Kinh nghiệm đọc sách hiệu quả dành cho người lười

Kinh nghiệm đọc sách hiệu quả dành cho người lười

Tôi từng là một người lười đọc sách. Tuy nhiên có thời gian tôi ở trong hoàn cảnh mà việc đọc sách là bắt buộc, như muốn tìm hiểu về vấn đề nào đó nhưng không tìm thấy nơi nào dạy hoặc muốn phát triển bản thân và muốn có thêm những kiến thức, kỹ năng mới… Trong giai đoạn bắt đầu đọc sách, thật sự tôi không cảm thấy thoải mái gì cả, chữ nghĩa cứ bay lơ lửng nơi đâu, cứ cầm lên đọc 1 – 2 trang lại đặt xuống, phải hàng tháng trời mới “nhai” xong một quyển. Nếu như bạn đang ở trong tình trạng ấy và muốn cải thiện thì nên đọc những kinh nghiệm đọc sách hiệu quả dành cho người lười sau đây.

Kinh nghiệm đọc sách hiệu quả dành cho người lười.

Kinh nghiệm chuẩn bị trước khi đọc sách.

Hiểu rõ mục đích của việc đọc sách.

Trước khi tìm sách để đọc, bạn cần phải hiểu rõ mục đích của việc đọc sách, đọc để làm gì? Có người đọc sách để học tập, nâng cao kiến thức còn người khác đọc sách nhằm giải trí, giết thời gian. Nếu là nhu cầu giải trí, bạn có thể chọn các thể loại như truyện ngắn, truyện cười, tiểu thuyết,… Còn với nhu cầu học tập sẽ đa dạng hơn, bạn cần hiểu rõ mình muốn nâng cao kiến thức, chuyên môn hay kỹ năng nào: Lịch sử, khoa học, kinh tế, chính trị, đời sống, phát triển bản thân… nhất định phải xác định mục đích đọc sách rõ ràng, tránh việc đọc tràn lan chỉ vừa tốn công sức vừa tốn thời gian mà lại không hiệu quả. Hiểu rõ mục đích đọc sách còn giúp bạn chọn được nội dung phù hợp, chọn được phương pháp đọc hợp lý, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để khai thác vấn đề trong cuốn sách. Tôi ví dụ, cùng là sách nuôi dạy con từ 0 – 5 tuổi nhưng đối với người độc thân, người chuẩn bị lập gia đình, người đang mang bầu và người đang có con trong độ tuổi đó thì thái độ tiếp cận sách hoàn toàn khác nhau. Về chủ đề nuôi dạy con tôi có viết bài “Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc”, bạn có thể tham khảo thêm nếu quan tâm.

Kinh nghiệm chọn sách để đọc.

Kinh nghiệm chọn sách để đọc của tôi là: 

(1) Chọn thể loại mà mình đang quan tâm, gần gũi với đời sống hàng ngày. Bình thường tôi hay đọc sách về Marketing do đây là công việc mà tôi đang theo đuổi, đến lúc chuẩn bị có con thì chuyển sang đọc những đầu sách về chủ đề nuôi dạy con; 

(2) Chọn cuốn sách dễ đọc, các loại sách dành cho người mới bắt đầu. Đặc biệt trong trường hợp bạn là “lính mới” trong lĩnh vực  chọn nhầm sách dành cho người có trình độ cao, nhiều thuật ngữ chuyên ngành sẽ gây khó hiểu và đọc mau nản. 

(3) Đọc theo sự gợi ý của người quen. Ví dụ bạn bè đọc quyển nào đó và khen hay thì tôi sẽ tìm đọc thử. Bây giờ nhờ sự phát triển của Internet chúng ta có thể thông qua sự gợi ý từ cộng đồng, diễn đàn hoặc nhóm đọc sách. 

(4) Đọc theo tác giả. Chẳng hạn khi tôi đọc tác phẩm Luật Trí Não (dành cho trẻ) của tác giả John Medina thấy ấn tượng, cảm nhận cách viết phù hợp với mình nên tìm đọc thêm quyển Luật Trí Não dành cho người lớn của ông. 

(5) Đọc đa dạng. Đến một giai đoạn bạn đọc đủ nhiều và cảm thấy “ngán” sách nói về Marketing thì hãy chuyển sang thể loại khác như tiểu thuyết trinh thám, tản văn, thơ, hay sách nuôi dưỡng tâm hồn… nhằm đổi món.

Cần chuẩn bị gì trước khi đọc sách?

Bên cạnh việc chọn sách phù hợp, bạn còn cần chuẩn bị thêm 03 thứ cần thiết như sau: 

(1) Một quyển sổ tay và bút để ghi chép lại những điều quan trọng trong quá trình đọc; 

(2) Bút tô màu hoặc giấy dán ghi chú giúp đánh dấu những đoạn văn thú vị, trang sách hay. 

(3) Nước uống. Chẳng hiểu sao khi đọc sách chúng ta lại khát nước hơn bình thường. Nếu đứng dậy đi rót nước sẽ dễ gây mất tập trung, sức đọc giảm sút. Vậy chi bằng là mình chuẩn bị sẵn gần bên sao cho khi cần có thể lấy được ngay. 

Ngoài ra, bạn cũng có thể tuyển chọn một danh sách nhạc và thiết bị phát nhạc nếu có sở thích vừa đọc sách và nghe nhạc. Riêng tôi lại không thể tập trung đọc khi có tiếng nhạc trong phòng.

Chọn thời điểm, không gian đọc sách.

Muốn đọc sách hiệu quả bạn cần có sự thoải mái nên việc chọn thời điểm, không gian đọc sách rất quan trọng. Nhiều người chia sẻ nên đọc sách cũng như học bài vào buổi sáng sớm do đây là khoảng thời gian yên tĩnh, cơ thể sau khi được nghỉ ngơi suốt đêm sẽ tiếp thu thông tin một cách tốt nhất. Tuy nhiên bạn hãy chọn một thời điểm “rảnh rỗi” cố định dựa theo lịch sinh hoạt hàng ngày, có thể vào buổi sáng, trưa, chiều hay tối đều được. Tôi thường chọn 02 thời điểm cố định bao gồm:

  • Buổi sáng trong lúc pha cà phê.
  • Buổi tối trước khi đi ngủ.
  • Ngoài ra, tôi luôn mang quyển sách đang đọc dở theo bên người, mỗi khi có thời gian trống hoặc phải chờ đợi điều gì đó thì lôi ra đọc. 

Người ta cũng khuyên rằng không gian đọc sách cần đầy đủ ánh sáng, không nên nằm đọc sách vì dễ gây buồn ngủ… dù điều này là đúng và tốt nhưng lại không phù hợp với tôi. Buổi sáng khi tôi ngồi đọc sách bên ly cà phê thì đúng là “không nằm” và có ánh sáng ngoài trời chiếu vào đầy đủ, nhưng buổi tối tôi lại đọc trên giường trước lúc đi ngủ và nếu ngày hôm đó phải di chuyển nhiều nơi trong thành phố thì tôi đọc sách trên yên xe, vỉa hè, quán cà phê… bất kỳ nơi đâu mà có việc gì đó khiến tôi phải chờ đợi.

Tâm trạng, thái độ khi đọc sách.

Tâm trạng, thái độ khi đọc sách như thế nào là phù hợp? Lưu ý, ngoại trừ bạn đọc sách để giải trí – kiểu giết thời gian, đọc xong quên luôn cũng được – thì khi đọc sách nhằm mục tiêu nâng cao kiến thức đòi hỏi bạn phải tư duy, tập trung cao độ mới mang đến hiệu quả tốt nhất. Bạn hãy chọn đọc sách khi tinh thần minh mẫn và thư giãn, thái độ hào hứng để sẵn sàng thu nạp thông tin, kiến thức mới. Trong trường hợp bạn cảm thấy cơ thể mệt mỏi, tâm trạng không tốt, đọc vài trang thấy đầu óc mình bay lơ lửng nơi đâu thì tốt nhất là gấp sách lại đi ngủ. Hãy nghĩ rằng, việc đọc sách là hình thức “trò chuyện” với tác giả, nếu chúng ta không chuẩn bị thái độ, tâm thế tốt để tiếp thu thì cũng không xứng đáng nhận lại những điều tốt đẹp từ họ.

Đọc sách bằng mắt thay vì bằng miệng.

Bạn hãy đọc sách bằng mắt thay vì bằng miệng do thói quen đọc sách lớn tiếng khiến chúng ta khó tập trung, cũng như làm giảm tốc độ đọc. Khi đọc bằng mắt chúng ta nên tập thói quen nhìn vào giữa trang sách, chuyển động mắt theo chiều thẳng đứng (từ trên xuống) thay vì chuyển động ngang (đuổi theo từng chữ). Biến đổi tốc độ đọc, đoạn nào thấy quan trọng thì đọc chậm, đoạn nào không quan trọng nên lướt nhanh, mục đích là hiểu ý nghĩa của cả đoạn thay vì chú ý từng câu chữ. Trong suốt quá trình đọc, bạn nên đọc “tiến tới” tránh đọc nhảy trở lại nhiều lần, nếu có vấn đề nào khó hiểu thì tô màu, ghi chú để quay trở lại nghiên cứu sau. 

Những phương pháp giúp đọc sách hiệu quả.

Đặt chỉ tiêu theo ngày, tuần, tháng, năm.

Muốn đọc sách hiệu quả, bạn cần đặt chỉ tiêu theo ngày, tuần, tháng, năm. Cụ thể xác định hoàn thành một quyển sách 300 trang trong 2 – 3 tuần hoặc một tháng. Tuy nhiên để làm quen với việc đọc cần tránh đặt mục tiêu quá cao vì dễ gây nản chí. Bạn có thể bắt đầu đọc khoảng 20 trang sách mỗi ngày (tầm 10 – 12 phút) dù ít nhưng duy trì đều đặn để tạo thành thói quen. Khi bắt đầu, tôi thậm chí chỉ dám đặt chỉ tiêu 10 trang dần dần mới tăng lên 40 – 50 trang rồi 100 – 150 trang/ngày, còn hiện giờ tôi có thể “nhai” cả quyển trong nửa buổi sáng nhờ phương pháp đọc nhanh. Việc sắp xếp một khoảng thời gian ngắn 10 – 15 phút để đọc sách cũng phù hợp hơn nếu bạn phải chăm con nhỏ, vì cứ một xíu con lại chạy đến đưa cho bạn một câu hỏi hoặc yêu cầu người lớn giúp đỡ hay đòi chơi cùng.

Áp dụng phương pháp đọc sách nhanh.

Một trong những lý do khiến người ta lười đọc sách là bởi vì đọc mãi mới xong một quyển, nguyên nhân chính khiến tốc độ đọc sách chậm là chúng ta đọc từng chữ một. Thế thì áp dụng phương pháp đọc sách nhanh sẽ giúp bạn giải quyết bài toán tốc độ đọc. Bạn cần luyện tập giúp mắt ghi nhận ít nhất 10 từ trong một lần đọc. Đọc lướt qua nhằm nắm ý chính của cả đoạn văn chứ đừng quan tâm đến từng câu chữ, nếu chỗ nào khó hiểu mới dừng lại và đọc chậm. Phương pháp đọc nhanh giúp bạn hiểu ý đồ của cả đoạn văn, ý nghĩa của một chương và mục đích của quyển sách chứ không phải để bạn thuộc từng câu từng chữ. Nếu bạn giữ được nhịp đọc đều đặn thì càng về sau tốc độ đọc lẫn sự tập trung càng tăng.

Xem mục lục, giới thiệu và kết luận.

Trước khi thật sự đọc sách, bạn nên dành thời gian tìm hiểu về tác giả thông qua tiểu sử, bài phỏng vấn hoặc các thông tin trên báo chí nhằm hiểu hơn khuynh hướng, quan điểm của người viết. Kế đến là xem mục lục, giới thiệu và kết luận ở phần đầu và phần cuối của quyển sách để nắm được tác phẩm này sẽ giải quyết vấn đề gì, cấu trúc nội dung trình bày như thế nào, cách dẫn dắt câu chuyện, người khác bình luận gì về tác phẩm… Chỉ chừng 5 phút đọc là bạn có thể biết trước mục đích của tác giả, hiểu được mình sẽ đồng tình hay phản bác lại luận điểm của người viết. Khi đó thái độ tiếp cận nội dung chi tiết của tác phẩm được rõ ràng hơn.

Ghi chú những nội dung đặc sắc, ấn tượng.

Trong suốt quá trình đọc, bạn nên ghi chú những nội dung đặc sắc, ấn tượng thu nhặt được qua nội dung của sách. Hãy hiểu sách dùng để học nên dù bạn có quý sách đến đâu cũng không cần phải giữ sách “y như mới” để làm gì (ngoại trừ trường hợp muốn bán lại). Bạn có thể ghi chú bằng cách gạch chân, tô màu các đoạn văn ấn tượng, nếu muốn sạch sẽ thì bạn dùng giấy ghi chú kẹp ở giữa các trang sách. Hoặc kỹ lưỡng hơn bạn hãy ghi chép lại vào một quyển sổ tay những thông tin, kiến thức, trích dẫn, câu nói hay… để dễ dàng đọc lại và áp dụng khi cần. Ghi chép cũng là cách giúp bạn “trò chuyện với tác giả”, chẳng hạn quan điểm nào bạn đồng ý hoặc quan điểm nào không đồng ý. Những vấn đề nào bạn cảm thấy chưa thông tỏ, cần ngẫm nghĩ thêm hoặc thảo luận với người có chuyên môn hoặc kinh nghiệm hơn nhằm hiểu rõ tác phẩm hơn. Người ta thường ghi chú những vấn đề sau đây:

  • Các đề mục của tác phẩm.
  • Các luận điểm chính của tác giả.
  • Những câu nói hay, đoạn trích giá trị.
  • Nhận xét, đánh giá của người khác về tác phẩm.
  • Những kiến thức học được từ nội dung sách. 
  • Những điều còn thắc mắc để tìm câu trả lời sau.

Đọc lại sách nhiều lần khi muốn hiểu sâu.

Ở trên tôi có nhắc đến phương pháp đọc sách nhanh nhằm nắm các ý chính, sự việc chính… Tuy nhiên phương pháp đọc nhanh dẫn đến nhiều nhược điểm, chẳng hạn không đi sâu vào nội dung cụ thể, không có thời gian để làm rõ các luận điểm. Do đó, bạn cần đọc lại sách nhiều lần khi muốn hiểu sâu, sau đây là một số cách đọc lại:

  • Đọc trọng điểm hoặc từng phần: Đọc lại những đoạn đã được lưu ý từ trước giúp tập trung thời gian, sức lực cho các nội dung quan trọng và cần thiết.
  • Đọc nghiền ngẫm nội dung cuốn sách: Đọc lại từng nội dung, từng vấn đề với sự xem xét, tìm hiểu cặn kẽ, kết hợp đối chiếu với những kiến thức, kinh nghiệm đã có hoặc từ các tài liệu, sách khác có cùng chủ đề.
  • Đọc nông hay đọc thụ động: Đọc lại nhưng tuân theo sự dẫn dắt của tác giả. Đồng ý và chấp nhận hoàn toàn những quan điểm, đánh giá vấn đề của tác giả.
  • Đọc sâu hay đọc chủ động: Tương tự như cách đọc nghiền ngẫm, đọc sâu đòi hỏi bạn phải luôn đối chiếu, đánh giá quan điểm của tác phẩm dựa trên kiến thức, kinh nghiệm, nhận thức và tình cảm của mình.

Tóm lại, trong lần đọc đầu tiên bạn hãy ghi lại những chỗ chưa hiểu hoặc chưa rõ ràng để có thể quay lại đọc lần thứ hai, lần thứ ba, thứ tư…

Ứng dụng bài học từ sách vào đời sống.

Việc áp dụng kiến thức, kinh nghiệm “thu lượm” từ sách thể hiện hiệu quả của việc đọc sách. Nếu bạn không biết ứng dụng bài học từ sách vào đời sống thì cũng bằng không, dù có đọc cả 100 hay 1000 cuốn sách đều vô tác dụng. Do đó lời khuyên sau khi bạn đọc một cuốn sách cảm thấy thú vị thì hãy liên kết, ứng dụng vào trong đời sống của mình. Tùy từng thể loại sách mà bạn sẽ có cách áp dụng phù hợp, đối với sách theo chủ đề giáo dục, cung cấp kiến thức và kỹ năng thì bạn hãy bắt đầu thực hành hoặc nếu đó là truyện ngắn hay tiểu thuyết thì bạn có thể nhập vai một nhân vật, nhờ đó dễ dàng hiểu và áp dụng những bài học, ý tưởng trong cuốn sách vào thực tiễn. Chẳng hạn tôi vốn yêu thích thể loại sách phát triển bản thân nên sau khi đọc Luật Trí Não (John Medina) đã áp dụng được nhiều kinh nghiệm hay ho và thú vị vào đời sống. Và tôi luôn xem hành trình phát triển bản thân là mục tiêu của một đời người.

Tóm tắt nội dung sách bằng đoạn văn ngắn.

Bí quyết nào giúp nhớ sách lâu sau khi đọc? Một trong những phương pháp đọc sách tuyệt vời mà tôi được hướng dẫn và áp dụng đó là tóm tắt nội dung sách bằng đoạn văn ngắn. Nên hiểu rằng tóm tắt không phải là viết lại nội dung của cuốn sách, do đó bạn không cần sở hữu năng khiếu viết văn mà chỉ cần gạch đầu dòng những điểm quan trọng cần nhớ, nó tương tự như là công đoạn ghi chú trong quá trình đọc sách, nhưng được tổng hợp đầy đủ hơn qua bản tóm tắt. Để tóm tắt sách, bạn không nhất thiết phải dùng văn viết mà có thể áp dụng bất kỳ hình thức nào hỗ trợ nhớ lâu, chẳng hạn như viết bản đồ tư duy (mindmap). Có thể nói bản đồ tư duy là tuyệt chiêu giúp bạn nhớ được đến 80% nội dung cuốn sách, hấp thụ phần lớn kiến thức chỉ trong một vài ngày.

Đọc sách giúp mang đến nguồn kiến thức khổng lồ, sách không đơn giản chỉ là vài trang giấy với những con chữ khô khan mà còn là người bạn, người thầy đồng hành cùng chúng ta trong nhiều khía cạnh của đời sống. Mặc dù trước đây tôi lười đọc sách nhưng do hiểu rằng có nhiều điều mình không được học ở trường lớp, không biết nơi nào có thể dạy cho mình nên tôi đã tìm đến với sách và chiến thắng được “cơn lười” của bản thân. Tôi hy vọng những kinh nghiệm đọc sách hiệu quả dành cho người lười ở trên cũng phù hợp dành cho bạn.

BÀI VIẾT GẦN ĐÂY
Contact Me on Zalo