Có thật sự cần thiết phải có website khi kinh doanh?

TMC11-Có-thật-sự-cần-thiết-phải-có-website-khi-kinh-doanh-01

Có thật sự cần thiết phải có website khi kinh doanh? Tôi đã được gặp và tiếp xúc với nhiều người luôn băn khoăn với câu hỏi này khi nghĩ đến việc thiết kế website. Tất nhiên, khi đã nghĩ đến thì có nghĩa là “thấy cũng cần” nhưng chưa muốn làm, dám làm vì nghĩ website không thật sự quá quan trọng. Tôi may mắn không rơi vào trường hợp này, bởi ngay từ khi là sinh viên, tôi đã nghĩ đến việc xây dựng một website cho công việc của mình.

Vậy có thật sự cần thiết phải có website khi kinh doanh?

Khi tôi còn đang đi học trong trường Sân Khấu Điện Ảnh, bắt đầu được tạo điều kiện để quay một số phim quảng cáo, MV ca nhạc, phim tài liệu… Tôi liền nghĩ đến một website để có thể tổng hợp hết tất cả các sản phẩm phim mà tôi đã làm, nhằm giới thiệu cho khách hàng, đồng thời là nơi giới thiệu năng lực của các bạn bè gồm quay phim, đạo diễn, biên kịch, thiết kế đang làm việc cùng tôi. Website đó tôi lấy tên là …group.com, hoạt động cho đến khi tôi chuyển sang làm website chính thức của công ty thì ngưng. Tuy nhiên lúc mới làm website trên, tôi không hề có ý định mở công ty.

Năm 2006, sau một thời gian nhảy việc từ công ty này qua công ty khác, tôi bắt đầu nghĩ đến việc mở công ty riêng để hoạt động trong lĩnh vực chụp ảnh, quay phim, quảng cáo… Một trong những việc tôi quyết định làm ngay đó là thiết kế website, với lý do rất là đơn giản: trụ sở nơi tôi làm văn phòng công ty chính là căn nhà trọ ở quận 6, trong xóm lao động nghèo, diện tích khoảng 30m2, mùa mưa thì nước ngập lênh láng vào cả nhà. Nơi đó không thể làm “bộ mặt của công ty” được, nhân viên thì không có, có mỗi một thằng “giám đốc trên giấy tờ” mặc quần đùi, ở trần làm đủ mọi thứ, công cụ làm việc chỉ là một cái máy tính, và điện thoại, đến máy in cũng chẳng có. Nên tôi biết rằng không có website thì công ty khó lòng tồn tại và phát triển (cho đến ngày hôm nay). Vì vậy, ngoài số tiền 1,5 triệu mà tôi dùng cho việc làm các thủ tục giấy phép kinh doanh, con dấu, 02 tháng sau tôi gom góp tiền để đặt hàng thiết kế website đầu tiên cho công ty với chi phí là 5 triệu.

TMC11-Có-thật-sự-cần-thiết-phải-có-website-khi-kinh-doanh-01

Tôi với “văn phòng” làm việc đầu tiên ở nhà trọ Quận 6, khi mới mở công ty.

***

Website trong kinh doanh vô cùng quan trọng, bởi những lý do sau đây:

Sự thật là, chúng ta không thể nào thành công trong kinh doanh nếu chỉ dựa trên mối quan hệ bạn bè, người quen giới thiệu. Tất nhiên bạn sẽ có một lượng khách hàng đến từ nguồn đó, nhưng không nhiều, và nếu việc kinh doanh của hoàn toàn bạn dựa trên bạn bè và người quen thì được xem là chưa phát triển. Bạn chỉ có thể lớn mạnh hơn khi phần lớn khách hàng đều tự tìm đến bạn mà không cần sự giới thiệu hay quen biết, và trong quá trình làm việc với nhau thì từ không quen biết trở thành bạn bè. Bạn sẽ làm được điều đó nếu có website.

Website là bộ mặt của công ty trên Internet: Ngay từ khi có website là tôi bắt đầu thực hiện các kế hoạch chào hàng, khi đó văn phòng tiếp khách của tôi là các quán cafe trong trung tâm. Tôi là khách quen ở quán cafe NẾP của một người bạn trên đường Ngô Thời Nhiệm, thường xuyên trong tình trạng ngồi tiếp khách mà trong túi không có đủ tiền để trả cafe, phải “ghi sổ” khi nào có hợp đồng thì trả một lần. Sau 8 tháng hoạt động trên website, tiếp khách ở quán cafe tôi mới đủ lực để thuê văn phòng riêng, in namecard, brochure… và bắt đầu hoạt động có quy củ hơn.

Khẳng định uy tín và sự tin tưởng: Trước khi khách hàng biết đến và hẹn gặp tôi để bàn bạc chi tiết hơn về công việc thì đầu tiên họ sẽ tham khảo website. Khi họ cảm thấy các sản phẩm của công ty đã thực hiện đăng website phù hợp tiêu chí thì mới gọi điện, liên lạc, nếu không phù hợp thì họ đã tìm đơn vị khác rồi nên khi tiếp xúc với khách hàng từ website cũng giúp tôi tăng thêm phần tự tin. Còn nếu tôi để địa chỉ văn phòng ở quận 6, thì tôi nghĩ khách hàng dù có tìm đến thì cũng quay xe bỏ đi chứ rất khó lòng để bước vào một “văn phòng” như vậy.

Lượng khách hàng trên Internet lớn: Theo thống kê, tại Việt Nam hiện nay có hơn 32 triệu thuê bao internet trong tổng số hơn 90 triệu dân. Nhờ có website, các khách hàng từ internet nhanh chóng tìm đến bạn, sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với việc bạn thuê mặt bằng và đếm từng lượt khách ghé vào cửa hàng (trong khi chưa chắc khi khách hàng đến cửa hàng thì họ sẽ quyết định mua hàng). Và cửa hàng thì chỉ mở một khoảng thời gian nhất định trong ngày, với website khách hàng có thể tham khảo về dịch vụ, hàng hóa của bạn ngay cả vào ban đêm khi bạn đã đi ngủ.

Kiểm soát thông tin và tương tác khách hàng tốt: Khi bạn có website riêng, bạn có thể viết bài quảng cáo, giới thiệu sản phẩm cũng như thay đổi, chỉnh sửa nguồn thông tin đó một cách nhanh chóng, tiện lợi và toàn quyền. Từ website bạn cũng có thể tạo ra các chương trình khuyến mãi, ưu đãi đặc biệt nhằm thu hút khách hàng tiềm năng. Kết hợp với một số công cụ, phần mềm hỗ trợ khác, website giúp bạn kiểm soát được hành vi của khách hàng trên website, có bao nhiêu khách hàng vào website một tháng, hiện tại số lượng người truy cập là bao nhiêu, họ đến từ đâu, họ đang xem trang gì, họ ở lại website trong bao lâu… cũng như bạn có thể xuất hiện đúng lúc (với phần mềm) để tư vấn ngay khi họ đang tham quan website của bạn, giúp bạn có thể phân tích tâm lý và chăm sóc khách hàng một cách tốt nhất.

Hỗ trợ Internet Marketing: Bill Gates có một câu nói khá nổi tiếng đó là “Trong tương lai, một là bạn kinh doanh với Internet, hai là đừng kinh doanh nữa”, điều này đang ngày càng trở nên đúng đắn. Bởi nhu cầu tìm kiếm thông tin, kiến thức, hàng hóa, dịch vụ trên Internet của khách hàng ngày mỗi ngày một nhiều, thậm chí khách hàng cũng ngày càng “lười” hơn khi có những quyết định mua hàng thông qua internet, thanh toán chuyển khoản và giao hàng tận nơi chứ không còn lang thang từng cửa hàng để lựa chọn như trước đây. Chính vì vậy, bạn cần có một website riêng để tích hợp các công cụ Internet Marketing nhằm thu hút khách hàng truy cập vào website.

TMC11-Có-thật-sự-cần-thiết-phải-có-website-khi-kinh-doanh-02

Với Google Analytics được cài đặt vào website, giúp tôi dễ dàng biết được vào thời điểm đó có 05 khách đang truy cập vào website, có 28,120 khách hàng tham khảo website từ 52 quốc gia trong 01 tháng, và 58,154 là tổng số trang được xem trong tháng. Từ đó giúp tôi đoán biết được hành vi và nhu cầu của khách hàng, đồng thời có những sự thay đổi, chăm sóc phù hợp.

***

Chọn website riêng hay các kênh bán hàng trực tuyến?

Đây cũng là một câu hỏi mà tôi thường xuyên nhận được từ bạn bè và khách hàng của mình khi họ đang trong giai đoạn phân vân chọn thiết kế website riêng hay tiếp tục bán hàng trên các kênh khác như: diễn đàn, mạng xã hội (Facebook, Instagram, sàn rao vặt…)

Tôi quan niệm về vấn đề này như sau:

01. Website là của riêng bạn, tạm gọi là “cửa hàng của bạn” còn các kênh khác bạn hãy xem như là “hội chợ”… bạn có thể tham gia bất kỳ hội chợ nào cũng được, tham gia càng nhiều càng tốt, nhưng bạn cần có cửa hàng của riêng mình. Trước đây, khi chưa có Facebook, thời kỳ đầu tôi kinh doanh trên website riêng của tôi và Yahoo 360! Vào một ngày, Yahoo 360! thông báo không hoạt động nữa nên khá nhiều người phụ thuộc vào nó “choáng váng”, trong số đó có tôi. Một thời gian sau, tôi chuyển sang dùng Multiply, Myspace… đến nay thì các trang này cũng không còn hoạt động, hoặc hoạt động èo uột. Mãi đến khoảng 2009 tôi mới dùng Facebook, rồi đến Instagram, Google+, Pinterest… Nên đối với tôi, cái gì là của người ta thì người ta sẽ toàn quyền với nó, kinh doanh tốt người ta mới tiếp tục, không tốt người ta đóng cửa để chuyển mô hình, khi mình dùng kênh của người ta thì phần lớn là phải chịu sự phụ thuộc, vì vậy tôi chỉ xem các kênh bán hàng kể trên là một trong số những công cụ.

02. Đồ dùng chung, miễn phí thì phải theo luật của người ta. Mình muốn căn chỉnh, thay đổi hay trình bày theo ý thích là điều không thể. Ví dụ, Facebook trình bày theo dạng timeline, luôn tuồn từ trên xuống dưới, bài post tháng trước tháng sau muốn tìm là đã thấy mệt mỏi rồi, chưa kể là ảnh sau khi upload thì bị nén làm giảm chất lượng, không còn đẹp như ảnh gốc. Instagram thì upload hình ảnh đẹp hơn, nhưng qui định là ảnh khổ vuông, cũng hơi bất tiện… Rất khó quản lý sản phẩm và đơn hàng.

03. Khó khăn trong việc tích hợp thanh toán trực tuyến. Và không thể chủ động tối ưu SEO nhằm thu hút khách hàng. Đồng thời, khi tham gia vào một diễn đàn, sàn rao vặt có quá nhiều gian hàng, dịch vụ tương tự giống như bạn. Chỉ vài click chuột là khách hàng từ trang của bạn đã chuyển sang trang của đối thủ… như vậy cũng là một điều bất lợi.

04. Một điều mà chúng ta ít khi để ý, đó là càng nhiều người tham gia thì càng có lợi cho hệ thống website đó. Cụ thể, hiện tại tôi tham gia quảng cáo rất nhiều trên Facebook (hình thức like post, like page), và có một qui trình mang lợi về cho Facebook như sau: 1- Chúng ta đăng nội dung trên Facebook, 2- Chúng ta sử dụng công cụ quảng cáo của Facebook, 3- Chúng ta trả tiền quảng cáo cho Facebook để nội dung đó tiếp tục xuất hiện trên cộng đồng Facebook. Có thể hiểu: bạn càng chi tiền quảng cáo thì Facebook càng thêm nổi tiếng. Hoặc trường hợp khác là bạn đăng bán hàng trên 5giay, muốn bán hàng bạn lại chia sẻ bài viết/sản phẩm từ 5giay lên Facebook, như vậy cũng giúp 5giay càng thêm nổi tiếng. Thay vì vậy, nếu tôi có website riêng thì tôi sử dụng Facebook như một công cụ nhằm quảng cáo cho website của tôi, tạo cho các khách hàng có thói quen vào website của tôi, nếu một ngày nào đó tôi không dùng Facebook nữa thì khách hàng cũng biết cách để vào website để xem thông tin và mua hàng.

Những điều kiện cần có khi bắt đầu thiết kế website

Domain – tên miền: Được xem như là số nhà, địa chỉ để người ta tìm đến cửa hàng của bạn. Bạn đăng ký mua Domain theo từng năm, hoặc đăng ký một lần nhiều năm. Tên miền có đuôi .vn hoặc .com.vn có giá khoảng 800,000 – 830,000 VNĐ/năm đầu tiên, tên miền có đuôi .com, .org, .net, .co có giá khoảng 250,000 – 550,000 VNĐ/năm. Bạn nên chọn domain theo tên thương hiệu của mình, đồng thời chọn các domain theo tên dịch vụ/sản phẩm thế mạnh của mình. Khi mua tên miền thì nên mua bao phủ nếu bạn xem việc kinh doanh là quan trọng và không muốn bản thân cảm thấy hối tiếc nếu đối thủ của bạn đăng ký tên miền giống bạn. Ví dụ: báo ngoisao.net và ngoisao.vn không phải là một, hay vietcombank.com không phải của ngân hàng Vietcombank, đó là một điều vô cùng đáng tiếc với thương hiệu.

Hosting: Là không gian trên máy chủ có nhiệm vụ lưu trữ dữ liệu website của bạn. Hosting có thể được xem như là bất động sản, hay mảnh đất mà bạn sẽ cất nhà. Tùy theo dung lượng và cấu hình của Hosting mà chi phí khoảng 330,000 VNĐ/tháng với dung lượng khoảng 2GB.

Giao diện – Thiết Kế Website: Bạn có thể mua template có sẵn rồi sửa lại, hoặc đặt hàng thiết kế ngay từ đầu. Giao diện website thì được ví như mặt tiền và nội thất của cửa hàng, như cách sắp xếp, trang trí, trình bày sao cho bắt mắt, dễ nhìn nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng khi đã đến tham quan. Template website được bán với giá từ vài chục đến vài trăm, hoặc vài ngàn USD, còn thiết kế website riêng thì giá từ vài triệu đến vài chục triệu. Những đơn vị rao thiết kế website giá rẻ là có thể họ đã có sẵn một template nào đó, khi bạn đặt hàng thì họ sẽ sửa lại cho phù hợp.

Sau khi hội đủ 3 yếu tố trên thì website của bạn đã có thể hoạt động. Lúc này bạn sẽ cần đến người quản trị website, hosting, server… và các vấn đề kỹ thuật khác.

Bạn sẽ cần lưu ý nếu như website của bạn có chức năng bán hàng, tạo gian hàng thì sẽ cần xin cấp phép trang thương mại điện tử, hoặc trang cung cấp thông tin, tổng hợp, viết bài dạng báo chí thì cần giấy phép trang thông tin điện tử… Nếu không có giấy phép thì nguy cơ mà bạn gặp phải là bị cơ quan quản lý phạt tiền, đóng cửa website.

TMCUONG
Film Maker | Photographer | Marketer

BÀI VIẾT GẦN ĐÂY
Contact Me on Zalo