Tôi xuất thân làm Tổ Chức Sự Kiện, Cưới Hỏi, Wedding Planner – những lĩnh vực nếu người ngoài nhìn vào cảm thấy rất hào nhoáng, vì được tham gia các sự kiện lung linh và hoành tráng, được gặp gỡ nhiều người nổi tiếng – nhờ vậy mà thu hút được rất nhiều ứng viên cho vị trí nhân viên kinh doanh. Trong quá trình tuyển dụng, đào tạo và đồng hành cùng các bạn tôi đã đúc kết lại những sai lầm nhân viên kinh doanh thường gặp qua bài viết sau. Tôi hi vọng chúng sẽ có ích với bạn nếu có ý định tham gia làm nhân viên kinh doanh – dù ở bất kỳ lĩnh vực nào.
Mục Lục
Những sai lầm nhân viên kinh doanh thường gặp.
Kiếm tiền dễ dàng, làm giàu nhanh chóng.
Ngoài lương cơ bản không đáng là bao, thu nhập chủ yếu của nhân viên kinh doanh đến từ tiền thưởng, tức hoa hồng… Tôi thường nghe những bạn làm sale Bất Động Sản nói rằng nếu bán được một căn hộ chung cư được một hai trăm triệu, bán được căn biệt thự được nửa tỷ đồng; Hay mời được user mới cho sàn giao dịch chứng khoán, vàng, ngoại tệ sẽ được thưởng vài chục triệu đồng. Những điều này có tin được hay không? Tôi tin là có thật nhưng để làm được không hề dễ. Muốn đạt được thành công dù trong lĩnh vực nào thì cũng cần phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, thậm chí đổ cả máu. Cho nên bạn cần phải loại bỏ được suy nghĩ làm việc này kiếm tiền dễ dàng, làm giàu nhanh chóng trước khi bắt đầu. Nếu đã quyết định dấn thân là phải chấp nhận thử thách và vượt qua khó khăn.
Lo sợ vì không có sẵn mối quan hệ.
Một trong số câu hỏi yêu thích của tôi khi phỏng vấn ứng viên là “Em sẽ tìm khách hàng có nhu cầu Tổ Chức Đám Cưới như thế nào?”. Phần lớn câu trả lời sẽ là thông qua mối quan hệ, bạn bè và Facebook. Vì thế tôi hỏi tiếp “Em có bao nhiêu người bạn chuẩn bị làm Đám Cưới trong năm nay?”. Ứng viên sẽ cần 10 – 15 phút thống kê để trả lời, nhưng giỏi lắm là kể ra được 2 – 3 khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên khi biết thu nhập của mình liên quan đến số lượng hợp đồng ký được, nhiều người đã bày tỏ suy nghĩ không thể theo công việc này nữa. Như vậy, tâm lý lo sợ vì không có sẵn mối quan hệ khiến nhân viên kinh doanh thua cuộc trong chính suy nghĩ của bản thân.
Nếu không có mối quan hệ thì sao? Không có thì mình phải xây, thậm chí nếu đã có sẵn mối quan hệ vẫn cần phát huy và tiếp tục xây. Rõ ràng là không có em bé nào vừa chào đời đã có mối quan hệ trong bệnh viện cả, mọi người sinh ra đều bình đẳng như nhau. Mối quan hệ được xây dựng từ khi chúng ta bắt đầu đi học, đến lúc trưởng thành, đi làm và tiếp tục có thêm mối quan hệ xã hội. Điều bạn cần xác định khi mối quan hệ hiện tại chưa được nhiều đó là: (1) Thay đổi tư duy kết bạn; (2) Chọn phương pháp kết bạn; (3) Chăm sóc mối quan hệ; Và tất cả những điều trên đều cần có thời gian. Khi mới bắt đầu với vị trí nhân viên kinh doanh, hoặc công việc bán hàng thì bạn phải chấp nhận rằng thu nhập không được như mong muốn.
Đăng nhiều bài về sản phẩm và thương hiệu.
Ngày nay Mạng Xã Hội rất phát triển, nhờ đó nhân viên kinh doanh có thêm công cụ đắc lực để tìm kiếm và chăm sóc khách hàng như Facebook, Zalo,… từ đây dẫn đến một sai lầm phổ biến đó là họ đăng nhiều bài về sản phẩm và thương hiệu. Tất nhiên để bán được hàng thì suy nghĩ đơn giản nhất của người bán đó là “phải đăng thật nhiều”, dù rằng làm mãi thì cũng có khách nhưng cách làm vừa “không sang trọng” vừa “vô tình” với khách hàng. Tại sao?
- Ví dụ 1: Tôi là khách hàng đã mua sản phẩm của bạn và cả hai kết bạn với nhau trên Facebook. Mỗi ngày bạn đăng 3 – 5 lần bài liên quan đến sản phẩm, từ ngày này sang tháng nọ thì tôi muốn hỏi: “Đây có phải là cách bạn “chăm sóc” tôi hay không?”. Hay mục đích của bạn là kiếm khách hàng mới? Tại sao khách đã sử dụng dịch vụ – như tôi thì bạn không chăm sóc để tôi đặt hàng tiếp, thậm chí mua nhiều hơn? Tập trung vào tìm khách hàng mới và “vô tình” với khách hàng cũ có phải là chiến lược của bạn không?
- Ví dụ 2: Tôi là khách hàng tiềm năng của bạn. Bạn gửi yêu cầu kết bạn nên tôi kiểm tra Profile, thấy bạn toàn đăng bài bán sản phẩm. Theo bạn tôi suy nghĩ như thế nào cho đúng: Mục đích kết bạn của bạn là gì? Có phải để bán hàng không? Tại sao tôi nên kết bạn với một người chỉ nhăm nhăm muốn bán sản phẩm cho tôi?
- Ví dụ 3: Tôi biết bạn đang bán sản phẩm máy lọc nước Ecosphere của thương hiệu Nuskin nhưng Facebook của bạn buồn quá, chán quá, nhạt quá… chỉ toàn bài quảng cáo, không vui gì cả. Trong khi tôi thấy người khác cũng bán sản phẩm này mà Facebook của họ nhiều thông tin thú vị hơn, cá nhân hơn khiến tôi tin người đó hơn, thậm chí khi inbox hỏi giá họ còn đề nghị mức rẻ hơn. Vậy tại sao tôi nên mua của bạn?
Hãy hiểu rằng, cùng một loại sản phẩm vốn có nhiều người bán khác nhau, chúng ta mua của ai cũng được miễn đó là hàng thật. Thay vì mua của người này, chúng ta chọn mua của người khác bởi vì thích phong cách, đời sống của người đó, muốn ủng hộ cho người đó. Cho nên bạn bán mặt hàng gì, hay làm cho công ty nào cũng cần phải đầu tư cho bản thân trước, tạo nên phong cách riêng của mình, khiến mình trở nên cuốn hút, thú vị thay vì nhăm nhăm quảng cáo cho sản phẩm và thương hiệu. Bạn hãy đọc bài “Kinh nghiệm tìm khách hàng trên Facebook cá nhân hiệu quả” có thêm góc nhìn về việc “chơi Facebook”.
Khoe hợp đồng, tiền bạc, sự giàu có.
“Mạng Xã Hội vốn là con dao hai lưỡi, người ta chỉ trưng ra những thông tin hình ảnh tốt đẹp muốn cho người khác nhìn thấy, còn những điều xấu xa thì giấu đi” – Ai cũng hiểu được vấn đề này. Cho nên việc khoe một hợp đồng vừa ký, một cọc tiền để trên bàn hay cầm trên tay, đứng trước đầu siêu xe, check-ins ở nơi sang chảnh… nhằm mục đích bán thêm sản phẩm, có thêm khách hàng, tuyển dụng cấp dưới là cách làm quá cũ, nó thường được dùng từ hơn mười năm về trước. Bây giờ muốn bán hàng thì chúng ta hãy “sang lên”, sang là không cần phải khoe hợp đồng, tiền bạc, sự giàu có nếu nó không thật. Bởi vì chỉ cần vài thao tác đơn giản là người tinh ý có thể nhận ra là bạn đang “sống ảo” hay không. Để ý mà xem, những người thật sự giàu có họ đâu cần phải trưng bày ra cho thiên hạ nhìn thấy như bác Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh, Đoàn Nguyên Đức… Chẳng hạn bạn muốn khoe thành quả lao động của mình thì cũng cần ý nhị, tinh tế và vừa phải.
Spam, gây phiền hà cho khách hàng tiềm năng.
Chúng ta thường nghe nói thế giới mạng là thế giới ảo, nếu đã biết vậy thì bạn cần phải làm cho nó thật. Thực tế hiện nay, các nhân viên kinh doanh, bán hàng thường mắc sai lầm khi họ soạn một nội dung rồi rải đều trên tất cả các mạng xã hội, diễn đàn, hội nhóm Facebook, tin nhắn… theo kiểu một mũi tên một trăm con nhạn. Gây nên tình trạng nhiễu loạn, thông tin nhàm chán và phản cảm đến mức chúng ta vừa nghe điện thoại báo chuông cầm lên là đã muốn tắt hoặc xóa tin nhắn ngay lập tức rồi. Muốn tránh tình trạng này, bạn phải tuyệt đối tránh spam, gây phiền hà cho khách hàng tiềm năng như copy, paste nội dung một cách công nghiệp. Hãy tiếp xúc với khách hàng bằng con người thật (Profile thật), lời nói thật, ngôn ngữ thật, tình cảm thật…
Lười học hỏi và phát triển bản thân.
Lười học hỏi và phát triển bản thân là một căn bệnh chung của nhiều người, nhiều ngành nghề chứ không riêng gì nhân viên kinh doanh hay người bán hàng. Tuy nhiên, đối với nhân viên kinh doanh thì tôi có lời khuyên rằng cuộc sống của bạn, công việc của bạn chỉ được tạo thành bởi 02 yếu tố cơ bản đó là: những thứ tích cực và những thứ tiêu cực. Việc trở thành một người nhân viên kinh doanh tích cực hay tiêu cực là do bạn lựa chọn.
- Nhân viên kinh doanh tiêu cực thường có các biểu hiện như sếp giao việc nào sẽ làm việc đó, hết giờ làm là ra về, hay than phiền về khách hàng, thậm chí than phiền cả sếp và đồng nghiệp, than phiền về mức lương, họ dành thời gian để giải trí, xem phim, lướt mạng hơn là học tập…
- Nhân viên kinh doanh tích cực sẽ nghiên cứu sâu về sản phẩm và dịch vụ, tạo ra gói sản phẩm hoặc dịch vụ mới, tìm hiểu về cách thức tìm kiếm khách hàng, chăm sóc khách hàng, hỗ trợ giải quyết các vấn đề mà khách hàng bận tâm, khắc phục những kỹ năng mà bản thân còn đang thiếu sót…
Do đó muốn trở thành một người làm kinh doanh thành công, bạn nhất định phải đầu tư học hỏi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để nâng cấp bản thân và trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Đối với chủ đề phát triển bản thân, tôi có viết bài “Hành trình phát triển bản thân là mục tiêu của một đời người”, bạn có thể tham khảo thêm.
Muốn trở thành một nhân viên kinh doanh thành công, bạn cần chiếm được lòng tin của khách hàng với nhiều bước, chẳng hạn như luôn giữ hình ảnh lịch sự, tác phong nhanh nhẹn, nhiệt tình, am hiểu chuyên môn nghiệp vụ, ăn nói dễ nghe và chuyên nghiệp… Và nếu chúng ta tránh được những sai lầm nhân viên kinh doanh thường gặp như trên thì công việc sẽ càng thuận lợi hơn nữa.
Cảm ơn bức ảnh bìa rất đẹp của John Diez từ Pexels.
Tôi tên Trần Mạnh Cường, công việc chính là làm Content, Marketing và nghiên cứu về các mô hình, hoạt động kinh doanh liên quan đến Online. Bên cạnh đó, tôi có công ty riêng hoạt động trong lĩnh vực Tổ Chức Sự Kiện, Cưới Hỏi, Quay Phim, Chụp Ảnh. Trong lĩnh vực Marketing, tôi tập trung xây dựng “content tử tế” cho Website của các doanh nghiệp, phục vụ số ít khách hàng thay vì phát triển số lượng và muốn đồng hành cùng doanh nghiệp lâu dài. Cụ thể, đối với mỗi một ngành hàng, tôi chỉ nhận làm content cho một thương hiệu với mục tiêu đưa doanh nghiệp trở thành TOP ngành. Bạn có thể tìm hiểu về các dịch vụ Marketing và quan điểm làm nghề của tôi trước khi quyết định hợp tác.
Ngoài ra, tôi là người sống tối giản theo chủ nghĩa khắc kỷ, đam mê thể thao, theo đuổi xu hướng sống xanh, đồng người là một người tình nguyện hiến tạng. Nếu bạn đã đọc đến dòng này, có nghĩa là chúng ta có duyên được biết nhau trong cuộc đời này, hãy vui lòng nhắn giúp tôi một lời, cho tôi có cơ hội được làm quen với bạn, dù trước tiên chỉ là bạn trên mạng xã hội.