Hành trình đi theo tiếng gọi trái tim, sống đẹp và có ích

Hành trình đi theo tiếng gọi trái tim, sống đẹp và có ích.

Tôi tin rằng sâu thẳm trong mỗi người luôn có “mầm thiện lành” ở đó sẵn sàng nảy hạt, đâm chồi vào thời điểm phù hợp. Nhất là giai đoạn sau 30, khi chúng ta đã va chạm ngoài xã hội đủ nhiều, có thể đã trải qua một vài mối tình, đã lập gia đình hay có con cái thì tự nhiên cảm nhận được mọi việc theo hướng sâu sắc, chứa đựng tình yêu thương nhiều hơn. Với tôi đó chính là hành trình đi theo tiếng gọi trái tim, sống đẹp và có ích mà chúng ta nên dành cho nhau, cho cộng đồng ở xung quanh ta.

Hành trình đi theo tiếng gọi trái tim, sống đẹp và có ích.

Hiểu đúng về từ thiện, thiện nguyện, hoạt động xã hội.

Tìm hiểu công tác xã hội là gì?

Hoạt động xã hội là việc làm của các tổ chức, cá nhân với mục đích mang lại quyền và lợi ích hợp pháp cho con người và xã hội, chẳng hạn những hoạt động như: cứu đói, khắc phục thiên tai, bảo vệ môi trường, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, bảo vệ người cao tuổi, bảo vệ quyền con người, huấn luyện kỹ năng sống, kỹ năng xã hội, hỗ trợ người bị xã hội chối bỏ, cai nghiện, hòa nhập xã hội, phục hồi chức năng, hòa giải văn hoá, sức khỏe tâm thần, trị liệu hành vi và khuyết tật, phát triển đạo đức cá nhân, phát triển cộng đồng, phát triển nông thôn, điều chỉnh mức độ đô thị hóa, pháp y, chỉnh đốn, pháp luật, quan hệ lao động,… là tất cả những hoạt động nhằm đảm bảo phát triển xã hội, đem lại cuộc sống hạnh phúc, tươi đẹp hơn cho con người.

Nếu bạn tham gia bất kỳ hoạt động nào tương tự như trên có thể hiểu là bạn đang làm công tác xã hội. Ngoài những cá nhân, tổ chức tự nguyện tham gia hoạt động xã hội thì công tác xã hội còn là một ngành khoa học, một nghề nghiệp chuyên môn đòi hỏi người làm nghề công tác xã hội phải được đào tạo về kiến thức chuyên ngành và kỹ năng chuyên môn.

Từ thiện và thiện nguyện là gì?

Hoạt động từ thiện là gì? Từ lâu chúng ta đã quen gọi hành động dùng tiền bạc, tài sản để hỗ trợ, cứu giúp người khó khăn, yếu kém là “từ thiện”, hay nói theo cách khác từ thiện nghĩa là đem tiền cho người nghèo, nhưng thực sự không đơn giản như vậy. Khi tìm hiểu kỹ chúng ta sẽ thấy “Từ” mang ý nghĩa thương yêu, từ bi, nhân từ và xuất từ tâm tức lòng thương; “Thiện” có nghĩa là tốt lành. Nếu ghép lại thành “từ thiện” nghĩa là làm việc tốt bằng sự yêu thương từ tâm, còn những việc làm tốt nhưng không xuất phát từ tình thương thì không nên gọi là “từ thiện”. Nhằm phân biệt với những người nghĩ rằng họ đang làm từ thiện nhưng cuộc sống hàng ngày vẫn liên quan đến chuyện tham nhũng, gian dối, bóc lột người khác… để có được tiền bạc, tài sản đó. Vậy sự giúp đỡ người khó khăn nhưng không xuất phát từ tình yêu thương chân thật thì gọi là gì? Theo tôi đó là “thiện nguyện”.

Hoạt động thiện nguyện là gì? Thiện nguyện là từ để gộp chung các hành động dù hướng đến điều tốt lành nhưng ẩn chứa bên trong có động cơ, chẳng hạn vì mặc cảm tội lỗi nên muốn đền đáp, vì mục đích truyền thông, để nối tiếng hơn, để tăng ảnh hưởng xã hội và chính trị, thậm chí là để rửa tiền… Dù với động cơ nào thì cũng không sao cả, bởi vì chúng vẫn xuất phát từ ý tốt lành và vẫn có người thật sự khó khăn được hưởng lợi. Nói như vậy để chúng ta đừng tự thần thánh hóa việc làm “từ thiện” của mình hay tự khoác lên chiếc áo từ bi, bởi vì đó là sự dối trá với bản thân và cộng đồng. Trên góc nhìn cá nhân, dù là “từ thiện” hay “thiện nguyện” thì tôi đều không dám nhận, tôi luôn xem những việc mình làm là “hoạt động xã hội” và đơn giản chỉ là như vậy thôi. Đồng thời là một người theo chủ nghĩa khắc kỷ, tôi ủng hộ tất cả những hoạt động mang đến lợi ích hợp pháp cho con người và xã hội, bất kể việc làm đó được xuất phát vì động cơ gì.

Để tham gia hoạt động xã hội cần làm gì?

Tôi đã tham gia công tác xã hội nào? 

Kể từ hơn 20 năm trước, tôi có cơ hội làm việc tại một tòa soạn báo dành cho giới trẻ, nhờ vậy mà được tham gia nhiều hoạt động xã hội cùng cơ quan, doanh nghiệp, các nhãn hàng và cả người nổi tiếng… Đến khi mở công ty riêng được hơn mười năm thì cũng lần lượt trải qua nhiều hình thức hỗ trợ và tài trợ khác nhau. Cá nhân tôi không ngại ngần đóng góp công sức, vật chất cho các quỹ, chương trình hay những đợt cứu trợ dựa theo khả năng của mình như vận động xây dựng thư viện sách cho trẻ em nghèo, ra Miền Trung hỗ trợ bà con bị lũ lụt, vận động tài trợ cho trẻ em lang thang cơ nhỡ, mái ấm tình thương… nhưng chủ yếu là hoạt động âm thầm chứ tôi không chia sẻ gì trên mạng xã hội. Tôi luôn xem việc làm của mình là sự biết ơn dành cho những điều tôi đã có được trong đời sống hiện tại và muốn san sẻ một phần với người khó khăn hơn. Đồng thời, dành một phần thu nhập cho các hoạt động xã hội cũng được tôi chia sẻ qua bài Kinh nghiệm quản lý tài chính cá nhân theo quy tắc chia lọ.

Hoạt động xã hội của tôi trong mùa Covid. 

Cho đến khi dịch Covid bùng phát trở lại khiến TP.HCM và nhiều tỉnh thành phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ Thị 16, tôi mới chia sẻ nhiều thông tin trên Facebook với mục đích: 

  • Lan tỏa tinh thần tích cực, giá trị tốt đẹp của những người đã xông pha ở tuyến đầu chống dịch; 
  • Khích lệ động viên những người ở nhà giữ bình tĩnh, tinh thần lạc quan để cùng phối hợp chống dịch.

Các hoạt động xã hội tôi đã tham gia trong mùa Covid như là:

  • Đóng góp cho Quỹ Vaccine Phòng Chống Covid-19.
  • Tham gia giải chạy Run for Vaccine do VNExpress tổ chức để quyên góp cho Quỹ Vaccine.
  • Tham gia bếp nấu cơm 0 đồng phục vụ bệnh viện và dân cư ở khu cách ly.
  • Tham gia tiếp nhận thông tin cứu trợ của nhóm Phản Ứng Nhanh Sài Gòn – Chống Covid (PUNSG).
  • Vận động người thân, bạn bè quyên góp ủng hộ cho Quỹ PUNSG và bếp 0 đồng.
  • Lan tỏa năng lượng tích cực, gương người tốt việc tốt trong giai đoạn u ám vì dịch.

Hoạt động của Phản Ứng Nhanh Sài Gòn là gì? 

Đối với các công việc của nhóm Phản Ứng Nhanh Sài Gòn thì tôi chỉ là một tình nguyện viên, đầu tiên tôi nhắn tin cho cô em Thái Phương Thanh hỏi rằng: “Anh có thể giúp được gì cho em không?”. Rồi Thanh mới trả lời lại rằng, anh có thể đi vác gạo được không, anh có đi phụ bếp được không, anh có thời gian giúp em tiếp nhận thông tin cứu trợ không… Đại ý việc nào em Thanh cần mà tôi cảm thấy khả năng của mình đáp ứng được thì nhận làm. Một phần do dịch diễn tiến phức tạp, di chuyển khó khăn nên chủ yếu các anh em trao đổi qua tin nhắn và điện thoại chứ cũng không có điều gặp trực tiếp, và tôi hiểu rằng Thanh rất bận (mỗi ngày nghe và trả lời 300 cuộc điện thoại) nên cũng không tiện hỏi cụ thể công việc của PUN là gì. 

Sau đây là những công việc mà tôi biết PUN đang làm:

  • Hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm cứu trợ miễn phí (bằng xe tải). Bất cứ ai cần vận chuyển gạo, rau củ, bữa ăn… nhằm mục đích cứu trợ thì đều tìm cách đáp ứng. Cụ thể công việc này được thực hiện bởi một đội 80 xe tải do chính các anh sếp, chủ doanh nghiệp cầm tay lái và tự góp tiền để đổ xăng dầu.
  • Hỗ trợ vận chuyển đồ bảo hộ, kính chắn giọt bắn, dụng cụ y tế, nước suối, thực phẩm do mạnh thường quân gửi đến cho các bệnh viện, bệnh viện dã chiến.
  • Tổ chức bếp 0 đồng phục vụ bữa ăn cho các bệnh viện dã chiến, các chốt cách ly và đội ngũ phòng chống dịch… Theo thông tin tôi nắm là hiện tại PUN có 02 bếp với công suất 4000 phần/ngày. Bản thân tôi cũng chỉ phụ việc được cho 01 bếp nên ở bên bếp còn lại không nắm rõ, và ở Sài Gòn hiện nay có hàng trăm điểm bếp 0 đồng với công suất khác nhau.
  • Tiếp nhận thông tin khu dân cư cần cứu trợ gồm lương thực thực phẩm cho người lớn, sữa, tã cho trẻ em… rồi trực tiếp tổ chức phân phát quà cứu trợ tận nơi.
  • Tổng hợp danh sách những điểm cần cứu trợ thành file và chia sẻ cho các hội, nhóm thiện nguyện khác để cùng nhau chung tay cứu trợ cho người dân.
  • Phân phối nguồn lương thực thực phẩm bao gồm gạo, rau củ, trứng… đến những bếp 0 đồng khác để các bếp này nấu cơm cung cấp cho bệnh viện, khu dân cư bị cách ly.

Tất cả những hoạt động trên Thanh báo cáo rất đầy đủ trong Group Phản Ứng Nhanh Sài Gòn, Chống Covid, bạn có thể theo dõi chi tiết tại đây.

Muốn tham gia công tác xã hội phải làm sao?

Gần đây khi biết tôi đang làm công tác xã hội, nhiều bạn nhắn tin hỏi rằng muốn tham gia làm cùng có được không, cần thủ tục gì… tôi đều nhắn tin trả lời riêng và hướng dẫn đầy đủ rồi. Trường hợp bạn muốn tham gia công tác xã hội thì cũng đơn giản thôi, hãy theo dõi một cá nhân hoặc một nhóm nào đó mà bạn biết họ đang làm công tác xã hội, rồi nhắn tin hỏi trực tiếp. Hãy xuất phát với mục đích thiện lành, người ta giao việc gì thì mình làm việc đó, không ngại khó ngại khổ, không đòi hỏi phải có điều kiện này điều kiện kia. Ban đầu tôi cũng nhắn tin cho nhiều người trước khi hỏi PUN, ví dụ: Nhóm Sài Gòn Mình Thương Nhau của vợ chồng bạn Minh Quang Võ ở Thủ Đức, Nhóm Sài Gòn Lang Thang của bạn Tú Nguyễn ở Bình Tân. Nội dung tin nhắn là “Ủa, ông ơi! Tôi có thể phụ giúp được gì cho ông không?”. Đó, vậy thôi rồi chờ người ta trả lời.

Thông qua các công tác xã hội đang làm, tôi cảm nhận rằng mình cũng góp phần lan tỏa tình thương, sự tử tế đến với những người thân và bạn bè của mình. Tất cả cùng nhau góp một phần mong sao Sài Gòn mau khỏi bệnh để chúng ta sớm trở lại nhịp sống bình thường như trước: 

  • Anh Ninh Dương Khang Thọ nhờ tôi chuyển 5 triệu cho bếp PUN.
  • Em Khánh Ly Ngô nhờ tôi chuyển 200k cho bếp PUN.
  • Anh Hoàng Bách cùng vợ và bạn bè góp cho bếp PUN 500kg thịt gà.
  • Em Phan Nguyễn Bảo Uyên nhờ tôi chuyển 200kg bắp nếp, 22 lít nước mắm cho bếp PUN trong khi em cũng khó khăn, đang ở trọ và một mình nuôi 02 con nhỏ.
  • Bạn Bách Trịnh gửi cho PUN 30 thùng sữa để tặng trẻ em xóm nghèo. Đồng thời tham gia làm tình nguyện viên tại bệnh viện dã chiến do bệnh viện thiếu người mặc dù ở nhà có vợ và con nhỏ.
  • Vợ chồng bạn Mẹ Bé Diệp tuy không góp trực tiếp cho PUN mà huy động người thân, bạn bè mua rau củ Đà Lạt về phân phát cho bà con khu phố theo phương châm “hết tiền thì thôi” trong khi vẫn đang nuôi 03 con nhỏ.
  • … Và còn nhiều người tốt việc tốt khác mà tôi không tiện kể tên.

Nguyên tắc của tôi từ xưa đến giờ là “không nhận tiền bạc, tài sản” trực tiếp nhằm tránh những lùm xùm không đáng có. Bản thân tôi chỉ là một chiếc cầu nối mà thôi, nếu bạn muốn giúp đỡ nhưng không biết ai cần giúp, ở đâu thì tôi sẽ chỉ để bạn đến trực tiếp. Hoặc bạn muốn góp tiền thì góp vào quỹ, giao tận tay… còn bạn mà chuyển tiền riêng cho tôi là sai sai rồi đó. Chẳng hạn bạn muốn ủng hộ bếp PUN thì tôi cho địa chỉ giao hàng đến tận bếp, bạn muốn góp tiền quỹ PUN thì chuyển vào tài khoản của Thanh. 

Tuy rằng mỗi người đều có một cuộc đời riêng để sống, nhưng tôi tin sâu thẳm ở bên trong chúng ta là một trái tim hướng thiện, mong muốn điều tốt đẹp sẽ đến với người khác. Vì thế tôi mong ngoài việc sống cho bản thân và gia đình, chúng ta cũng nên đóng góp cho xã hội để cuộc đời này thêm ý nghĩa. Không một ai dám khẳng định mình chưa từng nhận sự giúp đỡ của người khác và hành trình đi theo tiếng gọi trái tim, sống đẹp và có ích là điều bất kỳ ai cũng cần làm.

BÀI VIẾT GẦN ĐÂY
Contact Me on Zalo