Chúng ta đang sống trong một xã hội tôn thờ chủ nghĩa vật chất, thể hiện qua ước muốn “vợ đẹp, con ngoan, nhà ba lầu, xe bốn bánh” nhưng ít người thật sự tìm cách làm sao đạt được điều đó. Chẳng hạn muốn “có vợ đẹp” thì bản thân mình cũng phải “đẹp” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, còn muốn “con ngoan” thì cần có kiến thức, phương pháp dạy phù hợp, hay để đạt “nhà ba lầu, xe bốn bánh” cần giỏi chuyên môn, giỏi quản trị, giỏi kinh tế, marketing… Thực tế có nhiều người nếu so sánh kiến thức, tư duy, sức khỏe, tâm lý, mối quan hệ của họ giữa năm ngoái và năm nay không nâng cấp thêm được gì, chỉ có ước muốn làm giàu là ngày càng bùng cháy hơn. Trong khi để đạt thành tựu tốt hơn thì bạn cần phát triển bản thân lên tầm cao hơn, bởi vì hành trình phát triển bản thân là mục tiêu của một đời người.
Mục Lục
Hành trình phát triển bản thân là mục tiêu của một đời người.
Tìm hiểu về phát triển bản thân.
Phát triển bản thân là làm gì?
Phát triển bản thân là gì? Gần đây một người bạn hỏi tôi rằng “Phát triển bản thân có giàu lên được không?”, ơ tại sao quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là chuyện tiền bạc, trong khi phát triển bản thân vốn là điều lớn lao hơn việc “giàu có vật chất” rất nhiều. Phát triển bản thân cũng không phải để trở thành người giỏi nhất, hay số 1 số 2 gì cả mà đây là quá trình tự nâng cấp chính mình thành phiên bản tốt hơn trước. Sự nâng cấp ấy bao gồm cả trình độ, tài năng, tâm lý, sức khỏe, cho đến mối quan hệ, tầm ảnh hưởng… rồi nhờ vào sự nâng cấp đó mà chúng ta đạt được giàu có về sức khỏe, giàu có về tinh thần, giàu có về sự nghiệp, giàu có về tiền tài và giàu có về hạnh phúc.
Vì sao cần phát triển bản thân?
Vì sao chúng ta cần phát triển bản thân? Dựa trên quy luật tiến hóa, con người có nhu cầu phát triển bản thân theo cách rất tự nhiên và tạo thành một hệ thống phân cấp. Một khi nhu cầu cấp thấp được thỏa mãn lúc đó mới xuất hiện nhu cầu ở bậc cao hơn, điều này được thể hiện qua tháp nhu cầu Maslow cụ thể như sau:
-
Nhu cầu sinh lý cơ bản (Physiological needs/Body needs): Bao gồm không khí thở, thức ăn, nước uống, ngủ nghỉ, tình dục… tức những yếu tố cơ bản và cần thiết nhất.
-
Nhu cầu về sự an toàn (Safety needs/Security needs): Bao gồm an toàn về chỗ ở như có một mái nhà che mưa che nắng. Được đảm bảo về vật chất, kinh tế hoặc cảm giác yên tâm, không lo sợ trước những mối nguy hiểm.
-
Nhu cầu về tình cảm (Love, Belonging needs): Bao gồm được yêu thương và mong muốn yêu thương, muốn che chở cho một ai đó. Bắt đầu từ việc tìm kiếm, kết bạn, tìm người yêu, lập gia đình, chăm sóc con cái/cha mẹ… tức muốn thuộc về một nhóm, muốn có gia đình, bạn bè thân hữu.
-
Nhu cầu được quý trọng (Esteem needs): Bao gồm lòng tự trọng, tự tin vào khả năng của bản thân, muốn khẳng định giá trị của bản thân, muốn được người khác nể trọng và quý mến. Kể từ đây mới xuất phát nhu cầu về phát triển bản thân.
-
Nhu cầu về nhận thức (Cognitive needs): Bao gồm sự tò mò, muốn tìm kiếm mục tiêu, ý nghĩa và hướng đến sự hiểu biết sâu sắc hơn.
-
Nhu cầu về thẩm mỹ (Aesthetic needs): Bao gồm cảm nhận vẻ đẹp, sự cân xứng, trật tự, muốn được sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật.
-
Nhu cầu thể hiện mình (Self-actualizing needs): Trạng thái mong muốn thực hiện hóa những lý tưởng của bản thân.
-
Nhu cầu về tự tôn bản ngã (Self-transcendence): Trạng thái siêu vị kỷ, tinh thần được phát triển ở mức rất cao. Lan tỏa lòng vị tha, hòa hợp, bác ái, sở hữu trực giác siêu nhiên mang tính huyền bí, tâm linh.
Qua tháp Maslow, bạn có thể thấy rằng nhu cầu phát triển bản thân (hay nâng bậc) có thể đến: (1) Bằng cách tự nhiên nếu ở bậc thấp hơn bạn đã được thỏa mãn hoặc (2) Bằng cách tự ý thức được lợi ích của sự phát triển để từ đó thúc đẩy bản thân tiến bộ nhanh hơn. Phần dưới đây tôi sẽ giới thiệu một số lợi ích của việc phát triển bản thân.
Phát triển bản thân mang đến lợi ích gì?
Khám phá và hiểu được chính bản thân mình.
Nhận thức được mình là ai, hiểu về con người thật bên trong mình, mình thật sự mong muốn điều gì. Đâu là những giá trị, niềm tin và mục đích lâu dài mà mình hướng đến hay đang theo đuổi.
Có ý thức tự định hướng cho bản thân mình.
Khi hiểu được bản thân mong muốn điều thì mọi việc với bạn sẽ trở nên rõ ràng hơn. Bạn có thể xây dựng lộ trình và đặt mục tiêu cụ thể, nhanh chóng đưa ra quyết định và dễ dàng loại bỏ những thứ gây sao nhãng.
Cải thiện sự tập trung và nâng cao hiệu quả.
Sự mất tập trung vốn là trở ngại lớn nhất thường khiến chúng ta bỏ dở ước mơ. Chính khát khao phát triển bản thân đòi hỏi bạn phải đưa ra cam kết, biết cách sắp xếp thứ tự ưu tiên và từng bước thực hiện mục tiêu, nhờ vậy mà gặt hái được kết quả tốt hơn.
Tăng cường động lực giúp tinh thần thêm vững vàng.
Ý thức phát triển bản thân giúp bạn tạo ra nguồn động lực to lớn, thúc đẩy bản thân từng bước hoàn thành mục tiêu. Ban đầu có thể không thích thú gì nhưng bạn hiểu nó mang đến lợi ích gì nên cố gắng thực hiện. Ngày qua ngày tuần qua tuần tháng qua tháng, dần dần bạn sẽ xây dựng được tinh thần mạnh mẽ vượt qua các thử thách trong đời.
Nhanh chóng phục hồi và đứng dậy sau thất bại.
Tuy rằng phát triển bản thân không ngăn chặn được những khó khăn xảy ra trong cuộc đời nhưng có thể giúp bạn gia tăng khả năng xử lý vấn đề. Bằng sự linh hoạt, tự tin dựa trên các kỹ năng đã rèn luyện bạn sẽ dễ dàng xoay chuyển tình thế, và nếu chẳng may gặp thất bại thì khả năng phục hồi cũng nhanh chóng.
Tạo dựng những mối quan hệ bền vững, viên mãn hơn.
Khi bản thân bạn được nâng cấp thì tự nhiên bạn sẽ thu hút được những mối quan hệ tương xứng, đôi bên cùng phát triển bền vững. Bạn cũng nhận ra đâu là mối quan hệ cần nuôi dưỡng, đầu tư và đâu là mối quan hệ cần tiết chế nhằm mang đến cho đời sống cá nhân nguồn năng lượng tích cực. Chi tiết hơn thì tôi có trình bày ở trong bài “Bạn là trung bình cộng của 5 người bạn dành thời gian nhiều nhất”.
Những khía cạnh mà bản thân nên phát triển?
Mỗi chúng ta đều có mục tiêu, khát vọng khác nhau vì vậy việc chọn khía cạnh nào để phát triển bản thân hoàn toàn không giống nhau. Thông thường khi một người có ý thức về việc phát triển bản thân, họ sẽ cải thiện một hoặc nhiều yếu tố dưới đây:
- Nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn.
- Tìm kiếm và bồi dưỡng tài năng tiềm ẩn.
- Xây dựng và làm mới hình ảnh của bản thân..
- Phát triển sức mạnh thể chất và tinh thần.
- Phát triển sự nghiệp và đánh thức sự giàu có.
- Thực hiện ước mơ của bản thân.
- Nâng cao sức ảnh hưởng, vị thế trong xã hội.
Tùy thuộc vào tuổi đời, kinh nghiệm và ước mơ của bản thân mà bạn có thể quyết định phát triển khía cạnh nào trước khía cạnh nào sau cho phù hợp nhất. Chẳng hạn đối với cá nhân mình, tôi chưa có nhu cầu xây dựng hình ảnh cho bản thân, cũng không mong muốn nổi tiếng nên việc tăng sự ảnh hưởng, nâng cao vị thế xã hội là điều không cần thiết. Thay vì đi ra bên ngoài tôi chọn quay vào bên trong, tôi luôn mong muốn có thể phát triển sức mạnh thể chất lẫn tinh thần của mình ngày càng cao hơn nữa.
Trong hành trình phát triển bản thân cần làm gì?
Định vị bản thân, xác lập mục tiêu.
Bạn hãy xác định thế mạnh của bạn thân xem mình là ai, mình đang đứng ở đâu, mình có những điểm mạnh và điểm yếu nào, điểm mạnh có được phát huy và điểm yếu đã được khắc phục hay chưa. Mục tiêu lâu dài của bạn là gì, trở thành ai… Những yếu tố quan trọng của cuộc đời như kiến thức, sự nghiệp, tiền bạc, sức khỏe, hạnh phúc thì đâu là điều bạn muốn hướng tới nhất? Chẳng hạn nếu nhắc về “điều mong muốn nhất” thì tôi chọn cuộc sống hạnh phúc, để được hạnh phúc thì cũng cần có nền tảng sức khỏe tốt, còn tiền bạc theo tôi chỉ cần vừa vừa thôi đủ sống thôi, không nhất định phải có một sự nghiệp quá xuất sắc. Có thể nói định vị bản thân, xác lập mục tiêu là bước cơ bản nhất giúp chúng ta tìm ra cách trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Khắc phục điểm yếu của bản thân.
“Growth begins when we begin to accept our own weakness” – Jean Vanier, tạm dịch là “Sự phát triển bắt đầu khi chúng ta bắt đầu chấp nhận sự yếu kém của chính mình”. Muốn phát triển bản thân không có cách nào tốt hơn là phải đối diện và tìm cách khắc phục điểm yếu của bản thân, hãy đặt mục tiêu kèm theo phương pháp để chiến thắng nó. Bạn cần chuẩn bị một tấm bảng, một nơi có thể ghi chú như điện thoại hoặc file excel mà trên đó liệt kê ra tất cả những điểm yếu đang mắc phải. Có thể một hoặc nhiều điểm yếu thì cũng chả sao cả, đâu ai dám khẳng định mình không có điểm yếu nào, vì vậy bạn cũng chẳng cần phải e ngại, che dấu điểm yếu của mình làm gì. Trước đây tôi từng viết rất tệ, văn chỉ điểm 4 – 5 thôi, gửi bài cho tòa soạn báo Hoa Học Trò toàn bị biên tập viên trả lại, vậy mà nghề chính hiện nay là Marketing và viết blog đây. Bạn có thể là không hài lòng về ngoại hình, không hài lòng về khả năng giao tiếp, giọng nói, kỹ năng chuyên môn… cứ ghi nó ra rồi “chiến đấu” thôi.
Sau đây là những điểm yếu được nhiều người đặt mục tiêu khắc phục, bao gồm:
- Làm sao để hết lười.
- Làm sao để hài hước.
- Làm sao để thông minh.
- Làm sao để có bản lĩnh.
- Làm sao để sống trách nhiệm.
- Làm sao để trở nên lịch sự.
- Làm sao để kiềm chế cơn giận.
- Làm sao để trở nên điềm tĩnh.
- Làm sao để có tinh thần lạc quan.
- … (còn một vạn câu hỏi làm sao khác).
Học thêm những kỹ năng mới.
Mặc dù thích viết văn từ nhỏ nhưng yêu thích và năng khiếu là hai chuyện khác nhau, tôi viết rất tệ cho tới khi mở công ty riêng. Lúc khởi nghiệp thiếu kinh phí nên mọi thứ đều phải tự làm, bao gồm cả công việc Marketing vì vậy tôi đã đăng ký học thêm những kỹ năng mới như Digital Marketing, viết content, chạy quảng cáo Google, Email Marketing, rồi học cả kỹ thuật SEO… vừa học vừa thực hành rồi dần dần cũng làm được. Bên cạnh các kỹ năng Marketing như trên, tôi còn học pha chế thức uống, nấu ăn và sẽ sắp xếp học thêm nghề mộc trong tương lai. Chẳng sao cả, mình thích thì mình đi học thôi. Ngày nay có nhiều cách giúp chúng ta tiếp cận với việc học dễ dàng bao gồm: học trực tiếp tại trung tâm, học online hoặc tự học qua sách, bạn nên ưu tiên cải thiện điểm yếu trước rồi khi nào rảnh sẽ học theo sở thích. Tôi giới thiệu dưới đây một số kỹ năng thường thấy ở những người thành công:
- Khả năng giao tiếp tốt: bao gồm thái độ, hành vi, cách nói, cách viết.
- Khả năng quản lý tốt: bao gồm cách sắp xếp, tổ chức, lãnh đạo.
- Khả năng thích ứng tốt: bao gồm nhạy bén, linh hoạt, giải quyết vấn đề nhanh.
- Khả năng tự tin, mạnh mẽ, quyết đoán, quyết tâm.
- Sự chính trực, đạo đức, kỷ luật.
- Sự am hiểu, biết sâu, hiểu rộng, nắm bắt nhanh.
Xây dựng thói quen đọc sách.
Nếu bạn có thể tự học thông qua việc đọc sách là rất tốt, còn vừa học ở trường lớp vừa kết hợp đọc sách sẽ càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nhiều người vừa nhắc đến chuyện đọc sách liền tìm cách thoái thác “Nhiều chữ đọc làm biếng lắm”, “Sách biết tôi chứ tôi không biết nó”, “Cầm quyển sách lên là thấy buồn ngủ liền”… Nếu bạn thấy mình lười đọc sách thì hãy bổ sung thói quen đọc sách vào danh sách điểm yếu cần khắc phục. Chúng ta nên xây dựng thói quen đọc sách bắt đầu với việc 10 – 15 phút mỗi ngày, tăng dần lên 20 – 30 phút, rồi 45 – 60 phút thì sẽ tới lúc bạn ôm quyển sách đọc cả ngày không thấy chán. Đọc sách không chỉ giúp bạn cập nhật thông tin, thu nạp thêm kiến thức, vốn từ ngữ mà còn giúp kích thích trí não, cải thiện tư duy… Chỉ cần bạn chăm chỉ đọc sách 1 – 2 năm sẽ thấy bản thân mình phát triển vượt bậc. Đó là sự thật.
Lắng nghe và quan sát người khác.
Bạn nên dành thời gian để lắng nghe và quan sát người khác ở xung quanh, bao gồm các thành viên trong gia đình, bạn bè chơi cùng, đồng nghiệp, hay người sếp đang quản lý bạn,… Hãy khám phá xem họ có những phẩm chất đáng ngưỡng mộ nào? Ví dụ một người bạn với cách nói chuyện tuy nhỏ nhẹ nhưng cuốn hút, một người đồng nghiệp cương trực và khẳng khái, một người lãnh đạo thông thái luôn biết cách đưa ra quyết định tài tình hợp lý… Nếu bạn coi họ là người truyền cảm hứng và hình dung mình là chiếc máy photocopy, đức tính nào cảm thấy hay ho thì học theo, thực hành ngay với bản thân mình dần dần tạo nên thói quen và trở thành tính cách của chính bạn.
Tầm sư học đạo, tìm người cố vấn.
Bất cứ ai cũng cần tầm sư học đạo, tìm người cố vấn riêng cho mình. Ít nhất thì mỗi lĩnh vực phải có một người, người đó có thể làm quản lý, là chuyên gia, giáo sư hoặc đơn giản là người bạn ngưỡng mộ. Tôi ví dụ nếu ốm đau thì nên hỏi ý kiến của bác sĩ nào, hoặc khi có vấn đề pháp lý thì nhờ ai làm luật sư, cho đến những chuyện về đời sống, xã hội, tâm lý, tình cảm… Tưởng tượng khi “tới công chuyện” mà chúng ta không biết phải tìm ai hoặc người ta không nhiệt tình hỗ trợ mình thì đúng là họa vô đơn chí. Đây cũng là lý do giúp bạn có thêm động lực phát triển bản thân nhằm trở thành người mà ai cũng muốn tiếp xúc, làm bạn.
Mở rộng những mối quan hệ tích cực.
Câu nói “Bạn là trung bình cộng của 5 người bạn dành thời gian nhiều nhất” phản ánh rất rõ ràng về cách chúng ta chọn bạn mà chơi, chọn người để xây dựng mối quan hệ. Cùng một khoảng thời gian nhưng nếu bạn mở rộng những mối quan hệ tích cực thì giống như được tiếp nhận ánh mặt trời, nắng chiếu đến nơi đâu nơi ấy liền sáng bừng lên. Trong khi người suy nghĩ tiêu cực giống như mặt trăng, mùng một, mười lăm không giống nhau, hay thay đổi thất thường… Một khi bạn không vững vàng tâm lý có thể bị cuốn theo và khiến cho tâm trạng lúc vui lúc buồn, dễ tuột cảm hứng, mất năng lượng, đó là điều chúng ta nhất định phải tránh nếu muốn trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Luyện tập một môn thể thao phù hợp.
Muốn phát triển bản thân bạn không chỉ chú tâm vào chuyện kiến thức hay kỹ năng mà luôn phải đi kèm với tinh thần và thể chất. Bạn chỉ có thể nâng tầm cuộc sống nếu sở hữu một cơ thể khỏe mạnh làm nền tảng cho một tinh thần minh mẫn, sáng suốt. Do đó việc luyện tập một môn thể thao phù hợp mỗi ngày là điều vô cùng quan trọng, bất kể đó là gym, yoga, chạy bộ, xe đạp hay bơi lội… Thể thao không những giúp cải thiện vóc dáng, ngoại hình mà còn giúp bạn giảm bớt căng thẳng, lo âu và mệt mỏi, nhờ đó bạn có thể tập trung để hoàn thành những mục tiêu được nhanh chóng và hiệu quả hơn. Ngay cả đối với người không có nhu cầu phát triển bản thân thì chơi thể thao cũng là một hoạt động cần duy trì hàng ngày mà tôi chia sẻ qua bài “Đâu là khoảng thời gian vàng của người trưởng thành?”. Có một nghịch lý khác rằng con người ai cũng thích cái đẹp, chẳng hạn đàn ông thích ngắm phụ nữ đẹp, nhưng nhiều anh cứ vác cái bụng phệ hoặc thân hình “cò hương” đi tán tỉnh phụ nữ mà quên rằng phụ nữ cũng thích ngắm đàn ông đẹp.
Tạo thói quen viết lách, ghi nhật ký.
Tạo thói quen viết lách, ghi nhật ký có thể hỗ trợ phát triển bản thân cực hiệu quả, mặc dù vậy người ta lại dễ dàng thốt ra câu “Không biết viết”, “Không có năng khiếu viết” và coi đó là lý do từ chối. Nếu như viết lách là một rào cản thì đơn giản nhất là bạn hãy thêm nó vào danh sách để tìm cách khắc phục. Tác dụng cơ bản của việc viết lách là mang đến cho bạn cơ hội suy ngẫm, tổng hợp về những sự kiện diễn ra xung quanh gần đây. Khi nghĩ về câu chuyện đó giúp bạn tăng khả năng nhận định, có thể đưa ra cách xử lý tốt hơn nếu như có gặp lại. Vào giai đoạn bắt đầu, bạn nên làm quen việc viết nhật ký với một quyển sổ tay, hoặc trên máy tính rồi dần dần có thể phát triển thành bài blog, chia sẻ suy nghĩ và kinh nghiệm của bản thân với nhiều người khác. Giống như cách tôi đang áp dụng hiện giờ.
Những rào cản khi muốn phát triển bản thân.
Sợ hãi khi phải đối mặt với sự thay đổi.
Hầu hết chúng ta đều có “tâm lý chối bỏ, sợ hãi khi phải đối mặt với sự thay đổi” nếu phải đứng trước những điều mới mẻ hoặc ở trong một môi trường xa lạ. Sự không chắc chắn, không quen thuộc dễ khiến chúng ta chùn bước và thu mình lại, vì vậy đây chắc chắn là một trong những rào cản khi muốn phát triển bản thân. Bạn nên hiểu rằng tâm lý trên của con người là hết sức bình thường và hãy quyết tâm vượt ra khỏi vòng an toàn nhằm giúp bản thân khám phá những giới hạn cao hơn.
Đặt mục tiêu quá cao trong thời gian ngắn.
Khát khao phát triển bản thân nhanh chóng là nhu cầu chính đáng nhưng đặt mục tiêu quá cao trong thời gian ngắn lại trở thành con dao hai lưỡi. Bạn thực hiện mãi, thực hiện mãi mà không thấy sự thay đổi hoặc sự thay đổi không đủ nhiều khiến cho bạn nản lòng và dần dần bỏ buộc. Thay vì vậy, bạn hãy “nghĩ dài nhưng làm ngắn”, có thể đặt mục tiêu phát triển cho 3 – 5 năm tới nhưng cần có kế hoạch cho từng tuần. Chẳng hạn muốn có cơ bụng 06 múi hãy dành thời gian từ 1 – 2 năm luyện tập và ngay từ bây giờ mỗi tuần cần gập bụng 600 lần trước đã.
Mất kiên nhẫn, thiếu nghiêm túc với mục tiêu.
Thông thường trong vài ngày đầu khi mới đưa ra mục tiêu, bạn sẽ có tinh thần hừng hực khí thế, giống như một ngọn lửa đang bùng cháy, xong rồi lửa cứ nhỏ dần nhỏ dần và lụi tàn. Lòng nhiệt huyết tan biến và thay vào đó là sự mất kiên nhẫn, thiếu nghiêm túc với mục tiêu đã đề ra, bạn sẽ tự an ủi, ru ngủ mình bằng các lý do cũ rích. Chẳng hạn đang ôm sách đọc được 03 ngày, đến ngày thứ tư thì suy nghĩ “sách này nhiều chữ quá, sao đọc thấy ngán quá” lại lóe lên, rồi tiếp theo sẽ là “chắc nghỉ đọc một bữa cũng không sao đâu, trước giờ mình cũng đâu có cần đọc sách”. Nghỉ một bữa, rồi nghỉ hai bữa, lại ba bữa… Rồi quay về điểm xuất phát, lúc đó coi như không còn mục tiêu đọc sách nữa.
Không có kế hoạch phát triển cụ thể.
Nhằm thay đổi lối sống lười vận động, bạn dự định là mỗi buổi sáng sẽ dậy sớm để ra công viên gần nhà chạy bộ, mặc dù kế hoạch là vậy nhưng bạn vẫn online đến 1h sáng. Đồng hồ báo thức đang reo inh ỏi vì vậy bạn cũng cố gắng ngồi dậy bởi do lửa trong lòng vẫn còn hừng hực lắm, rồi ngày thứ hai, thứ ba tiếp theo cũng đều như vậy. Tập thể dục mà không khỏe mạnh thêm gì chỉ thấy uể oải, cả ngày ngáp ngắn ngáp dài nên bạn quyết định là nghỉ tập cho khỏe. Điều này xảy ra do bạn không có kế hoạch phát triển cụ thể, chẳng hạn muốn tập thể dục buổi sáng thì cần đi ngủ sớm, bỏ thói quen online về đêm, cần phải ăn tối trước 7h, cần phải nấu cơm trước 6h, cần phải đi chợ trước 5h… Rõ ràng phát triển bản thân là một chuỗi những công việc cần bạn chuẩn bị thật kỹ lưỡng thì mới tạo nên thành quả.
Tóm lại, phát triển bản thân không phải là điều mà chúng ta có thể thực hiện ngay lập tức cũng không thể hoàn thành trong một vài tháng hay một vài năm. Trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, chúng ta đều cần định vị bản thân và xác lập mục tiêu mới, khắc phục những điểm yếu mới và quy trình cứ thế mà lập đi lập lại. Cho nên đối với tôi hành trình phát triển bản thân là mục tiêu của một đời người.
Tôi tên Trần Mạnh Cường, công việc chính là làm Content, Marketing và nghiên cứu về các mô hình, hoạt động kinh doanh liên quan đến Online. Bên cạnh đó, tôi có công ty riêng hoạt động trong lĩnh vực Tổ Chức Sự Kiện, Cưới Hỏi, Quay Phim, Chụp Ảnh. Trong lĩnh vực Marketing, tôi tập trung xây dựng “content tử tế” cho Website của các doanh nghiệp, phục vụ số ít khách hàng thay vì phát triển số lượng và muốn đồng hành cùng doanh nghiệp lâu dài. Cụ thể, đối với mỗi một ngành hàng, tôi chỉ nhận làm content cho một thương hiệu với mục tiêu đưa doanh nghiệp trở thành TOP ngành. Bạn có thể tìm hiểu về các dịch vụ Marketing và quan điểm làm nghề của tôi trước khi quyết định hợp tác.
Ngoài ra, tôi là người sống tối giản theo chủ nghĩa khắc kỷ, đam mê thể thao, theo đuổi xu hướng sống xanh, đồng người là một người tình nguyện hiến tạng. Nếu bạn đã đọc đến dòng này, có nghĩa là chúng ta có duyên được biết nhau trong cuộc đời này, hãy vui lòng nhắn giúp tôi một lời, cho tôi có cơ hội được làm quen với bạn, dù trước tiên chỉ là bạn trên mạng xã hội.