Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

Ít người biết việc tôi trở thành một ông bố, do tôi không chia sẻ chuyện đời tư công khai trên Facebook cá nhân là TMC Cường, nên dù con đã lớn nhưng chỉ vài người bạn thân thiết nắm thông tin mà thôi. Trong thời gian ở nhà nhiều do dịch, tôi nghe mọi người xung quanh tâm sự rằng “nuôi con cực quá”, “vất vả quá”, kể từ khi có con thì “không còn thời gian cho bản thân” và “stress liên hoàn” với những trò nghịch ngợm do con bày ra… điều đó trái ngược lại với hoàn cảnh ở nhà tôi. Mặc dù là đàn ông và trong hai vợ chồng thì là tôi người chăm con chính nhưng lòng tôi luôn tràn ngập tình thương, niềm vui và còn muốn dành thời gian ở bên con nhiều hơn nữa, hoàn toàn không thấy khó chịu, stress gì cả. Tôi và vợ luôn cảm thấy mình may mắn trên hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc và biết đâu khi tôi chia sẻ kinh nghiệm này có thể giúp ích cho bạn.

Mục Lục

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

Hoàn cảnh của tôi, con và gia đình ra sao?

Con phát triển đúng mong muốn của tôi.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

(Hai cha con pha nước mắm để chấm bánh cuốn)

Trong mắt của những người làm cha mẹ, ai mà không thấy con mình dễ thương, con mình giỏi, con mình ngoan và là nguồn động lực phấn đấu của mình. Tuy nhiên trong suốt quá trình nuôi con thì nhiều người cảm thấy sao mà vất vả quá, stress quá vì vậy mà hay than. Gia đình tôi cũng rất tự hào khi con phát triển đúng với mong muốn của cả cha và mẹ, nhưng khác ở chỗ là hai vợ chồng không bị stress bởi việc nuôi con. Ngược lại căn nhà luôn tràn ngập tiếng cười bởi những trò nghịch ngợm, lời nói và sự đáng yêu của con. Phương Pháp Giáo Dục Montessori của Tiến sỹ Ngô Hiểu Huy trang 38 viết rằng: “Yêu một người là thích ở bên cạnh người ấy, cho nên những người đang yêu nhau thì lúc nào cũng muốn ở bên nhau. Nếu như một người chỉ cho bạn vật chất mà không dành thời gian ở bên bạn thì bạn không nên lấy người ấy, bởi vì người ấy không thật sự yêu bạn. Đối với trẻ cũng vậy, nếu bạn chỉ đáp ứng nhu cầu về vật chất cho trẻ, mà không dành thời gian quan tâm chăm sóc theo dõi quá trình phát triển và trưởng thành của trẻ thì bạn đã không làm tròn trách nhiệm của người làm cha làm mẹ”.

Bố là người chăm sóc chính cho con.

Kể từ khi vợ – người bạn đời của tôi mang thai, tôi nói với vợ là “Em chỉ cần sanh con thôi. Chuyện chăm con để anh lo!”. Khi tôi mạnh dạn nói lên câu ấy, chưa hề có kinh nghiệm làm bố nào trước đây, nhưng thật may mắn là cho đến hiện tại tôi vẫn giữ được lời hứa của mình. Tôi chỉ mong mỗi ngày vợ có thời gian 1 – 2 tiếng để chơi cùng con, đọc sách, dạy hát cho con chẳng hạn. Còn những việc khác như chăm sóc con, tắm cho con, nấu cơm, cho con ăn, đi chơi với con, dạy con… tôi đều chủ động được hết. Tôi đã chứng kiến có bà mẹ tức giận đến mức la hét, mắng con, thậm chí doạ đánh con. Những phản ứng tiêu cực này ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ, lâu dần sẽ trở thành một vòng tuần hoàn tiêu cực, khiến cho cả hai mẹ con đều cảm thấy mệt mỏi. Vì thế tôi cũng mong bài viết được nhiều ông bố đọc hơn là các bà mẹ, với hi vọng cánh đàn ông chúng ta có thể phụ giúp, hỗ trợ thậm chí là gánh vác việc nuôi con thay cho vợ. Để câu tục ngữ “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” trở thành câu nói cổ lỗ sĩ.

Tôi vẫn làm công việc Marketing mỗi ngày.

Chuyên môn của tôi hiện nay là làm Marketing, các công việc bao gồm: Thiết kế Website, chạy quảng cáo Google Adwords, Facebook Ads, Content Marketing, quay phim, chụp ảnh… đa phần là lao động trí óc nên cần nhiều thời gian ngồi làm việc trên máy tính. May mắn là tôi có thời gian tự do và được làm việc tại nhà, vì thế bận chăm con nhưng không ảnh hưởng nhiều đến công việc. Đồng thời, tôi là người ủng hộ quan điểm “Sách có thể để mấy năm sau hãy đọc, công việc có thể để mấy năm sau hãy làm. Thế nhưng, tuổi thơ của trẻ chỉ có một lần, khi đã trôi qua thì không thể quay lại được” – Phương Pháp Giáo Dục Montessori, Ngô Hiểu Huy, trang 86. Đại ý là điều mà con cần bây giờ không phải là bố mẹ đi kiếm tiền thật nhiều để đáp ứng cho con một cuộc sống đầy đủ, sung túc hay chuẩn bị tiền để con vào đại học, mà là tình yêu thương và sự gần gũi của cha mẹ hàng ngày. Dù không phải là một ông bố xuất sắc, nhưng tôi nguyện cùng lớn lên với con của mình.

Chuẩn bị tinh thần chào đón con ra sao?

Cùng nhau xây dựng concept nuôi con.

Khi vừa biết tin có bầu, cả hai vợ chồng thống nhất là sẽ đi mua sách về nuôi dạy con để đọc cho có kinh nghiệm, cũng như thống nhất về concept nuôi dạy con. Bệnh nghề nghiệp của một đứa làm Marketing và một đứa làm Wedding Planner là cái gì cũng phải có concept. Hai vợ chồng cùng thảo luận rằng không kỳ vọng rằng con phải có tài năng, phải thông minh hay lớn lên thành đạt gì hết, quan trọng nhất là con có cuộc sống vui vẻ, khỏe mạnh, hạnh phúc. Về sau tôi bổ sung thêm một ý nữa là mong con lớn lên trở thành người “hiểu chuyện, biết cảm thông với người khác”. Từ đó concept nuôi dạy con được hình thành với 03 điểm chính là “khỏe mạnh, hạnh phúc, hiểu chuyện”.

Chia nhau đọc sách mẹ bầu, nuôi con.

Kể từ giai đoạn mang bầu, vợ tôi sưu tầm đem về nhà số lượng kha khá sách nói về chăm sóc mẹ bầu, dinh dưỡng, nuôi con, dạy con như: Hướng dẫn mới về mang thai và chăm sóc bé từ sơ sinh đến 5 tuổi (Penny Stanway), Phương pháp giáo dục Montessori dành cho trẻ từ 0 – 6 tuổi (Ngô Hiểu Huy), Luật trí não dành cho trẻ từ 0 – 5 tuổi (John Medina), Cùng con bước qua thời kỳ nhạy cảm 3 – 6 tuổi (Lý Tĩnh), Con nghĩ đi mẹ không biết (Thu Hà), Mẹ sẽ không bỏ con ở lại (Dương Thanh Nga)… đến mức phải đặt riêng một cái kệ cho chủ đề này. Khi có sách rồi chúng tôi liền phân công cho nhau đọc, vợ đọc quyển này xong sẽ tóm tắt ý chính, kể lại những điều hay ho cho chồng nghe và ngược lại. Mới đầu việc đọc sách xuất phát từ ý tưởng của vợ, nhưng tôi phải công nhận rằng đọc sách nuôi con thật sự hữu ích, đã gỡ rối bao nhiêu là vấn đề, giúp mình hiểu biết và điều chỉnh hành vi cho phù hợp. Chẳng hạn tại sao bình thường con đang ngoan ngoãn lại trở chứng khó chịu và “hư” như vậy? Đến khi hiểu ra đó chính là Wonder Weeks (những tuần lễ khủng hoảng) thì tôi “biết điều” mà nhường nhịn con hơn. Nhờ các lợi ích từ sách nên sau này vợ chồng tôi đã đem tặng lại cho bạn bè và người thân đang cần. Nếu bạn gặp trở ngại với việc đọc sách hãy xem thêm bài viết “Kinh nghiệm đọc sách hiệu quả dành cho người lười” của tôi để tham khảo.

Giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan cho mẹ bầu.

Nhờ vào việc đọc sách, tôi hiểu rằng tinh thần của người mẹ trong lúc mang bầu có sự ảnh hưởng lớn đến tính cách của con khi sinh ra. Kể từ đó tôi ý thức rằng mình không thể là nguyên nhân làm vợ buồn, vừa tránh để vợ rơi vào trạng thái buồn bã, khóc lóc do người khác hay những tác động từ ngoại cảnh. Thực tế công việc Tổ Chức Sự Kiện – Cưới Hỏi của chúng tôi vốn hay stress, áp lực từ khách hàng, đối tác cho đến kế hoạch bị thay đổi xoành xoạch nên khó tránh khỏi những chuyện bực mình. Khi biết vợ không vui thì mình an ủi, tâm sự, đưa đi ăn, đi xem phim, tối về nấu nước ấm ngâm chân, massage… làm tất cả những gì có thể để vợ cảm thấy dễ chịu, thoải mái nhất. Nếu vợ có cảm xúc tiêu cực, tôi nhắc “Em có muốn sau này con ra đời mặt con nhăn như khỉ giống em bây giờ không?”, vợ nghe mình nói thì cũng nhận ra và nỗi buồn giảm bớt đi.

Áp dụng các phương pháp thai giáo.

Nhờ vào việc đọc sách, cả hai vợ chồng cũng hiểu thêm về thai giáo (giáo dục bố mẹ về thai nhi) để mà áp dụng. Chẳng hạn như việc mở nhạc du dương, nói những điều nhẹ nhàng với nhau cho con nghe thay vì cứ nói chuyện oang oang theo thói quen. Trước giai đoạn mang bầu, hai vợ chồng có sở thích xem phim hành động, riêng tôi lại còn thích xem phim kinh dị, phim ma… Đến khi biết trong bụng vợ đang có con, tôi bỏ luôn không xem phim nữa, bởi vì nếu người mẹ bị giật mình thì con cũng cảm nhận được nỗi sợ hãi qua nhịp tim của mẹ. Thay vào đó, buổi tối hai vợ chồng mở nhạc, đọc sách cho con nghe. Việc đọc sách giúp con làm quen với giọng nói của cha mẹ, và nếu đọc đúng một khung giờ mỗi ngày sẽ giúp con hình thành thói quen. Ở những tháng cuối thai kỳ, mỗi lần tôi cất giọng đọc con liền cựa quậy, đạp chân vào bụng mẹ giống như muốn tương tác với người lớn vậy. Đợt đó tôi đọc sách về kinh doanh tên là Từ Tốt Đến Vĩ Đại của tác giả Jim C. Collins và trêu vợ là chắc sau này con sẽ làm doanh nhân, nhưng tạm thời thì con nghiêng về các môn nghệ thuật nhiều hơn. Trong sách Luật trí não dành cho trẻ Giáo sư John Medina đưa ra kết luận nghe nhạc Mozart không hề giúp trẻ trở nên thông minh hơn, tôi tin vào học thuyết này nên dù mở nhạc cho con nghe hàng ngày nhưng không phải vì muốn con trở thành thần đồng tương lai.

Giữ vệ sinh cho con giai đoạn sơ sinh.

Mấy năm qua khi gặp nạn Covid, chúng ta mới có thói quen rửa tay sát khuẩn còn vợ chồng tôi đã bắt đầu sử dụng dung dịch sát khuẩn Aniosgel 85 NPC kể từ khi con chào đời, đồng thời đảm bảo nghiêm ngặt một số điều kiện vệ sinh cho con như sau:

  • Cho đến nay chưa một người lớn nào được hôn con kể cả cha mẹ, ông bà. Nếu thấy cưng quá, ghiền quá thì bặm môi lại hít một hơi, miễn làm sao không chạm môi (nước bọt) trực tiếp vào làn da của con và cũng phải chờ khi con hơn 06 tháng mới được làm như vậy.
  • Luôn luôn rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn khi chạm vào con trong suốt 12 tháng đầu đời.
  • Người lớn phải chuẩn bị trang phục riêng để mặc ở nhà. Khi đi ngoài đường về cần tắm sạch và thay trang phục ở nhà rồi mới chơi với con, cho đến nay vẫn áp dụng vì đã trở thành thói quen rồi.
  • Cho đến hiện tại con vẫn sử dụng đũa, muỗng, chén, ly nước riêng không chung đụng với người lớn. Không có chuyện người lớn vừa ăn uống, vừa đút cho con bằng chính cái muỗng, cái chén mình đang ăn. Tất nhiên không chấp nhận người lớn đã ăn dở một món nào đấy mà lại đút cho con ăn phần thừa còn lại.
  • Trang bị máy giặt, máy sấy riêng để giặt đồ cho con, đồ người lớn thì gửi tiệm giặt dịch vụ bên ngoài đến hết 24 tháng.
  • Khử khuẩn khăn lau, bình sữa, ly, chén, muỗng của con bằng nước sôi đến hết 24 tháng.

Thực sự chúng tôi không biết là nhờ phương pháp nào, do giữ vệ sinh tốt, dinh dưỡng tốt, hay sức đề kháng của con tốt mà con hiếm khi bị ốm vặt, nếu tiêm phòng vaccine về cùng lắm chỉ sốt hâm hấp nửa buổi là hết.

Hành trình cùng con trưởng thành trong hạnh phúc.

Luôn xem con như một người bạn nhỏ.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

(Khám phá thế giới tự nhiên, cây cối hoa cỏ xung quanh nơi sinh sống)

Nhiều bậc làm cha mẹ hay thắc mắc là làm sao để trở thành bạn của con, vợ chồng tôi cũng dành nhiều thời gian suy nghĩ về vấn đề này. Thực ra chúng ta đâu cần đợi con lớn hẳn rồi mới tìm cách mà không làm bạn với con ngay từ bây giờ, khi còn bé xíu xiu? Vì thế cả hai vợ chồng thống nhất sẽ áp dụng phương pháp giáo dục sớm trong quá trình nuôi dạy con. Chẳng hạn giải thích với con như nói chuyện với người lớn, kể chuyện với con như là kể với người lớn, bằng giọng nói bình thường nhưng có tông dịu dàng chứ không giả giọng trẻ em để nói chuyện với con.

Từ lúc con bé xíu chỉ vài tháng tuổi mà như nhiều người nói là “tuổi không biết gì” thì tôi đã bế con ra vườn, kể chuyện với con như một người bạn: Đây là đất để trồng cây này có màu nâu nâu, còn đây là cây non tức là cây còn nhỏ này, giống như con bây giờ đó. Cây sẽ hút chất dinh dưỡng từ đất để phát triển, phát triển tức là lớn lên, giống như hàng ngày mẹ cho con bú sữa đấy. Cây mà lớn thì sẽ cao và mọc nhiều lá hơn này, lá thì có màu xanh. À! Cái lá này có màu nâu vì bị con sâu bướm ăn rồi này mà sâu bướm là từ trứng của bướm… 

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

Đại ý một chi tiết mất 5 – 10 phút “giảng bài” là chuyện bình thường, ông bố cứ huyên thuyên như người điên còn mặt ông con thì ngơ ngác chẳng hiểu ông này ổng nói cái gì. Điều này được Tiến sỹ Ngô Hiểu Huy chia sẻ tại trang 128, sách Phương Pháp Giáo Dục Montessori: “Mẹ nên nói chuyện với trẻ từ khi trẻ được sinh ra, nói với trẻ về con người, sự việc và sự vật quanh trẻ”. Chúng tôi vẫn áp dụng phương pháp này từ khi con vừa ra đời cho đến giờ, nhờ vậy mà thấy con hiểu biết nhiều hơn, mạnh dạn đặt câu hỏi mỗi khi thắc mắc.

– Con: “Tại sao bạn chó này lại bị cụt đuôi vậy bố?

– Bố: “Bạn chó này bị cụt đuôi có thể là do hai nguyên nhân con nhé. Nguyên nhân đầu tiên là bạn bị cụt đuôi bẩm sinh, tức là khi ở trong bụng của mẹ thì đã cụt đuôi rồi. Nguyên nhân thứ hai là có thể bạn sinh ra với đuôi dài nhưng do bạn gặp tai nạn như bị xe tông vào hay là bị gãy đuôi…

Tôi nhận thấy khi mà mình trả lời “đàng hoàng” và “thành thật” thay vì qua loa thì con dần xem mình là một người bạn lớn đáng tin cậy. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao của người làm cha như tôi. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn về phương pháp giáo dục sớm, bạn có thể đọc thêm bài viết “Giáo dục sớm là hành trang giúp con vào đời thêm vững vàng”.

Dạy con nói lời “Cảm ơn” và “Xin lỗi”.

Cảm ơn!” và “Xin lỗi!” là những điều chúng tôi ưu tiên dạy cho con với mong muốn con lớn lên trở thành người “hiểu chuyện”. Biết ơn để ghi nhận những điều mà người khác mang đến cho mình, cũng như xin lỗi vì những thứ mình gây phiền toái cho người khác. Để tạo thành thói quen cho con thì người lớn phải thực hành với nhau trước, mỗi bữa ăn cả nhà sẽ mời nhau theo kiểu của người Bắc thời xưa và cảm ơn người đã nấu bữa ăn ngon, cảm ơn người pha sữa, cảm ơn người rót nước cho uống, cảm ơn người gấp quần áo,… Một hôm tôi chở con đi chợ, lúc qua chỗ gửi xe con nhắc “Bố cảm ơn chú chưa bố?”, nghe xong thấy xấu hổ với con ghê vì tôi quên cảm ơn người ghi phiếu xe, liền quay sang nói “Bố xin lỗi nhé, bố quên mất. Cảm ơn chú!”. Thế nên đừng có nghĩ chỉ có cha mẹ dạy con, nhiều khi con đang dạy lại cha mẹ đấy chứ.

Nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho con.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

(Cùng nhau xem sách Bách Khoa Tri Thức Cho Trẻ Em)

Vợ chồng tôi biết rằng mình không thể dõi theo con từng bước trong cuộc đời mà bản thân con phải tự bước. Muốn vậy trước mắt cần rèn cho con kỹ năng tự học để sau này ra đời có khả năng tự lập, tự quyết định cuộc đời của mình. Việc tự học sẽ trở nên đơn giản hơn một khi con có tình yêu với sách, sách có thể giúp con tự do khám phá, tìm hiểu những điều hay trong cuộc sống thay vì cha mẹ phải kè kè kèm cặp, ép buộc con học theo ý mình. May mắn là chúng tôi đã nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho con từ khi trong bụng mẹ thông qua quá trình thai giáo. Lúc con chào đời biết nhìn nhận sự việc, chúng tôi đọc cho con bộ 06 quyển sách ảnh Bé Học Tiếng Việt 100 từ mới (NXB Hội Nhà Văn) về rau củ, trái cây, con vật, xe cộ,… tiếp theo là các bài ca dao, đồng dao, thơ ca, rồi con được tặng quyển Bách Khoa Tri Thức Cho Trẻ Em nên hiện giờ đang học quyển này. Nhờ thói quen đọc sách từ bé mà bây giờ cứ nhìn thấy sách là con túm tay “Bố đọc sách này cho con đi bố”. Chúng tôi cảm thấy vui bởi hạt mình gieo trồng đã được nảy mầm mà hoàn toàn không đặt mục tiêu con phải nhớ hay thuộc gì cả, mọi thứ cứ để cho con được tự nhiên.

Dạy con qua các bài thơ, ca dao, đồng dao.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

(Khám phá thiên nhiên, hoa cỏ mỗi khi có dịp)

Khả năng ngôn ngữ, trí tưởng tượng và hành vi ứng xử của con phát triển từ rất sớm nhưng tôi không biết chính xác là nhờ vào điều gì, tỷ lệ ảnh hưởng chiếm bao nhiêu phần trăm, mặc dù vậy tôi tin sức ảnh hưởng của những bài ca dao, đồng dao, thơ cho trẻ em là rất lớn. Tôi muốn dành lời cảm ơn đến tác giả của các quyển như Đồng dao tiềm thức cho bé tập nói, tập đọc (NXB Dân Trí); Thơ cho bé tập nói; Vui học thành ngữ, tục ngữ, ca dao bằng tranh (NXB Phụ Nữ Việt Nam)… và nhiều tựa sách do lâu rồi nên bây giờ tôi không còn nhớ chính xác nữa. Tất cả đã mang đến cho tôi một phương pháp dạy con thú vị, chẳng hạn như muốn con không chơi ngoài nắng tôi sẽ đọc: 

Bé này bé ơi, 

Đừng chơi đất cát,

Hãy vào bóng mát,

Khi trời nắng to.

(Trích bài thơ “Bé ơi” – Tác giả: Phong Thu).

Nhìn thấy con chuẩn bị thò tay ngắt lá cây, bứt bông hoa thì tôi đọc:

Này các bạn nhỏ,

Đừng hái hoa tươi,

Hoa yêu mọi người,

Nên hoa kết trái.

(Trích bài thơ “Hoa kết trái” – Tác giả: Thu Hà).

Có thể nói suốt quãng thời thơ ấu, con được điều chỉnh hành vi ứng xử bằng ngôn ngữ thơ ca, còn tôi một cách tự nhiên thuộc được rất nhiều bài thơ, ca dao tục ngữ mà nếu như không có con thì chắc chẳng bao giờ thèm ngó ngàng đến. Thật biết ơn con vì điều đó.

Tránh xa thiết bị điện tử càng lâu càng tốt.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

(Tạo thói quen tập thể dục tại nhà cùng với Mẹ)

Từ khi internet và các thiết bị công nghệ phát triển, tôi cảm thấy rất buồn hay chính xác hơn là đau lòng trước cảnh trẻ em dán mắt nhìn vào màn hình điện thoại, tivi và những trò game… tôi và vợ liền bàn nhau làm sao giúp con tránh xa thiết bị điện tử càng lâu càng tốt. Một trong những biện pháp được đưa ra là bố mẹ phải siêng năng vận động, chăm tập thể dục thể thao để cho con có hình mẫu nhìn vào rồi học theo. Thông qua việc bố mẹ thay đổi lối sống, xây dựng thói quen vận động không những truyền cảm hứng giúp con ngày càng yêu thích vận động mà còn có “tác dụng phụ” là cả hai vợ chồng tôi đều đã thay đổi được ngoại hình, từ thừa cân béo bụng trở nên thon gọn hơn.

Làm sao để giảm cân hiệu quả và an toàn?

(Mẹ của bé đã thay đổi ngoại hình từ người bên trái sang người bên để truyền động lực cho con).

Cũng nhờ không tạo thói quen xem video nên bé nhà tôi rất thờ ơ với các loại điện thoại, ipad,… thậm chí nếu con nhìn thấy ba mẹ chăm chú làm việc quá liền buông lời nhắc nhở “Mẹ đừng quan tâm đến điện thoại/máy tính nữa!”. Tất nhiên chúng tôi hiểu là mình không thể nào cản được mãi, nhưng hiện tại con yêu thích các trò chơi vận động, dành nhiều thời gian khám phá thế giới tự nhiên xung quanh là một thành công nho nhỏ của gia đình tôi, và cố gắng giữ càng lâu càng tốt.

Cho con một cuộc sống gần gũi thiên nhiên. 

(Hai Bố con cầm đèn pin đi soi côn trùng vào ban đêm thay vì ngồi dán mắt vào màn hình TV)

Trước đây gia đình tôi sống ở trung tâm thành phố để thuận tiện cho công việc của hai vợ chồng, lúc con hơn 01 tuổi thì chúng tôi quyết định dời nhà đến chỗ mới, không phải là về miền quê hẳn vì chỉ cách trung tâm khoảng 25km nhưng cũng gần gũi với thiên nhiên hơn. Chuyển nhà là một quyết định khó khăn, do chúng tôi sống trong trung tâm đã lâu đi đâu cũng dễ dàng nên quen với chuyện ấy rồi, còn bây giờ phải mất thêm mấy tiếng đồng hồ để đi và về, tuy vậy mà có một cuộc sống bình yên và vui vẻ hơn nhiều. Ở ngoại thành, mỗi buổi chiều hai cha con có cơ hội cùng nhau đi khám phá ra cánh đồng, đi qua những cầu, con đò, rặng dừa nước,… Buổi tối khi mưa vừa tạnh có thể cầm đèn pin đi soi cóc, ếch, nhái, ốc sên,… giúp con hiểu biết thêm được bao nhiêu điều thuộc về tự nhiên.

Giúp con phát triển tự nhiên và sáng tạo.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

Xung quanh nơi tôi sống có rất nhiều thứ để cho con chơi, chẳng hạn như là nghịch đất, bốc cát, đào hang, làm đập ngăn nước… nếu theo suy nghĩ của người thành phố thì đa phần đó là những trò chơi dơ, không được vệ sinh nhưng nhà tôi “phê duyệt” hết bởi vì “Trẻ học điều hay thì ngại gì vết bẩn”. Chuyện “chơi dơ” không phải đợi đến khi con lớn hay ra ngoại thành mà ngay từ lúc còn nhỏ xíu ở nhà phố trong trung tâm, trên sân thượng trồng nhiều loại rau thì hàng ngày con cũng được người lớn hướng dẫn làm vườn như trồng rau, tưới rau, nghịch đất… nghịch là chính còn làm thì được bao nhiêu đâu nhưng quan trọng là cái tinh thần. Chơi vui là được. 

Không cần thiết cho con đi học sớm.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

Xã hội Á Đông thường xem trọng trí thông minh hay năng lực của con người hơn là phẩm chất và sự hạnh phúc, điều này không phù hợp với concept của hai vợ chồng tôi là mong muốn con “khỏe mạnh, hạnh phúc, hiểu chuyện”. Chúng ta thường được truyền thông rằng từ 0-6 tuổi là giai đoạn vàng cho sự phát triển của trẻ, và phần lớn là tập trung phát triển để phát triển trí thông minh thông qua toán học, ngoại ngữ… nhưng đối với tôi thì đây cũng là giai đoạn vàng để phát triển các phẩm chất như là sự nhân ái, chân thành, thấu hiểu, đồng cảm, chính trực, lạc quan, kiên nhẫn, vượt khó, biết ơn, dũng cảm, đam mê, tập trung, quyết tâm, trách nhiệm, khiêm tốn, cẩn thận, bền bỉ, khoan dung, trung thành,…

Chúng tôi thống nhất là 01 năm trước khi vào lớp 1 thì mới cho đi học mẫu giáo, còn hiện tại cứ ở nhà “chơi mà học học mà chơi”, gia đình uốn nắn rèn luyện là chính không cần thiết phải nhờ đến trường lớp. Thực tình, tôi không có ý chê bai gì chuyện “đi học” bởi vì chúng ta phải đi làm nên việc gửi con là cần thiết, không phải ai cũng làm việc tại nhà giống như tôi. Ngoài ra, lý do gửi con đến trường còn vì có cô giáo, bạn bè cho con có cơ hội sinh hoạt, giao tiếp xã hội. Tuy nhiên theo xu hướng hiện nay, phần lớn cha mẹ mong muốn con biết đếm, biết đọc, biết viết và nói được ngoại ngữ từ nhỏ thì đó không phải là mục tiêu của chúng tôi. Khi con dưới 05 tuổi, tôi hướng cho con (1) Vận động thể chất và rèn luyện sức khỏe thông qua chạy nhảy, leo trèo, chơi thể thao; (2) Phát triển tình cảm và liên kết xã hội nhận biết người quen, chào hỏi, lễ phép với người lớn, biết phụ giúp việc nhà, biết quan tâm, chia sẻ; (3) Phát triển ngôn ngữ như nói chuyện rõ ràng, truyền đạt đủ thông điệp, sử dụng câu từ lịch sự, âm giọng dịu dàng với mọi người xung quanh; (4) Tìm hiểu khoa học, nghệ thuật thông qua các hoạt động vui chơi, khám phá các đồ vật, các chất liệu, cây cối thiên nhiên, động vật, côn trùng,… để từ đó có được (5) Khả năng sáng tạo, đam mê, độc lập. Việc học hành sau này bình bình thôi miễn sao con sống hạnh phúc và lương thiện là được.

Hạn chế nói “không”, công thức 20/80.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

Vợ chồng tôi cho rằng, nếu người lớn sử dụng một cách thiếu kiểm soát từ “Đừng!”, từ “Không!” sẽ vô tình tạo nên rào cản tâm lý với con. Hơi chút là con nghe câu “Đừng làm vậy chứ con!”, “Con không được đụng vào cái đó!”… Dần dần khiến con cảm nhận cha mẹ lúc nào cũng “hết ngăn cái này đến cấm cái kia”, lớn lên thay vì chia sẻ cho người lớn con lại chọn im lặng vì biết nói ra sẽ bị ngăn cản. Trong khi đó người lớn mất thời gian canh chừng, mà nếu con không nghe lời thì lại nổi cáu rồi stress… Vì vậy nhà tôi áp dụng công thức “80% việc con được làm 20% việc không được làm” nhằm giảm bớt tâm lý bị cấm cản cho con và cha mẹ cũng đỡ đau đầu. Quyết định trên cũng buộc gia đình phải thay đổi phong cách sống theo xu hướng tối giản, bỏ bớt các đồ dùng, thiết bị không cần thiết nhất là những đồ vật có khả năng gây nguy hiểm, chẳng hạn không trang bị gương soi, không cửa kính phòng tắm, không bàn kiếng salon, không tivi… Ưu tiên những thứ mà con có thể sờ, cầm chơi một cách thoải mái. Có một bộ sách nói về Nguyên lý 80/20 hay còn gọi là nguyên tắc Pareto của tác giả Richard Koch mà bạn nên tham khảo thêm vì chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc này trong nhiều mặt của đời sống.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

(Hình ảnh này có thể không phù hợp với một số gia đình có niềm tin sâu sắc với tâm linh, nhưng xin đừng quá nặng nề bởi vì con đã xin phép Ông Địa rồi và hành động của con hoàn toàn mang ý tốt).

Giai đoạn con dưới 04 tuổi, chúng tôi hiếm khi nào dám mời họ hàng hay bạn bè tới chơi bởi vì trong nhà có bao nhiêu chén bát rồi đũa là con đập bể hoặc bẻ cho bằng hết. Việc bẻ đũa đối với con rất đơn giản, chỉ cần nhét đầu đũa vào khe cửa hoặc lỗ trên ghế rồi bẻ quặt ra sau thế là nó gãy. Bởi vì đó là một trò chơi của con (mặc dù không hay ho gì) nhưng tôi không cản, không la mắng mà chỉ giải thích thôi, bảo là “Nếu con cứ bẻ như thế này thì đến lúc nhà mình không còn đũa để ăn cơm đâu”. Còn bà ngoại tới nhà chơi là bố mẹ sẽ bị quở, bà nói là cho con chơi đũa thì sau này nghèo lắm, cũng may bà không biết chuyện con thường xuyên “dọn nhà” cho Ông Địa.

Giải thích cho con những thứ gây nguy hiểm.

Trong số 20% những việc chúng tôi nói “Không!” với con, cấm con làm là những thứ gây nguy hiểm bao gồm:

  • Ổ điện, thiết bị điện.
  • Khu vực bếp, các vật nóng.
  • Dao, kéo,.. 
  • Thủy tinh,…
  • Máy tính, tivi, ipad, điện thoại,…

Vừa răn đe vừa giải thích rất kỹ lưỡng cho con, lập đi lập lại nhiều lần trong một khoảng thời gian dài, kết hợp với một số hình phạt nặng nếu lỡ phạm phải. Thật may mắn là con rất hiểu chuyện, tuy nhiên cha mẹ phải luôn để mắt và phòng bị cẩn thận như bịt ổ điện, cất dao, thủy tinh… ở chỗ khuất, kín đáo, khó lấy.

Dạy con có trách nhiệm về việc làm của mình.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

(Đồ vật nào ở trong tầm tay là con được chơi, miễn là sau khi chơi con có trách nhiệm dọn dẹp trở về chỗ cũ).

Bên cạnh đó, còn có những điều nguy hiểm khác gây ra bởi cách chơi và sinh hoạt của con như chạy nhảy, trèo cao rồi té ngã, kẹp tay vào cửa, làm đổ bể đồ đạc… Trường hợp này tôi luôn giải thích và tìm cách thị phạm để con hiểu, chẳng hạn khi con trèo thì tôi không cấm nhưng canh chừng để đỡ cho con một phần. Thực ra mình có thể đỡ để con hoàn toàn không bị đau nhưng nếu vậy thì con không có bài học, vì vậy chỉ đỡ phần nào thôi còn vẫn cho đau một chút để có kinh nghiệm. Tôi nghĩ khi còn nhỏ việc con vấp ngã rồi tự đứng dậy giống như “tiêm vaccine” giúp con cứng cáp hơn, bởi sau này thất bại ở ngoài đời còn nặng nề hơn nhiều. Mỗi lần con bị đau tùy theo mức độ để mà xử lý nhưng đa phần là chỉ an ủi bằng lời nói rằng đau một chút rồi sẽ hết, đồng thời sẽ hỏi “Vì sao mà con bị đau?”, “Có phải là do con không cẩn thận không?”, “Thế con đã xin lỗi bức tường chưa?”, “Tường cũng bị đau lắm nhưng tường không biết nói như con đấy thôi”. Tuyệt đối không tập cho con tính ăn vạ, đổ thừa tại bức tường, tại cái bàn cái ghế, tại cục đá trên đường mà con đau, cũng như con tự làm đau thì phải tự chịu không có chuyện ôm ấp trong lúc con nhõng nhẽo.

Chơi vận động mạo hiểm có kiểm soát.

Từ nhỏ con đã chơi các trò vận động mạo hiểm lớn hơn so với lứa tuổi như là trèo cây cao, nhảy hoặc tuột từ trên cao xuống, đu dây,… và luôn hoàn thành một cách khéo léo. Việc người lớn không hỗ trợ giúp con không ỷ lại và có sự phòng bị tốt. Khi đó con hiểu rằng nếu ngã xuống sẽ rất đau và nếu đau phải tự chịu nên cần khéo léo, cẩn thận và biết lượng sức mình. Tôi giúp con luyện tập kỹ năng chơi mạo hiểm từ lúc nhỏ bằng một số cách như:

  • Cho con được tự do leo trèo nhưng ở dưới trải thảm nhựa để nếu có ngã thì đỡ đau; 
  • Cho con đu tay trên xà ngang khi nào không chịu nổi thì tự buông tay ngã xuống, khi con giỏi thì nâng mức xà lên cao thêm chút nữa; 
  • Khi chơi trong hồ trẻ em tôi để con tự chơi nếu có ngã, sặc nước, hay uống vài ngụm rồi sẽ tự biết cách đứng dậy…

Câu hỏi là người làm cha mẹ khi chứng kiến cảnh đó có đau lòng không? Có chứ. Nhưng phải hiểu rằng chúng ta không thể theo sát, bảo bọc con mãi được mà con cần tự học lấy bài học của mình. Lúc còn nhỏ thì bài học dễ, khi lớn thì bài học sẽ càng khó hơn. May mắn là lúc nhỏ con được học trong sự kiểm soát của người lớn.

Bày tỏ cảm xúc, luôn động viên khích lệ con.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

Cả hai vợ chồng cùng học cách bày tỏ cảm xúc, nói ra lời yêu thương con mỗi ngày, nhiều lần trong ngày. Tôi thường thì thầm vào tai con “Con hãy luôn nhớ, lúc nào bố cũng yêu con, thương con, nhất nhất nhất trên đời!”, “Con hãy bình tĩnh, đừng sợ gì cả, đã có bố ở đây rồi!”, “Con hãy cố gắng lên, bố tin là con làm được mà!”, “Lần sau con hãy cẩn thận nhé, không muốn con bị đau đâu, bố con thương con lắm lắm!”… Mới đầu thấy mình nói giống như trong phim vậy, cứ ngượng ngượng miệng thế nào, nói riết mấy năm trời lại thành quen, ngày nào không nói với con như vậy cảm giác thấy thiếu thiếu cái gì đó. 

Chuyện từ hồi con hai tuổi rưỡi, một hôm quan sát con chơi ở công viên gần nhà, trong các bạn chơi cùng có em Miu mới 22 tháng tuổi. Em Miu hay bắt chước anh leo trèo nhưng trèo lên cao thì Miu khóc, con mới nói: “Miu ơi đừng sợ, có anh ở đây rồi!”, nghe mà tự hào quá luôn. Một lần khác tôi bị dao cắt vào tay chảy máu nên dán băng cá nhân ở chỗ đau, con nhìn thấy và ôm cánh tay tôi và nói “Bố đừng đau nữa nha, con không muốn bố bị đau đâu. Con thương bố lắm!” xong rồi hôn lên má tôi một cái. Muốn tan chảy luôn. Tất nhiên vợ tôi là phụ nữ thì cô ấy còn “sến” hơn nhiều, tôi biết ơn vợ vì vợ đã luôn là một người sống tình cảm và lan tỏa yêu thương cho gia đình.

Không to tiếng hay quát tháo với con.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

(Con đứng khoanh tay xin lỗi “bạn tủ lạnh” vì đòi lấy đồ ăn nhưng không được đồng ý nên nổi giận, dùng dây nịt đánh “bạn tủ lạnh”.

Từ khi con sinh ra đến giờ, tôi luôn dùng sự dịu dàng để nói chuyện với con, không lớn tiếng hay quát tháo con cho dù chuyện con gây ra có bực mình đến đâu. Giọng nói quen thuộc và dịu dàng không những tạo cho trẻ cảm giác an toàn, mà còn làm cho trẻ thấy yên bình. Ở giai đoạn ẩm ương mà người ta gọi là khủng hoảng tuổi lên ba, cảm xúc của con chưa được kiểm soát tốt vì thế nhiều khi gặp việc gì đó không hài lòng con thường gào khóc, thậm chí bộc phát thành bạo lực, chẳng hạn cắn hay dùng tay tát bôm bốp vào mặt bố. Những khi đó, tôi chỉ nhẹ nhàng đặt con xuống và hỏi là “Bây giờ con bình tĩnh chưa?”, “Bố có làm gì con đâu”, “Con tát bố mạnh quá làm bố đau rồi này!”. Tôi giải thích một chút thì con hiểu ra, tự cảm thấy có lỗi, dấy lên tình thương với bố lại ôm và dùng tay vuốt ve vào chỗ vừa đánh bố xong. Càng lớn thì con càng thể hiện tình cảm một cách chủ động và tinh tế hơn, khiến người lớn nhiều lần rơm rớm vì cảm động. Không chỉ riêng với con mà tôi cũng dùng sự dịu dàng đối xử với vợ nên hai vợ chồng không khi nào phải to tiếng với nhau, mà qua đó con cũng học được cách để đối xử với phụ nữ về sau.

Những việc cần kỷ luật và hình thức phạt.

(Giờ nào việc đó, ăn ra ăn chơi ra chơi. Nếu hết giờ ăn cơm thì nhịn đói.)

Trong số 20% những việc con không được làm, cần phải đưa vào khuôn khổ kỷ luật mà chúng tôi cùng thống nhất áp dụng cho con như sau:

  • Đồ ăn không phải là đồ chơi. Đồ chơi không phải là đồ ăn. 
  • Giờ nào việc đó. Ăn ra ăn mà chơi ra chơi.
  • Bữa cơm phải ngồi ăn nghiêm túc tại bàn, nếu hết giờ cơm thì nhịn ăn.
  • Nếu đã không ăn cơm thì không được uống sữa, không được ăn quà vặt.
  • Không mang thức ăn, đồ uống lên giường.
  • Không đến gần, sờ vào: dây điện, ổ điện, thiết bị điện, bếp, dao, thủy tinh,…
  • Không cầm, sờ vào máy tính, tivi, ipad, điện thoại,…
  • Phân biệt đâu là đồ vật của nhà mình có thể đụng vào, đâu là đồ vật của người khác không được đụng vào.
  • Khi muốn mượn một món đồ nào đó để chơi cần hỏi ý kiến của người lớn xem có được phép hay không.

(Hình phạt được áp dụng phổ biến nhất là cho con ở một mình để suy nghĩ về việc làm, hành động của mình.)

Kèm theo là một số hình phạt, lúc con còn nhỏ nói chưa hiểu nhiều thì tôi phạt bằng roi, khẽ vào tay hoặc mông. Sau này con lớn tôi thấy việc dùng bạo lực không tốt mà cũng không hiệu quả, nên bỏ hình thức phạt roi thay vào đó là:

  • Phạt ở một mình để suy nghĩ.
  • Phạt úp mặt vào tường.
  • Phạt không nói chuyện.
  • Phạt tịch thu đồ chơi.

Theo tôi, cha mẹ không nên phạt con trong cơn tức giận, với nỗi bực dọc, chán ghét và bất lực của bản thân mà hãy tập làm sao để mình có thái độ bình tĩnh nhất khi phạt con. Liệu rằng chúng ta có hiểu được hậu quả của việc làm khi tức giận hay không? Không phải cứ quát ầm lên hay làm con đau về thể xác, tinh thần, tâm lý… có nghĩa là mình đang “thắng” đâu. Mỗi lần phạt con tôi đều nói chuyện với giọng nhỏ nhẹ, dịu dàng, phân tích cho con biết chỗ đúng chỗ sai rồi mới phạt. Tôi thường giải thích cho con là “Con hãy nhớ phạt và yêu thương là hai việc khác nhau”, “Bố luôn yêu con nhưng nếu con hư thì vẫn bị phạt”, “Dù bố phạt con nhưng lúc nào bố cũng yêu con”. Sau khi phạt xong thì hai bố con ôm nhau, nói lời yêu thương với nhau… hơi khác với kiểu quát tháo, la mắng con ầm ầm như các cụ ngày trước. Nguyên tắc pháp dụng hình phạt của tôi là:

  • Thưởng phạt phân minh và kiên định.
  • Trừng phạt mau lẹ, dứt khoát.
  • Giải thích luật lệ.

Trẻ không nghịch ngợm mới là điều đáng lo.

(Trò chơi xếp hình ngọn núi bằng chăn mền khăn gối).

Quan điểm của vợ chồng tôi là “sợ nhất khi con không nghịch”, nếu một bữa thấy con không nghịch ngợm, không lanh lợi là hiểu con đang mệt, sắp bệnh tới nơi rồi. Do đó chúng tôi khuyến khích con chơi tất cả mọi trò nào mà không nguy hiểm. Chơi làm dơ nhà cũng được, nếu dơ thì dọn và tiện thể học luôn cách lau dọn nhà. Chơi hư đồ đạc cũng được, nếu hư thì sửa rồi học luôn cách sửa, còn người lớn cảm thấy tiếc tiền thì hãy sống tối giản bớt mua sắm lại. Khi con dùng bút tô màu vẽ lên tường, tôi nghĩ con cứ vẽ đi rồi 3 – 5 năm nữa con lớn hẳn thì bố mẹ sơn lại nhà sau. Khi con mang các lọ gia vị xuống đổ vào cái xoong và nói “Để con nấu đồ ăn cho cả nhà mình!”, tôi cảm ơn con và hướng dẫn thêm rằng nấu ăn cho muối, cho tiêu từ từ từng ít một thôi nếu không sẽ mặn và cay lắm. Tôi tin rằng con “nghịch” hơn nhiều em bé khác nhưng suy nghĩ theo hướng trên giúp chúng tôi không bị stress khi thấy con “nghịch”. Thậm chí tôi không xem đó là nghịch mà là trải nghiệm và khám phá.

Mọi đứa trẻ đều yêu nước, chơi nước giỏi.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

(Công viên nước tại gia, mỗi ngày 2 – 3 đợt xả nước)

Tôi để ý thấy mọi đứa trẻ đều thích nghịch nước nên cho con chơi với nước từ còn trong tháng. Lúc mới sinh thì tắm trong thau, 03 tháng tuổi cho đeo phao ở cổ bồng bềnh trong nước, kể từ lúc chập chững biết đi là tôi mang về một cái hồ bơi bằng hơi đặt trên sân thượng, mỗi ngày 02 lần sáng và chiều con được ngồi chơi trong hồ, khi lớn hơn chút nữa thì xuống hồ bơi cùng người lớn, nhờ vậy mà con rất yêu nước, nghĩ ra đủ các kiểu chơi với nước. Hứng nước đổ ra sàn nhà, bắt chước bạn cá bơi trên bờ là trò chơi yêu thích của con trong suốt mấy năm trời. Tôi nghĩ rằng nhà bừa thì dọn, nhà ướt thì lau, nếu có bong mấy miếng gỗ lót sàn cũng chẳng sao, mà bong thì thay. Suy nghĩ như vậy khiến cho mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn, nói theo kiểu vui vui là từ khi có con “mỗi ngày lau nhà 800 lần”, còn vợ tôi thì nói rằng “Ủa! Nhà mình thành cái công viên nước từ khi nào vậy?”, và tiền nước tháng nào cũng tăng gấp đôi so với bình thường.

Luôn tôn trọng ý kiến và lựa chọn của con.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

(“Cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Ông bố luôn mặc áo 24/7, còn con lại thích cởi trần, dù có khuyên mặc áo thì cũng chỉ được một chốc lát rồi tự cởi ra.)

Ông bà hay có câu “Chuyện người lớn, con nít ranh biết gì!”, thanh niên 17 – 18 tuổi vẫn thường bị nói như vậy huống chi là nhỏ tuổi hơn, nhưng nếu mình muốn trở thành bạn của con thì phải khác đi. Nhà tôi tôn trọng lựa chọn của con ngay từ nhỏ, nếu chưa biết nói có thể đưa ra lựa chọn bằng cách chỉ chỏ, lớn lên thì thể hiện bằng lời nói. Từ những chuyện như là “Con muốn uống sữa bằng bình hay bằng ly?”, “Con muốn mặc quần dài hay quần đùi?”, “Con có muốn bố cắt nhỏ miếng thịt này ra cho dễ ăn hay không?”,… Giờ con đã lớn hơn xưa hiểu biết nhiều rồi, trong nhà lâu lâu lại có tiếng phát biểu “Ý của con là…” làm cho cả nhà thấy rất là dễ thương, vui mừng vì con biết cách thể hiện chính kiến riêng. 

Mọi việc con làm đều quan trọng và cần thiết.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

(Con muốn đạp lên cọng rau muống để nghe tiếng nó nổ như thế nào và nó “bẹp dí” ra làm sao).

Người lớn vốn có tính áp đặt, thường xem quyết định của mình mới là đúng đắn, còn việc con làm là chuyện trẻ con, không mang ích lợi gì mà lại mất thời gian. Một lần hai cha con đi khám phá trên đường về nhà thì trời sắp tối, nhìn thấy một bạn ốc sên bò ra vệ đường nên con muốn đưa bạn vào lại đám cỏ. Cách con làm là tìm một chiếc lá cây đặt xuống đường chờ cho ốc sên bò vào rồi mới đem chiếc lá vào bụi cỏ. Thực ra con đã nhiều nhìn thấy bố mẹ thị phạm trước đó với các bạn giun đất, bọ dừa, sâu Phượng… nên bắt chước. Tôi thấy chuyện chăm con nhỏ đòi hỏi người làm cha mẹ phải rất kiên nhẫn, dành nhiều thời gian cùng con trải qua những việc cỏn con như vậy. Tuy rằng nhỏ với người lớn nhưng suy nghĩ của con thì tất cả đều là việc quan trọng, vì thế cũng quan trọng đối với tôi.

Người lớn phải xây dựng uy tín với trẻ con.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

(“Bố đồng ý cho con mang nước lên bàn chơi, nhưng chơi xong con phải tự lau bàn nhé!”).

Hay nói cách khác là người lớn phải giữ lời từ việc lớn tới việc nhỏ và qua đó tập cho con cách giữ lời hứa. Hàng ngày tôi và con thường có những giao kèo nho nhỏ với nhau, nếu bố làm việc này thì con làm việc kia, hoàn thành kết quả tốt sẽ được cho chơi cái gì, hoặc được thưởng điều gì đó. Ví dụ như: “Nếu con tắm sạch sẽ rồi mặc quần áo gọn gàng thì sẽ được ăn kẹo”, “Nếu con ăn tối nghiêm túc thì con sẽ được mang món đồ này ra chơi”, “Nếu con đồng ý đi ngủ sớm thì bố sẽ vào phòng kể chuyện cho con nghe”… Mỗi lần giao kèo xong, con rất hăng hái thực hiện nhiệm vụ, tất nhiên nếu con đã giữ đúng lời thì cha mẹ cũng phải có uy tín. Nhờ áp dụng phương pháp này mà hiện nay khả năng “thương lượng” của con giỏi nhất nhà, và bố mẹ vẫn cảm thấy may mắn khi con hứa chuyện gì thì luôn giữ lời chứ không lật kèo.

Không mua sắm nhiều đồ chơi cho con.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

(Tự do khám phá những đồ vật có sẵn trong nhà)

Thú thực nhà tôi chưa bao giờ mua đồ chơi cho con, những thứ đồ chơi như xe mô hình, robot, đồ điều khiển… hoàn toàn không có. Mặc dù vậy con vẫn có một số đồ chơi được thừa hưởng từ các anh chị, từ bạn của bố mẹ mua tặng và cả những món đồ chơi của cậu từ 20 năm trước để lại (giờ cậu 25 tuổi). Chúng tôi thấy như vậy cũng đủ rồi. Một phần lý do khiến chúng tôi chưa muốn cho con chơi đồ chơi là bởi vì trong nhà đã có quá nhiều thứ để chơi. Ví dụ cái thùng giấy có thể làm thành xe chở hàng, cái thau, cái chai nhựa có thể đựng nước, cái rổ có thể rửa rau, cái ống nhựa thì để dẫn nước, cái chổi lúa dùng để quét nhà… Tuy nhiên tôi thường chia sẻ với con “Bố sẽ làm cho con một cái hồ cá, rồi bố sẽ trồng thêm bông súng và rong rêu, xong bố sẽ thả cá vào cho con chơi”, hoặc là “Sắp đến mùa mưa rồi này, bố sẽ mua cho con một cái đèn pin để hai bố con mình đi soi côn trùng vào ban đêm, con có thích không?”. Tôi thấy nếu con được tiếp xúc trực tiếp với những đồ vật mà con có thể dùng trong sinh hoạt sẽ thú vị hơn nhiều so với đồ chơi mô hình chứ. May mắn là con luôn cảm thấy thú vị với những đồ vật có sẵn trong nhà.

Cho con được chơi mọi thứ có trong nhà.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

(Thoải mái chơi những đồ vật nào có thể tự di chuyển)

Quyết định cho con được chơi mọi thứ có trong nhà khá phù hợp khi kết hợp với những quan điểm nuôi dạy con khác mà chúng tôi đang áp dụng như:

  • Không mua sắm nhiều đồ chơi cho con. 
  • Giúp con phát triển tự nhiên.
  • Hạn chế nói “Không!” với con. 
  • Mang đến lối sống tối giản, gần gũi với thiên nhiên cho gia đình. 

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

(Con được tùy ý di chuyển bất cứ đồ đạc nào ở trong nhà nếu vừa sức).

Cụ thể là con được tùy ý di chuyển bất cứ đồ đạc nào ở trong nhà nếu vừa sức với con, chẳng hạn bàn, ghế, kệ, tủ… nếu chơi xong người lớn sẽ hướng dẫn cách dẹp vào chỗ cũ. Nhờ lối sống tối giản giúp chúng tôi loại bỏ những đồ dùng không thật sự cần thiết, chỉ giữ lại những thứ mà con có thể sờ, cầm, chơi đùa trong an toàn. Một lần con đổ nước lên giường ngủ để làm hồ bơi, tôi cũng không la mắng hay áp dụng hình phạt nào, nhưng đến giờ ngủ trưa tôi nói rằng “Bây giờ con ngủ ở chỗ giường mà con làm ướt nhé!”, “Nếu giường ướt làm cho con không thoải mái thì bố mẹ cũng không thoải mái”. Vì thế chuyện con đổ nước lên giường để làm hồ bơi chỉ diễn ra một lần rồi thôi. Tôi có công ty riêng nên con cũng từng dùng con mộc để đóng lên người, tất nhiên trước khi lấy chơi đã hỏi ý kiến người lớn “Cái này con có được chơi không bố?” và con phải như thế nào thì mình mới dám cho mượn một đồ vật quan trọng như vậy.

Biến việc nhà thành những trò chơi cho con.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

(Hướng dẫn con làm các công việc nhà đơn giản)

Mỗi khi người lớn làm các công việc như lau nhà, quét nhà, làm bếp, nhặt rau,… con đều muốn được phụ giúp, dù thực tế là con bày ra nhiều hơn là phụ. Nhưng nếu phải lau nhà thêm lần nữa mà con có cơ hội rèn luyện kỹ năng thì cũng đáng mà, hay bữa cơm thiếu rau vì con vò nát trong lúc phụ bố làm việc thì có làm sao. Hiện nay mỗi sáng con giúp tôi pha cà phê, tay chân lóng ngóng nên múc được 1 phin làm đổ ra ngoài hết phân nửa, nếu trước mỗi tháng tôi dùng hết 1kg cà phê giờ giỏi lắm mới được 20 ngày.  Người lớn thường muốn nhà cửa được gọn gàng và sợ mất nhiều thời gian dọn dẹp nên không khuyến khích con cái phụ giúp việc gì cả. Vì vậy, ngày nay rất nhiều thanh niên lớn lên không biết làm việc nhà, đi học về là cha mẹ đã chuẩn bị sẵn cơm nóng canh ngon, ăn xong thì lại cắm mặt vào điện thoại. Nghĩ đến cảnh con có thể tự chăm sóc bản thân mình, biết đi chợ, nấu cơm, tự lo cho mình… tôi không thấy mệt khi bây giờ phải “bày” việc cho con làm.

Tập cho con cách tự chơi một mình.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

(Tự chơi một mình trước sự giám sát của người lớn)

Nếu như lúc nào chúng ta cũng kè kè theo con hay việc con cứ bám riết lấy cha mẹ đòi chơi cùng thì sớm muộn gì người lớn cũng cảm thấy stress. Vậy tại sao chúng ta không “buông” con ra từ từ và dạy cho con cách tự chơi một mình ở trong điều kiện an toàn? Trước mắt tự chơi, sau đấy là tự học rồi sẽ đến lúc tự lập. Lúc con chưa biết nói biết đi, chúng tôi tập cho con chơi một mình bằng cách từ từ rời khỏi khu vực chơi, ở đằng xa quan sát cách chơi của con rồi tham gia nếu thấy thích hợp, khi con biết cách chơi an toàn thì tăng dần khoảng thời gian ở một mình của con lên. Đến bây giờ nếu cần làm việc tôi sẽ xin phép con “Con cứ ở đây chơi nếu con có cần gì thì gọi bố nhé!” là được. Thực tế con chỉ cần biết là có người lớn ở gần bên, thỉnh thoảng ngó mắt qua hỏi “Con đang làm gì đó!”, rồi thì ai cũng có thể làm việc theo ý thích. Tất nhiên nếu chúng ta thấy căn nhà yên ắng một cách lạ thường thì nên kiểm tra ngay, có khi nhà “banh chành” vì con chơi vui quá. 

Không tivi, phim, game và hoạt hình.

May mắn là cả hai vợ chồng đều không chơi game, trước đây buổi tối chúng tôi thường xem phim nhưng từ khi bầu bí cũng đã bỏ luôn thú vui này do đó ở nhà không có tivi. Đối với tôi, việc cha mẹ không xem phim, không chơi game và nhà không có tivi lại hay, điều đó giúp con không bị sao nhãng bởi những thú vui, trò giải trí của người lớn. 

Tivi và máy tính đã làm phong phú cuộc sống của con người, tuy nhiên, nó cũng mang lại không ít những hạn chế cho trẻ. Các hình ảnh trong tivi luôn thay đổi, cho nên có hại cho việc bồi dưỡng khả năng tập trung của trẻ” – Phương Pháp Giáo Dục Montessori, Ngô Hiểu Huy, trang 125. 

Khi con lớn hơn, chúng tôi quyết định cho con xem một số chương trình như khám phá tự nhiên, thế giới động vật nên đã đầu tư một cái máy chiếu. Tôi thấy so với tivi thì máy chiếu có nhiều điểm lợi, chẳng hạn projector và màn hình treo trên cao nên cần có người lớn hỗ trợ thì mới mở được, con không tiếp xúc trực tiếp với bức xạ màn hình đỡ hại mắt và máy chiếu không choán không gian như tivi. Tuy nhiên nhà tôi không tạo điều kiện cho con xem phim hoạt hình bởi tính giáo dục của hoạt hình dù có nhưng không nhiều, ngoài ra sự cảm nhận qua hình vẽ không thú vị bằng những thước phim sinh động và thực tế.

Trong thế giới phức tạp và phong phú này có rất nhiều thứ mà trẻ cần nhìn, cần khám phá, cần hiểu; hơn nữa, trẻ em ở độ tuổi này nên dùng các giác quan để nhận biết các đồ thật, người thật, việc thật như: thiên nhiên tươi đẹp lại tràn đầy sức sống với những sự vật như bầu trời, mặt đất, hoa cỏ, cây cối, bò sát, chim muông…, ngoài ra, còn có con người, sự việc, sự vật có quan hệ mật thiết với cuộc sống trẻ – Phương Pháp Giáo Dục Montessori, Ngô Hiểu Huy, trang 125.

Đừng dễ dãi mà nuông chiều con quá mức.

(“Nếu con còn xấu tính thì cứ thoải mái gào thét cho đến khi nào cảm thấy chán, giữ được bình tĩnh thì bố con mình nói chuyện tiếp”).

Các con biết được người lớn cưng nên thường làm mình làm mẩy mỗi khi không được đáp ứng nhu cầu: đòi ăn bánh kẹo, đòi chơi cái này cái nọ, đòi được bế ẵm, đòi đồ vật giống các bạn… Thôi thì đủ mọi trạng thái kể từ năn nỉ, quấy khóc cho đến phản ứng dữ dội lăn lộn, gào thét, đập đồ, vứt đồ hay thậm chí dùng bạo lực với người lớn… 

Trước những hiện tượng đó, tồi giữ thái độ bình thản, không nổi giận, không to tiếng. Mặc kệ con muốn làm gì thì làm, (tỏ vẻ) không quan tâm đến mấy trò mè nheo của con. Thay vào đó, tôi áp dụng quy trình 02 bước như sau:

  • Bước 01: Cảnh báo. “Con lại bắt đầu xấu tính rồi phải không?”, “Con đã bình tĩnh chưa? Con bình tĩnh đi rồi mình nói chuyện”, “Con có muốn nghe bố giải thích không?”. Tôi nhắc nhở con vài lần, thường là khoảng 03 đến 05 lần.
  • Bước 02: Hình phạt. “Nếu con còn tiếp tục xấu tính như vậy thì bố đề nghị con vào trong phòng, đóng cửa lại và có thể gào khóc ở trong đó cho đến khi nào thấy chán, thấy mệt thì con ra đây”. “Bố sẽ không nói chuyện với con nữa cho đến khi nào con giữ bình tĩnh, thôi xấu tính và không gào thét nữa”. Sau đó thì sẽ để cho con có khoảng thời gian ở một mình.

Và cũng may mắn là chưa bao giờ con xấu tính ở ngoài đường hay những chỗ đông người. Không phải là tôi sợ xấu hổ gì cả, mà lo rằng con gây ồn ào khiến cho mọi người xung quanh cảm thấy khó chịu mà thôi. Bây giờ thì lớn rồi nên con hiểu, cứ gào thét, to tiếng, càng mất bình tĩnh thì càng không được đáp ứng.

Xem các chương trình khám phá tự nhiên.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

(Tìm hiểu thế giới tự nhiên thông qua các loại cây cối, trái cây trong vườn)

Nhằm nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên trong con, chúng tôi tìm hiểu và lựa chọn những chương trình có nội dung về khám phá tự nhiên, thế giới động vật, các loài cây cỏ, hoa lá… Tất nhiên cha mẹ phải dành thời gian xem và kiểm duyệt trước khi giới thiệu với con rồi, những chương trình được chọn bao gồm: Our Planet, Night On Earth, Life In Colour… đều có ở kênh Netflix dành cho trẻ em. Mỗi ngày con được xem 2 lần mỗi lần một giờ, buổi sáng trước giờ ăn trưa và buổi tối sau giờ ăn tối. Sau một thời gian thì con rất mê ông David Attenborough, “chú” Austin Stevens chuyên gia về rắn và bò sát, “chú” Steve Irwin chuyên gia về cá sấu và bò sát… Ngoài ra, con được còn xem phim tài liệu về cuộc sống của nhiều loài động vật khác như: nhím, ong, bướm, ốc sên, hươu cao cổ, voi biển, bò rừng… Tôi nhớ là hồi con mới hơn 2 tuổi đã nhận diện và gọi tên hàng trăm loại động vật, thực vật, màu sắc và hình dáng khác nhau. Còn bây giờ thì biết nhiều thứ lắm rồi, mặc dù vậy vẫn chưa được duyệt cho xem phim hoạt hình.

Lập thời gian biểu giúp con tạo thói quen.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

(Mỗi thói quen tốt đều cần hàng năm trời rèn luyện, không phải là chuyện vài bữa hay vài tháng).

Nhà tôi có luật “giờ nào việc đó” nên ngoài giờ ăn, giờ ngủ, giờ chơi còn có giờ tắm, giờ xem chương trình, giờ đi công viên, khám phá, giờ tập thể dục… Mỗi thói quen đều cần hàng năm rèn luyện, không phải là chuyện vài bữa vài tháng và cha mẹ cũng cần giúp con “ôn lại thời gian biểu” nữa. Cách tôi và con cùng ôn bài như sau: “Thế bây giờ con ngủ trưa đi, xong rồi ngủ dậy bố sẽ cho con uống sữa, rồi mình sẽ mang xe đạp xuống công viên đi dạo, rồi mình về nhà nấu cơm, xong rồi bố tắm cho con, tắm xong thì mình ăn cơm, xong rồi mình đánh răng và xem các anh các chị hát một chút, rồi mình lấy đèn pin và xỏ giày đi dạo,…”

Hàng ngày chúng ta cứ nhắc đi nhắc lại lịch trình này cho con nghe, kết hợp với thực tế cũng làm đúng như vậy thì sẽ giúp con hình thành nên thói quen, mà thói quen đã có rồi thì “chuyện giờ nào việc đó” rất đơn giản. Lúc con chưa đi học thì đã mê trường lớp lắm rồi, do hàng ngày cứ nghe bố kể là “Sau này mỗi buổi sáng con thức dậy, bố sẽ cho con ăn sáng, súc miệng xong bố lấy xe đưa con đến trường, ở đó con sẽ được gặp cô giáo và các bạn, cô giáo sẽ dạy cho con biết chữ, và dạy con chơi trò chơi, xong rồi đến chiều bố sẽ đón con về…”.

Dạy cho con về những hành động xấu xí. 

Làm cha mẹ, chúng tôi không khỏi lo lắng về những vấn đề gây nhức nhối xã hội gần đây đó là nạn bạo hành, ấu dâm và bắt cóc trẻ em… và để chuẩn bị hành trang cho con, chúng tôi tập cho con cách ứng xử với người lạ và người quen:

  • Để gặp người lạ không cần sợ sệt nhưng không đến quá gần.
  • Để dù ở gần người quen nhưng không phải ai cũng cho ôm ấp, hôn hít.
  • Phân biệt những cử chỉ thân thiết nào chỉ dành cho cha mẹ, ông bà,…
  • Dù người lạ hay người quen mà cho quà thì phải hỏi ý kiến, nếu cha mẹ đồng ý mới được nhận.

Để dạy cho con những điều này thì tôi áp dụng một số phương pháp từ khi con còn sơ sinh như sau: 

  • Không phải ai đến nhà chơi thì cũng được gặp con.
  • Không phải ai gặp thì cũng được ôm con.
  • Không phải ai ôm thì cũng được hôn con.
  • Tôi không chấp nhận hành động tụt quần, vỗ mông, hay sờ vào chỗ nhạy cảm của con bao gồm bản thân tôi, vợ tôi hay ông bà đều không được.

Hiện tại con rất là tự tin và hoạt bát, không hề sợ sệt bất kỳ ai dù là người lạ, tuy nhiên muốn được con đồng ý cho ôm là chuyện không đơn giản. Con chỉ dành những cử chỉ thân mật đặc biệt cho người thân thuộc trong gia đình mà thôi. Tôi nghĩ là đối với những cha mẹ mà có con gái sẽ còn có nhiều kinh nghiệm hay hơn về vấn đề này.

Cả hai vợ chồng tôi vẫn đang ở trong hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc giống như nhiều bậc làm cha mẹ khác. Chúng tôi không phải là nhà nghiên cứu khoa học hay nghiên cứu giáo dục nên bài viết này chỉ mang tính tham khảo, nếu bạn cảm thấy điều nào hay có thể áp dụng hoặc bỏ qua khi không phù hợp. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta luôn sống vui vẻ, thoải mái với việc chăm sóc và nuôi dạy con là đủ. Bởi vì không chỉ con mà cả cha và mẹ đều cần có cuộc sống hạnh phúc. Đừng quan trọng ai là người nuôi con chính, cha hay mẹ đều được, cả hai cùng nuôi hay là đơn thân cũng chẳng sao cả.

BÀI VIẾT GẦN ĐÂY
Contact Me on Zalo