So sánh giữa đạp xe và chạy bộ môn nào tốt hơn?

So sánh giữa đạp xe và chạy bộ môn nào tốt hơn?

Bên cạnh sự yêu thích mà chúng ta dành riêng cho môn nào đó, bạn cũng cần quan tâm đến lợi ích, nhược điểm của từng môn để xem có phù hợp với thể trạng, khả năng của mình hay không. Chẳng hạn đạp xe và chạy bộ đều là những hình thức thể dục nhịp điệu phổ biến trên thế giới được nhiều người tập luyện nhưng chúng ta nên tập môn nào? Trong bài viết sau, tôi sẽ so sánh giữa đạp xe và chạy bộ môn nào tốt hơn để giúp bạn chọn môn thể thao phù hợp.

So sánh giữa đạp xe và chạy bộ môn nào tốt hơn?

Tác dụng giảm cân của đạp xe và chạy bộ.

Tác dụng giảm cân của đạp xe.

Đạp xe đạp có giúp giảm cân không? Không chỉ đối với đạp xe mà chăm chỉ tập luyện bất kỳ một môn thể thao nào cũng có tác dụng đốt cháy calo, nhờ đó giúp chúng ta đạt được mục đích giảm cân. Tuy nhiên lượng calo được đốt cháy trong quá trình tập luyện còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tốc độ, địa hình, giới tính, trọng lượng cơ thể và sự trao đổi chất của mỗi người. Căn cứ theo nghiên cứu từ Đại học Harvard, một Nam giới nặng 70kg đạp xe với tốc độ 14 dặm/giờ (tương đương 22 km/giờ) trong 30 phút có thể đốt cháy 288 calo, hoặc tốc độ 19 dặm/giờ (tương đương 30,5 km/giờ) trong 30 phút sẽ giúp đốt cháy 432 calo.

Tác dụng giảm cân của chạy bộ. 

Tương ứng với cách tính như trên, một Nam giới nặng 70kg chạy bộ với tốc độ 6 dặm/giờ (khoảng 9,65 km/giờ) trong 30 phút đốt cháy 360 calo, hoặc 10 dặm/giờ (khoảng 16 km/giờ) sẽ đốt cháy 562 calo trong 30 phút. (Nguồn Vinmec: Chạy bộ 30 phút mỗi ngày đốt cháy bao nhiêu calo?). Vậy chạy bộ có giúp giảm cân không? Chắc chắn là có, khi bắt đầu tập chạy bộ tôi đã giảm được 5kg trọng lượng cơ thể trong vòng 02 tháng. Tuy nhiên nếu bạn muốn giảm cân thì phải cân bằng giữa lượng calo nạp vào cơ thể với lượng calo tiêu hao, dù bạn chăm chỉ tập luyện nhưng ăn uống cũng nhiều hơn lại không khoa học thì cân nặng vẫn sẽ tăng. Tốt nhất bạn hãy nghiên cứu kỹ lưỡng về việc chạy bộ, đạp xe giảm cân như thế nào cho đúng trước khi tiến hành.

Có nên mua bảo hiểm không? Khi nào cần mua bảo hiểm?

Tác dụng phát triển cơ bắp khi đạp xe và chạy bộ.

Tác dụng phát triển cơ bắp của đạp xe.

Việc đạp xe giúp phát triển các nhóm cơ nào? Tập luyện bộ môn xe đạp thường xuyên sẽ giúp phát triển các nhóm cơ từ hông trở xuống bao gồm: cơ bụng dưới, cơ mông, cơ đùi, cơ bắp chân và một phần cơ vai, cơ lưng nhưng không đáng kể. Nếu như bạn muốn sở hữu một vóc dáng đẹp, bộ mông săn chắc và thon gọn thì đạp xe là một sự lựa chọn hoàn hảo để phát triển vùng cơ đùi và cơ mông mạnh nhất.

Tác dụng phát triển cơ bắp của chạy bộ. 

Việc chạy bộ giúp phát triển các nhóm cơ nào? So với đạp xe thì chạy bộ là môn thể dục giúp phát triển cơ toàn diện hơn, với các nhóm cơ ở phần thân trên và thân dưới của cơ thể, bao gồm: cơ cốt lõi, cơ gập hông, cơ mông, cơ đùi, cơ tứ đầu, gân kheo, cơ bắp chân, cơ tay, cơ bụng. Trong số đó, tập chạy bộ giúp cải thiện rõ rệt 04 nhóm cơ là cơ bụng, cơ mông, cơ đùi và cơ bắp chân.

Tăng cường sức khỏe tim mạch nhờ đạp xe và chạy bộ.

Lợi ích cho sức khỏe tim mạch khi đạp xe. 

Lợi ích gì cho tim mạch khi bạn đạp xe hằng ngày? Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra đạp xe rất tốt cho trái tim của bạn, giúp ngăn chặn tình trạng huyết áp cao và tránh đột quỵ. Căn cứ theo Hiệp Hội Y Khoa Anh, một người dành thời gian để đạp xe 20km/tuần có thể làm giảm 50% nguy cơ mắc bệnh về tim mạch so với người không chơi thể thao. Bởi vì trong quá trình luyện tập, sự suy giảm oxy trong các cơ sẽ thúc đẩy trái tim hoạt động nhanh hơn để cung cấp thêm oxy cho máu giúp tăng cường sức khỏe tim mạch của bạn, làm cho mạch máu cũng như lá phổi hoạt động tốt hơn.

Lợi ích cho sức khỏe tim mạch khi chạy bộ.  

Lợi ích gì cho tim mạch khi bạn chạy bộ hằng ngày? Người bị bệnh tim có nên chạy bộ không? Tại các nước Châu Âu, luyện tập thể dục là một yếu tố quan trọng giúp phục hồi bệnh tim mạch và đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp hay bơi lội là các môn thể thao được khuyến nghị. Tất nhiên trước khi luyện tập người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra và tư vấn cẩn thận về chế độ luyện tập làm sao cho phù hợp nhất với tình trạng. Lợi ích của việc chạy bộ đối với người bình thường còn lớn hơn nữa, chạy bộ có thể giúp cải thiện sức khỏe phổi, kích thích tuần hoàn, tăng cường cơ tim, nhịp tim nghỉ ngơi thấp hơn, giảm lượng mỡ trong máu… Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chạy bộ làm giảm nguy cơ tim mạch, ung thư và tử vong do mọi nguyên nhân.

Tăng sức mạnh hệ xương nhờ đạp xe và chạy bộ.

Tăng sức mạnh hệ xương nhờ đạp xe.

Đạp xe có giúp xương khớp chắc khỏe không? Khi chúng ta luyện tập xe đạp thường xuyên sẽ giúp cải thiện mật độ xương, tăng khả năng bảo vệ và tăng cường sức mạnh cho hệ xương. Tư thế khi đạp xe còn giúp kích thích phần cơ bắp ở lưng dưới, nhờ vậy mà cột sống cũng được tăng cường và kích thích những cơ bắp nhỏ của các đốt sống, qua đó giúp giảm nguy cơ đau lưng và các vấn đề khác. Đối với thanh thiếu niên còn trong độ tuổi phát triển thì đạp xe mỗi ngày giúp cải thiện chiều cao hiệu quả.

Tăng sức mạnh hệ xương nhờ chạy bộ.

Chạy bộ có tăng chiều cao không? Đối với thanh thiếu niên, khi chạy bộ cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều hormon tăng trưởng nhờ vậy mà giúp phát triển chiều cao. Nếu so với việc đạp xe thì chạy bộ có tác động lên hệ xương cao hơn, vì thế khi chúng ta tập luyện môn chạy bộ lâu dài sẽ giúp xương chắc khỏe hơn. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, chạy bộ có lực tác động lớn khiến mô xương báo hiệu cho tuyến tụy nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi chất, trong khi đó đạp xe có lực tác động thấp hơn.

Chi phí đầu tư để chơi môn đạp xe và chạy bộ.

Chi phí đầu tư để chơi môn đạp xe.

Đầu tư thiết bị chơi đạp xe như thế nào cho đúng? Nhìn chung cả đạp xe hay chạy bộ đều là các môn thể thao thân thiện có mức đầu tư thấp, trong đó môn xe đạp sẽ tốn phí nhiều hơn chạy bộ một chút. Vậy chi phí đầu tư để chơi môn đạp xe gồm những gì? Khi mới bắt đầu luyện tập môn xe đạp bạn cần chuẩn bị bao gồm: xe đạp, giày thể thao, găng tay, mũ bảo hiểm, đệm yên xe, bình nước lọc,… Nếu có điều kiện nên chuẩn bị thêm trang phục tập luyện, quần và áo thể dục chuyên dụng, đèn chiếu sáng và đồ phản quang nếu định đạp xe ngoài đường lớn hoặc lúc trời tối.

Chi phí đầu tư để chơi môn chạy bộ. 

Làm thế nào để bắt đầu chạy bộ? Muốn bắt đầu môn chạy bộ, bạn không cần chuẩn bị nhiều ngoài một đôi giày chạy bộ, điều này giúp cho chạy bộ trở thành một lựa chọn tiết kiệm hơn so với đạp xe. Nếu xác định chạy bộ lâu dài, bạn có thể quan tâm đến một số loại trang phục thoáng khí, đồng hồ chuyên dụng và thiết bị phản quang để chạy vào ban đêm.

Cung đường để chơi môn đạp xe và chạy bộ.

Cung đường để chơi môn đạp xe.

Vốn là một môn thể thao vận động ngoài trời, bạn có thể luyện tập ở bất kỳ con đường nào dành cho xe đạp và xe máy. Tuy nhiên việc di chuyển trong nội thành, với những con đường nhỏ thường xảy ra ùn tắc giao thông, nên ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình luyện tập khiến bạn khó đạt được vận tốc mong muốn. Do đó, những người chơi môn đạp xe thường chọn cung đường xa, chẳng hạn vòng quanh bờ hồ, khu đô thị, đường lộ lớn…

Cung đường để chơi môn chạy bộ.

Trong khi đó, chọn địa điểm để chạy bộ lại trở nên đơn giản hơn, vì bạn chỉ cần một quãng đường ngắn nhưng chạy nhiều vòng thì vẫn có được cự ly mong muốn. Chẳng hạn một đoạn đường 200m ở ngay trong khu phố, bạn chạy 10 vòng là đã đạt 2 km/ngày hay khoảng 60 km/tháng. Dẫu vậy, phải đối diện với “khung cảnh nhàm chán” sẽ là một trở ngại của người chạy bộ.

Quãng đường, thời gian để đạp xe và chạy bộ.

Quãng đường và thời gian để đạp xe. 

Để tiêu hao khoảng 1000 calo, một người Nam nặng 56 kg cần đạp xe liên tục 2 tiếng với vận tốc 20 – 25 km/giờ (vận tốc đạp xe trung bình chậm), tức là họ cần đi được quãng được 40 – 50 km. Tôi đưa ra con số này dựa theo bảng thống kê từ Website Vinmec: Rằng cứ 30 phút đạp xe với vận tốc 12 – 13,9 dặm/giờ giúp tiêu hao 240 calo.

Quãng đường và thời gian để chạy bộ.

Tương ứng đối với môn chạy bộ, khi một người Nam nặng 56 kg mong muốn tiêu hao 1000 calo thì người đó cần chạy bộ trong 2 tiếng với vận tốc 8 km/giờ (vận tốc chạy trung bình chậm), tức quãng đường đi được là 16 km.

Các rủi ro chấn thương khi đạp xe và chạy bộ.

Rủi ro chấn thương khi đạp xe.

Dù bạn tham gia bất kỳ môn thể thao nào thì sớm hay muộn cũng sẽ gặp những chấn thương và các cơn đau. Vậy rủi ro chấn thương trong khi đạp xe là gì? Những chấn thương phổ biến mà bạn có thể gặp phải khi đạp xe bao gồm: đau cổ, đau cổ tay, đau cẳng tay, đau thắt lưng, đau hông, đau đầu gối, đau mắt cá chân, tê chân, viêm loét vùng yên xe, bong gân Achilles (thường đọc là Asin)… Tùy theo mức độ nặng hay nhẹ mà bạn hãy sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hoặc tham khảo ý kiến của ​​bác sĩ để xem tiếp tục tập luyện có an toàn hay không.

Rủi ro chấn thương khi chạy bộ.

Các rủi ro chấn thương trong khi chạy bộ là gì? Những chấn thương phổ biến mà bạn có thể gặp phải khi chạy bộ bao gồm: nhuyễn sụn bánh chè (đau đầu gối), rạn xương, đau cẳng chân, bong gân mắt cá chân, căng cơ (cơ đùi trước, cơ đùi sau, cơ bắp chân, cơ háng)… Trường hợp mới bắt đầu chạy bộ, bạn cần chọn một đôi giày tốt, chạy chậm với quãng đường ngắn, thời lượng ít rồi mới tăng dần lên, tránh chạy trên mặt đường gồ ghề, cứng hoặc có độ cao thấp thất thường.

Các hiểm nguy có thể gặp khi đạp xe và chạy bộ.

Hiểm nguy có thể gặp khi đạp xe.

Hiện nay ở Việt Nam không nhiều khu đô thị thiết kế đường dành riêng cho xe đạp, vì thế phần lớn người chơi xe đạp phải tập ngoài đường phố, họ di chuyển chung với các loại phương tiện khác nên ít nhiều làm ảnh hưởng giao thông đô thị, đặc biệt là khi người đi đạp xe thiếu ý thức. Không chỉ dừng lại trong khu vực nội thành, mà người chơi xe đạp còn tham gia giao thông trên tỉnh lộ, quốc lộ khiến cho bản thân họ gặp nguy hiểm đồng thời gây tai nạn cho người khác. Ngoài ra, việc di chuyển trên đường xa vào ban đêm hoặc lúc sáng sớm có thể gặp phải cướp giật, hoặc những tình huống bạo lực. Thực tế đã xảy ra một số trường hợp như sau:

  • Hai xe đạp đang chạy trên đường dành cho người đi bộ thì đâm vào nhau, một xe mất thăng bằng và ngã từ vỉa hè xuống đường. Từ phía sau một chiếc xe ôtô chạy tới cán lên người đi xe đạp khiến người này tử vong.
  • Một người đi xe đạp mặc kệ đèn đỏ cứ thế vượt qua ngã tư, người lái xe taxi vì cố tránh người đi xe đạp nên đã đâm vào cột điện và hậu quả là người lái xe taxi đã tử vong.
  • Một bà cụ 71 tuổi và một thiếu niên 14 tuổi đi xe đạp vào buổi tối nhưng cả hai bên đều không bật đèn lên, đến gần thì mới phát hiện ra nhưng không tránh kịp nên đâm vào nhau khiến bà cụ ngã xuống đường và tử vong.

Hiểm nguy có thể gặp khi chạy bộ.

Trong khi đó khả năng gây ra tai nạn giao thông của người chạy bộ ít hơn, bởi vì họ có thể chạy trên những đoạn đường ngắn trên vỉa hè, bờ kè, công viên hoặc khuôn viên khu phố,… Tuy nhiên người chạy bộ vẫn có thể gặp phải các hiểm nguy đến từ mặt đường không bằng phẳng, trên đường chạy xuất hiện nhiều vật cản, rác thải sinh hoạt,… hay thậm chí là bị chó cắn khi chạy ở gần nhà dân mà vấn đề thú nuôi không được kiểm soát, rọ mõm.

Dành thời gian để tập luyện thể thao mỗi ngày là một trong những việc chúng ta nên duy trì mà tôi có giới thiệu trong bài “Đâu là khoảng thời gian vàng của người trưởng thành?”. Qua bài viết “So sánh giữa đạp xe và chạy bộ môn nào tốt hơn? ở trên, tôi hi vọng bạn có thể chọn được một môn thể thao phù hợp giúp rèn luyện sự dẻo dai và sức bền cho bản thân mình. Đối với cá nhân tôi, hiện nay tôi đang tập luyện luân phiên 03 bộ môn bao gồm chạy bộ, bơi lội và đạp xe tùy tình trạng và điều kiện thực tế. Nếu như chúng ta có duyên thì hãy kết nối cùng nhau trên app Strava nhé!

BÀI VIẾT GẦN ĐÂY
Contact Me on Zalo