Chúng ta chuẩn bị cho cái chết như thế nào?

chúng ta chuẩn bị cho cái chết như thế nào

Chẳng hiểu từ đâu mà bản thân tôi có suy nghĩ về cái chết của mình khá sớm, khoảng 6 tuổi. Lúc đó gia đình tôi vẫn còn sống ở quê, ban đêm khi người lớn trong nhà đã ngủ hết, tôi hay thức nằm nhìn lên mái tranh, cột nhà suy nghĩ xem là người chết thì bao lâu lớp da sẽ tan ra, sau bao lâu thì còn bộ xương, khi nào sẽ không còn lại gì… nghĩ tới đó là nước mắt cứ chảy ra. Càng lớn tôi lại càng nghĩ nhiều hơn về chuyện chúng ta chuẩn bị cho cái chết như thế nào? Chẳng lẽ mọi thứ vốn dĩ là cơ thể của mình cứ tự nhiên phân hủy một cách vô nghĩa vậy à, rồi gia đình của mình nên ứng phó ra sao,… Nói chung tôi có nhiều câu hỏi xoay quanh cái chết với những luồng suy nghĩ tích cực kiểu như là “Cái chết có thật sự đáng sợ hay không?”.

Chúng ta chuẩn bị cho cái chết như thế nào?

Vì sao chúng ta nên chuẩn bị cho cái chết?

Không ai biết được chuyện gì có thể xảy ra.

Tuy trên đời chuyện gì cũng có thể đến nhưng nó chừa mình ra“, nhiều người luôn nghĩ vậy cho đến khi gặp phải sự cố bất ngờ. Thực tế chỉ vài năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự cố như thiên tai lũ lụt, hạn hán, động đất, cháy rừng… rồi tàu chìm, máy bay rơi xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, lại thêm dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Kể từ những người thân xung quanh ta cho đến các nhân vật nổi tiếng thường nhìn thấy trên báo đài, truyền hình cũng đột ngột ra đi vì một nguyên nhân nào đó như nghệ sĩ Chí Tài (12/2020), ca sĩ Vân Quang Long (12/2020), hoa hậu Thu Thủy (06/2021)… Rõ ràng là mình đâu thể biết trước chuyện gì sẽ xảy ra, vậy thì chuẩn bị như thế nào cho cái chết của mình, hay là phó mặc để ra sao thì ra?

Thành, trụ, hoại diệt là quy luật của đời sống.

Thành – Trụ – Hoại – Diệt” hay “Sinh – Lão – Bệnh – Tử” vốn là quy luật của vũ trụ này. Trái đất có ngày và đêm, trăng có lúc tròn lúc khuyết, mùa có Xuân – Hạ – Thu – Đông, có hưng thịnh và có suy tàn, bắt đầu sẽ có kết thúc. Cho nên chúng ta hãy ý thức rằng mình ở cũng ở trong quy luật này của vũ trụ, và mình đang đứng ở đâu trong chu kỳ của chính mình. Dẫu sớm hay muộn thì “Tử” là điều không một ai có thể tránh khỏi, quan trọng là mình có dám đối diện hay không, có sẵn sàng chuẩn bị cho cái chết có ý nghĩa hay không. Tôi suy nghĩ những điều này mà không hoàn toàn theo một giáo lý hay đức tin tôn giáo nào cả, vì vậy bạn đừng cho rằng tôi bị ảnh hưởng bởi Đạo Phật hay Thiên Chúa gì cả.

Mang bình an cho mình và người thân.

Khi nghĩ tích cực về cái chết sẽ giúp chúng ta sống đời tốt đẹp hơn, với tâm thế sẵn sàng chuẩn bị trước cho sự ra đi, có thể mang đến cho chúng ta sự tĩnh tâm và góc nhìn thật thấu đáo. Đâu là những việc ta nên làm, ta cần dặn dò điều gì với người ở lại để mà nếu sự cố xảy ra, dù đó là sự tự nhiên hay ra đi đột ngột thì gia đình mình cũng biết nên ứng phó như thế nào. Dẫu người thân có buồn và luyến tiếc nhưng không rơi vào trạng thái đau khổ, cũng như họ không gặp phải khó khăn, vật lộn với cuộc sống về sau một khi không còn ta nữa. Trong đó bao gồm cả việc chúng ta hãy giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho người ở lại.

Chúng ta chuẩn bị cho cái chết bằng cách nào?

Đăng ký mua bảo hiểm.

Chúng ta cần có một cái nhìn thấu đáo hơn trong vấn đề mua bảo hiểm nhân thọ cho bản thân và cả những người trong gia đình nếu có thể. Đừng nghĩ bảo hiểm là vấn đề nhạy cảm, dễ bị lừa hay bảo hiểm chỉ dành cho người có tiền nữa mà nên dành thời gian tìm hiểu kỹ. Tôi từng tiếp xúc với một bạn sinh viên mua bảo hiểm rất nhỏ, số tiền đóng phí chỉ hơn 3 triệu đồng một năm thôi, ít hơn so với nhiều người khác. Bạn ấy chia sẻ rằng Ba Mẹ sống ở quê, em ở trên thành phố đi học lỡ có chuyện gì với em thì Ba Mẹ không thể nào lo nổi. Em không muốn việc đau bệnh hay đám tang gây tiêu hao tiền bạc của gia đình nữa, Ba Mẹ đã cực khổ nuôi em ăn học bao nhiêu năm rồi. Cách suy nghĩ này theo tôi rất đáng để học hỏi, đặc biệt với một người trong độ tuổi trẻ như vậy. Còn riêng về chuyện mua bảo hiểm thì tôi đã viết bài “Có nên mua bảo hiểm không? Khi nào cần mua bảo hiểm?”, bạn có thể đọc thêm nếu quan tâm.

Soạn thảo bản di chúc.

Chúng ta không nên nghĩ di chúc chỉ dành cho người lớn tuổi hay những người có tiền của, tài sản cần phần chia. Bởi vì hiểu theo cách giản dị nhất thì một người soạn di chúc giúp thể hiện ý chí, nguyện vọng cuối cùng của người đó trước sự ra đi. Một người chỉ cần đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu như có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ là đã được pháp luật công nhận bản di chúc rồi. Bên cạnh việc phân chia tài sản, bản di chúc là lời dặn dò, nguyện vọng của một người trước khi rời ra thế giới này, dặn dò người ở lại những công việc còn dang dở, các việc cần làm, hay di nguyện về hậu sự, muốn được an táng hay thờ cúng ra sao, cũng như mong muốn hiến xác cho y học…

Chuẩn bị trước hậu sự.

Hầu hết chúng ta đều không có thói quen chuẩn bị cho sự ra đi, để tới khi người thân qua đời thì mọi người trong gia đình phát sinh hàng trăm thứ việc cần phải làm: Tìm nơi cất giữ các loại giấy tờ cá nhân, hôn thú, khai sinh, hộ khẩu, giấy chủ quyền nhà, giấy tờ ngân hàng, bảo hiểm,… cho đến làm giấy chứng tử, liên hệ với dịch vụ tang lễ, nên gọi cho ai, tổ chức mai táng như thế nào, tiền ở đâu để lo liệu những việc này? Thoạt nghe thì có vẻ kỳ cục nhưng nếu có sự chuẩn bị trước thì người thân sẽ không phải bối rối chạy tứ tung với tâm trạng u buồn như vậy. Chia sẻ lại kinh nghiệm từ ông nội tôi, lúc còn minh mẫn hàng năm ông tự ra tiệm chụp ảnh chân dung mới, in sẵn cho mỗi người con một bức, rồi ông gom hết các giấy tờ cá nhân cần thiết bỏ vào một cái hộp nhỏ đặt ở đầu giường, ông cũng gói lại hai cây vàng trong cái hộp ấy để lo việc hậu sự mà không gây phiền cho con cái.

Đăng ký hiến xác, hiến tạng.

Nếu bạn có mục đích nhân đạo như muốn hỗ trợ điều trị bệnh cho người khác hoặc phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học thì đăng ký hiến xác, hiến tạng sau khi qua đời là một điều nên cân nhắc. Do nền văn hóa của nước ta vẫn còn lệ thuộc nhiều yếu tố tâm linh, phong tục tập quán lâu đời nên không phải ai cũng suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này. Thực tế đăng ký hiến xác, hiến tạng là một nghĩa cử cao đẹp mà chúng ta có thể làm nhằm chuẩn bị cho sự ra đi này đạt được nhiều ý nghĩa tốt đẹp, tiếp nối đời sống cho những người khác kém may mắn nhờ một phần cơ thể của ta.

Hiến xác, hiến tạng là gì? Thủ tục ra sao?

Hiến xác và hiến tạng là gì?

Hiến xác cho y học là gì? Hiến xác có nghĩa là hiến, tặng toàn bộ phần cơ thể cho y học sau khi qua đời. Trong trường hợp người hiến đã chết hoàn toàn thì cơ thể của họ sẽ được bảo quản nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu y khoa hoặc giảng dạy.

Hiến mô, tạng là gì? Hiến mô, tạng có nghĩa là hiến, tặng toàn bộ hoặc một phần cơ quan nội tạng lúc còn sống hoặc sau khi chết. 

  • Các bộ phận thường được cấy ghép: Tim, thận, gan, phổi, tuyến tụy, tuyến ức. 
  • Các mô thường được cấy ghép: Xương, gân, giác mạc, da, van tim, dây thần kinh và mạch máu.

Trên thế giới, thận là bộ phận cơ thể được cấy ghép nhiều nhất, tiếp đến là gan rồi đến tim. Đối với mô thì giác mạc và cơ xương được cấy ghép phổ biến nhất, số ca ghép mô cao hơn số ca cấy ghép nội tạng hơn 10 lần.

Ý nghĩa của việc hiến xác, hiến tạng?

Căn cứ theo The National Library of Medicine (Mỹ), một người khi hiến tặng cả cơ quan nội tạng và mô thì có thể cứu sống hoặc cải thiện cuộc sống của 50 người khác, còn chỉ tính riêng việc hiến tạng có thể cứu sống được 8 – 10 người khác. Mỗi người lại có những lý do khác nhau để hiến tặng cơ thể như trả lại một món quà mà họ đã nhận được, nhiều năm trước họ đã được giúp đỡ nên bây giờ họ muốn cho đi để giúp đỡ người khác. Còn người khác muốn hiến tặng cơ thể cho y học vì họ trân trọng đội ngũ y bác sĩ, cảm động trước sự chăm sóc của nhân viên y tế và muốn giúp nền y học phát triển để giúp đỡ được nhiều người hơn. Do đó việc đăng ký hiến mô, tạng không chỉ mang giá trị nhân văn sâu sắc mà còn thể hiện tinh thần đùm bọc, tương thân tương ái.

Đăng ký hiến xác, hiến tạng ở đâu?

Sau đây là hướng dẫn cho những bạn có nhu cầu đăng ký hiến xác và nội tạng:

  • Tại Hà Nội: Trung Tâm Điều Phối Quốc Gia Về Ghép Bộ Phận Cơ Thể Người. Địa chỉ: Phòng 230, Nhà C2, Bệnh Viện Việt Đức, số 40 Tràng Thi.
  • Tại TPHCM: Đơn Vị Điều Phối Quốc Gia Về Ghép Bộ Phận Cơ Thể Người. Địa chỉ: Bệnh Viện Chợ Rẫy, số 201B Nguyễn Chí Thanh, Quận 5.

Cách thức đăng ký tình nguyện hiến xác, hiến tạng:

  • Cách 1: Người tình nguyện hiến xác, hiến tạng sẽ đến trực tiếp tại một trong hai địa chỉ ở trên để làm thủ tục hiến tặng.
  • Cách 2: Người tình nguyện hiến xác, hiến tạng liên hệ với các trường Đại Học Y Dược, hoặc cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn những công đoạn cần thiết.
  • Cách 3: Người tình nguyện hiến xác, hiến tạng ở xa có thể làm thủ tục đăng ký online theo thông tin sau:
    • Fanpage: Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh Viện Chợ Rẫy.
    • Email: [email protected]

Đối với hình thức đăng ký online, bạn hãy vào Website: vnhot.vn thuộc Trung Tâm Điều Phối Ghép Tạng Quốc Gia để tìm hiểu thông tin chi tiết. Sau đó tải mẫu đơn đăng ký, điền đầy đủ thông tin rồi gửi về Trung Tâm kèm theo 01 ảnh chân dung, 01 bản photo CMND hoặc hộ chiếu và chờ Trung Tâm liên lạc, hướng dẫn các thủ tục tiếp theo. Hoặc bạn có thể download mẫu tài liệu tại đây: Tìm hiểu thủ tục đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời.

Thủ tục hiến xác, hiến tạng như thế nào?

Tại Việt Nam, khi quyết định hiến xác, hiến tạng bạn sẽ cần trải qua các thủ tục như sau:

  • Người tự nguyện hiến xác phải đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự tại thời điểm đăng ký.
  • Người tự nguyện hiến xác có thể đến tham quan cơ sở vật chất và bảo quản của nơi tiếp nhận. Người tự nguyện hiến xác có thể đăng ký trực tiếp hoặc qua điện thoại, sau đó cơ quan tiếp nhận sẽ cử cán bộ tư vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại nhằm tư vấn các thông tin liên quan đến việc hiến xác.
  • Sau khi được tư vấn, người tự hiến xác sẽ viết đơn tự nguyện hiến xác có xác nhận của địa phương kèm theo 01 bản photo CMND và sổ hộ khẩu, 02 ảnh 3×4 và gửi trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện về địa chỉ tiếp nhận.
  • Cơ quan tiếp nhận sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe của người tự nguyện hiến xác theo quy định. Nếu người hiến xác có đủ điều kiện hiến xác thì cơ quan tiếp nhận sẽ cấp Thẻ Đăng Ký Hiến Xác cho người đăng ký. Việc hiến xác sẽ có hiệu lực kể từ khi người đăng ký được cấp thẻ.
  • Khi người tự nguyện hiến xác qua đời, thân nhân cần gọi điện sớm nhất có thể (trong vòng 12 giờ) đến cơ quan tiếp nhận. Cơ quan tiếp nhận sẽ có xe và cử đại diện đến nhận thi hài. 
    • Cơ quan tiếp nhận sẽ từ chối nhận các thi hài qua đời vì bệnh truyền nhiễm nặng theo danh mục do Bộ Y Tế ban hành.
    • Đối với các trường hợp qua đời do tai nạn giao thông hoặc tai nạn khác thì thi hài vẫn được tiếp nhận nếu còn tương đối nguyên vẹn.
    • Gia đình có thể tiến hành các nghi thức vĩnh biệt nhưng không khâm liệm vào quan tài mà được đặt trong hòm inox chuyển đến cơ quan tiếp nhận.
    • Việc tiếp nhận thi thể sẽ được tiến hành với nghi lễ trang trọng theo phong tục và tập quán Việt Nam.
    • Thi hài đưa về cơ quan tiếp nhận sẽ được ướp hóa chất và bảo quản đúng quy định để phục vụ cho công tác trong khoảng thời gian 1 – 2 năm.
    • Trong khoảng thời gian này, thân nhân và bạn bè có thể đến viếng và thắp hương tại phòng tưởng niệm.
  • Sau thời gian phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy, nếu gia đình có yêu cầu hoặc căn cứ theo di nguyện của người hiến xác, thi hài sẽ được hỏa thiêu hoặc thổ táng (có sự hiện diện của gia đình).

Tôi hy vọng rằng qua bài viết “Chúng ta chuẩn bị cho cái chết như thế nào? ở trên đây có thể mang đến một góc nhìn mới, để qua đó chúng ta có dịp suy nghĩ, bàn luận và đối diện với những sự việc vốn dĩ không thể thay đổi trong hành trình cuộc đời của mỗi người. Ngoài ra, nếu bạn cần tư vấn về bảo hiểm thì hãy inbox cho tôi qua Facebook TM Cuong nha!

BÀI VIẾT GẦN ĐÂY
Contact Me on Zalo