Giáo dục sớm là hành trang giúp con vào đời thêm vững vàng

Một người bạn sau khi đọc bài “Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc” liền đặt câu hỏi cho tôi rằng vì sao, từ đâu mà gia đình tôi lại có cách nuôi dạy con “sao ngộ vậy”, “không giống mọi người xung quanh gì hết”. Thực ra, phương pháp mà chúng tôi đang áp dụng không hề xa lạ, nó đã có thời gian phát triển hàng trăm năm và được gọi là phương pháp giáo dục sớm. Qua kinh nghiệm thực tế, tôi tin rằng giáo dục sớm là hành trang giúp con vào đời thêm vững vàng.

Giáo dục sớm là hành trang giúp con vào đời thêm vững vàng.

Tìm hiểu về giáo dục sớm cho trẻ.

Giáo dục sớm cho trẻ là gì?

Giáo dục sớm không có nghĩa là dạy cho trẻ con biết nói, biết đọc biết viết, biết làm toán hay biết ngoại ngữ sớm… Giáo dục sớm (Early Childhood Education) là phương pháp giáo dục mầm non dựa trên nền tảng của “sự yêu thương, tôn trọng, thuận tự nhiên và phù hợp với con trẻ”. Giáo dục sớm được áp dụng kể từ khi con ở trong bụng mẹ cho đến những năm đầu tiên của cuộc đời. Mục đích của việc giáo dục sớm là nhằm bồi dưỡng và phát huy những khả năng tiềm ẩn bên trong, giúp con có được nền tảng thể lực dồi dào, hình thành nhân cách tốt đẹp, rèn luyện ý chí tinh thần mạnh mẽ,… Tất cả những điều đó sẽ trở thành bệ phóng giúp con tiếp tục học tập, phát triển trong suốt cuộc đời về sau.

Phương pháp giáo dục sớm hướng đến những hoạt động nhằm làm phong phú đời sống tinh thần, khơi gợi trí tò mò và mong muốn khám phá, mang đến cho con môi trường phát triển về khả năng giao tiếp, vận động, tư duy, giác quan… Cụ thể tổ chức Liên Hợp Quốc UNESCO đã nêu rõ: “Giáo dục sớm được hiểu là thời kì giáo dục cho trẻ từ 0 đến 8 tuổi. Giai đoạn phát triển vượt trội của não bộ trong những năm đầu đời có thể đặt nền tảng cơ bản cho sự phát triển thể chất và duy lâu dài của trẻ. Chăm sóc và giáo dục sớm không chỉ là chuẩn bị hành trang để trẻ đến trường vài năm sau mà mục tiêu là phát triển về nhận thức xã hội, tâm lý, cảm xúc, vật lý và là nền tảng giúp trẻ em học tập suốt đời”.

Lợi ích của việc giáo dục sớm là gì?

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

(Giúp con hình thành thói quen tốt trong sinh hoạt, học mà chơi chơi mà học bằng cách làm việc nhà)

Một khi cha mẹ áp dụng giáo dục sớm đúng cách có thể mang lại những lợi ích to lớn và tác động lâu dài đến tương lai của con, cụ thể như:

  • Giúp con rèn luyện được tính kỷ luật và các kỹ năng đời sống cần thiết.
  • Giúp con xây dựng cơ thể khỏe mạnh, yêu thích vận động và thể thao.
  • Giúp con tự tin và linh hoạt, tự giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.
  • Giúp con phát triển khả năng ngôn ngữ, nghe và nói.
  • Giúp con phát huy hết sở trường, khả năng tiềm ẩn, sẵn có bên trong. 
  • Giúp con tìm ra niềm đam mê, nguồn động lực để học hỏi, lòng quyết tâm thực hiện ước mơ.
  • Giúp con hình thành những thói quen tốt, sống có lý tưởng và mục đích, định hướng rõ ràng.
  • Giúp con phát triển tình yêu thương, gắn bó với các thành viên trong gia đình.
  • Giúp con tự lập sớm, biết chia sẻ với bạn bè và mọi người xung quanh.

Xuất phát từ concept nuôi dạy con “khỏe mạnh, hạnh phúc, hiểu chuyện”, vì vậy khi gia đình tôi áp dụng phương pháp giáo dục sớm cảm thấy rất phù hợp và thoải mái. Chúng tôi hướng con đến thói quen vận động, yêu thiên nhiên, sự kỷ luật, rèn luyện hành vi ứng xử với người lớn trong gia đình. Nếu như các ông bố bà mẹ thường quan tâm làm sao để trẻ thông minh hơn thì tôi tập trung làm sao cho con vui vẻ, hạnh phúc mỗi ngày. Trong độ tuổi mầm non, con chủ yếu ở nhà chơi và được tự do khám phá một cách có kiểm soát, hoàn toàn không học chữ, học số, ngoại ngữ cho đến khi vào lớp 1. “Ở nhà” theo ý của tôi nghĩa là không đến trường lớp nhưng con vẫn ra đồng, ra vườn, công viên, hồ bơi…

Cơ sở khoa học của giáo dục sớm là gì?

Cơ sở khoa học của giáo dục sớm được dựa trên các đề tài nghiên cứu giáo dục đã áp dụng trong suốt hơn một trăm năm qua, cụ thể như phương pháp Montessori được bắt đầu kể từ năm 1907. Theo đó, các nhà khoa học đã kết luận rằng: 

  • Lúc mới sinh ra kích thước não của con chỉ bằng 25% so với não của người lớn, khi 1 tuổi kích thước não bằng 50%, rồi 2 tuổi là bằng 75% và đến 3 tuổi não con đã phát triển bằng 90% não của người trưởng thành.
  • Giai đoạn từ 0 – 3 tuổi, trẻ con có khả năng tiếp thu kiến thức vô tận. Phần lớn trẻ từ 2 tuổi đã có thể thuộc lòng những bài hát, bài thơ dài… thậm chí nhiều trẻ em còn biết đọc và khả năng làm toán. Đến 4 tuổi con đã có thể trò chuyện thành thạo ít nhất một ngôn ngữ.
  • Từ 3 – 8 tuổi là giai đoạn trẻ con phát triển nhanh và tiếp thu tốt nhất trong suốt cuộc đời. Các nhà khoa học khẳng định đây chính là khoảng thời gian vàng để kích thích não bộ của các bé, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sự ham học hỏi, trí tò mò và tinh thần khám phá, chinh phục thử thách sau này.

Nếu chúng ta nắm được những cơ sở khoa học ở trên rồi kết hợp với một phương pháp giáo dục sớm thì sẽ mang đến kết quả bất ngờ. Cha mẹ có thể dễ dàng phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, phát huy thế mạnh và nhân cách của con, từ đó xây dựng nền tảng để con tiếp tục học tập và phát triển bản thân một cách tốt nhất. Tôi có viết về chủ đề phát triển bản thân trong bài “Hành trình phát triển bản thân là mục tiêu của một đời người”.

Bỏ qua giáo dục sớm có sao không?

Đây là cũng là lời đáp cho câu hỏi “Có nên giáo dục sớm cho trẻ không?”, “Sao lúc nhỏ tôi không được giáo dục sớm mà bây giờ vẫn thành công đấy thôi?”… Tuy nhiên cần nói rõ, phần lớn chúng ta được nuôi dạy một là theo kiểu truyền thống “trời sinh voi sinh cỏ”, nếu ở quê thì trẻ con lớn lên tự chơi với con hàng xóm. Hai là theo xu hướng, cha mẹ chúng ta thấy phụ huynh khác dạy như vậy thì làm theo, do thế hệ trước bận rộn làm kinh tế và cuộc sống thời đó vẫn còn khó khăn. Từ đó mới xảy ra nhiều trường hợp như có người tốt nghiệp Đại Học Luật nhưng ra làm nhà thiết kế thời trang, có người học Kiến Trúc nhưng giờ đi viết báo, hoặc phụ huynh muốn tôi học kỹ sư mà hiện nay công việc chính của tôi liên quan đến nghệ thuật, phim ảnh. Còn cậu em Nguyễn Hòa – một SEOer và bây giờ chủ của một tiệm tranh nói rằng “Nếu anh muốn thì giờ bắt đầu lại vẫn được mà, đâu bao giờ là quá muộn”. Lý thuyết là như vậy, nhưng thực tế không đơn giản, tại sao?

  • Một người lúc 3 – 4 tuổi có năng khiếu âm nhạc đến gần 40 tuổi mới đi học piano thì khi nào trở thành pianist nổi tiếng.
  • Một người lúc 3 – 4 tuổi sở hữu tài năng bóng đá, võ thuật mà ngoài 30 mới bắt đầu nếu xác định luyện tập cho khỏe người thì được, nhưng nói thẳng để đạt đến đỉnh cao là “không có cửa”.

Trong giai đoạn từ 0 – 8 tuổi, não của con người có 02 đặc tính mà không một độ tuổi nào có được đó là: 

(1) Khả năng tiếp thu vô hạn, và; 

(2) Sự mềm dẻo, linh hoạt của não bộ.

Cụ thể những tố chất nào được não sử dụng thường xuyên sẽ được phát huy mạnh mẽ, ngược lại nếu không sử dụng sẽ mất dần đi, và không bao giờ đạt được tốc độ thần kỳ như trong giai đoạn vàng. Tôi đưa ra ví dụ đơn giản như sau: Bạn hãy thử khuyên nhủ một người lười đọc sách mà xem, thế nào họ cũng nói “đọc sách nhiều chữ buồn ngủ lắm”, “sách nó biết tôi chứ tôi không biết nó”… đủ mọi lý do trên đời luôn. Do suốt thời gian dài họ chẳng đụng đến một quyển sách nào nên muốn hình thành thói quen mới không phải là điều dễ dàng, tôi có chia sẻ vấn đề này ở trong bài “Kinh nghiệm đọc sách hiệu quả dành cho người lười”. Ngược lại, nếu chúng ta rèn luyện cho trẻ con thói quen đọc sách từ nhỏ chắc chắn sẽ mang đến một kết quả thần kỳ.

Những lầm tưởng về giáo dục sớm cho trẻ.

Giáo dục sớm có phải là học nhồi nhét?

Một trong những cách nghĩ sai lầm về giáo dục sớm ở trẻ khá phổ biến hiện nay, đó là phụ huynh cho rằng “giáo dục sớm đồng nghĩa với việc dạy con biết chữ, biết số, biết đọc, biết viết, biết ngoại ngữ và làm toán… càng sớm càng tốt”. Vì vậy nhiều cha mẹ lên kế hoạch đăng ký lớp rồi ép con học theo kiểu nhồi nhét kiến thức, lý thuyết sách vở mà không quan tâm đến cảm xúc của con. Vấn đề này tồn tại bởi vì chúng ta không có thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu kỹ mà chỉ nghe loáng thoáng qua rồi cảm nhận như thế mới là tốt. Thi thoảng chúng ta hay bắt gặp cảnh phụ huynh dạy con học chữ, đếm số, phát âm ngoại ngữ… Mỗi lần con nói sai là giọng ông bố, bà mẹ đanh lại hoặc cây roi được dịp khẽ lên tay.  Đứa bé sợ hãi líu ríu đọc theo hoặc nước mắt dàn dụa. Đây không phải là giáo dục sớm và chỉ làm con thêm sợ hãi và chán ghét việc học. Bản thân tôi đã từng trải qua một tuổi thơ như thế.

Cần biết rằng, theo quy định chung ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, việc dạy chữ và số sẽ được bắt đầu khi trẻ con khoảng 6 tuổi, do đây là độ tuổi phù hợp nhất để cho trẻ học chữ cái và số. Mặc dù cho con học trước không gây hại nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn và không cần thiết, sau này khi vào lớp một con sẽ cảm thấy chán nản nếu đã biết hết rồi mà vẫn phải học lại. Ngoại trừ trường hợp con bộc lộ niềm đam mê học chữ, thích thú với các con số thì chúng ta có thể trợ giúp con học nhưng nếu con không hứng thú mà bị ép buộc là điều mà các phụ huynh cần tránh. Tôi nghĩ đây là hiểu lầm sơ đẳng nhất của bậc làm cha mẹ về phương pháp giáo dục sớm. 

Giáo dục sớm là để mặc con “chơi tự do”?

(Con khám phá thiết bị làm việc của bố mẹ, mọi thứ đều có thế là trò chơi)

Điều này còn tùy thuộc vào quan niệm như thế nào là chơi tự do? Nếu như chúng ta để con thoải mái làm những điều vô thưởng vô phạt, dí mắt vào điện thoại qua các trò game yêu thích, miễn sao con “để yên” cho ba mẹ thì không nên gọi đó là “cách chơi tự do”. Hãy hiểu rằng tất cả trẻ em đều cần có cha mẹ chơi cùng, ngoài ra con được chơi tự do nhưng phải tuân thủ một số quy tắc nghĩa là trong khuôn khổ cho phép. Trong bài “Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc”, tôi có chia sẻ về quy tắc 80/20, tức là 80% việc con được phép làm, 20% không được phép là những thứ gây nguy hiểm. Chúng tôi khuyến khích con tham gia các trò chơi vận động, chạy nhảy, leo trèo, thử thách sự kiên nhẫn và khéo léo,… Chẳng hạn, nhà tôi trở thành công viên nước mỗi ngày 2 – 3 lần, cho con mượn con dấu công ty đóng mộc lên giấy và quần áo… hoặc bất cứ điều gì cũng có thể trở thành trò chơi của con nếu như không gây nguy hiểm cho bản thân và người khác. Nhìn chung những trẻ em có phụ huynh theo đuổi phương pháp giáo dục sớm chắc chắn là nhóm trẻ được “chơi” nhiều nhất và có tuổi thơ đúng nghĩa.

Giáo dục sớm là để luyện “thần đồng”?

Người lớn thường gọi những trẻ em trong độ tuổi 2 – 6 nhưng có khả năng đọc viết thông thạo, biết làm toán, nói được ngoại ngữ… tốt hơn trẻ cùng trang lứa là thần đồng. Vì thế, nhiều phụ huynh tập trung cho con tập đọc, tập viết, học làm toán, học ngoại ngữ… với mong muốn con thông minh hơn hay thậm chí là trở thành thần đồng. Tuy nhiên những điều này không phải là mục đích của giáo dục sớm, bạn cần biết là con người có đến 09 kiểu thông minh khác nhau, bao gồm: trí thông minh thị giác, ngôn ngữ, toán học, vận động, âm nhạc, thấu hiểu, nội tâm, thiên nhiên, triết học (bạn có thể xem chi tiết ở phần dưới).

Do đó dạy làm toán, viết chữ, hay ngoại ngữ vốn chỉ là một khía cạnh rất nhỏ trong đời sống mà thôi. Chúng ta “không cần đánh giá con cá qua khả năng leo cây”, chẳng hạn con có tố chất thiên bẩm về nghệ thuật và sáng tạo mà cha mẹ mong muốn con học toán thật giỏi thì chuyện gì sẽ xảy ra? Thứ nhất, thui chột một tài năng nghệ thuật. Thứ hai, con chẳng thể trở thành nhà toán học xuất sắc bởi vì cơ bản là con không thích thú, hoặc tệ hơn khi cha mẹ cũng chẳng quan tâm con có năng khiếu trong lĩnh vực toán hay không nữa. Ngược lại, một khi cha mẹ khơi gợi được niềm đam mê, giúp nhu cầu tìm hiểu của con bùng nổ và muốn tự mình khám phá thì chữ viết, toán học hay ngôn ngữ chỉ là hệ quả tất yếu của quá trình giáo dục liên tục. Tôi ví dụ, khi một đứa trẻ yêu thích thế giới động vật thì sẽ tự tìm hiểu con voi, con hổ, con sư tử nó sống ở đâu, ăn cái gì, ngủ chỗ nào, nó có móng guốc hay là móng vuốt… và trong Tiếng Anh người ta kêu bằng gì. Cho nên điều quan trọng mà cha mẹ cần làm là khơi gợi cho con tình yêu, sự say mê đối với thế giới tự nhiên trước đã. Tóm lại, bạn đã phát hiện ra năng khiếu, thế mạnh của con chưa?

Giáo dục sớm là “không cho đi học sớm”?

Trong bài viết tôi có chia sẻ gia đình mình đang áp dụng phương pháp giáo dục sớm nhưng lại không cho con đi học mầm non có thể gây ra hiểu lầm rằng “giáo dục sớm là không cho đi học sớm. Thực tế, việc cha mẹ chăm sóc con, tương tác, chơi với con hàng ngày cũng như hoạt động tại những cơ sở mầm non, mẫu giáo đều là giáo dục sớm… Nếu bạn gửi con vào những cơ sở mầm non mà ở đó họ theo phương pháp giáo dục sớm một cách khoa học là điều nên làm. Vấn đề khiến tôi băn khoăn nhất là trường học và giáo viên có chú trọng giáo dục sớm cho con hay không, cũng như cách giáo dục có khoa học và hợp lý hay không. Sau khi tham khảo một số cơ sở mầm non trong bán kính 5 – 7 km từ nhà thì tôi cảm thấy chưa phù hợp so với nhu cầu của mình, chẳng hạn như thời khóa biểu trong ngày của con thường là có dạy chữ cái, đếm số, làm toán, dạy Tiếng Anh, dạy múa, hát… toàn những thứ mà trên quan điểm của tôi là có thể học sau. Còn chuyện con tự giác biết đi vệ sinh, ăn uống, ngủ nghỉ thì ở nhà mình đã huấn luyện rồi, đâu cần phụ thuộc vào giáo viên.

Vì sao tôi không muốn con học chữ sớm? Thứ nhất, tôi tin rằng trong thời đại này con cái của chúng ta không thể nào mù chữ được, trước sau gì cũng sẽ biết đọc biết viết thôi. Thứ hai, tôi khuyến khích sự tưởng tượng và sáng tạo của tụi nhỏ hơn là “quy định” theo khuôn khổ và chuẩn mực của người lớn. Lúc tuổi đời còn trẻ và chưa có con cái, tôi sang nhà một người bạn chơi, sau giờ ăn thì thấy bạn dạy con học bảng chữ cái. Bạn chỉ vào chữ T nói 

– “Đây là chữ tờ, con đọc theo mẹ nè, tờ”.

– “Đây là thanh kiếm mà”.

– “Thanh kiếm là trong quyển truyện có hình vẽ kia, còn mẹ đang dạy cho con bảng chữ cái nên đây là chữ tờ nhé”.

– “Không, đây là thanh kiếm mẹ à”.

Lát sau hai mẹ con học qua chữ O:

– “Con đọc theo mẹ nha, o tròn như quả trứng gà”.

– “Không, đây là ông mặt trời cơ”.

Tôi quan sát và cảm nhận rằng cháu bé rất lanh lợi, sáng tạo, có trí tưởng tượng phong phú và sự quyết tâm bảo vệ quan điểm của mình. Trong khi người mẹ vật lộn một cách khổ sở nhằm dạy cho con biết chữ sớm theo khuôn khổ mình mong muốn. Cả hai mẹ con đều mệt nhoài và sau một hồi người mẹ đã nổi cáu lên.

Còn đối với việc học toán, tôi tin rằng con người sinh ra là đã có tư duy toán học và không ngừng tích lũy và ứng dụng các tri thức toán học trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như: “Giày của con bé, giày của bố to (sự to nhỏ); Ngày mai, con đến nhà bà nội chơi (thời gian); Bánh của bạn nhiều hơn của con” (số lượng),…” – theo Phương Pháp Giáo Dục Montessori, Ngô Hiểu Huy, trang 194. Do đó, chúng ta không cần thiết phải dạy con học toán một cách khô khan như thời các cụ ngày trước đâu.

Muốn giáo dục sớm phải làm như thế nào?

Tìm hiểu các phương pháp giáo dục sớm.

Cha mẹ vốn là thợ gốm, còn trẻ con chính là đất nặn”. Nếu đã hiểu giáo dục sớm là gì, bạn muốn tạo nên một tác phẩm gốm bình thường hay trở thành nghệ nhân với những tác phẩm nghệ thuật? Điều ấy còn phụ thuộc vào quyết định của bạn. Và bên dưới đây là một số phương pháp giáo dục sớm được nhiều người áp dụng:

  • Giáo dục sớm theo phương pháp Glenn Doman: Nguyên tắc cha mẹ là người thầy đầu tiên của con.
  • Giáo dục sớm theo phương pháp Reggio Emilia: Nguyên tắc tò mò chính là chìa khoá.
  • Giáo dục sớm theo phương pháp STEAM: Nguyên tắc phát triển toàn diện về mọi mặt.
  • Giáo dục sớm theo phương pháp Waldorf Steiner: Nguyên tắc Suy Nghĩ – Cảm Xúc – Ý Chí.
  • Giáo dục sớm theo phương pháp Shichida (giáo dục kiểu Nhật): Nguyên tắc yêu thương.
  • Giáo dục sớm theo phương pháp Montessori: Nguyên tắc kỷ luật trong tự do.
  • Giáo dục sớm theo phương pháp của người Do Thái: Nguyên tắc tàn nhẫn để yêu thương.
  • Giáo dục sớm theo phương pháp của người Pháp.
  • Giáo dục sớm theo phương pháp của người Mỹ (HighScope).
  • Giáo dục sớm theo phương pháp của người Mexico.
  • Giáo dục sớm theo phương pháp của người Phần Lan.

Trong tất cả các phương pháp giáo dục sớm ở trên, Montessori ra đời năm 1907 được xem là phương pháp tiên tiến, khoa học và hoàn thiện nhất, có thể vượt qua sự khác biệt về quốc gia, tôn giáo. Nhờ vậy mà được phổ biến trên toàn thế giới.

Áp dụng các phương pháp trên mới là giáo dục sớm?

Nhiều bậc phụ huynh cho rằng phải áp dụng một trong những phương pháp như Montessori, Glenn Doman, Reggio Emilia, Waldorf Steiner… mới là giáo dục sớm. Tuy nhiên, cần hiểu tất cả phương pháp chỉ là những con đường khác nhau để giúp chúng ta đạt mục đích giáo dục sớm cho con mà thôi. Hiện nay nhiều gia đình vẫn đang thực hành giáo dục sớm cho con một cách rất khoa học nhưng không hề theo bất kì phương pháp cụ thể nào. Ý tưởng cốt lõi của những phương pháp giáo dục sớm là dựa trên nền tảng của “sự yêu thương, tôn trọng, thuận tự nhiên và phù hợp với con trẻ” giúp con tiếp nhận một cách vui vẻ, hài hòa và phát huy tối đa những tiềm năng có sẵn của mình. 

Gia đình tôi là điển hình của việc không theo hẳn một phương pháp nào, mà luôn có sự đối chiếu và chọn lọc nếu điểm nào hay thì sẽ áp dụng nhưng quan trọng là phải dựa theo concept “khỏe mạnh, hạnh phúc, hiểu chuyện” đã đặt ra từ đầu. Bạn có thể tham khảo cách nuôi dạy con từ các hội, nhóm có xu hướng giáo dục sớm như: Hành Trình Nuôi Dạy Em Bé Hạnh Phúc, Dạy Con Trong Hạnh Phúc,…

Muốn giáo dục sớm phải làm như thế nào?

(Khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong con)

Nếu bạn cảm thấy hoang mang trước nhiều phương pháp giáo dục mà không thật sự hiểu chúng thì không nên vội vàng áp dụng, bởi vì có thể dẫn đến sai lầm và để lại những hậu quả nặng nề. Mục tiêu cơ bản của giáo dục sớm là nhằm giúp trẻ con phát huy những năng khiếu sẵn có và khắc phục những điểm yếu, từ đó con có sự chuẩn bị tốt nhất mà bước vào đời vững vàng hơn. Để bắt đầu giáo dục sớm cho con, bạn hãy từng bước thực hiện như sau:

  • Thống nhất về phương pháp nuôi nấng, dạy dỗ. Tránh cha mẹ dạy một kiểu, ông bà dạy một kiểu khác.
  • Cha mẹ dành thời gian chơi với con thay vì ôm điện thoại.
  • Cha mẹ trò chuyện, đọc sách, tương tác với con thay vì bận rộn chat chít, xem chương trình giải trí.
  • Mang đến cho con nhiều cơ hội trải nghiệm và khám phá thay vì để con dán mắt vào màn hình.
  • Tôn trọng suy nghĩ của con thay vì áp đặt, thậm chí ép buộc, dọa nạt để con làm theo điều mình cho rằng là tốt.

Ví dụ với gia đình tôi, kể từ khi con sinh ra đời là người lớn cũng bỏ luôn thói quen xem chương trình truyền hình, phim ảnh, hài kịch… trong nhà tôi bây giờ là không có tivi (nhưng có máy chiếu để con tìm hiểu về thế giới động vật). Cần hiểu rằng không có một phương pháp giáo dục sớm nào hay ngôi trường, giáo viên nào có thể dạy con tốt hơn bạn.

Giáo dục sớm cho con tại nhà như thế nào?

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

(Công viên nước ở nhà tôi, cứ mỗi ngày xuất hiện 2 – 3 lần)

Bạn không nên nhầm lẫn giữa “phương pháp giáo dục sớm” và “giáo dục tri thức sớm” cho trẻ mà cần quan sát, lắng nghe, tương tác phù hợp với con. Tôi sẽ bật mí về phương pháp giáo dục sớm cho trẻ tại nhà sau đây:

  • Chơi cùng với con và hãy lắng nghe, quan tâm đến cảm xúc của con.
  • Hướng dẫn, thị phạm cho con một cách kiên trì, nhẫn nại.
  • Động viên, khích lệ tinh thần cho con đúng thời điểm, đúng cách.
  • Tạo điều kiện, khuyến khích con tự khám phá thế giới xung quanh.
  • Cho con được tiếp xúc với những vật thể tự nhiên, trực tiếp cầm nắm.
  • Cho con trải nghiệm đầy đủ các giác quan: thính giác, thị giác, vị giác, khứu giác và xúc giác.
  • Sử dụng ngôn từ một cách cẩn trọng, có mục đích để giúp con phát triển ngôn ngữ, từ vựng.
  • Phát hiện và nâng đỡ năng khiếu, kỹ năng thế mạnh của con.

Có một nghịch lý như sau, phụ huynh luôn kỳ vọng vào sự thông minh, hiểu biết của con. Tạo điều kiện cho con được đi học sớm, chọn trường phải tốt thầy cô phải giỏi, nhưng nếu ở nhà con đặt ra câu hỏi thứ 1001 là thể nào cũng bị quát ầm lên: “Hỏi gì mà hỏi lắm thế!”, “Con có im lặng một lúc được không, nói gì mà nhiều thế!”. 

Những nhược điểm của phương pháp giáo dục sớm?

Bên cạnh các lợi ích thiết thực, trong quá trình áp dụng phương pháp giáo dục sớm bạn có thể gặp phải những điểm hạn chế như sau:

  • Cha mẹ chưa thực hiểu bản chất và nguyên lý cơ bản của phương pháp giáo dục sớm. 
  • Tâm lý đám đông áp dụng phương pháp giáo dục sớm theo trào lưu mà thiếu sự tìm hiểu thấu đáo, kỹ lưỡng.
  • Giao phó việc giáo dục sớm cho các cơ sở, trường học và giáo viên mà không hiểu bản chất của phương pháp này phải bắt nguồn từ chính gia đình. 
  • Dập khuôn lý thuyết, sách vở một cách quá đáng mà quên xem xét khía cạnh hợp lý, lắng nghe con trẻ để xem rằng có thật sự phù hợp với con mình hay không.
  • Người thân trong gia đình không ủng hộ, mỗi người dạy một kiểu khác nhau gây tác động ngược, khiến trẻ không hiểu làm thế nào mới đúng.

Những loại hình trí thông minh của con người.

Ở phần này, tôi muốn chúng ta nhìn nhận lại một số vấn đề liên quan đến giáo dục sớm nhằm hiểu đúng về giáo dục sớm để có phương pháp nuôi dạy con phù hợp nhất. Bạn hãy tự trả lời những câu hỏi sau đây: 

  • Ba mẹ có thực sự hiểu rõ về giáo dục sớm ở trẻ?”. 
  • Giáo dục sớm là vì con hay vì cha mẹ?”.
  • Con được nuôi dạy và phát triển dựa trên tiềm năng có sẵn hay sống, học tập, làm việc theo định hướng của cha mẹ?”.
  • Nếu con sở hữu những năng khiếu mà cha mẹ không thích thì sao?”. 
  • Như thế nào thì được xem là tài giỏi, thông minh?”. 

Nhằm đánh giá về sự thông minh hay là tài năng, vào năm 1983 nhà tâm lý học nổi tiếng từ Đại học Harvard là tiến sĩ Howard Gardner đã cho xuất bản quyển sách nhan đề “Frames of Mind”, tạm dịch “Cơ cấu của trí tuệ” để công bố về trí thông minh đa dạng của con người (Theory of Multiple Intelligences). Cụ thể theo Howard Gardner, con người có đến 09 loại trí thông minh khác nhau:

  • Trí thông minh không gian – thị giác (Visual-Spatial Intelligence): Thường thấy ở kiến trúc sư, họa sĩ, kỹ sư,…
  • Trí thông minh ngôn ngữ (Linguistic-Verbal Intelligence): Thường thấy ở nhà văn, nhà báo, luật sư, giáo viên,…
  • Trí thông minh logic – toán học (Logical-Mathematical Intelligence): Thường thấy ở nhà khoa học, nhà toán học, lập trình máy tính, kỹ sư, kế toán,…
  • Trí thông minh vận động cơ thể (Bodily-Kinesthetic Intelligence): Thường thấy ở vũ công, người làm nghề xây dựng, nhà điêu khắc, diễn viên,…
  • Trí thông minh âm nhạc – thính giác (Musical Intelligence): Thường thấy ở nhạc sĩ, ca sĩ, giáo viên dạy nhạc, nhạc trưởng, nhà soạn nhạc,… 
  • Trí thông minh kết nối và thấu hiểu (Interpersonal Intelligence): Thường thấy ở nhà tâm lý học, triết gia, tư vấn viên, nhân viên bán hàng, chính trị gia,…
  • Trí thông minh nội tâm bên trong (Intrapersonal Intelligence): Thường thấy ở triết gia, nhà văn, nhà lý luận, nhà khoa học,…
  • Trí thông minh thiên nhiên (Naturalistic Intelligence): Thường thấy ở nhà sinh vật học, nhà bảo tồn, người làm vườn, nông phu,…
  • Trí thông minh hiện sinh – triết học (Existential Intelligence): Thường thấy ở giáo sĩ, mục sư, linh mục, nhà sư, pháp sư, nhà triết học, nhà thần học,…

Nếu bạn đã hiểu 09 cách phân loại trí thông minh như trên và có con trong giai đoạn từ 0 – 8 tuổi, bạn hãy dành cho con sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt để sớm nhận biết con thuộc nhóm nào mà tạo điều kiện cho con có cơ hội phát triển tốt và toàn diện nhất nhé.

Kinh nghiệm giáo dục sớm cho con của tôi.

Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc.

(Khuyến khích con vận động bằng cách tập thể dục cùng với Mẹ)

Là người theo đuổi phương pháp giáo dục sớm cho con tại nhà, tôi và gia đình đã lần lượt áp dụng những kinh nghiệm sau đây:

  • Thai giáo. Giúp con làm quen với giọng đọc của bố mẹ ngay từ trong bụng bằng cách đọc sách cho con nghe mỗi tối. 
  • Người lớn bỏ thói quen xem tivi, chương trình truyền hình, giải trí. Đồng thời loại bỏ tivi và một số thiết bị điện tử hiện đại. Tập thói quen đọc sách.
  • Áp dụng lối sống tối giản. Cho tặng những vật dụng không thật sự cần thiết. Chỉ giữ lại những đồ vật mà người lớn cảm thấy an tâm, không lo lắng khi con cầm nắm.
  • Thay đổi môi trường sống. Từ nhà trong trung tâm thành phố chuyển ra vùng ngoại ô để gần gũi thiên nhiên, cây cỏ và không khí thoáng đãng hơn.
  • Trò chuyện với con hàng ngày như một người bạn nhỏ, từ lúc còn trong bụng mẹ cho đến hiện tại.
  • Đọc sách, đọc thơ, các bài ca dao, đồng dao cho con nghe thường xuyên. Nhưng không cần nghiêm trọng quá, vì mỗi ngày con nghe được 30 phút là giỏi lắm rồi.
  • Tạo điều kiện cho con chơi những trò vận động, mạo hiểm nhưng có kiểm soát.
  • Tạo điều kiện cho con được khám phá thiên nhiên, ra cánh đồng, soi ếch, bắt ốc, nghịch đất cát…
  • Áp dụng quy luật 80/20. Tức là 80% những điều con được làm nhưng phải hỏi ý kiến của người lớn và 20% những việc không được làm. Nếu phạm phải sẽ bị phạt.
  • Đưa ra thỏa thuận và sự giới hạn. Khi con hoàn thành nhiệm vụ này thì con sẽ được phần thưởng kia. Phần thưởng đôi khi là được kể cho nghe một câu chuyện nào đó. Hoặc giới hạn nếu hết giờ ăn phải chịu nhịn đói. Hết giờ chơi là đi ngủ, không đi ngủ thì phải tự chơi một mình.
  • Đưa ra hình phạt nghiêm túc. Phạt ngay tức khắc chứ không để dành hay cho nợ. Giải thích vì sao bị phạt và phạt trong tình yêu thương, tức là không được quát tháo hay to tiếng.
  • Cha mẹ không to tiếng với nhau và với con. Kiểm soát lời nói trước khi phát ra. Âm lượng vừa phải, dịu dàng dễ nghe, đầy đủ chủ ngữ vị ngữ.
  • Cha mẹ tập luyện thể dục thể thao để làm gương và khuyến khích tình yêu thể thao ở trong con. Con chạy bộ cùng với tôi và tập ABS Workout tại nhà cùng mẹ. 
  • Cho con được tự do khám phá. Nguyên tắc: “Nhà dơ thì sơn, sàn gỗ bong lên thì thay”.
  • Thường xuyên khen ngợi, động viên con. Chỉ khen ngợi con vì sự nỗ lực, vì con đã cố gắng chứ không khen bởi vì con giỏi giang hay thông minh.

Qua bài “Giáo dục sớm là hành trang giúp con vào đời thêm vững vàng”, tôi hi vọng đã mang đến những thông tin cơ bản để bạn hiểu hơn về phương pháp giáo dục nhiều tình thương này. Việc giáo dục sớm cho trẻ vốn không phải là trách nhiệm của nhà trường, của cô giáo hay của phương pháp giáo dục nào mà quan trọng nhất là vai trò của cha mẹ, của chính người thân trong gia đình sẽ là những người thầy đầu tiên của con.

BÀI VIẾT GẦN ĐÂY
Contact Me on Zalo