Làm thế nào để con trở thành người sống tình cảm?

Làm thế nào để con trở thành người sống tình cảm?

Thời niên thiếu của tôi, Bố thường than phiền rằng sao mấy đứa con chẳng có tình cảm gì với ông, khiến tôi cũng tự hỏi bản thân câu này. Tôi nhớ từ lúc nhỏ đã thiếu vắng sự quan tâm của Bố, anh em tự bảo nhau học và tự chơi, đôi lúc Mẹ cũng nhắc phải làm việc này việc kia. Riêng với Bố thì tôi ấn tượng nhiều nhất là những trận đòn roi, nhớ về hình ảnh ông say gật gà gật gù mỗi chiều, nhớ tiếng ông chửi vợ con, nhớ những lần tôi đề bạt một việc gì đó liền bị ông cấm cản. Vì vậy tới lúc tôi trưởng thành, Bố con chỉ nói những chuyện thật cần thiết, quan trọng và giao tiếp ở mức cơ bản như chào hỏi dạ thưa, ông có nghe được thì ừ hử vài câu. Do đó khi đã là một ông bố, điều mà tôi quan tâm nhất là làm thế nào để con trở thành người sống tình cảm gần gũi với cha mẹ, không như tôi và Bố.

Làm thế nào để con trở thành người sống tình cảm?

Như thế nào là người sống tình cảm?

Người sống tình cảm là người luôn đối đãi chân thật, tử tế với mọi người, mọi sự vật ở xung quanh. Người sống tình cảm có bản năng quan sát, ghi nhận, luôn sẵn sàng lắng nghe tâm sự của người khác, đồng cảm với người khác. Họ đặt bản thân mình vào vị trí của người khác trước khi hành động và phát ngôn làm sao để người nghe không cảm thấy buồn lòng, tổn thương. Người sống tình cảm sở hữu một trái tim nhân hậu, hiền hòa sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, hoạn nạn. Một người con sống tình cảm sẽ luôn muốn ở gần bên cha mẹ, quan tâm đến những thành viên của gia đình, thương yêu các anh chị em, con cháu trong nhà. Chắc chắn bậc làm cha mẹ nào cũng mong muốn con cái khi lớn lên trở thành một người giàu tình cảm như thế.

Dạy con biết sống tình cảm từ khi nào?

Khi nào bắt đầu dạy con biết sống tình cảm còn tùy thuộc nhận thức của cha mẹ trong mối quan hệ với con cái. Tôi nhớ câu chuyện đi viếng một người quen, anh ấy bị viêm phổi và mất đột ngột để lại vợ và cậu con trai 9 tuổi. Lúc tôi đến nhà, bé vẫn ngồi bấm điện tử, thắp nhang xong tôi hỏi Mẹ bé là từ hôm Ba mất bé khóc nhiều không? Chị trả lời rằng là bé bình thường do hàng ngày Ba con cũng ít gần gũi. Ba đi làm từ sáng đến tối mịt mới về, nhiều hôm lại còn đi tiếp khách, liên hoan với công ty rồi sáng lại đi sớm. Thế đấy, chúng ta cứ mải mê kiếm tiền, đến lúc nhận ra con đã lớn mà sợi dây tình cảm giữa mình và con không được bền chặt thì thật là đáng buồn. Do đó, các bậc làm cha mẹ hãy bắt đầu dạy con sống tình cảm ngay từ vừa chào đời, thậm chí là lúc còn ở trong bụng mẹ nếu có thể. Hoặc nếu bạn đã lỡ bỏ qua một giai đoạn của con thì ngay bây giờ hãy sửa lại mình. Ông bà từng có câu “nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”. Không bao giờ là quá muộn.

Một số kinh nghiệm dạy con sống tình cảm.

Người lớn thể hiện tình cảm với nhau, với con. 

Trẻ con sẽ là bản sao của những người thường xuyên chăm sóc chúng, muốn cho con sống tình cảm thì cha mẹ cần phải làm gương trước. Khi người lớn thể hiện tình cảm với nhau, với con giúp con có điều kiện quan sát, ghi nhận và học tập theo. Thật sự, cha mẹ không thể nào dạy con sống tình cảm nếu thường xuyên mâu thuẫn, cằn nhằn thậm chí là to tiếng, cãi nhau trước mặt trẻ. Do đó, cha mẹ cần “học cách sống tình cảm” với nhau, đối xử với nhau bằng sự yêu thương và tôn trọng. Nếu có mâu thuẫn phải tìm cách giải quyết trong ôn hòa, nếu tranh cãi trước mặt con thì làm lành, xin lỗi nhau trước mặt con. Tôi gợi ý sau đây một số cách giúp cha mẹ thể hiện tình cảm với nhau hàng ngày như:

  • Cả nhà thường xuyên ôm nhau, Bố ôm con, Mẹ ôm Bố.
  • Cả nhà chờ nhau ăn cơm, mời nhau ăn cơm, gắp đồ ăn cho nhau.
  • Cả nhà cùng tham gia hoạt động đi chợ, nấu ăn, đi công viên.
  • Bố chải tóc, sấy tóc cho Mẹ. Mẹ cắt móng tay, móng chân cho Bố.
  • Bố giúp đỡ Mẹ, Mẹ giúp đỡ con, con giúp đỡ Bố Mẹ.

Nói chuyện với giọng nhỏ nhẹ, dịu dàng.

Việc biểu lộ tình cảm không chỉ thể hiện bằng hành động mà còn qua lời nói. Cụ thể người lớn tập nói chuyện với giọng nhỏ nhẹ, dịu dàng đầy đủ chủ ngữ vị ngữ với nhau: “Bố ơi, Bố giúp Mẹ việc này với!”, “Bố ơi, đến giờ ăn cơm rồi, Bố nghỉ tay ăn cơm thôi!”,… Thậm chí cho dù gặp phải tình huống “bốc hỏa”, người lớn cũng không nên quát tháo ầm ĩ, vì như vậy chúng ta vô tình dạy cho con rằng: Lúc bực phải gào thật to lên cho người ta biết. Những lúc nóng giận bộc phát, người lớn cần tránh đi nơi khác hoặc ở trong phòng riêng chờ đến khi cơn giận hạ nhiệt và cách nói chuyện ôn hòa hơn thì hãy xuất hiện.

Dạy con “Cảm ơn”, “Xin lỗi”, “Không có chi”. 

Chúng ta cần ưu tiên dạy con “Cảm ơn”, “Xin lỗi”, “Không có chi. Cảm ơn những điều tốt, hành động tốt, lời nói tốt lành mà người khác dành cho mình. Ví dụ: “Cảm ơn Mẹ đã nấu cơm tối cho cả nhà mình ăn”, “Cảm ơn Bố đã tắm cho con”, “Cảm ơn Bà Nội vì đã yêu con”,… Khi con nói lời “Cảm ơn”, người lớn cũng cần đáp lại ngay bằng câu “Không có chi”. Đồng thời phải “Xin lỗi” vì những điều mình làm gây ra phiền hà cho người khác. Chẳng hạn “Con xin lỗi vì đã làm ồn ào”, “Con xin lỗi vì đã ném vỡ đồ”… Cả gia đình kiên nhẫn thực hành phương pháp này thì một thời gian sau sẽ hình thành cho con khả năng đồng cảm với người khác, quan tâm đến cảm xúc của mọi người xung quanh. Lần nọ tôi nghe con nói “Con xin lỗi!” một cách bâng quơ. Không biết con xin lỗi vì việc gì, xin lỗi ai nên tôi phải hỏi lại “Con xin lỗi ai vậy con?”, “Con xin lỗi vết đau”, “Vì sao con phải xin lỗi vết đau?”, “Vì con đã làm cho vết đau đau!”. Tôi thấy con đang gỡ mài ở chân khiến vết thương hiện ra ửng đỏ.

Khởi đầu và kết thúc mỗi ngày bằng tình yêu. 

Cả gia đình cùng tập thói quen luôn mỉm cười khi nhìn thấy nhau, khởi đầu và kết thúc mỗi ngày bằng tình yêu. Mỗi buổi sáng bước xuống giường chúng tôi thường nói: “Bố chào Bà Nội, Bố chào Mẹ, Bố chào con!”. Nếu con ở gần đó thì giang tay ra ôm một cái thật chặt, nếu Mẹ ở gần đó thì ôm luôn cả hai Mẹ con. Còn trước khi đi ngủ sẽ hôn lên trán và chúc nhau ngủ ngon: “Bố chúc con ngủ ngon và mơ đẹp!”. Có thể lúc đầu mình chưa quen nên nói những câu này sẽ bị ngượng, nhưng nói mãi thì nó sẽ thành quen, không nói cảm thấy thiếu thiếu. Thông thường trẻ con mới thức giấc còn ngái ngủ nên nhõng nhẽo và hay khóc, khi đó người lớn sẽ dịu dàng nhắc nhở: “Chào con, mình mới ngủ dậy, nhìn thấy nhau phải cười tươi lên chứ nhỉ!”, xong chờ con tỉnh táo hẳn thì ôm con vào lòng. Trẻ em sẽ phát triển mạnh hơn nếu cha mẹ thường xuyên ôm ấp, thể hiện cử chỉ ấm áp, điều này nhiều lần được khoa học chứng minh rồi.

Trò chuyện, kể truyện, đọc sách cho con nghe.

Hầu hết trẻ con đều thích được cha mẹ trò chuyện, kể truyện, đọc sách cho con nghe trước khi chìm sâu vào giấc ngủ. Khoảng thời gian này chúng ta có thể cầm một quyển sách yêu thích của con và đọc cho con nghe, hoặc kể một câu chuyện cổ tích, một chuyến đi khám phá hoặc đơn giản là trò chuyện về những điều diễn ra trong ngày. Chẳng hạn tôi thường hỏi con rằng: “Thế hôm nay con có điều gì vui, kể cho Bố nghe với”, “Con đang nghĩ gì trong đầu vậy?”, “Con tự nhận xét xem hôm nay mình có ngoan không?”, “Chiều nay con bị phạt vì lý do gì ấy nhỉ?”… Chuyện trò, tâm sự giúp gắn kết tình cảm giữa cha mẹ và con cái, đồng thời còn giúp trí não trẻ con phát triển hơn thông qua việc học ngôn ngữ từ người lớn. Ngoài thời gian kể chuyện buổi tối trước khi đi ngủ, chúng ta cũng có thể kể chuyện vào buổi sáng sau khi ăn sáng và trước khi rời khỏi nhà đi làm, đi học. Hầu như tối nào trước khi đi ngủ con cũng hỏi tôi: “Hôm nay có kể chuyện không Bố ơi?”. Rõ ràng đó là một thói quen tốt để cả nhà cùng xây dựng tình cảm gắn bó.

Cùng con khám phá, chơi thể thao, làm việc nhà. 

Cùng con khám phá, chơi thể thao, làm việc nhà, nấu ăn và làm việc vặt… là những cách tuyệt vời giúp cha mẹ từng bước xây dựng tình cảm với trẻ con. Vợ tôi thích bơi lội nên hôm nào có Mẹ ở nhà sẽ đưa con đi bơi hoặc tập workout tại nhà theo Youtube. Riêng tôi lại yêu thích môn đi bộ, buổi chiều mà rảnh thì hai cha con sẽ khoác balo, đội nón rồi cùng nhau tản bộ ra cánh đồng gần nhà xem đá bóng, thả diều… Cả quãng đường đi và về chừng 11km, chỗ nào an toàn thì để con tự đi, nếu con mỏi chân thì Bố cõng. Suốt quá trình khám phá con học được bao nhiêu thứ, nào là cây cầu, con sông, cây dừa nước, cỏ đuôi chồn, ốc sên, châu chấu… Tôi tin đây là một trong những cách giúp con cảm nhận rằng bố mẹ thực sự yêu thương và trân trọng sự xuất hiện của con trên cuộc đời. Ngoài ra, quá trình cùng người lớn làm việc nhà còn giúp con rèn luyện các kỹ năng quan trọng, khi lớn lên con có thói quen tự lập, không ỷ lại hay lệ thuộc vào người khác. Nếu quan tâm đến việc xây dựng thói quen tốt cho con, bạn có thể đọc thêm bài “Mất bao lâu để hình thành thói quen tốt cho con?“.

Giao tiếp với con bằng ánh mắt và biểu cảm. 

Ngày nay, người lớn thường dán mắt vào máy tính hoặc điện thoại trong lúc nói chuyện với người khác, rõ ràng là một thói quen xấu mà chúng ta không nên để trẻ con học theo. Thay vào đó, cách tốt nhất để trò chuyện với trẻ là người lớn hãy ngồi xuống ngang tầm mắt của trẻ, cầm tay con và nhìn thẳng vào mắt con khi nói chuyện. Giao tiếp với con bằng ánh mắt và biểu cảm trên gương mặt là một kỹ năng quan trọng mà cha mẹ cần lưu ý dạy cho trẻ càng sớm càng tốt. Bằng cách này trẻ con có thể học cách phán đoán biểu cảm của người lớn, hiểu được đâu là ánh mắt ấm áp trìu mến của cha mẹ, qua đó con biết kiên nhẫn chờ đợi đến khi có được sự chú ý cần thiết để nói ra một mong ước nào đó. Đặc biệt nếu con thành thạo kỹ năng này khi lớn lên thì càng tuyệt vời, chắc chắn nó sẽ giúp con thành công hơn trong các mối quan hệ.

Tôn trọng ý kiến và quyền lựa chọn của con. 

Sợi dây tình cảm giữa cha mẹ và con cái sẽ ngày càng bền chặt nếu chúng ta biết tôn trọng ý kiến và quyền lựa chọn của con. Không chỉ tôn trọng khi con lớn mà cha mẹ nên áp dụng thực hành kể từ lúc con vẫn còn nhỏ, dù cho đó là vấn đề gì như chuyện ăn món gì, mặc trang phục nào, đi chơi ở đâu… tất cả đều cần hỏi ý kiến của trẻ. Quá trình này giúp con cảm nhận được sự tôn trọng của cha mẹ dành cho mình, thấy mình có vai trò quan trọng ở trong gia đình. Ví dụ như:

  • Mình đến quán cafe thì con muốn mặc áo sơ-mi dài tay hay áo thun tay ngắn?“.
  • Con muốn ngồi ghế trắng có lưng dựa hay cái ghế đen có đệm này?“.
  • Con muốn dùng đũa hay dùng muỗng?“.
  • Tối nay con muốn ngủ ở phòng Bà hay phòng Bố Mẹ?“.

Trường hợp người lớn không đồng tình với ý kiến của con, hãy giải thích một cách hợp lý hợp tình tại sao để con hiểu rõ. Hãy chắc chắn rằng trẻ được tham gia vào các quyết định quan trọng, như vậy giúp chúng học cách đưa ra lựa chọn của riêng mình ở tương lai. Chẳng hạn một số sự từ chối kèm theo giải thích như sau:

  • Bố đề nghị con không chạy đùa giỡn trong quán, bởi vì sẽ gây ồn ào cho mọi người xung quanh và làm đổ vỡ đồ đạc của cô chủ quán“.
  • Bố yêu cầu con ngồi ăn nghiêm túc, bởi vì đây là giờ ăn cơm không phải là giờ chơi, và thức ăn không phải là đồ chơi“.

Lắng nghe khi con trình bày, kể chuyện. 

Nếu cha mẹ dành cho con sự tôn trọng thì sẽ hiểu rằng không nên làm gián đoạn câu chuyện mà trẻ đang háo hức muốn kể. Ngược lại phải luôn lắng nghe khi con trình bày, kể chuyện bằng sự chăm chú, thậm chí biểu lộ sự thích thú. Trường hợp trẻ muốn kể về câu chuyện đã xảy ra ở trường với bạn bè, với thầy cô giáo, hoặc một con vật nào đó mà trẻ gặp ở trên đường… nếu người lớn phớt lờ do quá bận rộn, hoặc xem đó là “chuyện trẻ con” sẽ khiến trẻ buồn và cảm thấy mình không quan trọng trong mắt của cha mẹ. Đến khi con trưởng thành hơn, con tự hiểu rằng chia sẻ câu chuyện của mình với cha mẹ là không cần thiết, dù gì thì cha mẹ cũng không quan tâm đâu. Lúc đó chúng ta bỗng dưng muốn “làm bạn” với con sẽ trở thành chuyện không đơn giản rồi.

Luôn luôn động viên, khích lệ tinh thần con. 

Khi trẻ tự giác hoàn thành xong công việc, một nhiệm vụ được giao, hay trẻ đang cố gắng thực hiện nhưng vẫn chưa làm được, những khi trẻ bị ngã, té đau… Lúc này nếu người lớn luôn luôn động viên, khích lệ tinh thần con sẽ giúp con tăng thêm tự tin, gắng sức hoàn thành nhiệm vụ. Con hiểu được rằng việc làm của con được người lớn công nhận và đánh giá cao, từ đó phát triển tình yêu thương giữa con với cha mẹ, gia đình và mọi người xung quanh. Việc khích lệ tinh thần trẻ con cũng đòi hỏi người lớn một số kỹ năng, đó là khen ngợi sự cố gắng chứ không phải ca ngợi thành tích hay sự thông minh, tài giỏi của con. Khích lệ tinh thần cũng không phải là vừa nhìn thấy con vấp ngã thì chúng ta vội lao ngay đến, đỡ con đứng dậy, thậm chí có người lại còn vung tay đánh cái bàn, cái ghế, cái bậc thang đã khiến con bị ngã. Một số câu nói khích lệ tinh thần của con mà bạn có thể áp dụng như sau:

  • À, con đã dọn nhà sạch sẽ rồi đây! Bố thấy con hôm nay rất chăm chỉ, mai con cũng như vậy nữa nhé!”.
  • Thế là con đã hiểu về hệ tiêu hóa của con người rồi đấy! Con biết nhiều như vậy bởi vì con đã rất chịu khó học hỏi”.
  • Con hãy thử tìm cách xem. Bố tin là con sẽ làm được”.
  • Con ngã có đau không? Con có tự đứng dậy được không? Vì sao mà con lại bị ngã vậy? Có phải là do con không cẩn thận phải không? Lại đây Bố xoa đầu gối cho con nào. Lần sau con hãy cẩn thận nhé!” hoặc “Bố không muốn con bị đau đâu. Bố thương con lắm lắm!”.

Gọi tên cảm xúc của con và của người lớn.

Không chỉ riêng người lớn mà trẻ con cũng có đầy đủ các cung bậc cảm xúc như yêu thương, vui mừng, tức giận, căm ghét. Khi trẻ khóc thì người lớn cần tìm hiểu vì sao mà con khóc, vì đói, vì buồn, vì tức giận hay vì sợ hãi. Một trong những câu nói gần như vô dụng nhưng người lớn thường dùng đó là: “Thôi nín đi con. Có gì đâu mà khóc?”. Dỗ dành con kiểu này không có tác dụng gì, ngoại trừ nó nói rằng cha mẹ không hiểu cảm xúc của con. Trẻ con không phân biệt chuyện lớn, chuyện nhỏ, chuyện quan trọng, chuyện xàm xí… Dù người lớn coi đó là chuyện nhỏ mà con thích nổi giận thì cứ nổi giận thôi, vậy mà người lớn nói rằng “có gì đâu” không giúp con nguôi giận. 

Thay vì phớt lờ, hãy tìm cách gọi tên cảm xúc của con và của người lớn nữa, thừa nhận nỗi sợ đâu có gì để đáng xấu hổ chứ. Lúc khoảng 02 tuổi, bé nhà tôi thường sợ sấm chớp, dù ở trong nhà cũng phải bám riết lấy người lớn không rời. Đây là cách tôi gọi tên cảm xúc và chia sẻ sự đồng cảm với con: “Con sợ tiếng sấm đùng đùng phải không?”, con gật gật đầu, tôi tiếp: “Bố cũng sợ tiếng sấm nữa, cứ ầm ĩ hết cả lên”. Con nghe Bố tâm sự xong thì nguôi nguôi, cơ mặt giãn ra, tôi lại nói: “Nhưng mà khi Bố ở trong nhà, có cửa đóng lại và tường bảo vệ cho Bố thì Bố không sợ nhiều nữa”, “Không sao đâu, đã có Bố ở đây với con rồi”. Dần dần thì con không còn sợ tiếng sấm nữa mà mỗi lần nhìn thấy sấm chớp tự biết nói: “Tường nhà mình có bảo vệ cho con không Bố?”, “Tất nhiên rồi con, tường nhà mình rất là chắc chắn”.

Tương tự như vậy, chúng ta sẽ lần lượt gọi tên các loại cảm xúc khác. Chẳng hạn khi con bạo lực đánh bàn ghế, đồ vật trong nhà thì người lớn hãy nói cho con biết đồ vật cũng biết đau, làm như vậy “các bạn” sẽ đau lắm và con hành động như vậy thì cha mẹ “cảm thấy buồn”, “không vui”, “hành động đó không đúng đắn”… Đồng thời khuyến khích trẻ nói về cảm xúc của mình, tại sao lại làm như vậy.

Kỷ luật, phạt con trong sự yêu thương. 

Nhiều bậc cha mẹ tin rằng để dạy con sự kỷ luật, nhanh ngoan và hiệu quả nhất là dùng biện pháp la mắng, quát tháo (bạo lực tinh thần) hoặc đòn roi (bạo lực thể xác). Áp dụng bạo lực có thể mang đến tác dụng ngay lập tức, tuy nhiên qua đó trẻ sẽ học được rằng bạo lực là cách hiệu quả để đối phó nếu xảy ra xung đột và bất đồng ý kiến. Rõ ràng đây không phải là cách giáo dục tốt, trong khi có nhiều cách giúp trẻ giữ kỷ luật mà không cần đến đòn roi. Chẳng hạn gia đình tôi áp dụng hình thức kỷ luật, phạt con trong sự yêu thương, đánh giá sự việc chứ không đánh giá con người. Quy trình phạt bao gồm các bước như sau:

  • Cảnh báo. Cho con biết làm như vậy sẽ gây ra hậu quả gì.
  • Cho con một khoảng thời gian tự thay đổi. Nếu không thay đổi sẽ áp dụng hình phạt như thế nào.
  • Các hình phạt áp dụng bao gồm: khoanh tay dựa tường, cho ở riêng một mình để suy nghĩ, mất quyền chơi,…
  • Khi trừng phạt phải mau lẹ, dứt khoát, không dây dưa. Người lớn nói được thì phải làm được.
  • Giải thích luật lệ, cho con biết rõ lý do tại sao.
  • Dùng lời nói dịu dàng, nhỏ nhẹ trong mọi tình huống.

Sau khi phạt con xong, hãy ôm con vào lòng, xoa dịu và cho con biết phạt và yêu thương vốn dĩ là hai việc khác nhau. Khi con không ngoan tất nhiên sẽ bị phạt và mặc dù phạt nhưng trong lòng cha mẹ luôn yêu thương con.

Áp dụng những câu “thần chú” kỳ diệu.

Bên cạnh lời nói dịu dàng, cử chỉ ấm áp dành cho con như bài viết đã đề cập ở phía trên, mỗi gia đình nên soạn một bộ gồm “những câu nói ngọt ngào hàng ngày” để nói cho con nghe, qua đó xây dựng sự an tâm và tin tưởng trong con. Chúng tôi đã áp dụng những câu “thần chú” kỳ diệu sau đây, bạn có thể tham khảo và áp dụng theo nếu cảm thấy phù hợp:

  • Con phải luôn nhớ rằng Bố lúc nào cũng yêu thương con nhất trên đời!”.
  • Con đừng sợ, không sao đâu, đã có Bố ở đây rồi!”.
  • Con nhớ cẩn thận nhé, Bố không muốn con bị đau đâu. Bố thương con lắm lắm!”.
  • Con thử nghĩ cách xem. Bố tin là con sẽ làm được”.
  • Bố lúc nào cũng thương con, nhưng nếu con hư thì Bố vẫn sẽ phạt con. Và dù Bố có phạt con thì Bố vẫn luôn yêu con”.
  • Bố luôn tự hào vì con đã xuất hiện trong cuộc đời Bố”.
  • Bố mong con lớn lên trở thành một chàng trai ấm áp, tốt bụng, hiểu chuyện để thông cảm với mọi người ở xung quanh”.

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng dù con ngoan ngoãn, thông minh hay học giỏi cũng không thích bằng con sống tình cảm, luôn quan tâm đến mọi người và được mọi người xung quanh yêu mến. Do đó làm thế nào để con trở thành người sống tình cảm và có cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ mới là mục tiêu nuôi dạy con của tôi. Cùng chủ đề nuôi con hạnh phúc, tôi có viết bài “Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc“, bạn có thể tham khảo thêm. Bài viết đã dài, tôi xin dừng lại ở đây. Cầu chúc cho bạn và gia đình có một cuộc sống khỏe mạnh, an yên, hạnh phúc và thành công trong việc nuôi dạy con.

Cảm ơn bức ảnh bìa rất đẹp của Alex Green từ Pexels.

BÀI VIẾT GẦN ĐÂY
Contact Me on Zalo