Muốn xây dựng thương hiệu uy tín cần làm gì?

Muốn xây dựng thương hiệu uy tín cần làm gì?

Tôi may mắn gầy dựng được một số thương hiệu hoạt động lâu năm trong lĩnh vực Cưới Hỏi như Viet Nam Wedding Planner, Dianthus Wedding Decor, Dragon Films… Mặc dù chi phí dịch vụ không phải cao nhất trên thị trường nhưng phục vụ chủ yếu cho nhóm khách hàng cao cấp, cũng như có cách riêng để tìm kiếm khách hàng, vì thế may mắn được các đồng nghiệp trong ngành xem là uy tín và qua đó tôi nhận được nhiều lời đề nghị hợp tác, thậm chí có người còn muốn tôi chia sẻ lại kinh nghiệm. Nếu bạn quan tâm đến việc muốn xây dựng thương hiệu uy tín cần làm gì thì tôi xin tổng hợp lại vài quan điểm mang tính cá nhân để chúng ta tham khảo và cùng nhau chém gió sau đây.

Muốn xây dựng thương hiệu uy tín cần làm gì?

Chất lượng sản phẩm và thái độ phục vụ đóng vai trò quan trọng nhưng bên cạnh đó còn có nhiều yếu tố làm nền tảng giúp chúng ta xây dựng thương hiệu uy tín.

Xem khách hàng là trọng tâm phục vụ.

Tôi tin rằng đã bước ra kinh doanh ai cũng muốn đạt nhiều lợi nhuận, tuy nhiên lợi nhuận nhờ khách hàng mà có nên người làm kinh doanh uy tín phải luôn xem khách hàng là trọng tâm để phục vụ, còn nếu chạy theo lợi nhuận thì khi đó khách hàng sẽ bỏ chúng ta đi. Trong trường hợp của tôi, ngay từ ban đầu tôi không xác định mình đi kinh doanh mà chỉ là một người “làm nghề”, tôi mong mình có thể làm tốt công việc đang theo đuổi để sau này nhìn lại toàn bộ cuộc hành trình cũng có điều đáng tự hào.

Khi xem khách hàng là trọng tâm, tôi thấy cần phải tự giác cung cấp đầy đủ thông tin, giá cả minh bạch, xây dựng quy trình phục vụ chu đáo,… Không nên tự tin thái quá vào sản phẩm tốt mà ỷ lại vào cửa hàng vật lý hay Fanpage chờ khách hàng nhắn hỏi thì mình mới trả lời. Thay vào đó, phải đặt bản thân trong vị trí của khách hàng để hiểu khách hàng muốn gì, cần gì rồi tìm cách giải quyết vấn đề, từng bước giúp khách tăng thêm niềm tin dành cho thương hiệu. Mọi việc càng rõ ràng hơn vào năm 2012, khi tôi học thêm khóa marketing và biết về công thức bán hàng AIDA, vì thế tôi cũng lấy công thức này để áp dụng trong nhiều công việc về sau.

Tìm hiểu xem công thức bán hàng AIDA là gì?

Công thức AIDA là thuật ngữ bán hàng cơ bản được bắt đầu sử dụng từ cuối thế kỷ 19 nên không phải là bí quyết gì mới mẻ cả. Cụ thể AIDA là cách viết tắt của 04 chữ bao gồm:

  • Attention – Thu Hút: Làm sao để sản phẩm/dịch vụ thu hút được sự chú ý của khách hàng.
  • Interest – Thú Vị: Làm sao để khách hàng cảm thấy sản phẩm/dịch vụ thú vị, mong muốn tìm hiểu nhiều hơn.
  • Desire – Khao Khát: Làm sao để khơi gợi sự mong muốn sở hữu sản phẩm/dịch vụ. Chuyển tâm lý của khách hàng từ trạng thái “thích” sang “muốn”.
  • Action – Hành động: Làm sao để khuyến khích khách hàng thực hiện một hành động cụ thể như đi đến cửa hàng, gọi điện thoại, nhắn tin… như vậy là tạm thành công bước đầu.

Quy trình 04 bước như trên là những gạch đầu dòng cơ bản nhất giúp người chủ doanh nghiệp đạt được hiệu quả nếu muốn thuyết phục khách hàng lựa chọn sản phẩm/dịch vụ của mình. Ngay cả Facebook Vietnam khi tổ chức các buổi Workshop hướng dẫn chạy quảng cáo, hướng dẫn target khách hàng thì cách mà Facebook giúp chúng ta target khách hàng là dựa vào công thức AIDA này. Sau khi biết về công thức AIDA, tôi nhận thấy nếu mở một cửa hàng vật lý đơn thuần mà muốn áp dụng công thức này triệt để là nhiệm vụ bất khả thi, vì thế tôi chọn đầu tư cho WebsiteMạng Xã Hội nhiều hơn so với cửa hàng vật lý.

Không có cửa hàng vật lý là kém uy tín?

Cửa hàng vật lý luôn là sự bảo chứng cho sự uy tín của một thương hiệu, nếu không có cửa hàng vật lý chắc chắn uy tín sẽ giảm đi ít nhiều nhưng vẫn có cách để chúng ta giải quyết bài toán này.

Đối với các dịch vụ tư vấn không trưng bày sản phẩm thì không cần thiết mở cửa hàng nhưng văn phòng, địa điểm đón tiếp khách nhất định phải có. Địa chỉ cần được thể hiện một cách nhất quán ở trên Website, Fanpage, Google Maps và nhiều tài liệu khác như Name Card, Catalogue, Brochure,… kể cả chữ ký dưới chân email.

Từ khi thành lập đến nay, Dianthus đã trải qua nhiều lần thay đổi địa chỉ kinh doanh vì thế trên website tại phần Lịch Sử Phát Triển, tôi ghi chép cụ thể năm nào Dianthus mở văn phòng ở đâu, khi nào thì chuyển đi, chuyển đi đâu, lý do vì sao chuyển đi… nhằm giải đáp nỗi hoài nghi của khách hàng (nếu có). Mặc dù mấy chuyện này mình có thể “lấp liếm” được nhưng tại sao phải lấp liếm khi mình muốn xây dựng thương hiệu uy tín, cung cấp dịch vụ cao cấp? Thực hiện đúng khẩu quyết “lấy khách hàng làm trọng tâm phục vụ”, tôi nhận thấy rằng khi thương hiệu nào càng minh bạch, rõ ràng thì khách hàng càng có thêm lý do để tin tưởng và chọn lựa thương hiệu đó.

Muốn xây dựng thương hiệu uy tín cần làm gì?

Uy tín cần nhiều thời gian và sự kiên định.

Khi Dianthus nhận được những lời đề nghị hợp tác để cùng nhau chia sẻ nguồn khách hàng thì tôi cảm thấy rất vui và luôn sẵn lòng hợp tác nhưng vẫn luôn đảm bảo “lấy khách hàng làm trọng tâm phục vụ”. Để Dianthus giới thiệu dịch vụ của bạn đến với nguồn khách hàng này thì chúng ta cần giải quyết các vấn đề sau:

  • Bạn là ai, thương hiệu của bạn là gì, thành lập bao lâu rồi.
  • Bạn cung cấp dịch vụ/sản phẩm gì, nguồn gốc sản phẩm từ đâu, mẫu mã có đa dạng không, giá cả như thế nào.
  • Vì sao khách hàng nên chọn sản phẩm của bạn thay vì một sản phẩm tương tự.
  • Nếu khách hàng muốn tìm hiểu thêm thì tìm ở đâu, có tư liệu nào để tham khảo.

Cần biết rằng khi Dianthus hoặc người nào đó giới thiệu khách hàng cho bạn dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm là nhắc tên, trao đổi số điện thoại cho đến gửi link Fanpage, Website… thì quy trình 04 bước AIDA được lập lại một lần nữa. Khách hàng cần thời gian âm thầm tìm hiểu trước khi quyết định sử dụng dịch vụ của bạn hay không, việc thuyết phục khách hàng có cá tính và phong cách riêng không hề đơn giản, cũng không thể thực hiện trong thời gian ngắn nhất là với những người có tiền.

Cũng vì lý do này mà ngay cả người quen nói muốn giới thiệu khách cho tôi, việc đầu tiên tôi làm là gửi website www.weddingdecor.vn để khách tham khảo trước, nếu thấy sản phẩm ưng ý, thông tin rõ ràng, giá cả phù hợp, cảm thấy tin tưởng thì hai bên mới hẹn gặp nhau. Vậy bạn cần chuẩn bị gì để khách hàng đánh giá đây là thương hiệu uy tín, đáng tin cậy?

Đầu tư chất lượng sản phẩm/dịch vụ.

Thương hiệu hiểu một cách đơn giản nhất đó chính là danh tiếng. Và chất lượng của sản phẩm/dịch vụ sẽ là nền móng vững chắc giúp tạo dựng danh tiếng. Tuy nhiên, bạn không nhất định phải có chất lượng tốt nhất thì mới có danh tiếng bởi vì các thương hiệu bình dân vẫn được nhiều người yêu thích và chọn lựa, chẳng hạn khi đi cà phê có người thích ngồi ở Starbuck, The Coffee House, Highlands Coffee,… vì thức uống đa dạng, không gian rộng rãi, trang trí đẹp, phòng máy lạnh, wifi mạnh còn những người khác lại chọn các quán bình dân như Milano, Napoli, Laha… bởi những yếu tố khác. Vì vậy, sản phẩm/dịch vụ của bạn có thể không đạt chất lượng tốt nhất nhưng phải ổn định và mức giá phù hợp, đến khi bạn muốn nâng giá bán thì chất lượng sản phẩm/dịch vụ cũng phải tăng theo.

Đầu tư bộ nhận dạng thương hiệu.

Để xây dựng danh tiếng thì bạn cần đầu tư một bộ nhận dạng thương hiệu mạnh, thông thường bộ nhận dạng thương hiệu sẽ bao gồm:

  • Tên thương hiệu.
  • Logo.
  • Slogan. 
  • Hóa đơn, biên nhận.
  • Phong bì thư.
  • Giấy viết, giấy A4.
  • Thẻ nhân viên.
  • Đồng phục.
  • Sổ ghi chép, sổ tay.
  • Catalogue.
  • Brochure.
  • Tờ rơi và tờ gấp. 
  • Hồ sơ năng lực (phiên bản số hóa).
  • Website.
  • Mạng Xã Hội: Google Maps, Facebook, Youtube, Tiktok…

Còn tùy theo từng lĩnh vực hoạt động mà chọn đầu tư bộ nhận dạng thương hiệu đầy đủ hay giản lược, nhưng bạn càng thực hiện đầy đủ thì càng giúp thể hiện “sự nghiêm túc trong kinh doanh” trước ánh mắt đánh giá của khách hàng.

Thương hiệu, logo, website và mạng xã hội.

Dù 04 yếu tố này đã được liệt kê trong bộ nhận dạng thương hiệu ở trên nhưng tôi tách riêng ra để chúng ta hiểu rõ hơn tầm quan trọng của chúng. Đây cũng là 04 yếu tố mà bạn nên ưu tiên đầu tư trong thời điểm hiện nay.

  • Tên thương hiệu: Nên tránh đặt theo tên riêng của cá nhân, tránh đặt tên theo danh từ chung, tránh đặt tên trùng lặp với thương hiệu khác đã có trên thị trường dễ gây nhầm lẫn. Bởi vì sau này thực hiện đăng ký bảo hộ tên thương hiệu sẽ khó khăn, cũng như gây cản trở khi muốn bán lại thương hiệu.
  • Logo: Thiết kế đơn giản nhưng rõ ràng. Phải có hình dáng, màu sắc, biểu tượng riêng nhằm tránh sự nhạt nhòa, gây nhầm lẫn với nhiều mẫu logo khác. Đồng thời phải sử dụng logo một cách triệt để, thống nhất trên mọi văn bản, hình ảnh, video…
  • Website: Dù cho bạn không xác định tìm kiếm khách hàng từ website thì vẫn phải có xây dựng một website đàng hoàng. Trên đó giới thiệu đầy đủ về thương hiệu, nhân sự, dịch vụ, giá cả, thư viện, tin tức, khuyến mãi, tuyển dụng, liên hệ…
  • Mạng Xã Hội: Cập nhật thường xuyên, thông tin nhất quán với Website để khi khách hàng giao dịch, tương tác họ không cảm thấy nghi ngại.

Tôi đã từng đổi tên thương hiệu và logo. Mỗi lần thay đổi đều phải làm mới toàn bộ hình ảnh, video, cập nhật lại website,… Ví dụ: Vào năm 2017 khi tôi đổi logo cho Dianthus, lúc đó Dianthus đã hoạt động được 04 năm nên website đã upload chục ngàn hình sản phẩm, rất gian nan nhưng vẫn phải tháo từng bộ ảnh xuống, đóng logo mới và upload lại.

Nhân hiệu cũng quan trọng không kém.

Tôi ít khi xuất hiện trước mặt khách hàng trong vai trò ông chủ, do tính xuề xòa, ăn bận không được lịch sự nên tôi thích “giấu mặt” để làm công việc hậu trường, nếu khách hàng có nhìn thấy thì lúc đó tôi chỉ là một người giữ xe. Nhưng tôi luôn hiểu rằng công ty cần có gương mặt đại diện (nhân hiệu), vì thế tôi chọn người quản lý lâu năm của Dianthus là bạn Đào Phương Anh làm gương mặt đại diện, cùng với một bạn Sale Manager để “lăng-xê” theo từng thời điểm.

Để PR cho gương mặt đại diện: Đối với hình thức online, tôi thực hiện nhiều bài viết trên website và tên của các bạn xuất hiện trong nội dung bài với vai trò là chuyên gia tư vấn, như ngầm “gợi ý” cho khách hàng: Đây là các chuyên gia trong lĩnh vực, đến với chúng tôi thì làm việc với bạn này là tốt nhất. Đối với hình thức offline, khi các bạn đón tiếp khách hàng phải chuẩn bị đầy đủ đồng phục, name card, brochure, catalogue, bảng giá,… Thông qua các bạn, tôi muốn thể hiện với khách hàng rằng Dianthus là một đội ngũ làm việc nghiêm túc, chỉn chu và chuyên nghiệp. Nếu khách hàng muốn tìm hiểu nhiều hơn về Phương Anh hay những dự án bạn đã làm thì trên website cũng thể hiện đầy đủ, trong tương lai tôi còn có kế hoạch lập website riêng cho Phương Anh nhằm củng cố niềm tin của khách hàng, cũng như giúp tôi thực hiện đúng tôn chỉ “lấy khách hàng làm trọng tâm phục vụ”.

Còn nếu mình lấy tư cách ông chủ ra để gặp gỡ khách hàng, hoặc khách hàng biết mình là ông chủ thì phải đầu tư hình ảnh sao cho đàng hoàng tươm tất. Tôi thường chọn bộ trang phục toàn đen khi phải tiếp khách hoặc xuất hiện chỗ đông người: áo sơ mi đen, quần jeans đen, giày tây, với mùa covid thì khẩu trang cũng đen luôn…

Bộ văn bản, tài liệu theo thương hiệu.

Bên cạnh bộ nhận dạng thương hiệu, đội ngũ nhân viên thì tôi nhận thấy khách hàng rất để ý đến cách mà Dianthus trình bày văn bản, lập bảng giá hay soạn thảo email… Chắc chắn không thể xây dựng một thương hiệu uy tín, làm dịch vụ giá cao nếu bảng báo giá sơ sài, văn bản sai chính tả, trình bày email cẩu thả. Vì vậy, tôi xây dựng bộ văn bản, tài liệu quy chuẩn theo thương hiệu bao gồm:

  • Catalogue Sản Phẩm.
  • File Trình Bày Ý Tưởng Mẫu.
  • File Báo Giá Mẫu.
  • File Hợp Đồng Mẫu.
  • File Biên Bản Bàn Giao, Biên Bản Nghiệm Thu Mẫu.
  • File Biên Nhận Đặt Cọc.
  • File Thu Thập Thông Tin.
  • Mẫu Thư Chào Khách Hàng.
  • Mẫu Thư Cảm Ơn Khách Hàng.

Đối với mỗi khách hàng, các bạn nhân viên phụ trách sẽ thay đổi thông tin, tên tuổi, dịch vụ để gửi khách sao cho phù hợp. Trên các loại văn bản này luôn luôn đính kèm: logo, slogan, địa chỉ, website, email, hotline… gắn liền với thương hiệu. Ví dụ: Dianthus sử dụng mẫu chữ ký dưới chân email khi trao đổi với khách hàng như sau.

Sử dụng email theo tên riêng website.

Khi chúng ta sử dụng các dịch vụ email phổ biến như Gmail, Yahoo, Hotmail… phần nào sẽ làm giảm uy tín của thương hiệu, bởi vì ai cũng biết đây là dịch vụ email miễn phí, người nào tạo cũng được, muốn tạo bao nhiêu tài khoản cũng được. Chẳng hạn tôi cung cấp dịch vụ chụp hình studio và tạo email là [email protected], rồi một ông đối thủ ra “cạnh tranh bẩn” lập email là [email protected] thì không có ai cản được ổng và không ai bảo vệ cho tôi.

Do đó khi muốn có thương hiệu uy tín nên sử dụng địa chỉ email theo tên website được phân chia theo từng bộ phận, chức năng cụ thể. Ví dụ như:

Đồng thời yêu cầu toàn bộ nhân viên khi trao đổi với khách hàng phải dùng email công ty nhằm chứng minh danh tính của thương hiệu và người quản lý cũng nắm bắt thông tin dễ dàng hơn.

Chuẩn hóa quy trình tư vấn dịch vụ.

Những thương hiệu có nhiều nhân viên trực cửa hàng hoặc chăm sóc Fanpage hay gặp tình trạng mỗi nhân viên tiếp khách theo một kiểu khác nhau, chẳng hạn: Bạn hay viết tắt khi chát với khách, bạn thì thích chèn icon ngộ nghĩnh, hoặc lúc người A chăm sóc xưng hô với khách là “anh/chị – em”, đến ca trực của người B thì cách nói chuyện là “bạn – mình”… Nếu cứ lộn xộn như vậy sẽ làm mất đi hình ảnh của thương hiệu, cho nên muốn xây dựng thương hiệu uy tín thì cần phải chuẩn hóa quy trình tư vấn dịch vụ:

  • Thống nhất về các bước tư vấn. 
  • Thống nhất về cách xưng hô với khách hàng.
  • Thống nhất về cách chat, trình bày văn bản.

Cụ thể mỗi đơn vị cần soạn ra quy trình trình tư vấn chuẩn gồm 4 – 6 – 8 bước tùy từng lĩnh vực. Nhân viên nên gọi khách hàng là “Anh/Chị” và xưng “Em” thay vì gọi “bạn” xưng “mình”, dù sao khách hàng là người trả tiền dịch vụ nên tôn trọng và nâng họ lên qua cách gọi thì mình cũng không mất mát gì. Yêu cầu nhân viên khi nhắn tin trao đổi thì phải rõ ràng tránh viết tắt, nên ghi câu trả lời đầy đủ thay vì nhắn vài ba chữ lại enter xuống dòng lắt nhắt,… Từng thứ nhỏ nhỏ như vậy có thể giúp nâng cao hình ảnh thương hiệu trong suy nghĩ của khách hàng.

Đầu tư thư viện sản phẩm đa dạng.

Nếu khách hàng vào mục PORTFOLIO trên website của Dianthus thì hiện tại tôi đã đăng hơn 100 dự án, trung bình khoảng 60 – 120 ảnh cho mỗi dự án. Tuy nhiên khi các em nhân viên tư vấn cho khách vẫn áp dụng cách gửi hình từ máy tính hoặc điện thoại qua Facebook Messenger, Zalo, Viber… thậm chí còn gửi thêm link album hình từ FanpageGoogle Drive. Vậy đăng nhiều hình trên website có tác dụng gì? Đối với tôi, thư viện sản phẩm trên website giống như Hồ Sơ Năng Lực để khi khách hàng “âm thầm tìm hiểu” họ sẽ cảm thấy Interest (Thú Vị) sau đó chuyển sang Desire (Khao Khát) rồi nhắn tin hoặc gọi điện nhờ tư vấn. Giai đoạn khách hàng “âm thầm tìm hiểu” về sản phẩm mặc dù là vô hình và người chủ không kiểm soát được nhưng lại có vai trò cực kỳ quan trọng, vì vậy hãy làm sao để khách hàng tin rằng bạn hoàn toàn có thể đáp ứng được sự kỳ vọng của họ. Quan điểm của tôi là nếu lướt website mà sản phẩm lèo tèo, hình ảnh nghèo nàn thì làm sao mà khách hàng cảm thấy thương hiệu đó uy tín cho được.

Muốn xây dựng thương hiệu uy tín cần làm gì?

Đầu tư truyền thông cho thương hiệu.

Sau khi bạn hiểu rõ “lấy khách hàng làm trọng tâm” cần phải làm gì, xây dựng được bộ nhận dạng thương hiệu, cửa hàng đẹp đẽ, sản phẩm đa dạng, website đầy đủ, chuẩn hóa quy trình phục vụ, tư liệu văn bản… bạn có thể tiến hành xây dựng hình ảnh cho thương hiệu thông qua những hình thức như:

  • Nâng cao trải nghiệm người dùng: Cải thiện hiệu suất của website.
  • SEO & Content Marketing: Xây dựng bài viết có nội dung hữu ích cho khách hàng.
  • Social Media Marketing: Chăm sóc, phát triển các mạng xã hội phổ biến.
  • Mobile & Email Marketing: Tiếp thị bằng email và nền tảng mobile.
  • Quảng cáo trả phí: Google Ads, Facebook Ads, các báo mạng…

Xây dựng kênh truyền thông nội bộ.

Bạn có thể biến website trở thành một kênh truyền thông nội bộ, bằng cách áp dụng hình thức SEO & Content Marketing thực hiện “các bài viết vì khách hàng”, cụ thể:

  • Cung cấp thông tin hữu ích về lĩnh vực hoạt động để khách tham khảo. 
  • Ưu tiên mang đến lợi ích cho khách hàng thay vì chú trọng quảng bá sản phẩm.
  • Tư vấn, định hướng cho khách hàng về những ý tưởng, sản phẩm/dịch vụ mới đang là xu hướng trên thị trường.
  • Sử dụng kiến thức, kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực để chia sẻ chứ đừng copy của người khác.

Chẳng hạn lúc dịch Covid bắt đầu bùng nổ thì Dianthus tổ chức loạt bài liên quan đến chủ đề Đám Cưới Mùa Covid. Nếu biết cách áp dụng hình thức SEO & Content Marketing một cách bài bản thì dần dần bạn sẽ tạo dựng được uy tín cho thương hiệu, nhưng trong quá trình thực hiện cần lưu ý những điểm sau:

  • Thống nhất font chữ, size chữ, cách trình bày bài viết trên website. 
  • Phải tự viết. Tuyệt đối không sử dụng nội dung, hình ảnh copy từ website khác.
  • Không sử dụng hình ảnh minh họa khi chưa xin phép. Nếu cần thiết hãy mua hình minh họa từ những website uy tín.

Chẳng hạn hình đại diện của bài viết này có mã số 1926249089 được tôi mua trên shutterstock.com, đối với nhiều người thì kiểu hình minh họa như thế này “lên Google có cả đống tội gì phải mua”. Tuy nhiên đó không phải quan điểm của tôi, muốn xây dựng hình ảnh uy tín, muốn nhận hợp đồng giá trị cao mà luôn nghĩ cách sử dụng công sức của người khác miễn phí thì thật là sai trái.

Xử lý khủng hoảng truyền thông.

Đã hơn 7 năm làm nghề nếu như nói dịch vụ của Dianthus đáp ứng 100% kỳ vọng của khách hàng là không đúng. Trong quãng thời gian đó chúng tôi cũng đối mặt với những vị khách khó tính, yêu cầu cao, cũng có khách hàng nổi nóng “chửi um xùm” nhưng vì xác định “lấy khách hàng làm trọng tâm phục vụ” nên mình cố gắng giải thích, nhẫn nhịn chờ cơn giận của khách lắng xuống. Trường hợp khách hiểu lầm thì nhờ người nhà hiểu chuyện hơn đỡ lời giúp, còn nếu mình sai thì chấp nhận hoàn tiền, đền bù, không đôi co thiệt hơn làm gì… nói chung không vì giữ lợi nhuận mà đẩy câu chuyện đi xa, vì thế may mắn Dianthus cũng ít lời ra tiếng vào.

Trong bài trên, tôi đã chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân về việc muốn xây dựng thương hiệu uy tín cần làm gì. Kiến thức vốn bao la nên mỗi người đều cần học hỏi và nâng cấp bản thân từng ngày, điều tôi chia sẻ không hẳn là đúng với những người giỏi và nhiều kinh nghiệm hơn nên nếu bạn nào có quan điểm khác thì tôi cũng mong được học hỏi, trao đổi cùng nhau.

TMCUONG
Film Maker | Photographer | Marketer

BÀI VIẾT GẦN ĐÂY
Contact Me on Zalo