Kinh nghiệm tìm khách hàng trên Facebook cá nhân hiệu quả

Kinh nghiệm tìm khách hàng trên Facebook cá nhân hiệu quả

Tôi vốn yêu thích công việc Marketing đồng thời cũng muốn có thêm hợp đồng từ việc “chơi” mạng xã hội, vì thế nội dung tôi chia sẻ trên Facebook cá nhân là sự cân nhắc, thống kê, học hỏisửa đổi. Tôi đúc kết sau đây một số kinh nghiệm tìm khách hàng trên Facebook cá nhân hiệu quả hi vọng cũng hữu ích với bạn.

Kinh nghiệm tìm khách hàng trên Facebook cá nhân hiệu quả.

Ai mà không biết mình làm cái nghề đó.

Phần lớn chúng ta chỉ kết bạn Facebook với người thân quen bao gồm gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hoặc những người đã từng là khách hàng,… Thử hỏi trong vòng quan hệ này có ai chưa biết bạn đang làm công việc đó? Nếu như họ đã biết rồi mà bạn cứ đăng liên tục về sản phẩm, dịch vụ, công việc đang làm thì sau một thời gian người ta thấy không còn hứng thú nữa là điều đương nhiên.

Nói như vậy tức là mình không được đăng bài về công việc nữa? Ý tôi không phải vậy, việc cập nhật tình trạng công việc là rất tốt, giúp PR bản thân cũng như có lợi cho công việc nhưng cần có sự tiết chế, chừng mực và đa dạng thông tin để nội dung chia sẻ không bị nghèo nàn. Ở đây tôi định nghĩa “thông tin nghèo nàn” nghĩa là chỉ có một kiểu thông tin mà cứ đăng hoài. Tôi thường gặp các trường hợp sau đây: 

  • Bán hàng online đăng hình quần áo thời trang, mỹ phẩm, thức ăn.
  • Photographer đăng hình chụp khách, hoặc check-in đang đi làm.
  • Studio đăng hình ký được hợp đồng, cầm tiền đặt cọc của khách.
  • Môi giới BĐS đăng hình ảnh đất đai, nhà cửa, sổ đỏ.

Đa dạng nguồn khách hàng trên Facebook.

Sau một thời gian chơi Facebook, chúng ta thường rơi vào tình trạng “bão hòa mối quan hệ” khiến cho lượng khách hàng mới từ Facebook ngày càng ít đi. Vì sao?

  • Facebook đã trở thành “nơi kết nối đồng nghiệp”: Chỉ toàn người làm cùng nghề với mình, bình luận chém gió qua lại tâng bốc nhau cho vui chứ không mang về thêm hợp đồng mới. Chẳng hạn người làm nghề nhiếp ảnh thì kết bạn với nhiều photo, thực tế dù mọi người quen biết và chơi chung nhưng vẫn là đối thủ “cạnh tranh ngầm” với nhau.
  • Facebook đã trở thành “hội khách hàng thân thiết”: Tuy rằng thân thiết nhưng không có nhu cầu sử dụng dịch vụ thêm nữa. Chẳng hạn bạn kinh doanh dịch vụ cưới, dù cho giữ liên lạc với nhiều khách cũ nhưng khả năng nhóm khách này đặt dịch vụ cưới lần nữa là rất thấp, mặc dù có thể họ sẽ giới thiệu bạn bè người quen cho bạn nhưng số lượng không nhiều.

Ngoại trừ những trường hợp ngoại lệ như bán đồ thời trang, kinh doanh nhà hàng, quán cafe thì khách hàng có thể sử dụng dịch vụ nhiều lần, cũng như “hội đồng nghiệp” thỉnh thoảng “kẹt lịch” thì cũng san sẻ, gọi bạn làm chung… Tuy nhiên, bạn cũng phải thấy là không cần Facebook thì khách quen vẫn tìm tới, đồng nghiệp vẫn có thể “alo” rủ đi làm. Cho nên muốn Facebook hiệu quả hơn thì phải đa dạng nguồn khách hàng: Đầu tư nhiều thời gian kết thêm bạn mới trên Facebook, thậm chí tạo một Facebook khác để có thêm nguồn khách hàng. Tất nhiên công việc tạo Facebook mới cần được lên kế hoạch theo chiến lược cụ thể, ví dụ chỉ kết bạn với những đối tượng theo tiêu chí có thể là khách hàng tiềm năng trong tương lai như nữ giới, từ 20 – 26 tuổi, đang sinh sống tại TP.HCM.

Áp dụng công thức đăng Facebook 10 – 20 – 70.

Công thức chia sẻ nội dung trên Facebook cá nhân mà những chuyên gia Marketing khuyên nên áp dụng là 10% đời tư, 20% công việc đang làm70% thông tin, kiến thức. Hoặc bạn có thể hiểu trong 05 bài đăng thì nội dung nên chia thành: 

  • 01 bài chia sẻ chuyện cá nhân như quan điểm, suy nghĩ, lối sống; 
  • 02 bài về sản phẩm, dịch vụ, công việc hàng ngày; 
  • 03 bài cung cấp những thông tin, kiến thức khác, với tôi thường là những mẩu chuyện vui cười.

Chúng ta hãy thử áp dụng công thức trên với Facebook trong một khoảng thời gian, kết hợp theo dõi phản ứng của bạn bè Facebook để linh hoạt thay đổi tùy vào thời điểm, sự kiện và lĩnh vực hoạt động, bởi vì Marketing là một quá trình giúp chúng ta học hỏi và điều chỉnh để trở nên phù hợp hơn.

Người dùng Facebook thường thích sự vui vẻ.

Tôi tin rằng những người nào quen biết bạn thì phần lớn đều biết về khả năng của bạn, rằng bạn có thể làm gì cho họ rồi. Chẳng hạn, bạn làm nghề nhiếp ảnh cưới mà nội dung đăng trên Facebook chỉ nói về công việc như đăng hình Cô Dâu, album cưới, váy cưới, hậu trường chụp hình studio, đi phim trường, ở nhà hàng tiệc cưới… là thừa, thậm chí có thể gây “bội thực” với người xem. Trong khi điều chúng ta cần rất đơn giản là chỉ làm sao để họ đừng “quên” mình vào những lúc cần thiết, chứ không phải là khoe tuần đó mình có bao nhiêu hợp đồng, bao nhiêu khách hàng.

Ở đây xuất hiện 02 vấn đề mà chúng ta nên phối hợp làm sao cho “mượt mà”:

  • Cần phải cập nhật trạng thái trên Facebook thường xuyên để bạn bè không quên mình, thậm chí là phải cảm thấy vui vẻ, thú vị khi đọc.
  • Không đề cập quá nhiều về công việc đang làm (hãy nhớ tỷ lệ 10 – 20 – 70). Bởi vì công việc thường khô khan: đăng hình sản phẩm, hậu trường làm việc, check-in, video…

Nên tôi chọn “nuôi” những mối quan hệ trên Facebook bằng các mẩu chuyện cười tầm xàm bá láp, mục đích là mang đến tâm trạng vui vẻ cho mọi người mỗi ngày qua góc nhìn của tôi. Thực tế, nhiều công cụ Marketing thống kê rằng những nội dung hài hước, vui vẻ thường thu hút được nhiều người xem. Ngay cả bạn và tôi cũng vậy thôi, khi mà chúng ta làm việc căng thẳng thì mình thích tìm những nội dung vui vẻ tích cực để mà mỉm cười một xíu rồi quay lại làm việc tiếp.

Không nên copy 100% nội dung.

Tuy nhiều người cũng biết cách đăng những nội dung hài hước lên Facebook nhằm thu hút khách hàng nhưng lại đi copy 100% nội dung của người khác khiến cho cách làm này không mang lại hiệu quả như mong đợi. Bởi vì sao?

  • Một mẩu chuyện hài hước thường có nhiều người chia sẻ, đăng lại nên khi mình tiếp tục đăng thì bạn bè Facebook của mình có thể đã biết rồi nên họ thấy không thú vị nữa.
  • Một khi không biết cách sáng tạo dựa trên nội dung đã có khiến cho nội dung đó trở nên nghèo nàn. 
  • Không thể hiện được góc nhìn, quan điểm của người chủ Facebook trong khi bạn bè thích (hoặc ghét) bởi vì chúng ta có tính cách cụ thể, rõ ràng.

Những câu chuyện tôi chia sẻ trên Facebook cá nhân là sự tổng hợp, thêm thắt vào một số tình tiết dựa trên quan sát của tôi về các tình huống, sự kiện đã gặp mục đích là để cho nó hấp dẫn, mang tính giải trí.

Tránh đăng nội dung tiêu cực, yếu tố chính trị.

Mặc dù là người rất quan tâm đến những vấn đề của xã hội, tình hình chính trị của đất nước nhưng tôi xác định Facebook là nơi kiếm tiền, không phải là nơi đấu tranh công lý hay phản ánh tiêu cực. Vì thế tôi tuyệt đối không đăng, không chia sẻ những nội dung như sau:

  • Những thông tin liên quan đến án mạng, cướp, giết, hiếp…
  • Những thông tin về bất công xã hội, đấu tố, tranh đoạt…
  • Những thông tin về chính trị, tôn giáo…
  • Tất cả những điều mang đến cảm giác tiêu cực, buồn bã…

Chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn.

Tôi có may mắn được tiếp xúc với website từ sớm, đồng thời cảm nhận rõ ràng về hiệu quả của website nên tôi rất chăm chỉ “viết bài” để giải đáp những thắc mắc của mọi người xung quanh dựa trên kinh nghiệm của mình. Tôi thường tổng hợp nhiều câu hỏi về một vấn đề nào đó rồi khi đủ tư liệu thì triển khai thành một bài viết hoàn chỉnh, tôi viết trên Word trước sau đó mới đăng lên website rồi chia sẻ link lên Facebook. Tôi chỉ dùng Facebook như một phương tiện truyền thông, giúp viral bài viết nhưng không đăng bài chính trên Facebook do là Facebook không phù hợp cho việc lưu trữ, ví dụ một bài viết đăng lên vào tháng này thì tháng sau muốn tìm lại đã khó khăn rồi chứ đừng nói năm này qua năm khác. Công việc viết bài chia sẻ kiến thức chuyên môn cũng là cách để “nhắc nhở” bạn bè rằng tôi đang hoạt động trong lĩnh vực này.

Chơi Facebook với năng lượng tích cực.

Trong số bạn bè trên Facebook của chúng ta, chắc chắn có những người mang đến nguồn năng lượng tiêu cực như họ thường xuyên chê bai chuyện này chuyện kia, than vãn về cuộc sống hay thể hiện tâm trạng buồn bã… lỡ mà mình đọc xong sẽ có cảm giác mệt mệt. Còn người nào hay chia sẻ cuộc sống cá nhân, đăng ảnh sinh hoạt vợ chồng con cái, xe cộ nhà cửa, hậu trường làm việc, sản phẩm… xem mãi thì thấy nhạt. Vậy tại sao chúng ta không trở thành nơi phát ra nguồn năng lượng tích cực cho mọi người xung quanh để bạn bè cảm thấy vui vẻ, yêu đời hơn khi đọc status Facebook của mình, qua đó họ sẽ nhớ đến mình và tìm đến mình khi có việc cần.

Tôi tóm lược lại các ý chính trong bài viết này như sau: 

  • Viết bài, chia sẻ những nội dung vui vẻ, hài hước mang năng lượng tích cực.
  • Nhắc đến công việc đang làm một cách tiết kế, áp dụng công thức 10 – 20 – 70.
  • Mở rộng mối quan hệ, kết thêm bạn mới, có thể tạo thêm Facebook mới.
  • Viết bài chia sẻ thông tin hữu ích dựa trên kinh nghiệm chuyên môn.
  • Tránh các đề tài tôn giáo, chính trị, thông tin buồn bã, tiêu cực.

Những kinh nghiệm tìm khách hàng trên Facebook cá nhân hiệu quả trong bài này vẫn được tôi áp dụng hàng ngày, bởi vì nó mang đến nhiều lợi ích tích cực cho công việc hiện tại của tôi, bạn hãy thử áp dụng xem sao.

TMCUONG
Film Maker | Photographer | Marketer

BÀI VIẾT GẦN ĐÂY
Contact Me on Zalo