Mất bao lâu để hình thành thói quen tốt cho con?

Mất bao lâu để hình thành thói quen tốt cho con?

Để cho trẻ em lúc nhỏ có thể tự giác ăn, ngủ, dọn dẹp, vệ sinh,… đến khi lớn lên có ý thức học tập, tự rèn luyện, tự lập… là điều mong ước của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên từ mong muốn trở thành hiện thực không hề đơn giản mà cần sự kiên nhẫn, tận tâm, mềm mỏng và đòi hỏi cha mẹ phải có phương pháp. Vậy mất bao lâu để hình thành thói quen tốt cho con?

Mất bao lâu để hình thành thói quen tốt cho con?

Đâu là những thói quen tốt cần rèn luyện?

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

Thói quen là gì? Thói quen gồm một chuỗi các hành vi, phản xạ có điều kiện được lặp đi lặp lại nhiều lần trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Thói quen không tự nhiên có sẵn mà chúng được hình thành dựa trên quá trình sinh hoạt, học tập, rèn luyện của trẻ. Đối với các trẻ nhỏ từ 2 – 3 tuổi, cha mẹ cần giúp con rèn luyện những thói quen tốt sau đây:

  • Tự chăm sóc bản thân: mặc quần áo, tắm rửa, vệ sinh, đánh răng, rửa mặt, rửa tay,…
  • Sinh hoạt đúng giờ giấc: ăn ngủ, vận động, chơi, học tập…
  • Giữ gìn môi trường xung quanh: dọn dẹp đồ chơi, vật dụng, quét nhà, lau sàn, lau bàn ghế,…

Nếu lúc còn nhỏ con được rèn luyện những thói quen tốt, biết giữ gìn kỷ luật, hiểu được trách nhiệm thì khi lớn lên con sẽ dễ dàng sở hữu những thói quen tốt khác như: yêu vận động, thể thao, thích đọc sách, tự tìm hiểu và khám phá trong học tập,… Tất cả những thói quen này là một phần của phương pháp giáo dục sớm mà tôi đã chia sẻ trong bài “Giáo dục sớm là hành trang giúp con vào đời thêm vững vàng“. Tuy nhiên đối với trẻ em giai đoạn 2 – 3 tuổi thì “biết nghe lời”, “có thói quen tốt” hay “giữ kỷ luật” là những thứ rất trừu tượng. Nhiều trẻ còn không hiểu người lớn muốn mình làm như vậy để làm gì, hoặc có trẻ dù đã hiểu nhưng không muốn làm theo.

Làm gì khi con rất “nhây”?

“Nhây” là gì? “Nhây” có hơi khác với lì hoặc bướng, lì có nghĩa là nói nhưng con không nghe lời, nhất quyết không làm theo. Trẻ lì đôi khi phản kháng theo kiểu bất cần như không thèm phản ứng, bỏ ngoài tai với lời của người lớn. Còn “nhây” là hình thức nghe lời nửa vời, một nửa nghe lời một nửa còn lại không nghe lời, thường xuyên thay đổi ý kiến, chọn làm cái này xong lại đòi làm cái khác. Như thế nào là “nhây”? Một vài ví dụ như là nói con đi tắm, mặc quần áo, ăn cơm, uống sữa, đánh răng, đi ngủ,… thì con cứ chạy lòng vòng quanh nhà, lên giường nhảy tưng tưng rồi lại xuống đất. Người lớn phải nhắc đi nhắc lại yêu cầu rất nhiều lần, chạy đuổi theo rất mệt và rất mất thời gian cho một việc đáng ra chỉ mất vài phút.

Có lẽ tương tự nhiều trẻ em khác, bé nhà tôi rất “nhây” chuyện đi ngủ. Bình thường ngủ ở phòng riêng, nhiều khi hứng lên đòi “Con muốn sang phòng Bố Mẹ ngủ“. Sang phòng Bố Mẹ thì phải lôi mền, gối, thú bông theo. Nằm kể xong một hai câu chuyện là… đòi về phòng mình. Không sao cả, con muốn ngủ ở đâu cũng được thôi, thế là lại lôi mền, gối, thú bông về theo. Chưa được 5 phút sau lại mò sang phòng Bố Mẹ: “Con muốn ngủ ở phòng Bố Mẹ”. Đồng ý luôn. “Nhưng con muốn mang mền, gối với thú bông sang nữa”… Đại ý câu chuyện chỉ có như vậy thôi mà cứ xà quần nửa tiếng chưa xong. Trường hợp này nếu người chăm sóc mất bình tĩnh là con rất dễ bị ăn đòn. 

Vậy cần phải làm gì khi con rất “nhây”? Cha mẹ hãy tìm hiểu nguyên nhân vì sao con “nhây” trước đã. Tôi ví dụ, đối với trường hợp chúng ta cho con uống sữa, đánh răng trước khi ngủ đêm mà bé cứ chạy lòng vòng. Trước khi nổi cáu với con, hãy dành thời gian quan sát để xem có rơi vào một trong các nguyên nhân sau đây hay không:

  • Bé không quá đói để có nhu cầu uống sữa. => Nếu bỏ uống sữa một tối có làm sao không?
  • Bé không buồn ngủ nên chưa muốn đi ngủ. => Người lớn cũng ngủ luôn hay còn thức?
  • Bé không thích đánh răng. => Có phải vì đánh răng đau, khó chịu, kem đánh răng cay… hay không?
  • Bé vẫn còn muốn chơi tiếp. => Đưa ra thỏa thuận cho chơi thêm một chút rồi ngủ.
  • Bé cần được người lớn dỗ dành, ôm ấp. => Cả nhà nằm trên giường ôm bé và kể chuyện nhau nghe.

Cha mẹ cần phải tìm ra nguyên nhân và giải quyết vấn đề thì mới xử lý được tính “nhây” của con. Vậy muốn hình thành thói quen tốt mà tính con rất “nhây” thì cha mẹ cần chuẩn bị thái độ, tinh thần ra sao?

  • Giọng nói mềm mỏng nhưng thái độ dứt khoát.
  • Hỏi rõ ý kiến của con “Vì sao con chưa muốn uống sữa/đánh răng/đi ngủ?”.
  • Giải thích lý do vì sao con nên uống sữa/đánh răng/đi ngủ. Nếu con không làm theo thì việc gì sẽ xảy ra?
  • Đưa ra cho con sự lựa chọn “Bố sẽ cho con chơi 05 phút nữa rồi mình đi đánh răng nhé”, “Nếu con lên giường ngủ thì Bố sẽ nằm kể chuyện cho con nghe”,…
  • Chuẩn bị một số hình phạt để áp dụng nếu cần thiết.
    • Luật hết giờ (time-out), đếm từ 1 đến 3 là phải lên giường.
    • Cho đứng khoanh tay tựa lưng/úp mặt vào tường.
    • Cho con ở một mình, yên tĩnh để suy nghĩ.
  • Xử phạt, đánh giá sự việc chứ không đánh giá con người. Nghĩa là “phạt trong tình yêu thương”, dù con bị phạt nhưng vẫn cho con biết rằng người lớn yêu thương con. Hạn chế sử dụng các hình phạt đòn roi, bạo lực.

Cần nói rõ, chúng ta muốn dạy cho con sự kỷ luật trong tự giác nên cần có phương pháp và mất nhiều thời gian. Đòi hỏi cha mẹ phải kiên nhẫn chứ để làm cho con “sợ chết khiếp” và răm rắp làm theo trong nước mắt thì quá đơn giản.

Kinh nghiệm luyện tập thói quen tốt cho con.

Tập thói quen đánh răng cho con.

Thời gian 06 tháng. Cha mẹ cần phải gây ấn tượng bằng đánh răng trước mặt con nhiều lần trước khi muốn tập thói quen đánh răng cho con. Mỗi lần đều phải nói rõ lý do vì sao cần phải đánh răng, kết hợp mô tả hành động đang làm. Cách này giúp tạo nên sự tò mò ở trong con, khiến cho con muốn được bắt chước làm theo người lớn. Đồng thời cha mẹ chuẩn bị sẵn bàn chải đánh răng em bé, kem đánh răng có mùi, nếu chọn loại có thể ăn được càng tốt. Hãy xem đánh răng là một trò chơi vui, tạo ra bọt trắng ở miệng và đánh răng là khoảng thời gian vui vẻ giữa con và cha mẹ. Tôi vượt qua được giai đoạn này rất ổn, nhưng khoai nhất là sau khi con đã biết đánh răng là gì và cảm thấy “không thú vị gì cả”. Mỗi buổi tối đánh răng chuẩn bị đi ngủ rất khó khăn phải mất khoảng 10 – 15 phút.

Buổi tối sau giờ cơm, thông thường hai bố con sẽ có những [hoạt động yêu thích] như đọc sách, kể chuyện, xem thế giới động vật… xen kẽ các hoạt động trên là uống sữa, đánh răng và đi vệ sinh. Theo lịch trình này, hai bố con dễ dàng đưa ra các thỏa thuận như: “ăn cơm xong sẽ vào phòng đọc sách”, “uống sữa xong sẽ được xem thế giới động vật”, “đánh răng và vệ sinh xong sẽ nghe kể chuyện”… Khiến cho mọi việc trở nên đơn giản hơn dù hơi mất thời gian.

Tập thói quen ngủ đúng giờ cho con.

Thời gian 02 tháng. May mắn thói quen ngủ đúng giờ của bé nhà tôi đã được rèn luyện từ khi mới ra đời vì vậy việc đi ngủ đúng giờ tương đối dễ dàng. Mỗi ngày con được ngủ 02 giấc, bao gồm giấc đêm bắt đầu từ 21h00 – 22h00 đến 6h00 – 7h00 (khoảng 09 tiếng), giấc trưa từ 13h00 – 16h00 (khoảng 03 tiếng). Muốn tập cho thói quen con đi ngủ đúng giờ thì cần chuẩn bị một số điều kiện như sau:

  • Không gian ngủ phân biệt (ngày – đêm). Đi ngủ là tối, thức dậy và chơi là sáng. Nếu ngủ ban ngày phải kéo rèm cho tối lại, ban đêm thì phải tắt hết các thiết bị phát ra ánh sáng mạnh. Người lớn nằm bên cạnh không dùng điện thoại, xem tivi và người lớn cũng phải “giả vờ” ngủ.
  • Mở một đoạn nhạc êm dịu. Lúc còn sơ sinh là tiếng ồn trắng (white noise), khi lớn hơn là nhạc không lời, tìm trên youtube có rất nhiều như relaxing baby music, baby sleep music, bedtime lullaby, Mozart for babies…
  • Nhiệt độ phòng phù hợp với sở thích của con hàng ngày. Làm sao không lạnh quá, không nóng quá là được. Riêng bé nhà tôi thì phải cởi trần và mở máy lạnh 26 độ mới ngủ được, nếu không thì mồ hôi túa ra như tắm.
  • Vệ sinh, đi tè đầy đủ.
  • Phòng ngủ đảm bảo an toàn khi con chơi một mình.

Thông thường tôi chỉ cần kể cho con nghe một, hai câu chuyện xong rồi bảo “hết giờ kể chuyện, bây giờ im lặng để ngủ” là chừng 5 – 10 phút sau đã nghe tiếng thở đều đều bên cạnh. Đôi khi kể chuyện xong, con không chịu ngủ ngay thì tôi nói là “Bố đi ngủ trước đây, con nằm chơi im lặng nhé”. Cửa phòng thì mình đã khóa, trong phòng đã đảm bảo an toàn nên mình cứ “giả vờ” ngủ thôi, coi ông con làm gì thì chừng 10 – 15 phút sau là con lăn ra ngủ.

Tập thói quen cho con tự đi vệ sinh.

Thời gian 01 năm. Bắt đầu từ giai đoạn con đang mặc bỉm, bỏ bỉm rồi có thể tự đi vệ sinh là một khoảng thời gian dài cả năm trời. Khi nhận thấy bỉm của con đầy vào những thời điểm nhất định trong ngày, tôi quyết định cho con bỏ bỉm. Hàng ngày gần đến “giờ bỉm đầy” thì sẽ nhắc con “Khi nào con muốn đi tè thì bảo bố nhé!”. Mọi thứ không đơn giản như thế mà việc con tè ra quần, ra nhà, gối nệm… diễn ra trong nhiều tháng liền sau đó. Tuy nhiên tôi không hề to tiếng, nổi cáu với con về chuyện tè lung tung, la mắng chỉ làm cho con sợ hãi càng khó chia sẻ thêm, hơn nữa con đã kiểm soát được chuyện đó đâu.

Đến lúc con biết thông báo về “cơn buồn đi vệ sinh” thì tôi thường sử dụng một bài thần chú giúp con quen dần với quy trình đi vệ sinh. Bài thần chú như sau: “Bây giờ mình sẽ dùng tay tụt quần xuống chân. Xong rồi vào nhà vệ sinh, kéo ghế màu đỏ trèo lên bồn cầu để tè. Khi nào tè xong thì con đậy nắp bồn cầu lại, bấm nút hình ông trăng lưỡi liềm để dội cho nước tè trôi đi. Xong rồi con dùng tay kéo quần lên, mang ghế lại bồn rửa tay, đứng lên mở nước, rửa tay”. Đầu tiên người lớn vừa nói vừa thị phạm giúp cho con, đến khi con quen việc thì mình đi theo “nhắc bài từng bước” nhưng không giúp nữa, xong rồi sẽ đến giai đoạn mình ngồi một chỗ “nhắc bài”. Cuối cùng là giai đoạn: “Bố ơi, con buồn tè quá!”, “Thế con đã biết bây giờ phải làm gì trước chưa?”.

Tập thói quen cho con tự xúc ăn.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

Thời gian 03 tháng. Việc con có thể tự xúc ăn, thậm chí cầm đũa gắp thức ăn đã được gia đình tôi tập từ lúc bé. Tuy rất đơn giản nhưng gia đình phải chấp nhận chịu dơ một thời gian. Mỗi bữa ăn để riêng cho con một phần, nếu con chưa biết ăn thì để con tự bốc, có thể cầm hay bóp thức ăn be bét ra nhưng dần dần sau này sẽ tự biết. Khi nào con biết ăn thì chúng ta dạy cho cầm muỗng, nĩa, đũa cũng theo cách tương tự… nói chung người lớn đồng ý “chơi dơ” là sẽ ổn. Vấn đề đáng nói là sau khi con đã biết ăn, cầm muỗng đũa thành thạo rồi nhưng có thể phát sinh “căn bệnh nhõng nhẽo”, điều này rất dễ xảy ra trong các gia đình có ông bà. Con được ông bà cưng chiều nên xúc cho ăn (dù sao xúc cho con ăn sẽ nhanh hơn là để tự ăn), vì vậy hình thành cho con thói quen muốn có người phục vụ. Trị căn bệnh này cũng đơn giản thôi!

Mỗi bữa ăn, tôi sẽ chuẩn bị sẵn một phần cơm đầy đủ ở một vị trí trên bàn ăn, một chiếc ghế ngồi và áp dụng “Luật giờ nào việc đó”:

  • Thông báo cho cả nhà rằng đã đến giờ ăn. “Đến giờ ăn cơm rồi. Bố mời Bà, mời Mẹ ngồi vào ghế chuẩn bị ăn cơm”.
  • Thông báo “Ai muốn ăn cơm thì ăn, nếu không muốn ăn cứ chơi thoải mái”. Không ép phải ăn.
  • Thông báo “Nếu ai ăn xong thì được về phòng làm việc yêu thích như đọc sách, xem truyện. Ai không ăn cơm thì cứ ở ngoài này chơi cho đến khi nào ăn xong”.
  • Người lớn trong nhà mời nhau trước khi ăn cơm để tạo thói quen cho con. “Bố mời Bà ăn cơm. Bố mời Mẹ ăn cơm“.
  • Người lớn nói được làm được, lời nói đi đôi với hành động. Ăn xong về phòng đóng cửa lại.
  • Con ở bên ngoài khóc lóc mấy cũng không được mủi lòng mà cho vào. Chỉ nhắc lại thông báo từ đầu bữa ăn và nói là “Nếu con muốn vào phòng thì tự xúc cơm, ăn xong thì được vào phòng với người lớn”.

Trường hợp đến giờ đi ngủ hoặc giờ làm khác thì bỏ qua bữa ăn, con có đói 1 – 2 bữa cũng không làm sao cả. Nhưng vài lần như vậy là có bài học kinh nghiệm.

Tập cho con tự dọn dẹp đồ chơi.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

Thời gian 03 tháng. Gia đình tôi có quan điểm rằng “Tất cả những đồ vật nào con có thể với tới đều trở thành đồ chơi của con” vì thế căn nhà của chúng tôi thường bừa bộn hơn rất nhiều so với những gia đình khác. Mặc dù vậy con phải có trách nhiệm dọn dẹp đồ đạc sau khi chơi xong, cách giúp con rèn luyện thói quen tự giác dọn dẹp là áp dụng “Luật mỗi lúc làm một việc” và “phương pháp nhắc nhở trước”. Ví dụ: “Bố cho con lấy… ra chơi thì chơi xong con phải dọn dẹp lại chỗ cũ nghe chưa?“. Nếu con trả lời đống ý thì mới cho mang ra chơi, khi muốn chuyển sang chơi trò khác thì đầu tiên phải dọn dẹp trò này hoặc con sẽ bị “tước quyền chơi”, tịch thu đồ chơi cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ. Ví dụ: “Nếu con muốn xây siêu thị thì giờ phải dọn cái hang trước đã“. Người lớn có thể hướng dẫn “nhắc bài” cho con biết làm việc gì trước việc gì sau nhưng không nên trực tiếp làm giúp. Nếu con không dọn dẹp nghiêm túc có thể dẫn đến mất những quyền lợi khác:

  • Quyền được chơi tiếp.
  • Do làm xong việc này mới đến việc khác, nên có thể con không được ăn cơm nếu dọn quá giờ trưa, con không được đọc sách nếu dọn xong đã đến giờ ngủ…

Một số hình phạt có thể áp dụng.

Trong sách Luật Trí Não Dành Cho Trẻ của Giáo sư John Medina tiết lộ rằng “Hơn ⅔ dân số Mỹ đồng tình với việc này (đòn roi); có đến 94% các ông bố bà mẹ Mỹ đã từng tét mông con mình trước thời điểm chúng lên 4.” (Trang 433). Và mặc dù đã từng đét mông con nhưng tôi không đồng tình với các hình phạt bạo lực, sau đây là một số hình phạt phổ biến tại nhà tôi:

  • Phạt đứng khoanh tay suy nghĩ. (Có người lớn ở gần bên).
  • Phạt “tự chơi” một mình. (Không có người lớn)
  • Phạt ở trong phòng riêng, một mình suy nghĩ.
  • Phạt không nói chuyện. (Áp dụng khi con nói không đúng sự thật).
  • Phạt đét tay, đét mông. (Áp dụng khi con làm đau người khác hoặc đồ vật).

Điểm mấu chốt của quá trình phạt con đó là [phạt trong tình yêu thương], đánh giá sự việc chứ không đánh giá con người. Mục đích phạt là để con nhận ra hành vi chưa đúng của mình, để sửa đổi và trở nên tốt hơn, chứ không phải là để con “sợ người phạt”. Tôi áp dụng 05 nguyên tắc sau đây khi phạt con:

  • Thưởng, phạt phân minh và kiên định.
  • Trừng phạt mau lẹ, dứt khoát.
  • Giải thích luật lệ, lý do tại sao.
  • Giọng nói dịu dàng, nhỏ nhẹ.
  • Phạt trong tình yêu thương. (Phạt xong cùng ôm nhau).

Mất bao lâu để hình thành thói quen tốt cho con?

Những mốc thời gian rèn luyện ở trên do tôi lấy từ trường hợp cụ thể của con mình nên sẽ không hoàn toàn đúng với mọi trẻ. Thực tế 1000 đứa trẻ thì có 1000 tính cách khác nhau, không đứa nào giống đứa nào. Đối với mỗi đứa cần người chăm sóc ở gần bên, quan sát bằng sự tận tâm, hiểu được tính nết của trẻ thì mới có thể đưa ra phương pháp rèn luyện phù hợp nhất. Rèn luyện cho trẻ đòi hỏi cha mẹ sự nghiêm khắc, kỷ luật nhưng tràn đầy tình thương chứ không phải là nóng tính (đòn roi, quát tháo) nhưng lại mau mủi lòng khi thấy trẻ khóc quấy, nhõng nhẽo. Trường hợp nhà tôi thì Mẹ và Bà Nội không dạy được bé, hễ nghe tiếng con khóc là chịu không nổi, dù không phải bị đòn roi. Nên mỗi lần tôi dạy con đều dặn mọi người cứ ở yên trong phòng của mình, cần thiết thì đeo tai nghe, mở nhạc lên để khỏi xót ruột bởi tiếng khóc của trẻ. Vì thế những ông bố bà mẹ khác không nên nóng vội, cũng không mang con mình ra để so kè với con người khác.

Cách rèn luyện thói quen tốt, sửa tính nhây cho con.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

Một trong những tính “nhây” nhất của bé nhà tôi giai đoạn 2 – 3 tuổi là việc tự xúc cơm ăn. Đến bữa ăn, khi cả nhà ngồi vào bàn ăn thì con không ăn ngay mà còn mải chơi cái muỗng, cái đũa. Lúc người lớn ăn xong, đi về phòng con mới òa lên khóc, đòi có Bố ngồi lại ở bàn ăn để “trông con ăn”. Tôi đã sửa tính này cho con trong 03 tháng với những bước như sau:

  • Bước 01: Cảnh báo. Trong quá trình ăn cơm, tôi thông báo “Nếu như con không ăn cơm thì lát nữa người lớn đi vào phòng còn con cứ ở đây ăn cơm xong rồi mới vào nha”. Nói với tông giọng nhẹ nhàng, bình thản, không la hét, quát tháo. Suốt bữa cơm tôi cảnh báo cho con 05 lần.
  • Bước 02: Thể hiện thái độ nghiêm túc. Hết 05 lần cảnh báo tôi sẽ không thông báo gì nữa. Ai ăn cơm xong về phòng người nấy, các thành viên khác trong nhà thì con không bám nên khi mọi người về phòng con không có phản ứng. Tôi chờ cho mọi người về phòng hết mới nói: “Bây giờ bố đếm từ một đến ba, nếu không bắt đầu ăn cơm thì Bố sẽ đi vào phòng làm việc”. Đếm đến ba mà vẫn chưa ăn thì tôi đứng dậy vào phòng.
  • Bước 03: Áp dụng “hình phạt tự chơi một mình”. Nhớ đảm bảo an toàn để con ở đó một mình trong một khoảng thời gian. Lúc này tôi sẽ nói nhỏ nhẹ: “Bố muốn con ở đây để suy nghĩ về những hành động của mình, xem mình làm như vậy có đúng không”. Tùy theo mức độ mà mình sẽ phạt 5 – 10 – 15 phút, giả dụ người lớn vừa vào phòng riêng đã khóc rồi thì phạt 5 phút. Nếu người lớn vào phòng riêng vẫn tỉnh queo thì phạt 10 phút.
  • Bước 04: Trò chuyện. Con ở bên ngoài, mình ở bên trong nói chuyện qua cánh cửa. Sử dụng tông giọng dịu dàng: “Thế con có biết vì sao mà người lớn đi vào phòng còn con ở bên ngoài không?”, “Dạ, tại vì con không chịu ăn cơm”, “Vậy con đi ăn cơm đi rồi vào đây với Bố”, “Nhưng mà con muốn Bố ở đây trông con ăn”, “Con tự ăn đi, Bố không trông con đâu mình đã quy định vậy rồi mà”, “Nhưng mà con không biết tự xúc ăn”, “Con đã biết xúc rồi mà, con lớn rồi mà”, “Con vẫn còn bé lắm Bố ơi”, “Con nói như vậy là con nhõng nhẽo rồi, nếu con muốn nhõng nhẽo thì cứ ở ngoài đó đi nhé”… Đại ý giai đoạn trò chuyện này cũng tương đối mất thời gian. Chủ yếu là để cho con tự đánh giá được hành động của mình, vì sao mà bị phạt. Điều này mới quan trọng chứ nếu cho “ăn vài roi” để vừa nhai vừa khóc thì quá đơn giản.
  • Bước 05: Xoa dịu và yêu thương. Sau khi con đã nhận ra được hành vi không đúng đắn của mình thì tôi mở cửa để ra ngoài cùng con. Ngồi bên cạnh rồi xoa đầu con, thông thường lúc này con như con mèo ngoan, tự xúc ăn nhanh nhẹn gọn gàng. “Ngày mai con phải rút kinh nghiệm nhé, không nhây nữa. Giờ ăn thì ăn giờ chơi thì chơi”, “Phạt và yêu thương là hai việc khác nhau. Bố lúc nào cũng yêu con/thương con nhưng nếu con nhây quá thì Bố sẽ không nuông chiều đâu”, “Bố không muốn con phải ngồi ăn một mình đâu, lần sau con không làm như thế nữa nghe chưa”.

Thực ra mất bao lâu để hình thành thói quen tốt cho con không quá quan trọng nếu như chúng ta có đủ sự kiên nhẫn để đồng hành cùng con mỗi ngày (Bạn có thể tham khảo thêm bài “Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc“). Nuôi dạy con không thể nào tránh khỏi những giai đoạn đầy nước mắt, ngay cả cha mẹ không làm gì thì con vẫn có thể òa lên khóc bởi những chuyện không đáng, thậm chí là vô lý. Thế nhưng song hành cùng những giọt nước mắt của con cần có thái độ tiếp nhận bình thản, xử lý nhẹ nhàng, dịu dàng của cha mẹ để con noi theo và học tập. Tôi rất biết ơn Mẹ và Bà Nội của bé, bởi vì cả hai đã tin tưởng để cho tôi nghiên cứu cách nuôi dạy con và áp dụng theo mà không hề phản bác hay đưa ra ý kiến khác.

Cảm ơn bức ảnh bìa rất đẹp của Alex Green từ Pexels <3

BÀI VIẾT GẦN ĐÂY
Contact Me on Zalo