiểu rõ dòng tiền và tình hình tài chính của mình.
  • Đảm bảo nguồn tài chính nhờ quản lý đúng đắn.
  • Dễ dàng xây dựng mục tiêu trong tương lai.
  • Chủ động nguồn tiền với sự cố bất ngờ.
  • Quản lý và giảm thiểu các khoản vay, nợ.
  • Gia tăng tài sản một cách nhanh chóng, ổn định.
  • Nâng cao mức sống của bản thân và gia đình.

Các cách quản lý tài chính cá nhân?

Mặc dù chuyện quản lý tài chính cá nhân đối với nhiều người còn xa lạ, nhưng người ta đã bắt đầu nghiên cứu về lĩnh vực tài chính cá nhân kể từ năm 1920 bởi Hazel Kyrk – một nhà kinh tế người Mỹ và là người tiên phong về kinh tế tiêu dùng. Sau đó chuyên ngành kinh tế gia đình và kinh tế tiêu dùng được giảng dạy tại các trường Đại Học trong suốt 100 năm qua. Hiện nay, có 02 cách quản lý tài chính cá nhân phổ biến được nhiều người áp dụng bao gồm:

  • Quản lý tài chính cá nhân theo phương pháp 50/30/20: Cụ thể là dành 50% thu nhập cho các khoản chi tiêu thiết yếu, bắt buộc chẳng hạn thuê nhà, học phí, điện nước, tiền xăng, ăn uống…; 30% thu nhập dành cho chi phí linh hoạt, mua sắm, giải trí,…; Cuối cùng là 20% tiền để dành, tích lũy. Nhiều người biết cách quản lý tài chính cá nhân đang áp dụng theo phương pháp này.
  • Quản lý tài chính cá nhân theo phương pháp 06 cái lọ: Đây là phương pháp quản lý thu chi do doanh nhân, diễn giả, triệu phú T.Harv Eker người Canada – tác giả quyển “Bí Mật Tư Duy Triệu Phú” giới thiệu. Mỗi khóa học của T.Harv Eker thường thu hút hơn hàng trăm nghìn người đến từ khắp nơi trên thế giới tham gia và lý tưởng của ông đã góp phần thay đổi tình hình tài chính của họ mãi mãi. Tôi cũng học tập và áp dụng phương pháp 06 lọ tài chính này, tuy nhiên tôi không đặt mục tiêu giàu có về tiền bạc và cho đến giờ tôi cũng chẳng phải là triệu phú, tỷ phú gì cả nhé. Mặc dầu vậy thì phương pháp này rất hay nên tôi muốn giới thiệu đến bạn.

Quản lý tài chính cá nhân theo quy tắc chia 06 lọ.

Lọ 01 – Quỹ nhu cầu thiết yếu (NEC) 55%.

Quỹ NEC chiếm phần trăm lớn nhất giúp bạn đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày, bao gồm thuê nhà, mua thực phẩm, điện nước, học phí cho con, sinh hoạt gia đình… Những người không ý thức về quản lý tài chính cá nhân đều sử dụng 80% thu nhập mỗi tháng trong khi quỹ NEC khuyên giới hạn ở mức dưới 55%. Trường hợp chi phí dành cho nhu cầu thiết yếu cao hơn 55%, bạn có 02 sự lựa chọn:

  1. Tăng cường nguồn thu nhập.
  2. Hoặc cắt giảm chi phí thiết yếu. 

Tôi có ông chú làm bảo vệ lương 7 triệu/tháng, chú thường than vãn rằng lương bảo vệ không đủ sống, trong khi cơm ngày 02 bữa (trưa – tối) và cafe do chủ tiệm bao. Tôi mới hỏi về các khoản chi hàng ngày của chú, tạm liệt kê ra như sau: 

  • Ăn sáng: 30k x 30 ngày = 900,000 VNĐ/tháng.
  • Thuốc lá con mèo: 1 gói/ngày x 23k/gói x 30 ngày = 660,000 VNĐ/tháng.
  • Nước ngọt: 02 chai/ngày x 10k/chai x 30 ngày = 600,000 VNĐ/tháng.
  • Ăn vặt: 02 cữ x 02 lần/ngày x 20k/lần x 30 ngày = 1,200,000 VNĐ/tháng.
  • Vé số: 01 tờ/ngày x 10k x 30 ngày = 300,000 VNĐ/tháng.
  • Nhậu: 01 lần/tuần x 200k x 4 tuần = 800,000 VNĐ/tháng.

Tổng hết các khoản trên của chú là chiếm hơn phân nửa thu nhập (4,460,000 VNĐ/tháng), trong khi bữa ăn chính là cơm và cafe là không tốn, các khoản chi kia chỉ là hưởng thụ cá nhân thôi. Một là chú đổi công việc khác nhằm tăng thu nhập, hai là chú phải bỏ luôn hoặc giảm bớt những khoản phí không thiết yếu lại: vé số, ăn vặt, thuốc lá, nhậu nhẹt… Thực tế phần lớn chúng ta đều rơi vào vòng xoáy chi tiền cho những khoản không chính đáng như thế.

Lọ 02 – Quỹ tiết kiệm dài hạn (LTSS) 10%.

Quỹ tiết kiệm dài hạn (LTSS) chiếm 10% nhằm phục vụ cho những mục tiêu lâu dài trong cuộc sống như mua nhà, mua xe, đám cưới, khởi nghiệp, kinh doanh,… không phải là khoản tiết kiệm dành cho những lúc khó khăn. Ý nghĩa của quỹ tiết kiệm dài hạn (LTSS) không phải là bạn kiếm được bao nhiêu mà là bạn giữ lại được bao nhiêu để dành cho những ước mơ và mục tiêu lâu dài. Do đây là khoản tiết kiệm cố định nên bạn cần tách ra khỏi những khoản chi tiêu khác, tốt nhất là sau khi nhận được thu nhập thì hãy gửi ngay vào tài khoản, mở sổ tiết kiệm, nuôi heo đất, hoặc kẹp trong một quyển sách và tránh tiêu lạm vào số tiền này.

Tôi có một thời gian dài làm nghề nhiếp ảnh nên tôi thường thấy các anh em photo “nổi hứng” lên là mua thiết bị studio mới như: đèn mới, lens mới, đổi máy mới… Họ có ý định xong canh gom gom đủ tiền là xách đi mua, không hề có một kế hoạch cụ thể nào cho chuyện tiết kiệm. Chẳng hạn nếu muốn đổi cái máy ảnh mới cần 40 triệu thì từ đầu năm đến cuối năm mỗi tháng hãy trích ra 4 triệu để dành, và phải làm sao có được thu nhập 40 triệu/tháng để có thể tiết kiệm 10% là 4 triệu. Từ chuyện nhỏ xíu là mua một cái máy ảnh vài chục triệu đã không có kế hoạch thì làm sao mà tiết kiệm được tiền cho việc mua nhà, mua xe.

Lọ 03 – Quỹ giáo dục đào tạo (EDUC) 10%.

Quỹ giáo dục đào tạo (EDUC) chiếm 10% thu nhập, với mục tiêu giúp bạn rèn luyện phát triển, nâng cao giá trị bản thân mỗi ngày qua đó nâng cao thu nhập của bạn. Thực tế không có khoản đầu tư nào “hời” và tốt bằng việc đầu tư cho kiến thức của bản thân. Một khi “tầm vóc” của bạn lớn thì lực hấp dẫn cũng lớn theo, bạn sẽ nhận được những cơ hội tốt từ tiền tài, danh vọng, cho đến mối quan hệ hay hạnh phúc. Nếu muốn đầu tư cho giáo dục, bạn nên trích 10% thu nhập góp vào quỹ để đăng ký các khóa học, chứng chỉ, kỹ năng, workshop,… hoặc đơn giản là mua sách, học online hay gặp gỡ, giao lưu với những người thành công từ đó trau dồi kiến thức chuyên môn, tăng cơ hội thăng tiến trong công việc.

Cũng trong lĩnh vực nhiếp ảnh cưới, có một anh photo nổi tiếng chuyên chụp cho những cặp đôi là Việt Kiều, người nước ngoài, thậm chí họ mời anh ra nước ngoài chụp dù chi phí phải trả anh lên đến vài ngàn đô mỗi ngày làm việc. Điều mà giới photo nhìn thấy là anh “rất đắt” bao gồm “chụp đắt tiền” và “đắt show”, tuy nhiên điều họ không thấy là anh đã tốn hàng chục ngàn đô mỗi năm để tham gia các workshop nhiếp ảnh ở Hongkong, Singapore, Thái Lan, thậm chí cả Mỹ, Úc. 

Lọ 04 – Quỹ hưởng thụ (PLAY) 10%.

Quỹ hưởng thụ (PLAY) chiếm 10% nhằm giúp bạn chăm sóc “cái tôi”, cho phép bản thân được hưởng thụ vì đã nỗ lực làm việc, nỗ lực tiết kiệm. Quỹ hưởng thụ mang đến cho bạn cảm giác yêu quý bản thân và gia đình, khôi phục tinh thần, tăng thêm động lực để làm việc. Bí quyết để sử dụng quỹ hưởng thụ là bạn hãy làm những việc khiến bạn có cảm giác mình là người giàu, chẳng hạn: đến những nơi chưa từng đến, ăn những món chưa từng ăn, mua những thứ xa xỉ yêu thích… nhưng giới hạn ở mức 10% thu nhập mà thôi. Kinh nghiệm được chia sẻ là bạn hãy tiêu hết số tiền này vào ngày cuối cùng của tháng này để tăng khả năng đón nhận của bản thân và là động lực phấn đấu cho tháng sau. Trong trường hợp bạn muốn có sự hưởng thụ lớn hơn như du lịch dài ngày ở nơi sang chảnh, đi nước ngoài thì hãy để dành quỹ hưởng thụ theo quý hoặc nửa năm thay vì dùng hết hàng tháng.

Hai vợ chồng tôi có thói quen nhâm nhi cùng nhau mỗi khi hoàn thành một sự kiện Đám Cưới cho khách hàng. Chúng tôi tự thưởng cho bản thân một bữa ăn vài triệu, một chai rượu đắt tiền hoặc mỗi ly bia draft hàng trăm nghìn… tận hưởng cảm giác của người thành công, hài lòng với thành quả mà mình đã đạt được và sẵn sàng cho những thử thách phía trước. À tất nhiên mùa Covid không được làm Đám Cưới thì các khoản hưởng thụ đã cắt bỏ hết rồi nhé, mình có làm được gì đâu để mà đòi hưởng thụ cơ chứ.  Còn một người quen của tôi, anh ấy bảo rằng là “Đã giảm quỹ hưởng thụ xuống còn 3% thôi mà vẫn xài không hết!”, bởi vì thu nhập của ổng khoảng 1 tỷ/tháng nên có 30 triệu cho việc hưởng thụ nhưng do công việc quá bận và không có thời gian dùng tới.

Lọ 05 – Quỹ tự do tài chính (FFA) 10%.

Quỹ tự do tài chính (FFA) chiếm 10% thu nhập được dùng vào việc đầu tư, gửi tiết kiệm, góp vốn kinh doanh, mua bảo hiểm… nhằm tạo nên khoản thu nhập thụ động hoặc phòng hờ các rủi ro trong tương lai, nhờ đó bạn không bị lệ thuộc tài chính của người khác. Quan trọng nhất là bạn không được tiêu xài vào khoản tiền này mà nên để chúng tiếp tục sinh lời, tái đầu tư. Thông qua việc lập quỹ tự do tài chính, bạn đã tạo ra “con ngỗng” đẻ trứng vàng để sử dụng trong những tình huống bất trắc.

Gia đình chúng tôi dùng khoản tiền này để mua bảo hiểm, trước mắt coi đây là một khoản tiết kiệm đến thời điểm phù hợp sẽ rút ra, đồng thời dự phòng cho những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai. Chẳng hạn nếu hai vợ chồng có gặp vấn đề nào đó về sức khỏe thì cũng có bảo hiểm hỗ trợ phần nào. Chuyện bảo hiểm có nhiều ngóc ngách trong đó lắm nhé, ngoài bảo hiểm nhân thọ như nhiều người đã biết thì còn có bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm giáo dục, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm đầu tư… Tốt nhất là hãy tìm hiểu và dành 10% thu nhập cho quỹ FFA này. Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu thêm bài viết sau đây Có nên mua bảo hiểm không? Khi nào cần mua bảo hiểm?.

Lọ 06 – Quỹ chia sẻ, cho đi (GIVE) 5%.

Quỹ chia sẻ (GIVE) chiếm 5% thu nhập, được dùng để hỗ trợ các hoạt động xã hội, thiện nguyện hoặc giúp đỡ người thân và bạn bè đang gặp khó khăn. Quỹ chia sẻ là cách để bạn thể hiện lòng biết ơn đối với cuộc sống này, bởi chính sự cho đi là còn mãi. Tuy nhiên sẽ tùy thuộc vào các khoản thu – chi mà bạn có thể giảm số tiền trong quỹ này xuống 3 – 4% chẳng hạn, nhưng không nên cắt giảm hoàn toàn bởi vì cuộc sống xung quanh ta luôn cần sự sẻ chia. Ngoài ra, còn nhiều cách để bạn thực hiện chia sẻ, không phải cứ cho tiền bạc, tài sản đã là đủ.

Bắt đầu từ hơn 20 năm trước khi còn hoạt động trong lĩnh vực báo chí cho đến sau này kinh doanh riêng thì vấn đề làm công tác xã hội đối với tôi không quá xa lạ. Tuy nhiên còn tùy thuộc từng hoàn cảnh, thời điểm mà tôi sẽ chia sẻ công khai trên mạng xã hội hay là không, nhưng luôn luôn ủng hộ và tham gia bất cứ khi nào điều kiện cá nhân cho phép. Riêng việc tham gia công tác xã hội tôi có viết bài “Hành trình đi theo tiếng gọi trái tim, sống đẹp và có ích bạn có thể tham khảo thêm.

Tóm lại, việc quản lý tài chính là điều mà mỗi cá nhân cần có ý thức và nên bắt đầu làm ngay bây giờ, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh triền miên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của chúng ta hiện nay. Thông qua kinh nghiệm quản lý tài chính cá nhân theo quy tắc chia lọ ở trên, tôi hi vọng có thể giúp bạn quản lý chi tiêu theo cách hợp lý hơn.

BÀI VIẾT GẦN ĐÂY
Contact Me on Zalo