Làm thế nào để giúp con có thói quen đọc sách?

Làm thế nào để giúp con có thói quen đọc sách?

Trước tình trạng thanh niên thời nay lười vận động, thích làm bạn với máy tính và điện thoại, thậm chí nhiều người còn trở thành “con nghiện” của những trò game online, mobile game… Là một phụ huynh có con nhỏ và sống trong thực trạng này khiến tôi không khỏi suy tư làm thế nào để giúp con có thói quen đọc sách, đồng thời tránh xa các thiết bị điện tử càng lâu càng tốt. Tôi tin là bạn cũng có cùng nỗi trăn trở đó.

Làm thế nào để giúp con có thói quen đọc sách?

Lợi ích của việc đọc sách?

Làm thế nào để giúp con có thói quen đọc sách?

Trẻ con “mọt sách” còn tốt hơn là cắm mặt vào điện thoại và máy tính.

Theo quan điểm cá nhân của tôi, việc nghiện sách hay thậm chí là con mọt sách còn tốt hơn là trở thành con nghiện game, tốn thời gian lướt mạng xã hội, vừa ít lợi ích vừa nhiều nguy hại. Đọc sách còn giúp rèn luyện “khả năng tự học”, vì tất cả mọi thứ con người muốn tìm hiểu chuyên sâu đều có ở trong sách. Khi một đứa trẻ tự giác tìm hiểu, học tập sẽ hiệu quả hơn là người lớn phải kè kè bên cạnh để nhắc nhở. Đọc sách cũng chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa của Trí Tuệ, Đạo Đức, Nghị Lực – vốn là gốc rễ giúp con người ngày càng trở nên tiến bộ. Đọc sách không chỉ giúp kích thích tinh thần, trao dồi kiến thức, củng cố vốn từ mà còn giúp trẻ con tăng cường khả năng tư duy, phân tích, sáng tạo và cải thiện khả năng tập trung. Ngoài ra còn rất nhiều lợi ích khác đến từ việc đọc sách.

Thực trạng đọc sách hiện nay?

Theo thống kê của Vụ Thư Viện thuộc Bộ VHTT&DL, trung bình một người Việt Nam chỉ đọc 04 cuốn sách/năm, trong đó có đến 2,8 cuốn là sách giáo khoa. Tỷ lệ người Việt Nam hoàn toàn không đọc sách chiếm 26%, thỉnh thoảng mới đọc sách chiếm 44% dân số. Trong khi đó, trung bình người dân Singapore đọc 14 cuốn sách/năm, người Nhật là 20 cuốn, các nước khác như Đức, Pháp, Israel là trên 20 cuốn một năm. Rõ ràng thực trạng đọc sách hiện nay của người Việt Nam thấp hơn nhiều so với những quốc gia khác. Trong khi ở lứa tuổi thanh niên rất cần tiếp thu kiến thức để nâng cao trình độ, chuyên môn, đạo đức, tư duy, lối sống… thì việc lười đọc sách được coi như căn bệnh ung thư tước lấy tương lai của họ, đồng thời ảnh hưởng đến tương lai của đất nước.

Nguyên nhân trẻ không thích đọc sách?

Trẻ con ngày nay không thích đọc sách xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, cha mẹ không chú trọng việc đọc sách nên không khuyến khích, tạo thói quen đọc sách cho con. Thứ hai, sức hấp dẫn của internet, điện thoại, tablet, TV, công nghệ… tạo ra các chương trình ca nhạc, game online, phim hoạt hình khiến trẻ bị cuốn vào và không còn thời gian dành cho việc đọc sách. Thứ ba, sức hấp dẫn của các cuốn sách ngày càng bị kém đi, gây buồn ngủ khi phải đọc nhiều chữ. Thứ tư, tâm lý sợ hãi, cảm thấy bị áp lực trước kỳ vọng của cha mẹ mong muốn con mình đọc sách để trở thành người tài giỏi. Trong tất cả, nguyên nhân trẻ không thích đọc sách bởi vì cha mẹ không tạo thói quen cho trẻ từ bé, là một yếu tố rất quan trọng. Ngoài ra, nếu bạn muốn tìm cách “cai nghiện điện thoại” cho con thì nên xem thêm bài sau: “Làm thế nào để giúp con tránh xa thiết bị điện tử?”.

Làm thế nào để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?

Cha mẹ phải có thói quen đọc sách. 

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

Cha mẹ không thể nào bắt con đọc sách nếu bản thân không làm gương.

Muốn con hình thành thói quen đọc sách, trước tiên cha mẹ phải có thói quen đọc sách. Cha mẹ không thể nào bắt con đọc sách nếu bản thân không làm gương, chẳng bao giờ cầm đến quyển sách (thuộc nhóm 26%), hoặc thỉnh thoảng mới đọc sách (thuộc nhóm 44%). Để xây dựng thói quen này, hàng ngày cha mẹ sắp xếp thời gian cầm quyển sách lên đọc, đôi khi chỉ 10 – 15 phút mỗi ngày, nhưng nhờ vậy dần dần trẻ cũng bắt chước cha mẹ, và như thế tạo cơ hội để khơi gợi niềm đam mê đọc sách trong trẻ. Trong trường hợp bạn muốn tạo thói quen đọc sách cho con, nhưng bản thân lại lười đọc sách, thì có thể tham khảo thêm bài “Kinh nghiệm đọc sách hiệu quả dành cho người lười”, để vượt qua trở ngại này. Tuy nhiên, cha mẹ không chỉ đọc sách của riêng mình mà cần phải đọc nội dung của tất cả những quyển sách nào dự định cho con đọc. Lúc con chưa biết đọc, thì cha mẹ vừa kể chuyện vừa giới thiệu sách cho con, đến khi con có thể tự đọc được thì cha mẹ cần biết sách nói về vấn đề gì, nếu con đặt câu hỏi còn biết trả lời.

Giúp con tiếp cận việc đọc sách sớm.

Sớm là khi nào? Lúc con đã biết đọc biết viết hay từ khi con biết nói? Thực tế việc hình thành thói quen đọc sách cho con không bao giờ là sớm cả, bạn có thể bắt đầu ngay từ khi con chào đời, thậm chí là còn ở trong bụng mẹ. Nhiều sách hướng dẫn chăm sóc Mẹ Bầu và Em Bé, hoặc sách thai giáo đều nhắc đến chi tiết cha mẹ đọc sách, kể chuyện cho con nghe trong quá trình mang thai, bao gồm cả việc cho con nghe nhạc. Kể chuyện chính là hình thức giúp con tiếp cận việc đọc sách sớm, bằng giọng nói ấm áp của cha mẹ, điều này tôi có chia sẻ trong bài “Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc”. Lúc tuổi còn quá nhỏ, trẻ chủ yếu nghe dựa trên nhịp điệu ngôn ngữ chứ không phải là nội dung, nên bạn có thể đọc bất cứ thứ gì, từ sách thiếu nhi, tạp chí hàng ngày, thậm chí là sách kinh doanh mà bạn đang đọc dở. Nhưng tốt hơn hết là cho trẻ làm quen với các vần thơ, những đoạn nhạc, những bài hát, những mẩu chuyện trong đời sống hàng ngày.

Trở thành tấm gương yêu sách cho con. 

Có nhiều cách giúp chúng ta gieo hạt mầm thích đọc sách vào tâm trí của con.

Giai đoạn con từ 0 – 3 tuổi là quá trình phát triển tiềm thức, những gì con ghi nhận được trong thời gian này thường khắc sâu trong tâm trí. Hình ảnh mà bạn có thể “gieo mầm” vào tâm trí của con đó là, đều đặn mỗi ngày Bố thường cầm quyển sách đọc bên cạnh ly cafe, dù cho bạn có thật sự đọc được hay không, và đọc có hiểu hay không. Tôi thường áp dụng mẹo này vào buổi sáng, hoặc bất kỳ lúc nào tôi muốn rủ con đọc sách. Mục đích chính của tôi là đọc sách cho con, nhưng không cần phải “rủ rê” gì con cả, tôi đơn giản là mang quyển sách ra bàn gây sự chú ý, thế là chỉ một lát sau con cũng ôm sách trèo lên ghế bên cạnh và nói “Bố đọc cho con bài này đi Bố!”. Đó là cách mà cha mẹ có thể trở thành tấm gương yêu sách cho con, còn sự thật là mình sẽ đọc sách vào lúc khác yên tĩnh hơn, chứ con ngồi bên cạnh và liên tục đặt câu hỏi khó có chữ nào vào được trong đầu mình.

Tạo không gian, thời gian đọc sách. 

Làm thế nào để giúp con có thói quen đọc sách?

Sắp xếp cho con một khu vực đọc sách riêng với đầy đủ ánh sáng.

Trong mỗi gia đình cần sắp xếp một không gian đọc sách cố định, thoáng đãng, yên tĩnh và đầy đủ ánh sáng. Bên cạnh đó, cần có ít nhất một tủ sách hoặc kệ sách mini nhằm tạo nên “không khí đọc sách”. Thời gian đọc sách có thể vào buổi sáng, sau lúc ăn cơm trưa, sau khi làm bài tập về nhà, trước khi đi ngủ,… hoặc bất kỳ lúc nào phù hợp với lịch trình hàng ngày của gia đình bạn. Chẳng hạn tôi thường đọc sách tại phòng khách, gần đó đặt một cái bàn học nhỏ, một chiếc ghế thấp dành riêng cho con và một vài quyển sách thiếu nhi. Khi con ôm sách đến ngồi cạnh, ngỏ ý muốn được đọc sách thì hai Bố con liền di chuyển sang bàn đọc sách của con. Việc tạo không gian, thời gian đọc sách cố định giúp hình thành thói quen “đúng giờ tự ngồi vào bàn đọc sách” trong tương lai. Tuy nhiên khi con còn nhỏ, cha mẹ không nên áp đặt một cách quá khuôn khổ, bởi đọc sách căn bản là phải vui.

Cả gia đình cùng nhau đọc sách. 

Làm thế nào để giúp con có thói quen đọc sách?

Cả nhà hãy dành 15 – 20 phút sau giờ ăn tối để cùng nhau đọc sách.

Hãy chọn một thời điểm nào cố định trong ngày, chẳng hạn 15 – 20 phút sau giờ ăn tối để cả gia đình cùng nhau đọc sách. Chúng ta có thể áp dụng một trong những cách thức “đọc sách nhóm” như sau:

  • Cả nhà cùng đọc một quyển sách có chủ đề phù hợp với con.
  • Bố hoặc Mẹ đọc sách cho con, người còn lại đọc sách riêng theo ý thích.
  • Mỗi người cầm một quyển sách theo ý thích, đọc trong im lặng.
  • Cả gia đình cùng chơi trò chơi tương tác, câu đố, câu hỏi, kể chuyện sau khi đọc xong.

Đặt sách ở nhiều vị trí trong nhà.

Làm thế nào để giúp con có thói quen đọc sách?

Thoải mái với việc sách của con “ở khắp mọi nơi”.

Đối với những gia đình gọn gàng và ngăn nắp, thì việc đặt sách ở nhiều vị trí trong nhà có thể khiến họ không thoải mái. Chúng ta thường thấy nhiều người có thói quen sạch sẽ, luôn chân luôn tay dọn dẹp, nếu phải dọn nhiều lần quá tất nhiên sẽ nổi cáu. Tuy nhiên đối với trẻ con mà nói, nếu được lớn lên trong môi trường mà sách vở hiện diện ở khắp mọi nơi trong nhà thì chúng càng yêu sách. Sách có thể nằm trên tủ sách, trên bàn đọc, ở đầu giường, tại bàn ăn, thậm chí nhà vệ sinh cũng có sách… đi đâu cũng nhìn thấy sách, ngồi ở đâu cũng có thể với tới quyển sách mà đọc. Riêng nhà tôi vốn đã không được gọn gàng, vì thế ngoài sách ở trên kệ thì sách mà Bố đang đọc nằm trên bàn làm việc của Bố, sách của Mẹ trên bàn làm việc của Mẹ, tất nhiên ở đầu giường đương nhiên là phải có… Còn sách của con đúng là “ở khắp mọi nơi”.

Đọc sách linh hoạt theo sở thích. 

Làm thế nào để giúp con có thói quen đọc sách?

Hãy để con được đọc sách linh hoạt theo sở thích.

Có phụ huynh hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc đọc sách, nhưng kỳ vọng vào con mình quá nhiều nên “có định hướng” về việc đọc sách của con. Chẳng hạn quy định con phải đọc thể loại sách gì. Nếu con nghiên cứu lịch sử, văn học, toán học, khoa học… thì cha mẹ rất hoan nghênh, nhưng nếu con đụng đến truyện tranh, truyện cười, tiểu thuyết là khó chịu, than phiền hoặc thậm chí nghiêm cấm. Khi cha mẹ nghiêm khắc quá mà bỏ qua những yếu tố như sở thích, sự quan tâm, niềm vui của con thì dần dần khiến con sợ, lảng tránh việc đọc sách, thấy sách là ám ảnh. Do đó, cha mẹ hãy để con được đọc sách linh hoạt theo sở thích, được phát triển niềm đam mê một cách tự nhiên. Hoặc có thể đưa ra quy định khác “dễ thở” hơn, chẳng hạn đọc một quyển chuyên ngành thì được đọc một quyển truyện tranh theo sở thích. Ngoài ra, chúng ta không nhất thiết chỉ gói gọn trong việc đọc sách mà có thể cho trẻ nghe truyện kể audiobook, các vở kịch hoặc phim được dựng từ các tác phẩm văn học.

Đọc sách là phải vui vẻ, thoải mái. 

Làm thế nào để giúp con có thói quen đọc sách?

Điều quan trọng của đọc sách là phải vui vẻ, thoải mái.

Nhiều đứa trẻ rất áp lực khi có cha mẹ đọc sách cùng. Vì mỗi lần cha mẹ hỏi về chi tiết vừa đọc, con trả lời không chuẩn thì giọng người lớn lập tức đanh lại, gặng hỏi tiếp: “Có đúng như vậy không? Con trả lời lại xem nào!”, y như là tra khảo vậy. Hoặc con chưa hiểu muốn hỏi lại, hoặc con đã hiểu rồi nhưng vẫn muốn hỏi lại để nghe câu trả lời của người lớn, đến lần thứ n thì phụ huynh lớn giọng: “Hỏi gì mà hỏi lắm thế, Bố/Mẹ đã giải thích cho con bao nhiêu lần rồi!”. Nào là đọc phải ngồi ngay ngắn, đàng hoàng không được nằm, không gác chân lên ghế… quá nhiều điều “không được” để áp đặt lên một thói quen tốt. Nếu thái độ của người lớn không tốt thì dần dần con sẽ cảm thấy ám ảnh, việc đọc sách không mang đến điều thú vị nào cả, bởi vì không đọc sách thì Bố Mẹ còn nói chuyện với mình dịu dàng hơn. Thay vì vậy, cha mẹ nên cởi mở, con trả lời đúng cũng được, sai cũng được miễn là con thích trả lời và tương tác. Điều quan trọng của đọc sách là phải vui vẻ, thoải mái, như thế mới tạo nên nhiều tiếng cười và kỷ niệm đáng nhớ cho con.

Kể lại câu chuyện ở trong sách. 

Làm thế nào để giúp con có thói quen đọc sách?

Trẻ con “mọt sách” còn tốt hơn là cắm mặt vào điện thoại và máy tính.

Đối với các trẻ nhỏ, cha mẹ hãy kể lại câu chuyện ở trong sách sau khi đọc hoặc cùng con thảo luận về các nội dung đã đọc nếu bé có nhận thức và suy nghĩ tốt hơn. Lịch trình hàng ngày của hai Bố con tôi thường có giờ kể chuyện, khoảng 15 – 20 phút trước lúc đi ngủ. Tôi tận dụng thời gian này để kể lại những câu chuyện trong sách theo cách mới, khác hẳn so với lúc đọc sách khiến con rất thích thú. Bạn không cần kể một mạch toàn bộ nội dung câu chuyện mà có thể dừng lại để giải thích những từ ngữ mới; các ý nghĩa mà câu chuyện muốn truyền tải; hoặc sự tương đồng giữa câu chuyện ở trong sách với một sự kiện ở ngoài đời mà con đã gặp. Khi kể chuyện, chúng ta nên đặt ra câu hỏi cho con nhưng lựa chọn từ ngữ sao cho thoải mái để con không cảm thấy như đang bị tra hỏi hay thúc ép. Chẳng hạn “Con thấy giữa bạn Thỏ và bạn Rùa thì ai siêng năng, kiên trì hơn?” – Truyện Thỏ và Rùa.

Áp dụng bài học từ sách vào đời sống. 

Khi trẻ con được đọc đi đọc lại một quyển sách nhiều lần, biết tưởng tượng nhiều hơn, con bắt đầu biết hình dung chính mình sẽ như thế nào nếu là nhân vật ở trong sách, lúc đó chúng ta đã có thể áp dụng bài học từ sách vào đời sống. Ở nhà tôi có quyển sách nói về bí quyết tự bảo vệ bản thân, nội dung về một bé gái bị một bác thợ làm bánh dụ vào phòng riêng để cho bánh ngọt. Bác thợ làm bánh đã có hành động ôm hôn khiến bé sợ hãi và ám ảnh. Bé không dám kể cho mẹ nghe vì sợ nói ra bí mật là trẻ không ngoan. Nội dung sách này hai bố con đọc từ khi bé một tuổi rưỡi tới lúc 03 tuổi, thỉnh thoảng chúng tôi sẽ kiểm tra nhận thức của bé bằng những câu hỏi như: “Nếu gặp người lạ con có sợ không?”, “Con không sợ!”; “Nếu người lạ cho con bánh kẹo rất ngon con có muốn lấy không?”, “Con không lấy đâu!”; “Nếu người lạ ôm hôn con mà không có Bố Mẹ ở gần đó thì con làm gì?”, “Con bỏ chạy ra xa, thông báo với các chú bảo vệ”; “Những điều này con học ở đâu vậy nhỉ?”, “Ở trong sách Không phải cái ôm nào cũng đẹp!”. Tương tự những bài học khác được rút ra từ trong sách là cách tuyệt vời giúp phát triển tình yêu đọc sách của trẻ.

Cùng con đi nhà sách, chọn sách. 

Khoảng thời gian đầu, do con chưa có khái niệm về sách nên cha mẹ là người chọn sách và mua giúp. Đến lúc con lớn hơn, có thể tự đưa ra sự lựa chọn, chúng ta nên cùng con đi nhà sách, chọn sách dựa theo ý thích của con. Cha mẹ cũng có thể xem nhà sách hoặc thư viện là một điểm hẹn cuối tuần của gia đình thay vì ra quán cafe. Ngoài ra, dù “đọc có định hướng” là tốt nhưng cha mẹ đừng quá cứng nhắc, ép buộc hay ra lệnh cho con phải chọn quyển sách này, phải đọc thể loại kia. Cứ để con tự do lựa chọn sách cho riêng mình, trẻ chưa biết chữ có thể chọn sách qua hình vẽ yêu thích còn cha mẹ nên ở bên cạnh nếu con cần hỏi ý kiến hay nhờ trợ giúp. Việc “đọc sách có định hướng” không chỉ phản tác dụng, khiến con dần trở nên ghét sách mà còn hạn chế sự phát triển tự nhiên của con. Cũng giống như một đứa trẻ có năng khiếu thể thao nhưng không có năng khiếu âm nhạc, trong khi “theo ý của Ba Mẹ là con nên học đàn piano đi”. Vì thế, việc nhận ra năng khiếu của con và tạo điều kiện cho con phát huy tiềm năng sẵn có là nhiệm vụ mà cha mẹ cần hoàn thành càng sớm càng tốt. Đối với vấn đề giáo dục sớm, tôi có chia sẻ trong bài “Giáo dục sớm là hành trang giúp con vào đời thêm vững vàng”.

Mang sách theo mọi lúc mọi nơi. 

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

Giúp con cảm thấy sách gần gũi như một người bạn thân.

Những người thích đọc sách thường có thói quen mang sách theo mọi lúc mọi nơi, như trường hợp của tôi là sống xa trung tâm, mỗi lần đi công việc đều để sẵn trong balo 1 – 2 quyển sách. Những lúc phải chờ đợi, có khi có chỗ ngồi đàng hoàng, có lúc phải ngồi trên yên xe thì cầm cuốn sách đọc cũng đỡ nóng ruột và cảm thấy khoảng thời gian đó cũng còn hữu ích. Vì vậy, tôi cũng tập thói quen này cho con, giỏ đồ đi chơi của bé thường để 1 – 2 quyển sách, dù là đi công viên hay theo Bố ra quán cafe… lúc cần con chỉ với tay ra là có ngay sách để đọc. Ở nhà, những lúc trông con chơi, nghịch nước hoặc tắm mình cũng ôm quyển sách tranh thủ đọc. Khi cha mẹ thực hành điều này một thời gian, tự nhiên con sẽ cảm thấy sách là “bạn thân”, giống như người lớn hay gọi điện thoại là “vật bất ly thân” vậy.

Tặng sách vào những dịp đặc biệt. 

Chúng ta nên suy nghĩ về việc tặng sách vào những dịp đặc biệt, như ngày sinh nhật, dịp lễ tết hoặc phần thưởng nếu con hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. Trong quá trình dẫn con đến thư viện hoặc nhà sách, có những quyển sách mà chúng ta sẽ mua cho con ngay trong dịp đó, có những quyển sách sẽ là phần treo thưởng. Ví dụ: “Nếu suốt tuần con chăm chỉ dọn dẹp phòng, phụ giúp ông bà làm việc nhà thì đến Chủ Nhật tới đây Bố sẽ mua quyển sách này cho con”. Làm được như vậy bạn sẽ đạt được ít nhất 02 mục tiêu rèn luyện cho con, bao gồm: (1) Món quà là quyển sách trở thành một phần thưởng quý giá, con phải phấn đấu mới có được nó; (2) Rèn luyện cho con sự chăm chỉ, biết làm việc nhà và có ý thức phụ giúp người lớn. Một khi con đạt được phần thưởng thì đó chắc chắn là một kỷ niệm đẹp gắn liền với tình cảm của người tặng và người nhận. Điều đó giúp khích lệ tinh thần của trẻ con một cách tích cực hơn.

Nhìn chung đối với trẻ con, cha mẹ chính là người thầy vĩ đại nhất, tất cả những thói quen hàng ngày của bố mẹ, dù là tốt hay xấu, đều được con học theo. Do đó, làm thế nào để giúp con có thói quen đọc sách sẽ không khó nếu người lớn thể hiện mình là tấm gương cho con học tập. Một khi đã hình thành thói quen từ nhỏ sẽ quyết định đến khả năng đọc sách của con trong suốt cả thời gian dài, cho đến khi trưởng thành. Bài viết vốn đã dài, tôi xin dừng lại ở đây. Chúc bạn và gia đình có một cuộc sống khỏe mạnh, an yên, hạnh phúc và thành công trong việc nuôi dạy con.

Cảm ơn bức ảnh bìa rất đẹp của Cottonbro từ Pexels.

BÀI VIẾT GẦN ĐÂY
Contact Me on Zalo