Muốn xây dựng thương hiệu nên bắt đầu từ đâu?

Muốn xây dựng thương hiệu nên bắt đầu từ đâu?

Bài viết này tôi ấp ủ dành cho những bạn đã kinh doanh một thời gian nhưng theo kiểu tự phát trên một số nền tảng Mạng Xã Hội như Facebook, Zalo, Tiktok… chưa xây dựng thương hiệu hoặc thương hiệu chưa được đầu tư nghiêm túc và tất nhiên cũng phù hợp với các bạn đang có ý định khởi nghiệp. Vậy muốn xây dựng thương hiệu nên bắt đầu từ đâu?

Muốn xây dựng thương hiệu nên bắt đầu từ đâu?

Định hình con đường kinh doanh.

Muốn xây dựng thương hiệu nên bắt đầu từ đâu?

Tuy có nhiều kiểu mẫu về người làm kinh doanh, nhưng tôi tập trung vào hai đối tượng chính là: (1) Người làm kinh doanh chỉ để kiếm tiền và (2) Người làm vì đam mê trước và kiếm tiền sau. Bạn hãy xác định xem mình thuộc nhóm nào để đưa ra những quyết định đúng đắn khi bắt tay xây dựng thương hiệu. Trường hợp không đam mê nhưng nhận thấy lĩnh vực A đang có tiềm năng muốn tham gia để kiếm tiền thì cần phát triển thật nhanh, gom một mớ tiền rồi cần thiết hãy bán lại thương hiệu cho người khác kiếm thêm mớ tiền nữa. Hay công việc hiện tại chính là điều bạn muốn gắn bó lâu dài, không chỉ đơn thuần là công việc mà còn là sự nghiệp cả đời thì hãy tìm cách đầu tư cho nghiêm túc. Tóm lại, trong cả hai trường hợp kể trên thì việc xây dựng thương hiệu làm sao cho bài bản là điều cần thiết, mang tính chất quan trọng.

Đặt tên thương hiệu khác biệt.

Muốn xây dựng thương hiệu nên bắt đầu từ đâu?

Có 02 kiểu đặt tên thương hiệu tuy “không ưu việt” nhưng chúng ta thường gặp là: (1) Dùng tên riêng của người sáng lập và (2) Dùng tên na ná thương hiệu khác trên thị trường. Ví dụ: Một anh photo mở studio đặt tên là Ngọc Huy Studio lấy theo tên mình và tên vợ. Thứ nhất, khách chỉ thích anh Huy chụp thôi nếu đưa cho thợ chụp là khách không chịu nên lớn tuổi rồi anh Huy vẫn phải trực tiếp cầm máy. Thứ hai, thương hiệu dù lâu năm và uy tín trên thị trường nhưng muốn sang nhượng cho ai cũng khó bởi vì thương hiệu mang tên riêng của hai vợ chồng, chỉ có thể truyền lại cho con cái tiếp quản chứ người ngoài không ai dám nhảy vào đầu tư.

Rồi việc đặt tên na ná thương hiệu khác hiện nay trở nên rất buồn cười, chẳng hạn ngoài Điện Máy Xanh có một loạt thương hiệu ra đời sau lấy tên là Điện Máy Cam, Điện Máy Đỏ, Điện Máy Vàng… Ủa làm vậy để làm gì? Có phải là muốn “ăn theo” thương hiệu lớn để kiếm tiền nhanh không? Thật sự những người chủ sau đã có hành động phải gọi là rất “thô thiển”. Bản thân tôi cũng có trải nghiệm này, đó là lúc tôi thành lập Viet Nam Wedding Planner năm 2007, một số Wedding Planner thành lập sau lấy tên thương hiệu là ABC Vietnam Wedding Planner nên hơi mắc cười vì nếu họ chỉ đặt ABC Wedding Planner thì lại hay. Đến năm 2013, tôi ra mắt Dragon Films Wedding & Events thì thời gian sau lại thấy xuất hiện Lion Films Wedding & Events, Eagle Films Wedding & Events… Thực tế là do người sáng lập bí ý tưởng và muốn copy cho nhanh chứ trong lĩnh vực phim ảnh thì thiếu gì tên hay như Lion Production, Eagle Studio.

Sau đây là kinh nghiệm đặt tên thương hiệu giúp tối ưu với nhiều mục đích nhất:

  • Tên thương hiệu khác biệt với đối thủ, độc đáo.
  • Tên thương hiệu liên quan với sản phẩm, dịch vụ.
  • Tên thương hiệu có thể đăng ký độc quyền.
  • Tên thương hiệu dễ đọc, dễ nhớ.
  • Tên thương hiệu trùng với tên miền Website.

Thiết kế logo, bộ nhận dạng thương hiệu.

Sau khi chọn được tên thương hiệu vừa ý theo các tiêu chí trên là lúc bạn nên tiến hành thiết kế logo và bộ nhận dạng thương hiệu. Giai đoạn 2010 trở về trước, khi Mạng Xã Hội chưa phát triển thì bộ nhận dạng thương hiệu rất đa dạng và quan trọng đối với tất cả công ty nhưng bây giờ chỉ có thương hiệu lớn mới đầu tư đầy đủ: bảng hiệu, catalogue, letter head, phong bì thư, file folder, túi giấy, tờ rơi, mũ nón, áo mưa,… Ngày nay, chúng ta chủ yếu kinh doanh online thì ưu tiên cho: Logo, Name Card (để trao cho khách khi gặp khách trực tiếp), Website, Email theo tên miền riêng, Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok, hình ảnh, video… Tất cả những nơi đâu xuất hiện sản phẩm/dịch vụ thì hãy nhớ đính kèm logo thương hiệu trên đó.

Để thiết kế logo, người ta thường yêu cầu bạn cung cấp một số thông tin cơ bản liên quan đến thương hiệu, chẳng hạn sau đây là mong muốn của tôi khi có người nhờ làm logo:

  • Tên thương hiệu: An Phương.
  • Tên viết tắt: AP.
  • Tagline/Slogan: Vị Hương Của Sức Khỏe & Sắc Đẹp.
  • Hình dạng logo: Hình tròn, hình tam giác.
  • Màu sắc chủ đạo: Vàng, Nâu, Trắng.
  • Biểu tượng: Chim Yến.
  • Mô tả: Tên viết tắt kiểu bay bổng, chữ A vững vàng còn chữ P uốn lượn lồng vào chữ A. Hai chữ lồng vào nhau tạo thành hình ngọn núi.

Phổ biến thương hiệu bằng kênh nội bộ.

Ngoại trừ bạn có ngân sách để thực hiện quảng cáo rầm rộ trên nhiều phương tiện truyền thông và nền tảng thì chỉ sau một khoảng thời gian ngắn người ta sẽ biết đến bạn, tôi không bày cách này vì rất tốn kém mà không phải ai cũng có tiền để làm. Khi đã có logo, bạn hãy tận dụng một cách triệt để trong phạm vi nội bộ công ty, nhân viên công ty, bộ văn phòng phẩm cũng như các kênh truyền thông tự xây dựng, cụ thể:

  • Logo trên đồng phục, name card của nhân viên khi tiếp khách.
  • Logo trên bảng báo giá, catalogue khi đưa cho khách tham khảo.
  • Logo trên bao bì, hộp quà, túi giấy nếu như bạn kinh doanh sản phẩm.
  • Logo trên biên nhận, hợp đồng khi khách cọc tiền, đặt hàng.
  • Logo dưới chữ ký email mỗi khi trao đổi thư từ với khách hàng.
  • Logo trên Avatar, Cover các mạng xã hội Facebook, Instagram, Youtube, Tiktok…
  • Logo trên hình ảnh, video khi đăng lên mạng xã hội.
  • Chữ  ký, hashtag, thông tin, địa chỉ dưới mỗi bài đăng trên mạng xã hội.
  • Logo và hình ảnh trên Google Maps và các ứng dụng giới thiệu địa điểm.

Nhất quán trong việc sử dụng thương hiệu.

Người làm chủ thương hiệu cần xây dựng một quy chuẩn về cách sử dụng hình ảnh thương hiệu làm sao để nhất quán trên mọi phương tiện và nền tảng. Cụ thể:

  • Kích thước logo được sử dụng trên văn bản, báo giá là bao nhiêu? Đảm bảo mỗi lần nhân viên áp dụng phải đúng kích thước này.
  • Kích thước và vị trí đóng logo trên hình ảnh là bao nhiêu? Đối với ảnh ngang và ảnh dọc cần xử lý như thế nào, không phải cứ muốn đóng logo chỗ nào là đóng, lớn nhỏ thế nào cũng được.
  • Kích thước, vị trí và thời điểm xuất hiện logo trên video cụ thể ra sao? Một video clip dài 3 phút, 5 phút thì logo xuất hiện bao nhiêu lần, ở giây thứ bao nhiêu.

Lưu ý: Đối với công ty có nhiều nhân viên phụ trách ở những thời điểm khác nhau, ví dụ tháng này là em A nhưng qua tháng sau em A nghỉ nên em B vào thay, như vậy phải làm sao để vị trí đó dù là em A, B, hay em C, D làm thì cũng “chuẩn không cần chỉnh”. Tóm lại, xây dựng hình ảnh thương hiệu đồng nhất sẽ là điểm cộng cực lớn giúp khách hàng nhìn nhận sự nghiêm túc và chuyên nghiệp của bạn.

Đầu tư xây dựng hình ảnh sản phẩm.

Một người bạn của tôi kinh doanh hàng may mặc theo kiểu gia công, bạn có ki-ốt ở chợ An Đông nhưng phần đó chỉ là phụ thêm, doanh thu chính là bạn có nguồn khách ở nước ngoài chuyên đặt sỉ hơn chục năm nay. Mùa Covid-19 làm cho mọi việc trì trệ hẳn, buôn bán kém đi và mối hàng không còn đặt nữa, bạn hỏi tôi là bây giờ phải làm sao? Tôi kiểm tra lướt qua mới thấy đây là mô hình kinh doanh kiểu truyền thống, chỉ có FanPage mà cả năm đăng được vài status, không Website, quần áo thì trải ra sàn nhà chụp bằng điện thoại,… nhìn chung mọi thứ không hấp dẫn.

Bây giờ kinh doanh online cho dù không làm Website thì cũng phải đầu tư hình ảnh cho đàng hoàng, nhìn vào phải bắt mắt hấp dẫn thì mới kích thích người tham khảo tiếp, tôi chỉ nói tham khảo chứ không phải là đặt hàng nha. Cho nên nếu bạn kinh doanh món gì thì hãy tổ chức chụp hình, quay video cái đó, hình ảnh càng rõ ràng, sắc nét nhìn càng chuyên nghiệp thì càng tốt. Còn những ai chỉ chụp bằng điện thoại mà vẫn đắt hàng như tôm tươi thì đó là may mắn, phải được tổ nghề độ chứ tôi không thấy mấy người có may mắn như vậy đâu, nếu kết hợp đầu tư bài bản thì chắc chắn còn “phất” hơn nhiều lần.

Việc đầu tư hình ảnh sản phẩm cũng có nhiều cách và tạo nên nhiều concept ảnh và video khác nhau, ví dụ:

  • Quảng cáo thực tế: Chụp & quay sản phẩm với đầy đủ các góc trên phông nền trắng (hoặc có dàn dựng), phù hợp để đăng trên FanPage và Website có chức năng giỏ hàng. Hình thức này phù hợp với những khách hàng đã ít nhiều hiểu về sản phẩm.
  • Quảng cáo gợi mở: Chụp & quay sản phẩm cùng với người mẫu thể hiện công năng, tác dụng của sản phẩm thông qua biểu cảm, sự hài lòng của nhân vật. Quảng cáo này đánh vào tâm lý tò mò của khách hàng, kích thích họ muốn sở hữu sản phẩm. Phù hợp để triển khai các bài PR, tin tức trên báo chí, Website.

Hiểu rõ tầm quan trọng của Website.

Từ ngày có Facebook, Instagram, Zalo, rồi Tiktok… khiến nhiều người kinh doanh online phụ thuộc vào các Mạng Xã Hội này, họ thà bỏ tiền ra để chạy quảng cáo chứ không muốn đầu tư Website riêng cho mình. Còn quan điểm của tôi về Mạng Xã Hội và Website như sau:

  • Website do mình đầu tư (mua tên miền, thuê hosting và thuê người thiết kế) thuộc sở hữu của mình. Facebook, Instagram hay Tiktok tuy rằng miễn phí nhưng chỉ được “mượn”, do sử dụng trên nền tảng của người ta nên có thể bị khóa account, mất Page bất kỳ lúc nào nếu xảy ra kiện cáo, hay bị chơi xấu report.
  • Mạng Xã Hội sẽ cần tương tác, đăng bài liên tục mới hiệu quả mà làm như vậy thì bài trôi đi rất nhanh, nhiều khi muốn tìm lại thông tin cũ rất khó khăn. Trong khi đó, Website có giao diện, bố cục rõ ràng, mình tạo từng chuyên mục riêng như giới thiệu, thư viện, bài viết,… khi cần tìm thông tin hoặc khách muốn tham khảo cũng dễ dàng hơn.
  • Mạng Xã Hội phù hợp để lướt xem thông tin, hình ảnh nhanh còn Website là dành cho tìm hiểu sâu. Đôi khi khách hàng muốn biết chúng ta là ai, làm gì, thành lập năm nào, nhân sự bao nhiêu người, có những dịch vụ nào, mô tả chi tiết về sản phẩm, các bài viết giới thiệu… thì Mạng Xã Hội khó thể hiện được đầy đủ những thông tin này.
  • Website là công cụ thích hợp để triển khai các “bài viết vì khách hàng” áp dụng SEO Content nhằm thu hút khách hàng tìm đến một cách tự nhiên.
  • Sở hữu tên miền Website sẽ là nền tảng để chúng ta có được Email theo tên miền giúp tăng thêm sự uy tín, tin cậy của thương hiệu.
  • Website giúp thể hiện thái độ nghiêm túc và chuyên nghiệp của người chủ đối với lĩnh vực kinh doanh dưới ánh mắt đánh giá của khách hàng. Mạng Xã Hội là miễn phí nên dễ tạo, ai cũng có thể lập ra và nếu không kinh doanh được thì xóa acc hay bỏ hoang vì thế niềm tin của khách hàng khi một đơn vị chỉ có Mạng Xã Hội nhưng không có Website chắc chắn kém đi.
  • Kinh nghiệm của tôi là nên kết hợp cả hai: (1) Đầu tư nội dung Website cho đầy đủ, chi tiết và (2) Sau đó dùng Mạng Xã Hội để truyền thông. Ví dụ, tôi thường chia sẻ link bài viết lên Mạng Xã Hội để thu hút khách hàng truy cập vào Website.

Xác minh địa điểm trên Google Maps.

Dù cho bạn kinh doanh online, vẫn phải có địa chỉ, số nhà cụ thể để phục vụ việc gặp gỡ trao đổi với khách, nếu khách cảm thấy cần thiết có thể tìm đến tận nơi hoặc đơn giản là giúp tăng thêm sự tin tưởng của khách với thương hiệu. Muốn xác minh địa điểm trên Google Maps, bạn cần có tài khoản Gmail, truy cập vào trang https://maps.google.com, đánh dấu địa điểm và làm theo hướng dẫn. Trong khoảng 14 ngày, Google sẽ gửi thư về địa chỉ mà bạn đã đăng ký, bên trong thư là đoạn code giúp bạn xác minh địa điểm. Sau khi đã xuất hiện trên bản đồ Google, bạn có thể lấy mã bản đồ chèn vào Website, Email,… nhằm xác minh tính chính danh của thương hiệu, tạo thêm niềm tin cho khách hàng. Tuy nhiên, bản đồ Google Maps sẽ là con dao hai lưỡi nếu thương hiệu “kinh doanh không đàng hoàng”, bởi vì qua Google Maps khách hàng có thể đóng góp bình luận, đánh giá chất lượng một cách công khai.

Cung cấp nội dung hữu ích vì khách hàng.

Tôi nhận thấy nhiều người kinh doanh hiện nay, bao gồm cả bạn bè xung quanh tôi đang quá bận tâm việc chạy quảng cáo: Google Adwords, Facebook Ads… thay vì nghiên cứu tạo ra thông tin hữu ích cho khách hàng. Nếu như những năm 2000 lúc internet chưa phát triển, mỗi tối chúng ta bị “cưỡng bức thị giác” xem không biết bao nhiêu clip quảng cáo nếu muốn chờ bộ phim hay chương trình truyền hình yêu thích thì Facebook Ads bây giờ cũng thô thiển tương tự. Lướt News Feed là thấy quảng cáo ngập tràn, nếu lỡ bấm vô một shop là sau đó quảng cáo của chục shop khác theo đuổi xem muốn bội thực.

Theo tôi, tư duy làm quảng cáo trong tương lai cần thay đổi nhằm mang đến nhiều quyền lợi cho khách hàng hơn, chẳng hạn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của khách để mà sáng tạo những nội dung hay bổ ích, hoặc là giải quyết một nhu cầu cụ thể của khách hàng thay vì cứ “tra tấn” người ta bằng quảng cáo.

Trong bài viết tôi sử dụng mẫu logo AP một cách triệt để nhằm nhấn mạnh thương hiệu của khách hàng, cụ thể:

  • Khách đi từ xa nhìn thấy thương hiệu trên bảng vẫy.
  • Khách dừng ở trước cửa hàng nhìn thấy thương hiệu trên bảng hiệu.
  • Khách chuẩn bị bước vào cửa hàng nhìn thấy thương hiệu trên cửa kiếng.
  • Khách ngồi nghe tư vấn dịch vụ nhìn thấy thương hiệu trên tường.
  • Trong lúc trao đổi với nhân viên khách nhìn thấy thương hiệu trên sổ sách, bút viết, giấy A4, name card,…
  • Sau khi khách ký hợp đồng được tặng hộp quà, usb với thương hiệu xuất hiện trên đó.
  • Những tài liệu, quà tặng sẽ được gửi khách trong túi giấy với thương hiệu trên đó.

Tất cả những điều này giúp bạn từng bước xây dựng được thương hiệu mạnh, khắc sâu trong tâm trí khách hàng.

Nếu như bạn đang có ý định khởi nghiệp hoặc muốn tái định vị một thương hiệu đã hoạt động từ lâu nhưng chưa nổi bật, đọc xong bài “Muốn xây dựng thương hiệu nên bắt đầu từ đâu” cảm thấy có nhiều điểm hợp lý, bạn muốn được tư vấn thêm thì inbox cho tôi qua facebook TMC Cuong.

TMCUONG
Film Maker | Photographer | Marketer

BÀI VIẾT GẦN ĐÂY
Contact Me on Zalo