Với mục tiêu hỗ trợ cho các bạn mới tham gia nhóm viết bài của tôi. Có thể bạn còn lạ lẫm với nhiều từ ngữ chuyên môn trong lĩnh vực Cưới Hỏi. Có thể thông tin cung cấp trong bài viết chưa đúng, chưa chính xác. Nên tôi đã tổng hợp những kiến thức cần ghi nhớ khi viết bài chủ đề trang trí cưới hỏi. Tôi tin rằng sẽ giúp bạn triển khai bài viết được dễ dàng, hiệu quả hơn.
Tìm hiểu những kiến thức cần ghi nhớ khi viết bài chủ đề trang trí cưới hỏi.
Bài viết không ngoài mục đích trang bị kiến thức cho các bạn CTV viết bài của BC Writing. Trước khi tham gia dự án viết bài, bạn hãy tìm hiểu một cách kỹ lưỡng nhất. Tránh việc viết sai, viết không đúng.
Các thuật ngữ liên quan đến thời gian, ngày tổ chức Cưới Hỏi là gì?
Dạm Ngõ là gì?
Dạm Ngõ hay còn gọi là Lễ Dạm Ngõ, Lễ Chạm Ngõ, hay Lễ Chạm Mặt. Là 01 trong 06 nghi lễ Cưới Hỏi người Việt xưa, thực hiện trong nội bộ hai bên gia đình. Hiện nay, đã được rút gọn lại còn 03 nghi lễ để bớt các thủ tục rườm rà. Ví dụ: Thường trai gái yêu nhau, chỉ có nhà trai biết cô gái. Hoặc nhà gái biết chàng trai trong thời gian hai đứa đón đưa, hẹn hò. Đến khi cả hai muốn tiến tới hôn nhân mới sắp xếp để hai gia đình gặp mặt. Mục đích của Lễ Dạm Ngõ nhằm chính thức hóa quan hệ hôn nhân giữa hai nhà. Nhiều bạn viết bài dùng từ “Lễ Dạm Hỏi” là sai vì Dạm Ngõ khác với Đính Hôn.
Đính Hôn là gì?
Lễ Đính Hôn, Lễ Đám Hỏi, Lễ Ăn Hỏi là các tên gọi khác của buổi lễ này. Đây là một trong 03 nghi lễ Cưới Hỏi đã được rút gọn để phù hợp cho thời nay. Khi có thời gian cụ thể về Đám Cưới, sẽ bắt đầu tổ chức Lễ Đính Hôn. Nhà trai lên danh sách thành viên tham dự, chuẩn bị mâm quả cưới để làm vật sính lễ. Trong buổi Lễ Đính Hôn, hai bên gia đình sẽ trao đổi về thời gian, ngày tổ chức Đám Cưới. Mọi việc chuẩn bị cho Đám Cưới được rõ ràng, cụ thể hơn. Sau buổi Lễ Đính Hôn coi nhà trai đã chấp nhận cô gái làm con dâu. Cũng như nhà gái chấp nhận chàng trai làm con rể, mọi việc chỉ còn chờ ngày cưới.
Ngày Cưới là gì?
Đây là ngày chính thức Tổ Chức Đám Cưới của đôi bạn trẻ. Trong Ngày Cưới sẽ diễn ra hai sự kiện chính. Buổi sáng là Lễ Cưới được tổ chức trong phạm vi nội bộ họ hàng của hai bên gia đình. Buổi trưa hoặc chiều tối là Tiệc Cưới được tổ chức với sự tham gia của nhiều khách mời. Hai bên gia đình sẽ mời bạn bè, đồng nghiệp, mối làm ăn,… cùng đến chung vui. Vì thế, nếu nội dung bài viết về Ngày Cưới thì bạn có thể dùng các từ như “ngày trọng đại”, “ngày vui nhất đời”,… Nhưng nếu là ngày Dạm Ngõ, Ngày Đính Hôn dùng “ngày vui nhất đời” thì không hợp lý. Lúc đó sẽ gọi Ngày Cưới là gì? Chẳng lẽ lại là “Ngày vui thứ hai trong đời”, “Ngày trọng đại thứ hai trong đời”.
Lễ Cưới là gì?
Lễ Cưới được tổ chức vào buổi sáng của Ngày Cưới. Nhà Trai sẽ chuẩn bị mâm quả sính lễ để mang qua nhà gái. Tới nhà gái thì phải xin phép được nhập gia. Nhà gái đồng ý cho nhập gia thì trước cổng diễn ra nghi thức trao quả. Trước khi Cô Dâu ra mắt hai họ, cả hai bên sẽ giới thiệu thành phần tham dự. Nhà trai trình bày mâm quả sính lễ để ra mắt nhà gái, làm lễ trước bàn thờ gia tiên. Sau đó xin phép cho Cô Dâu được trình diện. Dâu Rể tiến hành các nghi thức lên đèn, thắp nhang, dâng lễ vật cho tổ tiên nhà gái. Tất cả hoạt động này, gọi là Lễ Gia Tiên nhà gái. Kế đến nhà trai làm Lễ Xin Dâu. Tức là xin phép nhà gái được đón Cô Dâu về nhà trai. Nhà gái đồng ý rồi hai bên làm Lễ Lại Quả (Trả Quả), Lễ Rước Dâu… Về đến nhà trai sẽ tiếp tục thực hiện các nghi thức gọi là Lễ Gia Tiên nhà trai. Toàn bộ quá trình trên được gọi là Lễ Cưới.
Lễ Rước Dâu là gì?
Lễ Rước Dâu chỉ là một trong các nghi thức của Lễ Cưới như đã giải thích ở trên. Khi hoàn thành nghi thức Lễ Gia Tiên nhà gái, nhà trai sẽ xin phép nhà gái được xin dâu. Hai bên tiến hành lại quả, Chú Rể dắt Cô Dâu lên xe hoa. Xe đưa dâu đi về nhà trai. Tại cổng nhà trai, mẹ chồng sẽ nắm tay con dâu dắt vào nhà. Như vậy là hoàn thành Lễ Rước Dâu. Vì vậy, cụm từ “Lễ Rước Dâu” không thể đại diện cho toàn bộ Lễ Cưới.
Vu Quy là gì?
Lễ Vu Quy tức là lễ đưa con gái về nhà chồng. Từ “Vu Quy” chỉ được dùng khi nói về Cô Dâu, hoặc nhà gái. Chữ “Vu Quy” sẽ xuất hiện tại cổng hoa, hoặc bảng chữ, chữ dán tường bên phía nhà gái. Còn Tiệc Vu Quy là tiệc do nhà gái tổ chức mời bà con, mối quan hệ bên nhà gái. Tiệc Vu Quy thường được tổ chức trước Lễ Vu Quy 01 ngày. Ví dụ: Tối hôm nay nhà gái tổ chức Tiệc Vu Quy, thì sáng mai sẽ là Lễ Vu Quy.
Tân Hôn là gì?
Lễ Tân Hôn chính là nghi lễ đón dâu mới. Được dùng để chỉ việc đón Cô Dâu về nhà chồng và thực hiện các nghi thức tại nhà trai. Chữ “Tân Hôn” sẽ xuất hiện trên bảng cổng hoa, bảng chữ và các chữ dán trên tường nhà trai. Bạn nên dùng chữ “Tân Hôn” nếu muốn mô tả về việc trang trí Lễ Gia Tiên bên nhà trai. Dùng từ “Tân Hôn” không đúng, gặp người đọc hiểu biết hơn họ sẽ đánh giá bài viết không cao.
Thành Hôn là gì?
Đây là từ được dùng cho nhà trai. Hoặc dùng chung cho cả hai nhà tại tiệc cưới. Cụ thể, buổi tiệc cưới mà hai nhà cùng tổ chức được gọi là Tiệc Thành Hôn. Chữ “Thành Hôn” thường xuất hiện trong thiệp cưới, hoặc trên các thông tin tại nhà hàng.
Tiệc Cưới là gì?
Cần phải phân biệt thật rõ ràng giữa Tiệc Cưới và Lễ Cưới. Tiệc Cưới là từ được gọi chung cho cả Tiệc Vu Quy, và Tiệc Thành Hôn. Gọi là Tiệc Cưới giúp mô tả đúng, rõ ràng về nội dung tổ chức. Nhằm ra mắt Dâu Rể với bạn bè, đồng nghiệp và những mối quan hệ xã hội khác. Nếu buổi tiệc do nhà gái đứng ra tổ chức gọi là Tiệc Vu Quy. Nếu buổi tiệc do cả hai nhà cùng phối hợp tổ chức gọi là Tiệc Thành Hôn. Vì vậy nếu bài viết có nội dung về một trong các buổi tiệc này mà dùng từ “buổi Lễ Cưới” là sai.
Hôn Lễ là gì?
Hôn Lễ không phải là từ để chỉ riêng một buổi lễ nào. Mà Hôn Lễ chính là từ dùng chung cho cả một quá trình. Giống như là từ Tổ Chức Đám Cưới vậy. Khi nói đến Hôn Lễ tức là nói về việc dựng vợ, gả chồng. Phải trải qua các đầy đủ các nghi thức như Dạm Ngõ, Đính Hôn, Lễ Cưới… Nhiều tưởng nghi thức lễ trên sân khấu là Hôn Lễ, như vậy là hiểu sai.
Nghi Thức Thành Hôn là gì?
Với pháp luật thì là có đăng ký kết hôn, với gia đình thì có tổ chức Lễ Cưới. Đó là hai việc làm quan trọng, được pháp luật và gia đình hai bên công nhận. Còn Tiệc Cưới vốn là hình thức tổ chức bắt chước theo người Phương Tây. Được áp dụng qua thời gian lâu dần nên phổ biến, trở thành nhu cầu thiết yếu. Tổ chức Tiệc Cưới không chỉ giúp cặp đôi công bố mối quan hệ một cách rộng rãi. Mà còn giúp gia đình hai bên nở mày nở mặt nếu buổi tiệc hoành tráng. Tuy nhiên, chúng ta không thể gọi các hoạt động diễn ra trên sân khấu là Lễ Cưới được. Vì việc cắt bánh kem, rót rượu vốn là phong tục của người Phương Tây. Thay vào đó nên dùng từ “Nghi Thức Thành Hôn”, “Nghi Thức Tiệc Cưới” sẽ phù hợp hơn.
Đặt các chi tiết trang trí đúng chỗ.
Backdrop chụp ảnh, bàn gallery: Là chi tiết trang trí thuộc Tiệc Cưới. Nếu viết bài về backdrop, bàn gallery mà dùng từ Lễ Cưới, Hôn Lễ là sai.
Backdrop chụp ảnh, backdrop sân khấu tiệc cưới: Là hai chi tiết trang trí khác nhau thuộc Tiệc Cưới. Backdrop chụp ảnh đặt ở bên ngoài sảnh tiệc, phục vụ cho việc chụp ảnh kỉ niệm với khách mời. Backdrop sân khấu đặt bên trong sảnh tiệc, chính giữa sân khấu. Backdrop sân khấu phục vụ cho việc cử hành nghi thức Tiệc Cưới, Thành Hôn.
Bàn Gallery, bàn Lễ Tân, bàn Tiệc Cưới:
Là 03 loại bàn khác nhau thuộc Tiệc Cưới. Bàn Galllery và bàn Lễ Tân đều đặt bên ngoài sảnh tiệc. Bàn Lễ Tân thì sẽ có người nhà của cặp đôi ngồi trực. Làm nhiệm vụ tiếp đón khách, hướng dẫn khách chỗ ngồi, hướng dẫn ký tên và bỏ phong bì vào thùng tiền mừng. Bàn Gallery chỉ có tác dụng trang trí, làm đẹp. Trên bàn Gallery sẽ trưng bày các hình ảnh và những chi tiết trang trí dễ thương, giúp khách mời có không gian nhìn ngắm, chụp ảnh, check-ins. Bàn Tiệc Cưới thì được sắp xếp ở bên trong sảnh tiệc cưới. Đây là nơi khách mời ngồi dự tiệc, chứng kiến nghi thức thành hôn và ăn tiệc.
Sử dụng thông tin về việc trang trí một cách chuẩn xác.
Hoa vải rẻ hơn hoa tươi?
Sai. Hoa vải cao cấp có giá cao gấp 6-7 lần hoa tươi. Ví dụ: Hoa hồng vải bán ở chợ Bến Thành có giá 20k/bông. Hoa hồng tươi tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ giá 3k/bông. Đây là mức giá vào ngày thường, không phải dịp Lễ, Tết. Hoa tươi bán theo bó, giá 150k/bó/50 bông. Tương tự: Lá Tai Lừa thật chợ Hồ Thị Kỷ giá 35k/bó/10 cành, tương đương 3,5k/cành. Còn Lá Tai Lừa giả giá 45k/cành. Điểm khác nhau là kích thước bông hồng vải thì to gấp 3 lần hồng tươi. Ngoài ra, hoa vải thì có thể tái sử dụng nhiều lần nếu bảo quản tốt. Nếu muốn so sánh việc đắt rẻ giữa hoa giả/hoa tươi thì phải nêu rõ chi tiết này. Đồng thời thông tin “hoa vải rẻ hơn hoa tươi” không phù hợp khi tự trang trí đám cưới. Ví dụ, cặp đôi đầu tư mua hoa vải mà chỉ sử dụng 01 lần thì hoàn toàn không rẻ.
Hoa giấy rẻ hơn hoa tươi?
Sai. Một tờ giấy mỹ thuật loại thường khổ A4 có giá 3k/tờ. Một tờ cắt ra, sau đó cuốn lại thì làm được 1 bông hồng. Hoa tươi mua về là có thể tiến hành cắm hoa ngay không cần nhiều thời gian để chuẩn bị. Mua giấy về thì phải cắt, dán thủ công để làm thành hoa. Ai là người làm việc này? Nếu cần 1000 bông để trang trí thì mất bao nhiêu thời gian làm, bao nhiêu nhân công? Chi phí nguyên liệu đã tương đương với hoa tươi, rồi thêm chi phí cho nhân công nữa. Làm sao nói hoa giấy rẻ hơn hoa tươi được? Muốn rẻ thì chỉ có thể đầu tư một lần. Sau đó thực hiện công tác bảo quản cho thật tốt, để có thể dùng lại nhiều lần.
Tôi mong rằng với những kiến thức cần ghi nhớ khi viết bài chủ đề trang trí cưới hỏi rất bổ ích ở trên sẽ đóng góp một lượng thông tin tương đối đầy đủ để cho bạn triển khai các bài viết. Những nội dung trong bài này, hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm viết bài của cá nhân tôi. Cũng như quá trình hơn 10 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực Tổ Chức Đám Cưới. Vẫn còn có thông tin, chi tiết chưa đúng, chưa đầy đủ bởi hiểu biết của tôi là hạn hẹn. Tôi mong được sự đóng góp, xây dựng một cách tích cực. Để tôi có thể thay đổi, chỉnh sửa giúp cho nội dung bài viết này thêm hay và bổ ích.
Tôi tên Trần Mạnh Cường, công việc chính là làm Content, Marketing và nghiên cứu về các mô hình, hoạt động kinh doanh liên quan đến Online. Bên cạnh đó, tôi có công ty riêng hoạt động trong lĩnh vực Tổ Chức Sự Kiện, Cưới Hỏi, Quay Phim, Chụp Ảnh. Trong lĩnh vực Marketing, tôi tập trung xây dựng “content tử tế” cho Website của các doanh nghiệp, phục vụ số ít khách hàng thay vì phát triển số lượng và muốn đồng hành cùng doanh nghiệp lâu dài. Cụ thể, đối với mỗi một ngành hàng, tôi chỉ nhận làm content cho một thương hiệu với mục tiêu đưa doanh nghiệp trở thành TOP ngành. Bạn có thể tìm hiểu về các dịch vụ Marketing và quan điểm làm nghề của tôi trước khi quyết định hợp tác.
Ngoài ra, tôi là người sống tối giản theo chủ nghĩa khắc kỷ, đam mê thể thao, theo đuổi xu hướng sống xanh, đồng người là một người tình nguyện hiến tạng. Nếu bạn đã đọc đến dòng này, có nghĩa là chúng ta có duyên được biết nhau trong cuộc đời này, hãy vui lòng nhắn giúp tôi một lời, cho tôi có cơ hội được làm quen với bạn, dù trước tiên chỉ là bạn trên mạng xã hội.