Kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh trong tháng của bố

Kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh trong tháng của bố.

Bài này tôi viết gửi đến cô em gái còn một tuần nữa là sinh, cô em nói rằng trong giai đoạn mang thai do đọc và tìm hiểu nhiều quá nên giờ mọi thứ loạn hết cả lên, không biết nên theo phương pháp nào. Vì vậy tôi tổng kết lại một số kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh trong tháng của bố, tóm tắt lại các lưu ý quan trọng để các anh có thể phụ giúp vợ chăm con thật tốt.

Kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh trong tháng của bố.

Những việc cần chuẩn bị trước ngày con chào đời.

Chắc chắn sẽ khó khăn, vất vả và kiệt sức.

Bất kỳ cha mẹ nào nuôi con nhỏ cũng đều lần lượt trải qua khó khăn, vất vả thậm chí là kiệt sức. Chắc là bạn cũng không ngoại lệ đâu. Nếu xác định khó khăn ngay từ đầu phần nào giúp bạn giải quyết vấn đề tâm lý, thấy điều cực vất vả chỉ là hơi vất vả, mà một xíu vất vả coi như không có gì vất vả. Giai đoạn vợ mang bầu, hai vợ chồng tôi rất “siêng” đi ngủ sớm bởi nhiều nguyên do, trong đó có lý do “Sau này con ra đời mình sẽ không được ngủ xuyên giấc đâu”. Tôi nghĩ chắc chỉ được ngủ khoảng 2 – 3 tiếng mỗi ngày, nhưng thực tế cũng được ngủ 4 – 5 tiếng vậy là gấp đôi so với dự tính. Rõ ràng tâm lý “Hôm nay được ngủ đến 4 tiếng” nhẹ nhàng hơn “Hôm nay chỉ được ngủ có 4 tiếng”.

Đóng gói đồ dùng để mang đi sinh.

Tính vợ tôi vốn chu đáo nên cô ấy chuẩn bị gần như toàn bộ đồ dùng cần thiết cho cả hai mẹ con, soạn sẵn thành 01 túi đồ cho mẹ, 01 túi đồ cho con đến giờ “G” chỉ cần túm lấy mang đi. Danh sách những thứ cần thiết đó được chúng tôi tham khảo từ Google, xong rồi hai vợ chồng sắp xếp thời gian chở nhau đi mua nên tôi thấy không có gì đặc biệt so với những ông bố bà mẹ khác.

Danh sách đồ dùng mang đi sinh cho mẹ:

  • Sữa tươi và sữa đặc.
  • Cốc có nắp và thìa.
  • Nước suối.
  • Băng vệ sinh: 6 – 8 cái.
  • Bỉm người lớn: 4 – 6 cái
  • Bông gòn, tăm bông.
  • Quần lót dùng 01 lần: 20 cái.
  • Giấy vệ sinh: 3 – 4 cuộn.
  • Giấy và khăn ướt.
  • Quần áo: 2 – 3 bộ mặc nhà cho chủ động hơn. Còn lại dùng đồ của bệnh viện.
  • Kính râm để bảo vệ mắt: không ảnh hưởng đến thị lực sau này.
  • Khăn mặt.
  • Nịt bụng.
  • Thau đựng nước nhỏ.
  • Bàn chải, kem đánh răng, nước súc miệng.
  • Túi đựng đồ dơ.

Danh sách đồ dùng mang đi sinh cho bé:

  • Mũ trùm đầu: 4 –  6 cái.
  • Bao tay, bao chân: 6 –  8 bộ.
  • Áo ngắn tay: 7 –  8 cái.
  • Áo dài tay: 3 – 4 cái.
  • Quần (size 1 & 2): 6 – 8 cái.
  • Quần dài: 3 – 4 cái.
  • Khăn quấn bé: 6 – 8 cái.
  • Khăn tắm lớn: 4 – 6 cái.
  • Khăn sữa (nhỏ): 15 – 20 cái.
  • Khăn ướt cho em bé: 2 – 3 gói.
  • Băng rốn: 4 – 5 cái.
  • Rơ lưỡi: 5 – 7 cái.
  • Bông y tế: 2 – 3 gói nhỏ.
  • Nước muối sinh lý: 1 – 2 lốc loại 10ml để vệ sinh mắt, mũi cho con.
  • Máy hút sữa đề phòng trường hợp mẹ chưa thể trực tiếp cho bé bú
  • Quần đóng bỉm: 01 túi.
  • Tã giấy hoặc bỉm sơ sinh: 30 cái.
  • Đệm chống thấm: 10 cái (lót cho bé).
  • Gối bông mềm: 01 cái.
  • Mền nhỏ đắp cho con: 01 cái.

Danh sách đồ dùng mang đi sinh cho bố:

  • Tiền mặt cho viện phí và phí sinh hoạt, hoặc thẻ ATM.
  • Tiền lẻ để trả tiền gửi xe, mua nước,… giúp tiết kiệm thời gian.
  • Điện thoại, sạc dự phòng để có thể liên lạc với người nhà khi cần.
  • Dụng cụ vệ sinh cá nhân: khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng, dụng cụ cạo râu…
  • Dép hoặc giày thoải mái để thuận tiện di chuyển.
  • Gối riêng để có thể tranh thủ chợp mắt dưỡng sức.

Bạn cũng không cần phải lo lắng quá, nếu có thiếu vài thứ lặt vặt thì vẫn có thể mua bổ sung sau.

Bố hãy luôn sát cánh, đồng hành cùng với mẹ.

Bây giờ là thời đại 4.0 rồi, cách nuôi con và chăm sóc con cũng khác với thời xưa nên các ông bố đừng cho rằng việc nuôi con là trách nhiệm của người mẹ nữa. Ngoại trừ trường hợp đi công tác xa hay phải làm việc liên miên, còn lại nên bỏ bớt những thú vui cá nhân như cà phê, game, bóng đá, điện thoại… để san sẻ công việc với vợ nhiều chừng nào tốt chừng đó. Tôi có nói với vợ rằng “Em chỉ cần sanh con thôi. Chuyện chăm con để anh lo!”, nhưng khi con ra đời thì mới phát sinh thêm một chuyện là tôi không cho bú được. Còn lại tôi có thể làm tất kể từ vệ sinh, tắm giặt, cho ăn, ru ngủ, tới chuyện chơi với con, dạy con học… làm cho tới tận bây giờ và sẽ còn tiếp tục lâu dài. Anh diễn viên Bình Minh có lần trả lời báo chí rằng sẵn sàng “Đi theo nấu cơm nếu con đi du học”, tôi thấy rất hay và cũng có suy nghĩ này.

Kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh trong tháng của bố

Tắm và vệ sinh rốn hàng ngày.

Vợ sinh xong được ở lại bệnh viện 03 ngày. Tôi đi “học nghề” từ các cô điều dưỡng cách tắm gội và vệ sinh vùng rốn cho con, lúc về nhà tôi “có kinh nghiệm hơn” nên đảm nhận luôn nhiệm vụ tắm con cho tới… hiện nay. Chuyện tắm cho con từ khi mới sinh là chỉ dẫn của bệnh viện mà nhà tôi vốn theo Tây Y nên tuân thủ, tuy nhiên bạn cần dựa trên phong tục, quan niệm của mỗi gia đình và địa phương để áp dụng. Tránh chuyện ông bà muốn chăm một kiểu, cha mẹ chăm kiểu khác sẽ xảy ra mâu thuẫn.

Đồ dùng khi tắm cho con cần chuẩn bị:

  • Nước ấm 30 – 32 độ (tôi dùng nhiệt kế điện tử Omron).
  • Tinh dầu tràm.
  • 02 thau tắm bằng nhựa gồm: 01 chậu nước tắm, 01 chậu nước tráng.
  • Sữa tắm và dầu gội dành riêng cho bé (tôi dùng Cetaphil Baby Gentle Wash & Shampoo).
  • 02 khăn tắm ướt, gồm: 01 khăn gội đầu, 01 khăn tắm người.
  • 01 khăn lau khô khổ lớn.
  • Nước muối sinh lý, tăm bông để nhỏ mắt, nhỏ mũi và vệ sinh rốn.
  • Dụng cụ rơ lưỡi.
  • Kem chống hăm.
  • Tã/bỉm sạch.
  • Quần áo, mũ, bao tay, bao chân cho bé.

Lưu ý về cách tắm cho con khi còn trong tháng.

  • Tắm cho con vào những thời điểm nắng ấm áp. Ví dụ: Sáng 10h00 – 11h00. Chiều 16h00 – 17h00.
  • Tổng thời gian tắm tối đa 05 phút.
  • Không gian tắm ở trong phòng kín gió.
  • Gội đầu trước xong lau khô, rồi mới tắm người sau.

Các bước tắm cho con khi còn trong tháng:

  • Chuẩn bị nước tắm cho con, đo nhiệt kế khoảng 32 độ, nhỏ vào 2 – 3 giọt tinh dầu tràm. 
  • Chuẩn bị ghế ngồi thấp giúp tắm con cho đỡ mỏi hoặc ngồi xổm. Đặt con trên đùi, tay trái đỡ gáy con, tay phải nhúng ướt khăn gội đầu và xoa nhẹ làm ướt tóc con.
  • Xoa dầu gội nhẹ nhàng lên tóc. Massage đầu cho con. Sau đó dùng khăn để rửa sạch dầu gội trên đầu con.
  • Giặt sạch khăn, vắt bớt nước rồi lau vùng mặt, vùng mắt, lỗ tai, vành tai cho con.
  • Bế con vào thau tắm một cách nhẹ nhàng, tay trái vẫn đỡ phần cổ của con. Làm ướt người rồi xoa sữa tắm khắp người con, tránh chạm vào vùng rốn.
  • Nếu thấy sạch chất nhờn của sữa tắm thì chuyển con sang thau tắm thứ hai chứa nước sạch, tắm qua một lần nữa. Tổng thời gian tắm tối đa 5 phút do cuống rốn của con vẫn chưa khô hẳn.
  • Bế con ra ngoài và đặt lên khăn lau khô khổ lớn đã trải sẵn.

Các bước vệ sinh cho con sau khi tắm lúc còn trong tháng:

  • Quấn con bằng khăn và thấm khô người từ đầu xuống chân, bao gồm bộ phận sinh dục.
  • Nhỏ 01 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mắt, mũi của con.
  • Nhỏ 2 – 3 giọt để thấm ướt miếng rơ lưỡi, và tiến hành rơ lưỡi cho con.
  • Dùng tăm bông để vệ sinh vành tai cho con.
  • Dùng nước muối sinh lý và tăm bông để vệ sinh xung quanh vùng cuống rốn của con.
  • Mặc tã cho con, lưu ý tránh tã cọ sát vào cuống rốn.
  • Xoa vài giọt dầu tràm vào hai lòng tay bạn rồi xoa lên lồng ngực và lưng, lòng bàn tay, bàn chân của con.
  • Mặc quần áo, mang bao tay, bao chân vào cho con.
  • Ôm con vào lòng khoảng 5 – 10 phút để con được ấm áp.

Tôi nghe mọi người bảo là trẻ sơ sinh thì 7 – 15 ngày sẽ rụng rốn. Con tôi đến ngày thứ 17 cuống rốn vẫn còn hồng hồng đỏ đỏ, cảm tưởng rốn con chưa rụng thì rốn cha mẹ đã rụng rồi. Do sợ nhiễm trùng nên chúng tôi đưa đến bệnh viện, bác sĩ khám xong cũng không hướng dẫn gì đặc biệt, dặn về nhà tiếp tục vệ sinh bằng nước muối sinh lý, đảm bảo rốn của con được khô ráo, thoáng khí. Khoảng hơn 20 ngày thì con rụng rốn.

Cho con bú 2 – 3 giờ/lần, 8 – 10 lần/ngày.

Chúng tôi tham khảo nhiều tài liệu y khoa nên cũng xác định tinh thần cho con bú sữa mẹ hoàn toàn, ít nhất là 06 tháng đầu đời, bởi vì sữa mẹ có nhiều dưỡng chất và kháng thể giúp con có sức khỏe tốt nhất. Thực tế con chỉ bú sữa mẹ trực tiếp được 03 tháng, sau đó con “tự ngán” ti mẹ và thích bú bình hơn. Cá nhân tôi thấy việc bú bình cũng ổn, đỡ vất vả cho người mẹ, do công việc của mẹ làm nghề tổ chức sự kiện nên giờ giấc cũng thất thường. Hai vợ chồng phân công nhau, hàng ngày vợ tôi canh giờ hút sữa, cho sữa vào túi zip để ngăn đông còn tôi canh giờ dậy hâm ấm sữa cho con bú. Sách báo nói bé sơ sinh cứ 1 – 3 giờ cần bú một lần tức khoảng 8 – 12 lần/ngày, con tôi thì 2 – 3 giờ/lần và khoảng 8 – 10 lần/ngày. Tôi cho con bú theo nhu cầu, quan sát thấy tín hiệu mút tay, liếm môi là hiểu con đang đói liền đi chuẩn bị sữa, hoặc khóc tức là đã đói lắm rồi. Nếu con đói thì bú nhiều còn no sẽ tự biết nhả bình, để ý bụng của con mỗi lần bú no xem căng lên cỡ nào. Khi con đã no thì bế vác trên vai, khum bàn tay vỗ lưng nhè nhẹ cho con ợ 2 lần, ợ xong cho con ngậm ti giả, các cô điều dưỡng dạy như vậy. Tóm lại, nhiệm vụ hút sữa ra là của mẹ, còn nhiệm vụ cho con bú là của bố, đêm cũng như ngày cứ vậy mà làm.

Kinh nghiệm cho con bú sữa của bố:

  • Đặt con nằm trên gối chống trào ngược.
  • Hâm ấm một lượng sữa phù hợp.
  • Cho con bú theo nhu cầu.
  • Bú xong vỗ ợ 02 lần để tránh nôn trớ.
  • Con ợ xong thì cho ngậm ti giả.

Nhà tôi sử dụng các thiết bị và vật dụng sau:

  • Máy hút sữa Medela Sonata.
  • Máy hâm sữa Philips Avent.
  • Bình sữa và núm ti Philips Avent.
  • Gối chống trào ngược Babymoov.

Đội mũ, bao chân tay và giữ ấm cho con.

03 đêm ở bệnh viện giúp tôi có nhiều kinh nghiệm giữ ấm cho con. Các cô điều dưỡng để nhiệt độ phòng tương đối lạnh, khiến tôi ngủ không được trong khi con lại ngủ rất ngon, tất nhiên là có mũ trùm đầu, bao tay, bao chân cho con rất đầy đủ. Vậy mà lúc về nhà, tôi vẫn lo con lạnh nên chỉ dám bật điều hòa 28 độ thì con có hiện tượng khó ngủ, thường cựa quậy, quấy khóc (chắc là do ngứa ngáy) còn nếu giảm nhiệt độ xuống khoảng 25 – 26 thì sẽ ngủ ngoan ngay. Vài ngày sau tôi biết ý, bật nhiệt độ ở mức mà người lớn cảm thấy hơi lạnh là ổn cho con, tuy nhiên cần tránh gió lùa, tránh hơi lạnh thổi trực tiếp về phía giường.

Thực ra, tâm lý chung của các ông bố bà mẹ là luôn sợ con bị lạnh nên việc trang bị quần áo, bao tay, bao chân, mũ trùm đầu là điều cần thiết, cũng như thường xuyên kiểm tra thân nhiệt, sờ tay sờ chân xem con có lạnh không. Tuy nhiên, nếu con có hiện tượng rịn mồ hôi ở da đầu, gáy, cổ, lưng… gây bức bối, khó chịu thì hãy dùng khăn lau bớt mồ hôi, cởi bớt mũ trùm đầu, mặc quần áo mỏng hơn… chỉ một lúc là con lại ngủ ngoan ngoãn thôi. Nhiều tài liệu chỉ rằng do trẻ sơ sinh chưa tự điều hòa thân nhiệt nên thường bị nóng và chịu lạnh tốt hơn người lớn, nếu như ở trong nhà chỉ cần tránh gió lùa, còn lại nên để con được thông thoáng. Bạn tự tìm hiểu thêm xem sao.

Kinh nghiệm giữ ấm cho con của bố. 

  • Đảm bảo nhiệt độ phòng ở mức 26 – 28 độ (tùy bé).
  • Che chắn gió lùa cẩn thận, không nằm trước máy lạnh.
  • Chuẩn bị mũ che thóp, bao tay, bao chân.
  • Mặc trang phục tùy theo mùa: Lạnh mặc dày và dài. Nóng mặc thoáng và mỏng.
  • Kiểm tra thân nhiệt thường xuyên.
  • Lau mồ hôi, cởi bớt đồ cho thoáng nếu con bị nóng.

Chăm sóc giấc ngủ và tạo thói quen cho con.

Trong lúc mang thai, vợ tôi nghiên cứu cách chăm con EASY, viết tắt của Eat – Activity – Sleep – Your time tức là bé ĂN – CHƠI – NGỦ – BỐ/MẸ THƯ GIÃN, đầu tiên vợ thị phạm trước sau đó tôi chịu trách nhiệm thực thi. Trong việc chăm sóc giấc ngủ và tạo thói quen cho con, chúng tôi chuẩn bị và áp dụng như sau: 

  • Giúp con phân biệt lúc nào là thời gian ngủ (tối), lúc nào là thời gian chơi (sáng). Chuẩn bị cho con ngủ thì cần đóng rèm, tắt đèn, làm sao để căn phòng tối đi. Ngược lại lúc con thức cần mở rèm, bật đèn, làm sao để căn phòng sáng lên.
  • Áp dụng phương pháp “quấn chũn” hay còn gọi là “quấn kén” cho trẻ nhằm tạo cảm giác an toàn giống như trong bụng mẹ, từ đó con sẽ có xu hướng ngủ ngon hơn, sâu hơn và ít khóc hơn. Nhờ có khăn quấn mà nguy cơ con cào móng lên mặt trong lúc ngủ giảm đi rất nhiều.
  • Tạo môi trường “tiếng ồn trắng” (white noise) vốn được khoa học chứng minh là biện pháp thư giãn, giúp dễ ngủ hơn, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Ví dụ như tiếng sóng vỗ rì rào, tiếng mưa hoặc nước rơi, tiếng của tivi khi mất sóng,… giúp bé ngủ ngon, sâu giấc.

Thói quen nào cũng cần thời gian để hình thành, nếu thói quen cũ đã bắt nguồn từ lâu thì rất khó áp dụng thói quen mới, nhưng không có nghĩa là không thể. Mặc dù vậy cha mẹ thường mất kiên nhẫn, thực hiện một vài tuần lại đổi qua làm cách khác trong khi chỉ cần kiên trì là sẽ đạt được kết quả. Giấc ngủ cực kỳ quan trọng giúp sức khỏe của con phát triển tốt hơn, đối với trẻ sơ sinh mỗi ngày có thể ngủ từ 16 – 20 tiếng và ngủ cả ngày lẫn đêm.

Kinh nghiệm cho con ngủ của bố. 

  • Mở tiếng sóng vỗ, tiếng mưa rơi (nguồn Youtube hoặc download về máy tính).
  • Quấn kén cho con (có thể áp dụng tới 3 – 4 tháng tuổi).
  • Chèn gối hai bên hông.
  • Kéo rèm, tắt đèn.
  • Người lớn nói chuyện bình thường nhưng âm lượng vừa phải, nhỏ nhẹ.
  • Xoa lưng nhè nhẹ cho tới khi con ngủ nếu cần thiết.

Giữ vệ sinh, tăng sức đề kháng cho con.

Trong lúc tìm hiểu nhằm chuẩn bị chăm sóc khi con ra đời, chúng tôi hiểu rằng cơ thể của trẻ sơ sinh rất yếu ớt, sức đề kháng kém nên cùng thống nhất đưa ra một số “điều luật” bao gồm: 

  • Cha mẹ, ông bà, người thân tuyệt đối không hôn vào miệng con, việc làm này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, khiến các loại vi trùng có hại xâm nhập và gây bệnh cho con.
  • Con không cần tiếp xúc với nhiều người. Do người Việt thường có thói quen “đi thăm bà đẻ”, vì vậy chúng tôi thông báo về việc hạn chế tiếp khách, nếu có đến thăm thì chỉ gặp bố mẹ chứ không cho gặp con. Trước cảnh tượng một bé con non nớt cứ chuyển qua hết tay người này đến người khác là tôi không chịu được.
  • Bất kỳ ai khi tiếp xúc với con trực tiếp như ẵm bồng, chăm sóc, cho bú,… đều phải rửa tay xà bông sau đó sát trùng. Chúng tôi sử dụng dung dịch sát khuẩn Aniosgel 85 NPC áp dụng với cả cha mẹ, ông bà của bé.
  • Người lớn phải chuẩn bị trang phục riêng để mặc ở nhà. Khi ra ngoài đường, đi làm về cần tắm rửa, vệ sinh, thay quần áo sạch sẽ rồi mới được chơi với con.
  • Không sử dụng máy giặt đồ của người lớn để giặt đồ cho con. Đồ của con là phải tự giặt bằng tay hoặc toàn bộ đồ của người lớn mang ra tiệm giặt, dành riêng cho con một cái máy giặt. Và phải vệ sinh máy giặt thường xuyên.
  • Tiệt trùng toàn bộ vật dụng mà con dùng trong ăn uống bao gồm bình sữa, ly nước, chén ăn, muỗng, hay khăn mặt… bằng nước sôi sau khi đã rửa sạch bằng loại xà bông cho em bé.
  • Không nêm nếm trực tiếp vào đồ ăn của con. Không cho con ăn uống bằng đũa, muỗng, tô chén, ly nước của người lớn. Không cho con ăn phần thừa từ thức ăn của người lớn. 

Cho tới hiện tại dù con cũng lớn rồi nhưng gia đình vẫn áp dụng “nội quy” trên và đã trở thành thói quen. Nhờ vậy mà trong suốt quá trình chăm sóc con, chúng tôi thấy con ít khi ốm vặt, ngay cả đi tiêm ngừa về cùng lắm chỉ sốt nhè nhẹ chừng một buổi chiều là hết. Vì thế, tôi nghĩ rằng cha mẹ và người thân hãy cố gắng chăm sóc, vệ sinh cho con thật đúng cách, bởi giai đoạn còn nhỏ sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của con sau này.

Giúp con giải trí, thư giãn giảm stress.

Trẻ con mà cũng stress ư? Đó là phản ứng đầu tiên của tôi khi được biết trẻ em cũng bị stress. Chúng ta được chia sẻ kinh nghiệm rằng nếu con tự nhiên trở nên cáu giận hay khóc to là do đói, nóng hoặc lạnh nhưng thực tế có thể con đang bị stress. Mà nguyên nhân khiến con stress rất đa dạng chẳng hạn phải tiếp xúc với nhiều người, đến những nơi ồn ào như đường phố, trung tâm thương mại,… Hoặc do chính cha mẹ gây ra bởi vì công việc mệt mỏi, cáu gắt và nói ra những lời khó nghe thì cũng khiến cho tâm lý của con bị ảnh hưởng. Nếu thực sự con đang gặp stress nhưng cha mẹ lại hiểu lầm rồi để cảm xúc tiêu cực này kéo dài thì rất nguy hại, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của con trong tương lai. Khi lớn lên con trở nên dễ cáu giận, hung hăng, thường gặp vấn đề về sức khỏe, khả năng ghi nhớ, học tập và tiếp thu kém. 

Vậy giúp con được giải trí, thư giãn và giải tỏa stress như thế nào? 

  • Đầu tiên, chúng ta cần phải tạo nên một không gian an toàn, thư thái. Chẳng hạn một căn phòng mát mẻ, yên tĩnh và hạn chế thay đổi không gian nơi con sống.
  • Thường xuyên hát cho con nghe hoặc mở nhạc có giai điệu nhẹ nhàng, thư giãn.
  • Nói những lời dịu dàng, dễ nghe với con, với nhau và với người thân trong gia đình.
  • Tránh biểu lộ sự mệt mỏi, chán nản, thất vọng trên gương mặt của mình.
  • Trêu đùa, tâm sự và kể chuyện cho con nghe như một người bạn.
  • Massage cho con trước lúc tắm, trong lúc chơi đùa và trước khi đi ngủ.
  • Tránh cho con phải nghe những thứ mà người lớn nghe. Ví dụ: tiếng ồn ào, cãi nhau, chửi nhau, tiếng nhân vật trong phim, chương trình truyền hình, thời sự, gameshow, tấu hài,…

Kể chuyện, tâm sự với con hàng ngày.

Trong quá trình “thai giáo” vợ đã “huấn luyện” cho tôi trở thành người biết thể hiện tình cảm tốt hơn so với trước đây. Vợ tôi nói “Thay vì xem phim thì anh chịu khó nói chuyện với con mỗi ngày đi, ở trong bụng con cũng có thể nghe thấy tiếng của bố mà”. Tôi đồng ý luôn, vợ nói điều tốt thì tại sao lại không làm. Lúc vợ mang thai, tôi đang nghiền ngẫm quyển Từ Tốt Đến Vĩ Đại của tác giả Jim C. Collins, cho nên đọc luôn sách này cho con nghe mỗi buổi tối. Mãi cho đến giờ đã tạo thành một thói quen… nói nhảm.

Hai bố con nói lảm nhảm với nhau rất là nhiều thứ, chủ yếu theo lối văn tả cảnh. Khi con nằm ở trên giường hoặc trong cũi mà tôi đang làm việc gì đó thì sẽ mô tả lại cho con nghe. Kiểu là bố đang làm việc gì đây, làm việc này với mục đích gì, làm như thế nào,… Ví dụ một trong các câu chuyện như sau: “Bố đang hâm nóng sữa cho con đây, con chịu khó đợi chút xíu, khoảng 10 phút thôi là sẽ có sữa để bú. Sữa này mẹ đã vắt ra sẵn rồi để đông lạnh, nên giờ vừa cứng mà vừa lạnh, phải bỏ vào máy hâm nóng lại thì mới uống được. Giờ con còn bé nên chỉ uống được 60ml thôi, mà mỗi lần mẹ con vắt sữa được gần 150ml nên cứ yên tâm không sợ đói đâu”. Nói chung là tôi cứ huyên thuyên như vậy, nói chuyện với con như một người bạn, bằng một tông giọng dịu dàng nhưng không giả giọng như trẻ con. Không biết khi đó con có hiểu gì không mà hiện giờ con nói nhiều lắm, cản không được.

Kinh nghiệm tâm sự với con của bố.

  • Nói bằng giọng bình thường với âm lượng vừa phải, nhỏ nhẹ.
  • Kể chuyện theo kiểu văn tả cảnh, mô tả các hành động đang làm.
  • Có thể thay thế bằng đọc sách ảnh, hát, hát ru.
  • Giúp tạo thành thói quen cho đến khi con lớn.

Chăm sóc da, móng, mắt, mũi, lưỡi cho con.

Bên cạnh việc tắm rửa, vệ sinh cuống rốn vốn trong tháng đầu tiên thì vấn đề chăm sóc da, móng, mắt, mũi, lưỡi cho con cũng rất quan trọng vào những tháng tiếp theo. Sau đây là kinh nghiệm của bố đối với các vấn đề trên:

  • Sử dụng loại xà bông dành riêng cho trẻ em, tránh gây kích ứng da: dầu gội, sữa tắm…
  • Rửa sạch sau khi con đi vệ sinh hoặc mỗi lần thay tã. Lau khô, bôi kem chống hăm, mặc tã.
  • Vệ sinh mắt, mũi, vành tai bằng nước muối sinh lý kết hợp với tăm bông.
  • Vệ sinh lưỡi, khoang miệng bằng rơ lưỡi và nhỏ vài giọt nước muối sinh lý.
  • Sử dụng khăn mặt riêng, giặt sạch và khử khuẩn bằng nước đun sôi.
  • Cắt da, móng tay bằng dụng cụ riêng dành cho trẻ em.

Bổ sung Vitamin D3 cho con sau khi sinh.

Cơ thể của con cần tổng hợp Vitamin D từ sữa mẹ để thúc đẩy quá trình trao đổi chất và phát triển. Có 02 cách để tổng hợp Vitamin D đó là dùng thuốc bổ sung Vitamin D3 (cần có chỉ dẫn cụ thể của bác sĩ) hoặc tắm nắng mỗi ngày. Phơi nắng để bổ sung Vitamin D và chữa vàng da vốn là huyền thoại từ bao đời nay nhưng rất tiếc kiến thức này giờ đây không còn đúng nữa. Bản chất tia UV chia ra làm 03 loại (A – B – C) và chỉ có UVB (có bước sóng từ 290 – 320nm) mới giúp tổng hợp Vitamin D và nó đạt đỉnh từ 10h – 15h hàng ngày. Nếu muốn tổng hợp Vitamin D thì phải phơi giờ đó mới đúng, tuy nhiên khoảng thời gian này cũng là lúc tia UVA đạt cực đỉnh, còn nếu phơi nắng sáng sớm chỉ nhận toàn tia UVA mà thôi. Trong khi tia UVA (có bước sóng từ 320 – 400nm) là nguyên nhân gây lão hóa, tàn phá da và ung thư. Từ hơn 20 năm trước, các bác sĩ kể cả Mỹ, Canada và các quốc gia châu Âu… đã khuyên cha mẹ đừng mang con ra phơi nắng vì nguy cơ nhận tia UV gây ung thư da, thay vào đó bổ sung bằng đường uống như thực phẩm, sữa, thuốc… miễn là đủ liều sinh lý là được.

Qua những kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh trong tháng của bố ở trên, có thể giúp các anh chồng nắm được các công việc cần phải làm, từ đó chia sẻ và đỡ đần vợ nhiều hơn trong chuyện chăm sóc, nuôi dạy con cái. Tôi tin rằng, khi nhận được sự hỗ trợ đắc lực của cánh đàn ông chúng ta có thể giúp vợ giải tỏa bớt những áp lực, stress và nhanh chóng lấy lại được tinh thần, vóc dáng từ đó tiếp tục đồng hành cùng ta trên chặng đường dài về sau.

BÀI VIẾT GẦN ĐÂY
Contact Me on Zalo