Đâu là khoảng thời gian vàng của người trưởng thành?

Đâu là khoảng thời gian vàng của người trưởng thành?

Cuộc sống của mỗi người vốn là những sắc màu mang giá trị khác nhau. Có người quan niệm tiền bạc là trên hết, còn người khác cho rằng tình thương mới là điều quý giá nhất, trong khi có người lại trân trọng sự bình yên, trung thực… Tuy nhiên muốn hình thành nên các giá trị sống này thì mỗi người cần xây dựng nên một thói quen, mà để có thói quen thì phải dành thời gian thực hành. Vậy đâu là khoảng thời gian vàng của người trưởng thành giúp họ định hình nên phong cách sống? 

Đâu là khoảng thời gian vàng của người trưởng thành?

Thời gian dành cho công việc, sự nghiệp.

Đa số người trưởng thành đều dành phần lớn thời gian tập trung cho công việc và sự nghiệp, nhất là ở độ tuổi trước 30 thì sự nghiệp cần được ưu tiên nhiều hơn. Ở đây tôi muốn phân biệt giữa công việc và sự nghiệp, bởi vì với nhiều người những thứ họ đang làm chỉ là một công việc, giúp mang đến thu nhập và tạm thời ổn định đời sống, vẫn chưa phải là sự nghiệp để gắn bó lâu dài. Nhưng dù là công việc hay sự nghiệp thì chúng ta nên dành thời gian từ 8 – 10 tiếng mỗi ngày, hoặc những người ngoài 30 khi ổn định và nhiều kinh nghiệm thì có thể giảm bớt thời gian đi, như 4 – 6 tiếng chẳng hạn.

Thời gian dành cho bản thân.

Người trẻ hiện nay bị cuốn vào những hoạt động gây tiêu hao năng lượng, khiến tinh thần đảo lộn như lướt mạng xã hội, chơi game online, đọc các kiểu tin tức, video, hình ảnh tiêu cực… một cách quá mức cần thiết. Vì thế ngoài thời gian làm việc, người trưởng thành nên dành thời gian cho bản thân bởi đây là một phần quan trọng giúp chúng ta cân bằng cuộc sống. Tôi gợi ý một số điều mà bạn có thể làm cho bản thân mình như: đọc một quyển sách, nghe một bản nhạc, xem một bộ phim hoặc thời gian để lặng yên, tĩnh tâm như ngồi thiền chẳng hạn. Chỉ cần 1 – 2 giờ mỗi ngày cũng có tác dụng giúp bạn phục hồi năng lượng, cân bằng trạng thái tinh thần để tiếp tục đối mặt với những bộn bề của đời sống. 

Thời gian dành cho niềm đam mê.

Không phải ai cũng may mắn có được một công việc phù hợp với khả năng chuyên môn và đúng đam mê của mình. Thực tế có nhiều người phải chấp nhận làm một công việc tạm thời nhằm tích lũy kinh nghiệm, cũng như tài chính để nuôi dưỡng ước mơ, do đó sẽ rất thuận lợi nếu như mỗi ngày bạn có một khoảng thời gian cố định dành cho niềm đam mê ấy. Bởi vì bất kỳ ai chăm chỉ nghiên cứu hoặc luyện tập một kỹ năng nào đó, sau khoảng thời gian đủ dài thì họ sẽ trở nên chuyên nghiệp hay có thể là chuyên gia trong lĩnh vực đó. Tôi nhớ về một người bạn từng học và làm kế toán nhưng lại có niềm đam mê nhiếp ảnh, anh vừa làm kế toán vừa nghiên cứu, tập tành chụp ảnh vào những lúc rảnh rỗi… Nhờ sự luyện tập mà anh ấy ngày càng giỏi hơn, được nhiều người tìm đến nhờ chụp ảnh nên anh chuyển hẳn sang làm nhiếp ảnh toàn thời gian. Đó chính là nhiếp ảnh gia Đại Ngô rất nổi tiếng trong giới làm sự kiện và thời trang hiện nay.

Thời gian luyện tập thể chất.

Chúng ta thường viện ra đủ mọi lý do nhằm bao biện cho cái “sự lười tập thể thao” của bản thân: Không có thời gian, bận rộn công việc, phải chăm sóc con cái, hay bị giãn cách bởi Covid nên không dám ra đường hoặc là phòng tập không mở cửa… Tất cả chỉ là ngụy biện mà thôi, bởi vì nếu thật sự muốn tập thể thao thì mình sẽ tìm cách, nếu không muốn thì mình sẽ đưa ra lý do: “Tôi muốn tập gym chứ còn chạy bộ thì không có gì thích thú cả!”, “Em cũng tính tập mà mấy nay chốt hợp đồng liên tục nên em chưa đi được, qua tuần rảnh em đăng ký tập gym ngay!”, “Em đã mua gói tập rồi đó mà đùng cái bùng dịch nên chưa đi tập được luôn!”… dù với lý do nào thì rào cản lớn nhất chính là tư tưởng của bạn mà thôi. Nếu như thật sự hiểu được tầm quan trọng của việc luyện tập thể chất, cho dù phải ở nhà tránh dịch thì bạn có thể chống đẩy, hít xà, gập bụng. Hoặc trường hợp đi làm về trễ khi phòng gym đã đóng cửa, bạn cũng có thể xỏ giày chạy vài vòng quanh khu phố, bờ kè, công viên cơ mà.

Thời gian dành cho Cha Mẹ.

Thực tế chúng ta càng trưởng thành thì Cha Mẹ mỗi ngày lại thêm già yếu, mà cảm xúc của người già vốn dĩ hay thất thường, luôn cảm thấy cô đơn hiu quạnh khi không có con cháu kề bên. Nếu đã thấu hiểu tâm lý này bạn hãy dành thời gian để quan tâm Cha Mẹ sao cho phù hợp nhất:

  • Trường hợp bạn may mắn được ở gần Cha Mẹ: Buổi sáng trước lúc đi làm hỏi thăm các cụ vài câu như đêm trước giấc ngủ có ngon không. Buổi tối đi làm về, trong bữa cơm nên kể về những sự việc của hôm nay, hỏi Cha Mẹ xem có ai đến thăm hay đã sang nhà ai chơi, rồi mọi người nói chuyện gì với nhau.
  • Trường hợp bạn phải đi làm hay lập gia đình nơi xa cũng nên dành 5 – 10 phút mỗi ngày gọi điện về chuyện trò cùng Cha Mẹ, thăm hỏi tình hình ở nhà xem có gì mới không.

Tất nhiên Cha Mẹ không cần chúng ta giải quyết giùm vấn đề nào đâu, nhưng chỉ vài câu hỏi đơn giản cũng giúp các cụ biết rằng con cái luôn quan tâm đến mình, từ đó thấy cuộc đời thêm vui vẻ và ý nghĩa.

Thời gian dành cho vợ chồng, con cái.

Đối với những người đã lập gia đình thì ngoài thời gian làm việc, chắc chắn khoảng thời gian dành cho vợ chồng, con cái cần được ưu tiên lên hàng đầu. Nếu như cả hai cùng làm việc thì rất thuận lợi, nếu không làm chung chỗ thì hãy đưa đón nhau mỗi sáng, hoặc dành thời gian để ăn trưa cùng nhau cũng là nếp sinh hoạt nên duy trì đều đặn. Cho dù đã có con hay chưa thì hai vợ chồng cũng nên sắp xếp thời gian đi cà phê, xem phim cùng nhau nhờ đó mà đời sống hôn nhân tăng thêm sự lãng mạn. Còn nếu đã có con thì cả Cha và Mẹ đều phải phân bổ thời gian thích hợp để mà chăm sóc con, chơi với con hoặc dạy con học. Trung bình mỗi ngày chúng ta nên dành 3 – 4 tiếng để gần gũi con cái hoặc nhiều thời gian hơn nếu con còn nhỏ.

Thời gian dành cho bạn bè, đồng nghiệp.

Tuy việc giao lưu với đồng nghiệp, gắn kết với bạn bè là một trong những hoạt động quan trọng và cần thiết của người trưởng thành trong xã hội ngày nay nhưng chúng ta không nhất định phải thực hiện hàng ngày. Bạn hãy dựa trên điều kiện cho phép nhằm tổ chức những buổi hẹn ăn uống, chơi thể thao, picnic cùng với bạn bè và đồng nghiệp vào cuối tuần hay các dịp lễ. Như vậy sẽ giúp cho mối quan hệ của bạn ngày càng trở nên thân thiết và gắn bó hơn, từ đó mọi người có thể hỗ trợ đắc lực cho nhau trong công việc và đời sống. Ngoài ra, hãy lưu ý rằng thời gian dành cho bạn bè, đồng nghiệp cần riêng tư và tách bạch với thời gian chúng ta bắt buộc phải tiếp xúc với nhau thông qua công việc.

Thời gian hoạt động xã hội, cộng đồng.

Người trưởng thành cần ý thức được vai trò của mình đối với cộng đồng cư dân xung quanh và rộng hơn là trách nhiệm đối với xã hội. Bạn hãy dựa theo khả năng, sức vóc và mức độ quan tâm của mình để chọn một hoạt động phù hợp, chẳng hạn:

  • Chung tay bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, thực hành sống xanh…
  • Lên tiếng vì quyền của phụ nữ và trẻ em, chống nạn bạo hành, xâm hại…
  • Tham gia các hoạt động thiện nguyện, chăm sóc người già neo đơn, trẻ em mồ côi, quyên góp xây dựng trường học, thư viện, làm cầu đường,…
  • Hỗ trợ khắc phục hậu quả do thiên tai, lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh,…
  • Thúc đẩy kinh doanh phi lợi nhuận, hỗ trợ nông dân, giải cứu nông sản…

Tóm lại, chúng ta không nên sống một cách ích kỷ, chỉ biết cho riêng mình mà phải biết chia sẻ, cống hiến, đưa ra hành động cụ thể vì mọi người xung quanh.

Qua bài viết “Đâu là khoảng thời gian vàng của người trưởng thành? ở trên, tôi hy vọng có thể góp phần giúp cho cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp hơn. Nếu biết cách phân bổ thời gian phù hợp bạn sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa dành cho bản thân, gia đình và xã hội.

BÀI VIẾT GẦN ĐÂY
Contact Me on Zalo