Tóm tắt sách: Phương Pháp Giáo Dục Montessori (Ngô Hiểu Huy)

Phương Pháp Giáo Dục Montessori (Ngô Hiểu Huy)

Tóm tắt sách: Phương Pháp Giáo Dục Montessori (Ngô Hiểu Huy) dịch bởi Thành Trung, do NXB Phụ Nữ phát hành năm 2016. Bằng việc tóm tắt lại các Phương Pháp Giáo Dục Montessori của tác giả Ngô Hiểu Huy giúp tôi ôn lại kiến thức nhanh chóng bởi hơn 211 trang sách đã được tóm lược lại chỉ còn 30 trang. Bạn có thể xem đây là một tư liệu tham khảo, và nếu cảm thấy thú vị với những nội dung trong quyển sách này hãy đặt mua riêng một quyển để nghiên cứu sâu hơn. Công việc tóm tắt sách vốn là cách giúp hiểu sách, nhớ sách lâu và bí quyết này đã được tôi chia sẻ trong bài Kinh nghiệm đọc sách hiệu quả dành cho người lười.

Nhờ các kinh nghiệm học hỏi từ Phương Pháp Giáo Dục Montessori, tôi đã áp dụng vào quá trình nuôi dạy con mình và thấy rất hiệu quả. Nếu như quan tâm đến chủ đề nuôi dạy con hiện đại bạn có thể đọc thêm các bài sau của tôi:

Mục Lục

Mục lục:

Chương I: Montessori là ai?

  • Phần một: Đôi nét về cuộc đời của Montessori.
  • Phần hai: Phát hiện của Montessori.
  • Phần ba: Giáo dục Montessori.

Chương II: Giáo dục Montessori được bắt đầu từ gia đình.

  • Phần một: Cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ.
  • Phần hai: Chuẩn bị môi trường Montessori thích hợp cho trẻ.
  • Phần ba: Bố trí môi trường gia đình.

Chương III: Sự phát triển của trẻ.

  • Phần một: Phát triển tình thương.
  • Phần hai: Phát triển cơ thể.
  • Phần ba: Phát triển giác quan.
  • Phần bốn: Phát triển ngôn ngữ.

Chương IV: Hoạt động Montessori.

  • Phần một: Đồ chơi và cách chơi.
  • Phần hai: Quan sát và phân tích ví dụ thực tế.
  • Phần ba: Tổ chức các hoạt động phù hợp với sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ.
  • Phần bốn: Hoạt động của trẻ từ 0 – 3 tuổi.
  • Phần năm: Hoạt động của trẻ từ 3 – 6 tuổi.

Chương I / Phần I – Đôi nét về cuộc đời của Montessori.

Montessori là cách gọi tắt của một phương pháp giáo dục, đúng hơn là một lý luận về giáo dục, nó cho rằng tiền đề của sự phát triển là tôn trọng đặc thù của trẻ, trẻ có thể đạt được hiệu quả học tập cao nhất khi được tự do hoạt động trong môi trường xã hội (Trang 8).

Montessori là họ của bà Maria Montessori (1870 – 1952), nữ Tiến sĩ y khoa đầu tiên của Italia, là một trong những người tiên phong và có sức ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử giáo dục mầm non (Trang 8).

Năm 1896, Montessori tốt nghiệp Đại Học Rome (Italia), trở thành người phụ nữ Italia đầu tiên giành được học vị Tiến sĩ y khoa. Sau khi ra trường, Montessori làm bác sĩ phụ mổ cho một phòng khám chữa bệnh của Khoa thần kinh thuộc trường Đại Học Rome. Trong thời gian này, bà thấy hứng thú với vấn đề chậm phát triển ở trẻ (Trang 10).

Năm 1899, Montessori nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng bộ giáo dục lúc đó, xúc tiến thành lập một trường giáo dục đặc biệt của nhà nước (Trang 10).

Từ 1899 – 1901, bà được giao phụ trách công tác quản lý của trường học, bà đã đào tạo được một đội ngũ giáo viên để giáo dục cho trẻ em chậm phát triển (Trang 10).

Năm 1901, Montessori rời khỏi trường giáo dục đặc biệt và học một số môn học như: Triết học, tâm lý học,… (Trang 11).

Năm 1904, Montessori làm Giáo sư tại trường Đại Học Rome, bà thường giảng dạy môn Nhân loại học (Trang 11).

Năm 1907, Montessori đã thành lập “Ngôi nhà của trẻ” đầu tiên. Trong khu nhà ổ chuột ở Rome, bà đã sống cùng 60 đứa trẻ nghèo khổ ở đó, chính nơi này bà đã tạo ra một mốc son mới trong lịch sử giáo dục trẻ em gây tiếng vang khắp nước Italia và toàn thế giới (Trang 11).

Năm 1914, Montessori đến Mỹ để giảng bài lần đầu, sau đó đến lần thứ hai. Và trở thành khách quý của gia đình nhà đại phát minh Edison (Trang 12).

Năm 1949, Montessori được nhận giải thưởng Nobel về hòa bình (Trang 13).

Năm 1950, Montessori được tôn vinh là biểu tượng của giáo dục với thế giới và hòa bình (Trang 13).

Tháng 05 – 1952, Montessori qua đời tại Hà Lan, hưởng thọ 82 tuổi (Trang 13).

Chương I / Phần II – Phát hiện của Montessori.

Tâm trí tiếp nhận.

Trẻ từ 0 – 6 tuổi có tâm trí tiếp nhận, quá trình học tập khác với người lớn. Chúng có thể tiếp nhận thông tin từ môi trường xung quanh rất nhanh (Trang 14).

Tâm trí tiếp nhận của trẻ em dưới 06 tuổi bao gồm tiếp nhận vô thức của 03 năm đầu và tiếp nhận có ý thức của 03 năm sau. Tiếp nhận vô thức từ 0 – 3 tuổi giống như chụp ảnh, những hình ảnh được tiếp nhận được khắc sâu vào trong não bộ, rất khó xóa bỏ. Trẻ em từ 3 – 6 tuổi vẫn có tâm trí tiếp nhận, nhưng trong trạng thái có ý thức (Trang 15).

Cái mà trẻ em cần không phải là sự giúp đỡ chỉ dạy của người lớn mà là một môi trường hoạt động tự do, hoàn toàn không có người lớn, đó chính là môi trường tốt nhất cho sự phát triển của chúng. Ví dụ: Khi trẻ em thích nhặt một chiếc lá, người mẹ lập tức chạy lại bảo trẻ vứt đi vì sợ lá cây bẩn; Khi trẻ muốn tự ăn cơm, thì người lớn lại đút cho chúng ăn vì sợ rơi vãi; Trẻ em không cẩn thận làm rơi đồ đắt tiền, cha mẹ liền nổi giận với trẻ. Chính “sự yêu thương” thiếu hiểu biết sẽ “làm hỏng” con bạn (Trang 16).

Thời kỳ nhạy cảm.

Trẻ em rất nhạy cảm với một đồ vật hoặc động tác nào đó, thông qua các hành động tự phát, trẻ có thể làm đi làm lại nhiều lần động tác đó cho đến khi thỏa mãn mới dừng lại. Khi trẻ đã đạt được mục đích thì cảm giác đó sẽ dần mất đi, và được thay thế bằng một sự nhạy cảm khác (Trang 16).

Trẻ em có 06 thời kỳ mẫn cảm: ngôn ngữ, động tác, vận động, trật tự, xã hội hóa và cảm giác giác quan. Trẻ dưới 03 tuổi rất khó có thể hiểu được các khái niệm trừu tượng và chúng ta cũng rất khó dạy chúng cho trẻ như: màu sắc, kích thước dài ngắn, mùi vị, âm cao âm thấp, hình dạng… Trẻ chỉ có thể dùng mắt nhìn, dùng tay sờ, dùng tai nghe, dùng mũi ngửi, cứ thế lặp đi lặp lại, so sánh, quan sát mới có thể hiểu được (Trang 17).

Đây là giai đoạn trẻ có thể rèn luyện một khả năng đặc biệt nào đó một cách dễ dàng, thoải mái nhất (0 – 6 tuổi). Nếu trong giai đoạn này trẻ không được tự do hoạt động thì sau này chúng rất khó hoặc vĩnh viễn mất đi cơ hội rèn luyện khả năng đặc biệt đó (Trang 17).

Quá trình bình thường hóa.

Khi trẻ em chủ động lựa chọn công việc mà chúng thích, đồng thời rất chăm chú vào công việc của mình thì chúng sẽ vui vẻ và thích thú với công việc đó (Trang 19).

Một đứa trẻ bình thường có biểu hiện vui vẻ hòa nhã, tràn ngập niềm vui sướng và nhiệt tình với việc học tập, không cần người lớn phải đôn đốc (Trang 19).

Chương I / Phần III – Giáo dục Montessori.

Giáo dục toàn diện.

Giáo dục Montessori là phương pháp giáo dục tỉ mỉ tới chân tơ kẽ tóc, không bỏ qua bất cứ khía cạnh nào của cuộc sống và từ đầu đến cuối đều vô cùng chặt chẽ (Trang 21).

Mục đích của giáo dục là hỗ trợ trẻ trưởng thành, không phải là để truyền đạt tri thức một chiều cũng không phải vì sự đi trước một bước của học thuật, càng không phải vì cạnh tranh mà là vì yêu cầu được sống và phát triển tự nhiên của trẻ (Trang 21).

Bồi dưỡng cho trẻ những thói quen tốt như: tự giác làm việc của mình, làm việc có trình tự, chuyên chú hoàn thành công việc được giao. Bên cạnh đó, nâng cao kỹ năng thực hành, khả năng suy nghĩ độc lập, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng giao tiếp.

Bồi dưỡng một số phẩm chất tốt như: đam mê học tập, yêu cuộc sống, nhân hậu và sẵn sàng giúp đỡ người khác, có ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường sống, yêu chuộng hòa bình…

Chuẩn bị một môi trường học tốt.

Trước khi trẻ đến lớp, mọi thứ trong lớp đã được chuẩn bị và sắp xếp, không gian lớp học được bố trí phù hợp, thỏa mãn yêu cầu “tâm trí tiếp nhận” và “thời kỳ nhạy cảm” của trẻ (Trang 22).

Môi trường lớp học Montessori được bố trí có trật tự, phân thành nhiều khu vực khác nhau một cách tự nhiên trong đó có: khu sinh hoạt hàng ngày, khu giác quan, khu toán học, khu khoa học, khu địa lý, khu ngôn ngữ, khu nghệ thuật,… (Trang 22).

Mỗi giáo cụ đều có vị trí và công dụng riêng, chúng được sắp xếp theo trình tự tăng dần, từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, trật tự này cũng gián tiếp chuẩn bị cho việc đọc sách của trẻ (Trang 23).

Trên tường của lớp học Montessori không dán các tờ quảng cáo, bản đồ, tranh ảnh, áp phích… mà treo cách bức họa của các họa sĩ nổi tiếng thế giới như Claude Monet, VanGogh, giúp cho trẻ cảm cảm nhận môi trường tuyệt vời này được tạo ra dành cho các em (Trang 23).

Khi tiếp nhận các sự vật xung quanh, trẻ em cho rằng các sự vật đó đều là thật. Đối với trẻ nhỏ mà nói, rất có có thể phân biệt cái nào là thật, cái nào là hư cấu. Ví dụ: Trẻ em 03 tuổi cho rằng, con chuột đồ chơi giống như con vật trong thế giới tự nhiên đều là thật, mãi đến khi chúng có sự trải nghiệm nhất định hoặc đến một độ tuổi nhất định thì chúng mới có thể hiểu về khái niệm trừu tượng. Do đó, thực vật và động vật nhỏ trong lớp học Montessori đều là thật. Trẻ em cũng được học cách chăm sóc chúng, tưới nước hoặc cho chúng ăn (Trang 23).

Trẻ em trong lớp học Montessori.

Trẻ em trong lớp học Montessori có thể dựa vào nhu cầu của bản thân, hoặc đề nghị của bạn bè, hoặc giáo viên để có thể tự do lựa chọn các hoạt động vui chơi của mình, tự do chọn thời gian chơi và đối tượng cùng chơi (Trang 24).

Bọn trẻ tự do chạy nhảy, nhưng rất có trật tự, nhiều mà không rối, chúng tích cực tham gia học tập, tiến hành các loại hoạt động phù hợp với sự phát triển của chúng (Trang 24).

Trẻ chơi đi chơi lại một trò, điều đó giúp chúng có thêm nhận thức, nắm chắc kỹ năng, đến khi chúng thỏa mãn mới thôi (Trang 24).

Sau khi chơi xong một trò chơi, trẻ thu dọn đồ chơi đặt về vị trí ban đầu, sau đó tiếp tục chọn một trò chơi khác (Trang 24).

Lớp học Montessori gồm nhiều trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau cùng học chung một lớp, có lợi cho sự phát triển khả năng giao tiếp xã hội của trẻ, trẻ lớn tuổi giúp đỡ trẻ nhỏ tuổi, trẻ nhỏ tuổi học tập trẻ lớn tuổi, môi trường như vậy càng tự nhiên, càng có không khí gia đình (Trang 24).

Vai trò của giáo viên.

Giáo viên của lớp học Montessori là người tạo ra môi trường Montessori đồng thời giữ vai trò kết nối bọn trẻ với môi trường. Giáo viên Montessori còn là người luôn quan sát và hỗ trợ, giúp đỡ mỗi khi trẻ gặp khó khăn (Trang 26).

Giáo viên Montessori có kinh nghiệm sau khi quan sát trẻ, thông qua quan sát, lý giải, thông qua hoạt động cùng trẻ mà đánh giá trẻ trên mọi phương diện, từ đó căn cứ vào sự khác biệt về trình độ, thế mạnh, tốc độ,… của trẻ để thiết kế chương trình học phù hợp nhất cho trẻ (Trang 27).

Giáo viên Montessori luôn nhã nhặn và kiên nhẫn, không chỉ tay ra lệnh, không phê bình chỉ trích; họ không đứng trước mặt trẻ để giúp trẻ làm những việc không cần thiết, mà họ ở phía sau trẻ, từng bước từ phát hiện, khám phá, thảo luận, đến tìm cách giải quyết các vấn đề, qua đó giúp trẻ tiến bộ (Trang 27).

Giáo viên Montessori sẽ giúp những đứa trẻ thật sự cần giúp đỡ, còn những đứa trẻ đang chú tâm vào công việc thì giáo viên để chúng tự do làm việc theo ý mình (Trang 27).

Giáo cụ.

Giáo cụ Montessori thiết kế dựa trên nhu cầu và sự phát triển của trẻ (Trang 28). 

Giáo cụ được thiết kế đẹp, khoa học, khả dụng (Trang 28). 

Qua các giáo cụ trẻ có thể học và hiểu được cái khái niệm trừu tượng, từ trong lộn xộn nhận ra quy luật, tăng cường khả năng phối hợp nhịp nhàng giữa tay và mắt, luyện cảm quan trật tự, khả năng độc lập, khả năng chú ý và quan sát của trẻ (Trang 28).

Giáo cụ được sắp xếp từ đơn giản đến phức tạp, từ cụ thể đến trừu tượng giúp trẻ có thể học tập tiến bộ và trưởng thành một cách nhanh chóng (Trang 29).

Làm thế nào để nhận biết trường học Montessori đích thực? (Trang 30)

  • Môi trường học được chuẩn bị tốt phù hợp với nhu cầu phát triển của trẻ em;
  • Trong lớp học có ít nhất 01 giáo viên có chứng nhận được đào tạo chính quy và có 01 năm kinh nghiệm thực tế;
  • Học sinh gồm những đứa trẻ có độ tuổi khác nhau, từ 0 – 1,5 tuổi; 1,5 – 3 tuổi; 3 – 6 tuổi, có hoàn cảnh gia đình khác nhau;
  • Có 01 bộ giáo cụ Montessori để đáp ứng nhu cầu phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ;
  • Có khoảng thời gian để trẻ em được tự do lựa chọn hoạt động vui chơi theo nhu cầu của bản thân;
  • Cổ cũ bọn trẻ cùng hợp tác và giao lưu, cùng nhau học tập, cùng nhau thảo luận, an ủi lẫn nhau, khích lệ trẻ tự giải quyết mâu thuẫn giữa chúng, chú trọng phát triển mặt tình cảm của trẻ;
  • Mở cửa với bên ngoài, cho phép phụ huynh và du khách đến quan sát theo hẹn trước.

Chương II / Phần I – Cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ.

Yêu thương con trẻ bắt đầu từ việc tôn trọng chúng.

Điều đầu tiên cha mẹ cần làm là thay đổi quan niệm (Trang 34). 

“Tôn trọng” và “nuông chiều” trẻ vốn là hai khái niệm khác nhau. Sai lầm mà các bậc cha mẹ thường mắc phải là vừa nuông chiều vừa không tôn trọng trẻ. Đặc biệt là ở các gia đình chỉ có 01 con, đứa trẻ càng được ông bà, cha mẹ nuông chiều hơn nữa. Không chỉ chăm sóc và làm thay cho con mọi việc từ việc cho ăn, mặc quần áo, đến dọn dẹp phòng… người lớn còn nghĩ rằng làm như thế vừa đỡ mất thời gian vừa khỏi phiền phức bởi vì cho trẻ ăn, giúp chúng mặc quần áo và tắm rửa còn dễ hơn nhiều so với việc dạy chúng làm những việc đó (Trang 35).

Người lớn cần phải nhớ rằng, trẻ không chỉ biết nghe lời một cách thụ động, mà là một con người đang sống, có ý thức độc lập. Tạo hóa đã ban tặng cho trẻ 02 tay và bộ não, tay là để làm việc, bộ não là để suy nghĩ. Tay càng làm nhiều thì não càng phát triển và minh mẫn (Trang 35). 

Khi trẻ giúp cha mẹ sắp bát đũa, dọn dẹp nhà cửa… sẽ khiến trẻ cảm thấy mình là một thành viên trong gia đình. Trẻ bỏ chút thời gian ra giúp đỡ cha mẹ, từ đó cảm nhận được nhiềm vui của việc giúp đỡ người khác và học cách hợp tác với người khác (Trang 35). 

Sự theo sát của cha mẹ là món quà yêu thương tuyệt vời nhất dành cho trẻ.

Để trẻ có một tuổi thơ vui vẻ thoải mái và một tương lai tươi sáng, cha mẹ phải bỏ thời gian để giúp đỡ trẻ, giúp trẻ khôn lớn trưởng thành (Trang 36).

Cho dù cha mẹ tìm cho con bao nhiêu giáo viên giỏi, giúp trẻ thành công trên một số phương diện nào đó, thì những đứa trẻ thiếu thốn tình yêu thương, sự chăm sóc của ba mẹ vẫn là bất hạnh (Trang 36).

Đối với con người thời hiện đại mà nói, thứ quý giá nhất là thời gian, cho nên phải quý trọng thời gian và dành thời gian làm việc quan trọng nhất (Trang 36).

Giáo dục con là trách nhiệm của cha mẹ.

Nếu bạn không có thời gian bên cạnh con, vậy thì vô hình chung bạn đã đặt con yêu của bạn vào vị trí không quan trọng. Không có thời gian bên con, nói thẳng ra, trong tiềm thức của bạn thứ bạn coi trọng nhất là bản thân bạn, sự nghiệp của bạn, danh tiếng của bạn, tương lai của bạn (Trang 37).

Vì con bạn, bạn phải sắp xếp lại thời gian biểu, phải giảm thời gian xã giao hoặc số lần xã giao để có thời gian dành cho những việc khác, đặc biệt là cố gắng tạo cho con bạn môi trường tốt nhất có thể (Trang 37).

Cố gắng bớt chút thời gian đọc sách, tâm sự, nói chuyện với trẻ, hoặc khi đi chợ đưa trẻ đi cùng, khi nấu ăn nhờ trẻ giúp đỡ (Trang 37).

Ngày nay, nhiều gia đình có điều kiện, nếu cha mẹ để người giúp việc làm hết mọi việc của trẻ, sẽ khiến trẻ không có cơ hội học các kỹ năng sống, đồng thời làm hạn chế sự phát triển của trẻ. Vì vậy, người xưa có câu: “Người lớn vì nghèo mà chịu khổ, trẻ em vì giàu có mà bị hại” (Trang 37).

Vai trò của cha mẹ trong sự trưởng thành của con trẻ.

Yêu một người là thích ở bên cạnh người ấy, cho nên những người đang yêu nhau thì lúc nào cũng muốn ở bên nhau. Nếu như một người chỉ cho bạn vật chất mà không dành thời gian ở bên bạn thì bạn không nên lấy người ấy, bởi vì người ấy không thật sự yêu bạn. Đối với trẻ cũng vậy, nếu bạn chỉ đáp ứng nhu cầu về vật chất cho trẻ, mà không dành thời gian quan tâm chăm sóc theo dõi quá trình phát triển và trưởng thành của trẻ thì bạn đã không làm tròn trách nhiệm của người làm cha làm mẹ (Trang 38).

Chương II / Phần II – Chuẩn bị môi trường Montessori thích hợp cho trẻ.

Trẻ em từ 0-6 tuổi có thời kỳ nhạy cảm, trong đó có sự nhạy cảm về trật tự, đây là một thời kỳ quan trọng giúp trẻ nhận thức về trật tự, từ đó có thể phân biệt và ghi nhớ vị trí của đồ vật và mối quan hệ của những vị trí này với không gian xung quanh. Từ không gian xung quanh trẻ học được nguyên tắc thích ứng, đồng thời dựa vào không gian để miêu tả bản thân, do đó trẻ cần có một sự sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng (Trang 41).

Môi trường phù hợp với sự phát triển tâm hồn của trẻ từ 0-3 tuổi là phải an toàn, có trật tự, mọi việc phải có vị trí của nó, không được tuỳ tiện thay đổi, khiến trẻ nhắm mắt cũng có thể đi lại mà không gặp nguy hiểm gì, muốn lấy đồ vật gì có thể đưa tay là lấy được, hoàn cảnh như vậy mới khiến trẻ thấy an toàn và vui vẻ (Trang 42).

Trẻ em trời sinh ra đã là người quan sát, đặc biệt hứng thú với nhất cử nhất động của người lớn, đồng thời, mong muốn bắt chước hành động đó. Xét từ đó, người lớn cần gánh vác một loại trách nhiệm. Họ có thể trở thành nguyên nhân gây ra hành động của trẻ, hoặc trở thành một quyển sách mở sẵn để trẻ học tập. Nếu người lớn có thể làm tốt nhiệm vụ của một người chỉ huy thì trước mặt trẻ cần tập trung chú ý thực hiện hành vi một cách yên lặng và từ từ để trẻ có thể nhìn rõ từng cử động một (Trang 42).

Trẻ em rất hiếu kỳ với môi trường xung quanh, cũng rất thích khám phá các đồ vật trong gia đình đặc biệt là những thứ nhỏ nhỏ xinh xinh. Do đó cha mẹ cần chú ý sắp xếp những đồ quý, dễ vỡ hoặc đồ nguy hiểm ở những nơi trẻ không nhìn thấy. Những đồ mà trẻ với tới được là những đồ mà trẻ có thể lấy dùng và khám phá. Nếu cha mẹ nói với trẻ là cái này không được nghịch vào, cái kia không được sờ vào thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí lực của trẻ, nhất là đối với trẻ khoảng 02 tuổi do khả năng biểu đạt ngôn ngữ có hạn nên trẻ rất khó dùng ngôn ngữ để biểu đạt những điều mà trẻ không hài lòng, khi đó trẻ sẽ nổi cáu, tức giận và sinh ra mâu thuẫn với cha mẹ, điều này không có lợi cho quá trình phát triển tình cảm của trẻ (Trang 43).

Trong quá trình học tập, cha mẹ chú ý rèn cho trẻ khả năng tập trung; mỗi đồ vật sau khi dùng xong phải đặt về chỗ cũ, mỗi lần chỉ làm một việc, kiên trì hoàn thành tốt công việc sau đó dần bồi dưỡng cho trẻ tính trật tự (Trang 43).

Cha mẹ cần học cách quan sát trẻ, biết được trẻ đang gặp khó khăn ở điểm nào và cần sự giúp đỡ của cha mẹ ra sao, từ đó trẻ dần khôn lớn, trưởng thành trong một môi trường tự do, thân thiện và vui vẻ. Tự do nói ở đây không phải là cha mẹ buông lỏng quản lý mà là trẻ được tự do làm việc phải làm. Nếu như trẻ gây ồn ào quá mức, cha mẹ cần nghiêm khắc và uốn nắn trẻ kịp thời (Trang 45).

Chương II / Phần III – Bố trí môi trường gia đình.

Cách bố trí môi trường cho trẻ từ 0 – 3 tháng tuổi.

Thời gian biểu của trẻ từ 0 – 3 tháng tuổi cơ bản như sau: ăn sữa, ngủ, thay bỉm. Ngủ dậy, ăn no xong và thay bỉm, trẻ sẽ tự chơi một lát (Trang 46).

Một cái giường trẻ em. Ga trải giường cần thoải mái, tốt nhất là bằng chất liệu bông tơ tằm. Giường là nơi để ngủ, ở trên giường không cần để quá nhiều đồ, trên thành giường có thể dán một, hai hình vẽ thị giác (Trang 46).

Đối với trẻ 01 tháng tuổi, có thể dán 01 bức ảnh hình người mẹ phóng to, hoặc dùng giấy màu làm thành gương mặt màu trắng đen. Trên giường để một vài con thú nhồi bông (Trang 46).

Đối với trẻ 02 tháng tuổi, có thể treo 01 vật trang trí xoay tròn có nhạc ở phía trên cao của giường (Trang 46).

Trong phòng đặt 01 cái tủ thấp, trong ngăn kéo ở tầng trên của tủ để ga trải giường thay bỉm cho trẻ, bỉm, khăn lau ướt. Trong ngăn kéo ở tầng dưới để quần áo lót hoặc quần áo mặc trong phòng của trẻ (Trang 47).

Trên nóc tủ đặt một chiếc đèn bàn điện có công suất không lớn lắm. Bên cạnh đèn đặt một cái máy phát nhạc, thỉnh thoảng đặt cho trẻ nghe một đoạn nhạc (Trang 47).

Cách bố trí môi trường cho trẻ từ 04 tháng tuổi đến 1,5 tuổi.

Trong giai đoạn này trẻ có rất nhiều bước phát triển nhảy vọt, như: biết lẫy, ngồi, bò, đứng thẳng, đi,… cần không gian rộng hơn (Trang 47).

Trên sàn nhà (của phòng khách hoặc phòng trẻ rộng một chút) đặt một tấm thảm rộng, tấm thảm không nên nhiều họa tiết, màu kem hoặc xám là tốt nhất. Trẻ có thể chơi an toàn và không bị hạn chế trên tấm thảm đó (Trang 47).

Khi trẻ biết bò thì cần chuẩn bị 01 hộp giấy to (như hộp giấy đựng tivi, máy tính, tủ lạnh), phía trên và phía dưới của hộp giấy được cắt bỏ để trẻ bò ra rồi lại bò vào (Trang 48).

Đối với trẻ học đứng, cha mẹ cần chuẩn bị ghế hoặc tủ thấp chắc chắn và an toàn để trẻ bám vào đấy đứng lên (Trang 48).

Đối với trẻ đang chập chững tập đi, cha mẹ cần chuẩn bị một số vật dụng gia đình chắc chắn và an toàn để trẻ bám vào đấy tập đi (Trang 48).

Cha mẹ cần chú ý đến sự an toàn của trẻ (Trang 48).

Cách bố trí môi trường cho trẻ từ 1,5 tuổi đến 06 tuổi.

Gần cửa ra vào, cha mẹ chuẩn bị một cái mắc áo nhỏ để khi trẻ vừa vào cửa là có thể tự mình cởi áo khoác ngoài, mũ đội đầu hoặc khăn quàng cổ treo lên móc. Khi ra khỏi cửa cố gắng để cho trẻ tự mặc áo khoác và đội mũ (Trang 50).

Bên cạnh mắc treo quần áo để một giá giày, bên cạnh giá giày đặt một ghế dựa nhỏ để trẻ sử dụng khi đeo và cởi giày (Trang 50).

Trước khi ra khỏi nhà cha mẹ cần sắp xếp thời gian cho hợp lý, dành cho trẻ từ 10 – 15 phút để mặc quần áo, đi giày dép (Trang 50).

Ở chỗ bồn nước trong phòng bếp đặt một cái ghế chắc chắn cố định để trẻ có thể với tới vòi nước (Trang 50).

Bát đũa của trẻ đặt ở chỗ thấp của tủ bát để trẻ có thể tự mình lấy hoặc cất bát đĩa (Trang 50).

Ở chỗ để thùng rác đóng một tấm gỗ treo khăn lau, cái hót rác nhỏ và cái chổi quét nhỏ. Khi sàn nhà bị bẩn cha mẹ để trẻ tự quét, nếu trẻ làm rơi rớt sữa xuống sàn nhà thì để trẻ tự lau (Trang 50).

Khi trẻ 03 tuổi thì cho trẻ tự lấy bát đũa. Khi trẻ được 3,5 tuổi – 4 tuổi thì dạy cho trẻ cách rửa bát đũa và lau bàn ghế (Trang 51).

Khi trẻ ăn cơm làm vãi ra ngoài thì cha mẹ không nên lo lắng, vì đó là một cơ hội học tập rất tốt của trẻ, từ đó có thể bồi dưỡng khả năng phối hợp tay mắt nhịp nhàng, khả năng tự tin và độc lập cho trẻ (Trang 51). 

Trẻ em luôn thích bận rộn, cha mẹ nên dành cho chúng cơ hội, mặc dù có lúc chúng càng giúp thì càng vướng bận thêm. Để trẻ làm việc cùng cha mẹ không những giúp trẻ học được những kỹ năng sống như: rửa hoa quả, lau bàn ghế, quét nhà… mà còn giúp trẻ học được rất nhiều kiến thức như: ngôn ngữ, toán, cảm quan, mỹ thuật… (Trang 51). 

Tất cả các hoạt động cần được tiến hành trong không khí thoải mái, vui vẻ và tự nhiên, cha mẹ nên coi trẻ là một người bạn nhỏ, chứ không phải là học sinh, tốt nhất là nên bỏ suy nghĩ phải dạy trẻ ra khỏi đầu, mà chỉ nghĩ ra cách chơi với trẻ như thế nào (Trang 53).

Chọn sách báo cho trẻ: Nội dung phù hợp với độ tuổi của trẻ, có hình ảnh minh hoạ, đơn giản mà đẹp. Số chữ từng trang không cần quá nhiều, nhưng cần hay. Trẻ thích nhất những câu lặp lại và gieo vần. Trong giá sách hoặc giỏ sách của trẻ ít nhất phải có một cuốn truyện đồng dao, một cuốn truyện kể về đời sống thường nhật… Đối với trẻ dưới 6 tuổi thì nên chọn mua sách về những chuyện có thật là chính, có nghĩa là các tình tiết trong sách là chuyện xảy ra quanh trẻ, giúp chúng nhận biết, hiểu rõ và lĩnh hội thế giới kỳ diệu, phong phú, thân thiết và chân thực này, từ đó có thể giúp trẻ tăng thêm vốn hiểu biết (Trang 56).

Cha mẹ không những cần đọc sách cho trẻ nghe, mà còn cần làm gương kích thích niềm đam mê và hứng thú đọc sách của trẻ, từ đó khiến trẻ thấy rằng việc đọc sách rất quan trọng với cha mẹ. Tốt nhất là sắp xếp một khoảng thời gian yên tĩnh và không có ai làm phiền chừng 30 phút, tất cả mọi người trong nhà cùng nhau đọc sách hoặc tạp chí của riêng mình, trẻ cũng đọc sách của trẻ hoặc làm việc khác, giúp trẻ nhận biết rằng khoảng thời gian này cần yên tĩnh, không được làm ồn (Trang 58). 

Cha mẹ đọc sách cho trẻ nghe truyện trước khi ngủ, sau khi đọc xong một, hai truyện thì mở một khúc hát ru hoặc bản nhạc không lời cho trẻ dễ dàng chìm vào giấc ngủ (Trang 59). 

Rất nhiều đứa trẻ sẽ muốn cha mẹ sau khi đọc xong một quyển thì tiếp tục đọc quyển thứ hai, cứ như thế không thôi. Lúc đó cha mẹ cần đưa ra quy định, mỗi tối chỉ đọc một quyển, hai quyển, để tạo thành thói quen (Trang 59). 

Cha mẹ nên dạy cho trẻ biết yêu quý sách, cần nhẹ nhàng giở sách, giở từng trang một. Sách sau khi đọc xong cần đặt về vị trí cũng không được vứt bừa bãi (Trang 59). 

Quần áo đẹp quá có lúc sẽ che đậy khuyết điểm của bản thân trẻ, khiến cho người khác khi nhìn thấy trẻ sẽ khen quần áo chứ không phải bản thân trẻ, vô tình đưa ra những thông tin không tốt cho trẻ, coi trọng vẻ ngoài hơn là bản chất bên trong. Cha mẹ không nên mua cho trẻ quần áo quá đắt mà nên mua những quần áo tiện lợi, đơn giản phù hợp với trẻ, bởi trẻ có thể chơi đùa và tự do hoạt động không lo bị vướng ngã (Trang 60).

Chương III / Phần I – Phát triển tình thương.

Giai đoạn từ 0 – 1,5 tuổi.

Trẻ từ 8 – 10 tháng tuổi bắt đầu biết sợ sự chia xa. Trong giai đoạn từ 8 – 24 tháng tuổi, khi thấy người chăm sóc trẻ bỏ đi, trẻ sẽ khóc, trẻ sẽ dùng tay bám chặt lấy người đó không cho đi. Khi khoảng 01 tuổi là trẻ biết chơi đùa với người khác, khi được khoảng 1,5 tuổi là trẻ biết ôm, hôn mẹ (Trang 70).

Giai đoạn từ 1,5 tuổi – 3 tuổi.

Giai đoạn 1,5 – 3 tuổi, trẻ đã biết thông cảm, khi nhìn thấy các em bé khóc, trẻ sẽ mang đồ chơi đến cho các em chơi. Khi nhìn thấy mẹ bị thương, trẻ sẽ đến vỗ vào vai mẹ nói: “Mẹ có đau không ạ?”, “Mẹ đừng khóc nhé!”, khiến mẹ cảm động quên đau (Trang 71).

Giai đoạn từ 3 – 6 tuổi.

Trẻ từ 3 – 6 tuổi thường thích chơi với bạn bè của chúng, có ý thức chia sẻ với người khác, biết tuần tự, chẳng hạn như: khi trượt cầu trượt trẻ biết xếp hàng và luân phiên nhau. Trẻ trong giai đoạn này thích kết bạn, thích chơi cùng bạn bè và có bạn tốt của riêng mình. Biết kết bạn và hoà đồng là một bước quan trọng cho sự phát triển lành mạnh của trẻ (Trang 72).

Tính cách vốn có của trẻ. 

Trẻ em bẩm sinh đã có tính cách khác nhau. Có những trẻ tương đối ngoan ngoãn; thẹn thùng, có trẻ lại hay khóc; một khi khóc thì rất khó dỗ, có trẻ sau khi ăn no, ngủ đẫy giấc là tự chơi. Alexander Thomas và Stella Chess dựa vào kết quả nghiên cứu 30 năm đã phát hiện ra 09 nét đặc trưng bẩm sinh của trẻ em như sau:

  • (1) Mức độ hoạt động: Có trẻ bẩm sinh đã hiếu động, có trẻ lại không như vậy.
  • (2) Tính quy luật: Giờ giấc sinh hoạt hàng ngày và ăn ngủ của trẻ em có sự khác nhau. Có trẻ ăn uống và ngủ nghỉ có tính quy luật, có trẻ lại không tuân theo quy luật nào cả.
  • (3) Trước hoàn cảnh mới thì tích cực chủ động hay là tiêu cực chùn bước: Phản ứng của trẻ em đối với hoàn cảnh mới, sự vật mới và người lạ không giống nhau, có trẻ rất vui mừng tiếp nhận, có trẻ lại cảm thấy khó thích nghi.
  • (4) Khả năng thích ứng với sự thay đổi: Khả năng thích ứng trước sự thay đổi của trẻ em là không giống nhau.
  • (5) Mức độ nhạy cảm của giác quan: Có một số trẻ phản ứng nhạy cảm hơn một số trẻ khác trước một số sự vật và sự việc như: cường độ ánh sáng, âm thanh, sự ẩm ướt (bỉm hoặc nước), việc mặc quần áo, chất liệu khác nhau, sự đau đớn…
  • (6) Tâm trạng tích cực hay tiêu cực: Trẻ em cũng giống như người lớn là có tính cách khác nhau, có trẻ lạc quan, tính khí tốt, tâm trạng thoải mái; có trẻ lại không vui vẻ, hay cáu giận.
  • (7) Cường độ của phản ứng: Cường độ ở đây chỉ mức độ tiêu hao sức lực.
  • (8) Tinh lực không tập trung: Chỉ mức độ tập trung chú ý của trẻ, có trẻ có mức độ tập trung cao, không dễ bị môi trường xung quanh tác động, có trẻ lại rất dễ bị phân tâm.
  • (9) Tính kiên nhẫn: Trẻ em trong quá trình hoạt động mà gặp khó khăn sẽ vẫn kiên trì hay là buông xuôi, sau khi bị làm phiền có tiếp tục hoạt động không? (Trang 73)

Quan hệ gắn bó, quan hệ tình cảm.

Tình mẹ con phát triển qua một quá trình phức tạp và lâu dài. Tình cảm này của mẹ đối với con bắt đầu nảy nở từ khi mang thai. Khi trẻ chào đời thì quan hệ mẹ con chính thức bắt đầu; trong mấy ngày hoặc mấy tháng tiếp sau đó, trẻ giao tiếp và gắn kết với mẹ qua tiếng khóc và ngôn ngữ cơ thể (Trang 74).

Thời điểm trẻ chào đời là lúc hoóc-môn của cơ thể mẹ đạt cao nhất, hai mẹ con lập tức tiếp xúc với nhau và nảy sinh cảm giác thân mật. Cho nên có người coi mấy giờ đầu tiên sau khi trẻ chào đời là sự nhạy cảm về tình yêu thương của người mẹ dành cho con của mình (Trang 75).

Khi mang thai thì trạng thái của các bà mẹ đã không giống nhau: có người mong muốn có con từ lâu mà chưa có, có người lại chưa định có con thì đã mang thai rồi, còn có trường hợp mang thai trước khi kết hôn, thậm chí trải qua những việc tồi tệ hơn rồi mới mang thai, cảm giác của người mẹ đối với đứa con là không hề yêu quý (Trang 76).

Nếu như tính cách của người mẹ chưa chín chắn, không có tính kiên trì thì rất dễ nảy sinh những hành vi tiêu cực đối với trẻ, nếu như người mẹ nào từ nhỏ đã bị cha mẹ của mình lạnh nhạt thì người mẹ đó rất dễ lạnh nhạt hoặc ngược đãi con mình (Trang 76).

Có bà mẹ tức giận đến mức la hét, mắng con, thậm chí doạ đánh con. Những phản ứng tiêu cực này ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ, lâu dần sẽ trở thành một vòng tuần hoàn tiêu cực, khiến cho cả hai mẹ con đều cảm thấy mệt mỏi (Trang 77).

Đối với những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong một môi trường đầy yêu thương, nhu cầu được thoả mãn thì khi nhìn thấy người khác gặp khó khăn, trẻ sẽ có phản ứng. Còn đối với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên bị xem thường và bị đối xử lạnh nhạt thì trẻ sẽ không có cảm giác gì trước khó khăn của người khác, có đứa thậm chí sẽ bắt nạt đứa trẻ gặp khó khăn (Trang 78).

Có 03 nguyên nhân cơ bản làm trẻ khóc đó là: do đói mà khóc, do cáu giận mà khóc, do không thoải mái mà khóc (Trang 79).

Theo thống kê, ở Mỹ có khoảng 15% trẻ em khó tính bẩm sinh, đây là con số không nhỏ, nên nếu con bạn sinh ra đã khó tính bạn cũng nên thoải mái, điều quan trọng nhất là cha mẹ nên biết đứa trẻ như thế này sẽ không bình thường (Trang 79).

Tính cách của con người có 03 phần là do bẩm sinh, 07 phần là do tập tính. Cùng với sự lớn khôn, phương pháp giáo dục của cha mẹ, sống chung với bạn bè, những trải nghiệm ở trường lớp đều sẽ ảnh hưởng đến tính tình của trẻ. Cho nên tính tình vẫn có thể cải thiện được, chỉ cần cha mẹ chịu khó chăm sóc và dạy dỗ trẻ, thì nhất định khi trẻ lớn lên sẽ ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ (Trang 79).

Khi trẻ vừa được sinh ra đã có người yêu thương, quan tâm đến trẻ, từ đó giúp trẻ cảm nhận rằng mình rất đáng yêu và đáng được mọi người yêu thương, để trẻ cảm thấy những người xung quanh cũng đáng yêu, đáng tin cậy, cho trẻ tràn đầy hi vọng vào một tương lai tươi sáng đang đón đợi (Trang 81).

Cái mà con cần bây giờ không phải là tiền học đại học, mà là tình yêu thương của cha mẹ (Trang 84).

Sách có thể để mấy năm sau hãy đọc, công việc có thể để mấy năm sau hãy làm. Thế nhưng, tuổi thơ của trẻ chỉ có một lần, khi đã trôi qua thì không thể quay lại được (Trang 86).

Khi dạy con, cha mẹ không thể dùng phương pháp đánh mắng, mà nên dùng những lời nói hoặc hành động nhẹ nhàng, lời nói phải luôn luôn đi đôi với hành động (Trang 83).

Giúp trẻ vượt qua sự bất ổn về tâm lý.

Tinh thần là cảm giác bên trong về sự vật mà con người đã từng trải qua. Có loại tình cảm tích cực như: yêu thương, vui vẻ, thỏa mãn, dễ chịu, vui sướng… Bên cạnh đó cũng có loại tình cảm tiêu cực như: tức giận, sợ hãi, chán nản, oán hận, đau buồn… (Trang 89).

Đối với trẻ từ 0 – 3 tuổi, hai tâm trạng trẻ thường gặp nhất là sợ hãi và cáu giận (Trang 89).

Sợ hãi.

Khi trẻ được 6 – 7 tháng tuổi, trẻ nhìn thấy người lạ sẽ khóc, có khi nắm chặt lấy tay mẹ, ôm chặt lấy chân hoặc quần áo của bố hoặc người chăm sóc. Nếu người lạ nói chuyện với trẻ, trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi hơn (Trang 90).

Khi được khoảng 02 tuổi thì cảm giác sợ hãi với âm thanh lạ, người lạ và những đồ vật không quen thuộc của trẻ dần giảm đi; nhưng trẻ lại sợ người xấu và những con vật gian ác, bóng tối… ở trong sách, trên tivi và trong suy nghĩ (Trang 90).

Giúp trẻ khắc phục tâm lý sợ hãi:

  • Cha mẹ nên thừa nhận tâm lý và cảm giác sợ hãi của trẻ.
  • Giúp trẻ tự ứng phó và thoát khỏi tâm lý sợ hãi.
  • Đối với trẻ sợ người lạ thì không nên ép trẻ phải chào hỏi người lạ. Chỉ cần bảo trẻ gật đầu hoặc vẫy tay là được.
  • Người lạ không nên bắt chuyện với trẻ quá nhanh, hãy cho trẻ một chút thời gian để “làm quen” đã.
  • Tìm một số câu chuyện nhỏ có liên quan đến việc khắc phục tâm lý sợ hãi rồi đọc cho trẻ nghe.
  • Người lớn cũng có tâm lý sợ hãi, có lúc cũng nên kể cho trẻ biết.
  • Đôi lúc, cha mẹ nên cùng trẻ nói hoặc dự đoán những việc sắp xảy ra nhằm giúp trẻ khắc phục tâm lý sợ hãi.
  • Dùng trò chơi để cùng trẻ “trải qua” cảm giác sợ hãi, và tìm biện pháp khắc phục thích hợp.

(Các nội dung trên thuộc trang 90 – 91).

Cáu giận.

Trẻ ngày càng có nhiều khả năng, thị giác ngày càng phát triển, có thể tự mình làm được rất nhiều việc, cộng thêm sự phát triển về khả năng ngôn ngữ và sự tăng cường về khả năng lý giải, khiến trẻ bắt đầu có ý thức độc lập và ngày càng được nâng cao. Việc gì trẻ cũng muốn “tự làm”, nếu người khác “giúp đỡ” thì trẻ sẽ cáu giận (Trang 91).

Khi trẻ rất hào hứng và tò mò muốn khám phá thế giới xung quanh thì giữa trẻ và cha mẹ thường xảy ra mâu thuẫn. Sự hiếu kỳ và mong muốn tự chủ của trẻ thường không đồng nhất, thậm chí đối lập với sự hạn chế của cha mẹ (Trang 90).

Trẻ không hiểu nên không đáp ứng được nhu cầu của cha mẹ, thế nhưng ngôn ngữ của trẻ lại có hạn, không thể nói rõ cảm nhận của bản thân với cha mẹ (Trang 90).

Thế là trẻ phát cáu, không những khóc ầm lên mà có lúc còn lăn lộn trên sàn nhà, thật khiến cha mẹ khó chấp nhận được (Trang 90).

Cha mẹ cần phải làm gương và nên hạn chế về thỏa mãn những yêu cầu của trẻ, trẻ cần nói rõ lý do vì sao muốn thứ đó, cha mẹ cố gắng dùng giọng nói nhẹ nhàng khuyên bảo trẻ (Trang 90).

Khi cho trẻ lựa chọn một vấn đề thì cha mẹ nên đưa ra 02 “phương án lựa chọn”. Trẻ sẽ lựa chọn 01 trong 02 sự gợi ý của cha mẹ. Mục đích của bạn đã đạt được, trẻ cũng sử dụng quyền lựa chọn của mình (Trang 91). 

Cha mẹ không thể dùng phương pháp đánh mắng, mà nên dùng những lời nói hoặc hành động nhẹ nhàng, lời nói phải luôn luôn đi đôi với hành động (Trang 91). 

Giúp trẻ kiềm chế cơn giận của bản thân:

  • Hiểu, đồng cảm với cảm giác của trẻ, đồng thời đưa ra kiến nghị.
  • Tạo ra môi trường và các hoạt động phù hợp với sự phát triển ở độ tuổi của trẻ, khiến trẻ có thể giảm bớt những buồn chán không cần thiết.
  • Cần dạy cho trẻ biết khi nào và làm thế nào để nhờ người lớn giúp đỡ.
  • Người lớn không nên giúp đỡ trẻ quá sớm, mà cần cho trẻ một cơ hội để thử sức.

(Các nội dung trên thuộc trang 94).

Dạy dỗ trẻ.

Nói đến việc dạy dỗ trẻ, mọi người thường liên tưởng đến việc chửi mắng, đánh đập hay phạt trẻ em. Thực ra, ý nghĩa thực sự của dạy dỗ là muốn tốt cho trẻ, cha mẹ đưa ra yêu cầu và bảo trẻ thực hiện theo những yêu cầu đó, để trẻ biết hành vi nào là đúng, hành vi nào là không thích hợp (Trang 95).

Dạy con còn có ý nghĩa là làm mẫu và truyền dạy những quy phạm lễ nghi và tiêu chuẩn đạo đức cơ bản của con người (Trang 95).

Cha mẹ cần tôn trọng trẻ em, cho trẻ sự tự do để trẻ có thể khám phá và học tập, đồng thời cho phép trẻ phạm sai lầm trong quá trình học tập (Trang 95).

Các dạng cha mẹ dạy dỗ con trẻ.

Các bậc cha mẹ về cơ bản có 03 dạng: thứ nhất là dạng quyền uy, thứ hai là dạng chuyên chế, thứ ba là dạng nghe theo.

  • Cha mẹ dạng quyền uy: Luôn quan tâm và hiểu trẻ, dành thời gian cho trẻ, có kỳ vọng, yêu cầu và kiểm soát hợp lý đối với trẻ. Quyền uy của họ có thể thu hút được sự chú ý của trẻ, họ sẽ dùng phương pháp dạy dỗ khuyên bảo trẻ và nói rằng tại sao lại có yêu cầu và kỳ vọng này, những yêu cầu và kỳ vọng đó đối với trẻ có lợi gì, đối với người khác có ảnh hưởng gì, đồng thời cũng lắng nghe ý kiến và quan điểm của trẻ. Trong một chừng mực nhất định trẻ có sự tự do đầy đủ. Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình dạng này sẽ có khả năng cạnh tranh và khả năng thích ứng cao nhất, chúng có tính tự chủ rất cao, luôn tràn đầy niềm tin, chủ động hòa nhập vào môi trường xung quanh (Trang 98).
  • Cha mẹ dạng chuyên chế: Cha mẹ truyền thống của Việt Nam thường thuộc nhóm chuyên quyền, cha mẹ nói gì, con phải làm, đừng hỏi tại sao. Cha mẹ dạng này không giảng giải lẽ phải với trẻ, không thể hiện sự yêu thương, hiểu và cảm thông, thậm chí còn dùng vũ lực dạy trẻ, dạy con bằng phương pháp “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình dạng này thường sẽ rất chú trọng đến bài vở, cũng rất nghe lời, nhưng khi gặp áp lực chúng thường không biết tại sao phải làm việc này việc kia. Chẳng hạn, như việc học đàn, mẹ bảo trẻ học thì trẻ phải học tại sao cần học trẻ không biết, cũng không cần biết mà trẻ chỉ biết học (Trang 99).
  • Cha mẹ dạng nghe theo: Thường yêu trẻ hơn cả yêu mình, đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ một cách không có giới hạn, khi ở bên cạnh trẻ cảm thấy bất lực. Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình dạng này bất luận là về mặt giao tiếp hay nhận thức đều không có khả năng cạnh tranh, chúng thiếu tính tự lập (Trang 99).
Các phương pháp dạy dỗ trẻ.
  • Phương pháp nhắc nhở: “Con đừng quên sau khi chơi xếp hình xong con phải cất các thứ vào trong giỏ”.
  • Phương pháp làm gương: Cha mẹ phải tự mình nêu gương. Trẻ càng để ý thì càng thích bắt chước những hành vi tốt, thái độ cũng như phương pháp giải quyết công việc của cha mẹ.
  • Phương pháp tán thành tích cực: Khi thấy hành vi tốt của trẻ, cha mẹ cần tán thành. Phản ứng tích cực đối với hành vi của trẻ như thế này sẽ khích lệ trẻ thực hiện hành vi đó.
  • Phương pháp chuyển sự chú ý: Khi nhìn thấy trẻ cướp đồ chơi của một trẻ khác, người lớn cần nói với trẻ rằng: “Đồ chơi đấy do bạn Minh chơi trước, con có thể chơi tranh ghép này”.
  • Phương pháp phớt lờ: Biết trẻ rõ ràng cố tình thực hiện hành vi không phù hợp để thu hút sự chú ý của cha mẹ, thì có thể giả vờ không biết.
  • Phương pháp tự kiểm điểm và làm nguội.
  • Phương pháp đánh mất quyền chơi: Nhắc nhở trẻ nhiều lần mà trẻ vẫn không thu dọn các miếng gỗ ghép hình lại, mẹ liền thu dọn các miếng gỗ cất đi.
  • Phương pháp cho trẻ lựa chọn: “Con muốn mặc áo màu trắng hay màu đen?”.
  • Phương pháp nhắc nhở trước: “Đến giờ đi ngủ rồi, mẹ cho con thêm 05 phút nữa để vẽ, sau đó phải đi đánh răng, rửa mặt rồi lên giường đi ngủ”.

(Các nội dung trên thuộc trang 99 – 101).

Những điểm cha mẹ cần lưu ý khi dạy dỗ trẻ.
  • Nhận thức được mỗi trẻ mỗi tính, với những trẻ tính cách khác nhau thì cần có phương pháp dạy dỗ khác nhau.
  • Phạm sai lầm là một quá trình quan trọng để trẻ học tập và rút kinh nghiệm.
  • Đối với những đứa trẻ khó dạy thì cần có yêu cầu rõ ràng kiên quyết, nói rõ với trẻ vì sao cha mẹ yêu cầu như thế.
  • Hành vi của trẻ và sự phát triển trí lực, cũng như lễ phép với cha mẹ và giáo dục đạo đức có liên quan với nhau.
  • Dành thời gian ở bên cạnh trẻ, từ đó thiết lập quan hệ thân thiết với trẻ, làm cho trẻ luôn có cảm giác an toàn.
  • Đánh giá sự việc chứ không đánh giá con người, để cho trẻ biết rằng, mặc dù đang nghiêm khắc dạy dỗ trẻ, cha mẹ vẫn rất yêu thương trẻ.
  • Tìm nguyên nhân vì sao trẻ “không ngoan”. Vì trẻ đói, mệt, buồn, bị bệnh hay là vì trẻ muốn nói chuyện, muốn thu hút sự chú ý của bố mẹ.
  • Tạo lập cho trẻ những quy luật và thói quen sinh hoạt hàng ngày.
  • Bồi đắp lòng cảm thông cho trẻ, giúp trẻ học cách đồng cảm và thấu hiểu cảm giác của người khác.
  • Xác lập cho trẻ những quy định rõ ràng và yêu cầu không được thay đổi để trẻ thực hiện.
  • Đối với những hành vi không phù hợp của trẻ dưới 02 tuổi thì cần phải nhắc nhở kịp thời.
  • Phản ứng kịp thời đối với những vấn đề liên quan đến an toàn.
  • Để trẻ bình tĩnh lại, kho cho trẻ tự kiểm điểm lại bản thân thì không cần nhiều thời gian. Thông thường trẻ 03 tuổi thì cần 3 phút, trẻ 05 tuổi thì cần 5 phút.
  • Dạy trẻ dùng lời nói, không dùng nắm tay.
  • Đối với trẻ từ 02 tuổi trở lên, phương pháp giáo dục hữu hiệu nhất là nói rõ lý lẽ. Nói với trẻ hành vi của trẻ ảnh hưởng đến bản thân và người khác như thế nào. Đồng thời nói rõ yêu cầu và mong đợi của cha mẹ.
  • Tránh dùng cách xử phạt bằng bạo lực.
  • Tránh cho trẻ nghe những câu chuyện hay những hành vi mang tính bạo lực hay xem phim bạo lực.
  • Những biện pháp giáo dục mà cha mẹ bạn sử dụng đối với bạn hồi nhỏ mà bạn không thích và bị tổn thương thì không nên sử dụng lại với con bạn.
  • Không nên trút giận vào trẻ. Khi cha mẹ gặp chuyện khó chịu cần tránh giận cá chém thớt và trút giận lên trẻ.
  • Cha mẹ cần thống nhất ý kiến trước, tránh chỉ trích nhau trước mặt trẻ.

(Các nội dung trên thuộc trang 101 – 102).

Kỹ năng nói chuyện với trẻ.
  • Khi nói chuyện với trẻ cần nói những lời nói mang tính tích cực để động viên khích lệ trẻ.
  • Chúng ta, dùng “nên” thay cho “không được”, sử dụng ngữ điệu bình thường tự nhiên, để cho trẻ biết được có nhiều cách khác nhau để làm một việc, dùng thái độ tích cực để chỉ bảo cho trẻ cách thức đúng đắn.
  • Hãy ngồi xuống, nắm chặt tay của trẻ, nhìn chăm chú vào mắt trẻ, dùng giọng nói ôn hòa nhưng kiên quyết.
  • Đối với trẻ dưới 02 tuổi, cha mẹ không được nói câu dài, câu nói cần đơn giản, rõ ràng, nhằm thẳng vào sự việc.
  • Khi trẻ làm ra chuyện gì đó, không nên phản ứng ngay, mà cần nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến sự việc đó, sau đó tìm biện pháp giải quyết.
  • Khi trẻ kể về những phiền muộn, cha mẹ cần có phản ứng tích cực. Khi cha mẹ hiểu cảm giác của trẻ thì trẻ mới mở lòng chia sẻ. Nếu sau khi trẻ kể xong, cha mẹ lập tức phê bình thì trẻ không những không tiếp thu những lời chúng ta nói, mà còn khép kín, ngại tâm sự.
  • Trẻ làm đúng hay sai không phải là vấn đề cơ bản, điều quan trọng là làm cho trẻ ý thức được rằng, trong quá trình phát triển của trẻ cha mẹ luôn quan tâm chăm sóc, hiểu, khuyên bảo, tiếp nhận và tin tưởng trẻ. Dù trẻ cao hay thấp, thông minh hay đần độn, vui vẻ hay buồn chán, khi trẻ có gia đình yêu thương thì tình cảm của trẻ mới phát triển lành mạnh, nhân sinh quan của trẻ mới tích cực.

(Các nội dung trên thuộc trang 106 – 107).

Giáo dục lễ nghi.

Mỗi dân tộc đều có chuẩn mực lễ nghi và quy phạm hành vi riêng được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Mặc dù, có một số khác biệt, nhưng nguyên tắc cơ bản là giống nhau, đó là tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác, có lòng thông cảm, luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy nghĩ và hành động, có tính tình cương trực ngay thẳng… (Trang 108). 

Cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ, mặc dù có chịu ảnh hưởng từ bạn bè, thầy cô giáo và phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng người có ảnh hưởng lớn nhất đối với trẻ vẫn là cha mẹ, cha mẹ là người có trách nghiệm, đồng thời cũng là tấm gương cho trẻ trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày (Trang 108). 

Sử dụng ngôn từ lịch sự.

  • Biết nói và biết trong trường hợp nào thì dùng lời lẽ lịch sự như: “Xin mời”, “Cảm ơn”, “Không có gì”, “Chào cô (bác, chú…)”, “Tạm biệt”, “Xin lỗi”, “Đừng ngại”… Cha mẹ nhất định phải dùng những lời nói lịch sự này trong sinh hoạt hàng ngày như: “Mẹ mời bố nói”, “Mẹ mời bố ngồi”, “Mẹ mời bố uống trà”,… Đấy là hình thức làm mẫu tốt nhất đối với trẻ.
  • Nói với người khác dùng ngữ điệu vừa phải đủ nghe, không được kêu hét to và cũng không được nói lẩm bẩm.
  • Kiểm soát âm lượng: ở trong phòng cần nói nhẹ nhàng, ở ngoài sân có thể cười nói thoải mái.
  • Khi nói cần nói rõ ràng, không nói ấp a ấp úng.
  • Không ngắt lời người khác, chăm chú lắng nghe người khác nói.

(Các nội dung trên thuộc trang 110 – 111).

Quan niệm giá trị.

Có thể kể ra một số quan niệm giá trị mà trẻ có thể hình thành được như: tôn trọng, trung thực, cần cù, dũng cảm, có lòng yêu thương, thông cảm, tự kiềm chế, công bằng, chính trực, vui vẻ…

Tôn trọng.

Bao gồm tôn trọng cha mẹ, tôn trọng thầy cô giáo, tôn trọng bản thân, tôn trọng tiền của, tôn trọng thiên nhiên và mô trường, tôn trọng quyền lợi và tín ngưỡng của người khác, đối xử lễ phép với người khác, luôn quan tâm đến cảm giác của người khác.

Trung thực – nói thật.

Trẻ em ở độ tuổi này không biết phân biệt rõ những thứ chân thực và không chân thực, trong sách truyện phim dành cho thiếu nhi thường có những tình tiết hư cấu, tưởng tượng, chẳng hạn như: con chim biết nói, con thỏ đi học… cho nên khi nói chuyện trẻ cũng thường cho thêm vào những chi tiết tưởng tượng và ý nghĩ, ước muốn, người lớn không nên mắng trẻ nói dối. 

Sự cảm thông.

Sự phản ứng của cha mẹ đối với trẻ ảnh hưởng đến việc bồi dưỡng lòng thông cảm của trẻ. Khi trẻ bị ngã đau, cha mẹ nên dùng lời nói và hành động để thể hiện cảm giác và phản ứng trước tình huống xảy ra với trẻ, làm cho trẻ dần dần hiểu được cảm giác của người khác, từ đó nảy sinh lòng cảm thông: “Con ngã có đau không, để mẹ dùng đá chườm cho con nhé”.

(Các nội dung trên thuộc trang 115 – 119).

Chương III / Phần II – Phát triển cơ thể.

Vận động cơ bắp.

  • Trẻ được khoảng 01 tháng tuổi có thể ngẩng đầu.
  • Trẻ được khoảng 02 tháng tuổi có thể nâng ngực.
  • Trẻ được 05 tháng tuổi có thể ngồi trên chân mẹ.
  • Trẻ từ 6 – 7 tháng tuổi có thể tự ngồi.
  • Trẻ được 08 tháng tuổi có thể bò và vịn vào đồ vật đứng lên.
  • Khi 11 tháng tuổi trẻ có thể trèo cầu thang và đứng được.
  • Trẻ được 01 tuổi có thể đi hai chân tách ra giống như con vịt.
  • Trẻ từ 1 – 2 tuổi có thể ngồi xổm, đẩy, kéo, trèo và đi.
  • Trẻ từ 2 – 3 tuổi có thể lên và xuống cầu thang, thích chạy, thích trèo cao.
  • Trẻ từ 3 – 5 tuổi có thể lên xuống cầu thang thoải mái, chạy mà không sợ ngã, thích đạp xe đạp, ném bóng, bắt bóng và nhiều hoạt động khác.

(Các nội dung trên thuộc trang 120).

Sự phát triển của tay.

  • Động tác đầu tiên của trẻ là cầm, nắm: nắm ngón tay của người mẹ.
  • Khi được 4 tháng rưỡi, trẻ có thể với được và nắm chặt đồ vật để đung đưa.
  • Khi được 5 tháng tuổi, trẻ có thể phán đoán đồ vật có nằm trong phạm vi có thể với tới không. 
  • Khi được 6 tháng tuổi, trẻ có thể chuyển đồ vật từ tay này sang tay khác.
  • Khi được 9 tháng tuổi, trẻ biết dùng ngón cái và ngón trỏ để nắm chặt đồ vật.
  • Trẻ dưới 01 tuổi không biết buông đồ vật ở trong tay ra và đưa cho người khác.
  • Trẻ từ 18 – 20 tháng sẽ biết chơi xếp gỗ.
  • Trẻ 02 tuổi còn biết làm nhiều việc khác như xếp tranh từ 2 – 4 miếng ghép, vẽ bằng bút sáp, xâu chuỗi hạt…
  • Trẻ 3 – 5 tuổi, cả ngày luôn tay luôn chân làm đủ các thứ việc.

(Các nội dung trên thuộc trang 121).

Chương III / Phần III – Phát triển giác quan.

Thị giác.

  • Khi trẻ còn trong bụng mẹ, xung quanh khá tối, cho nên ánh sáng trong phòng trẻ ban đầu cần hơi tối, từ đó, để trẻ thích ứng dần (Trang 123).
  • Khi mới chào đời trẻ nhìn rõ nhất những thứ cách mặt trẻ 2cm, đến 2 – 3 tháng tuổi thì trẻ có thể nhìn bình thường gần bằng người lớn (Trang 123).
  • Trẻ dưới 01 tháng tuổi khi nhìn mặt người và các đồ vật khác chỉ là đường viền vòng ngoài (Trang 123).
  • Khi trẻ được 02 tháng tuổi thì có thể nhìn thấy phần ở giữa, trẻ được 04 tháng tuổi thì sẽ nhìn thấy toàn bộ (Trang 123).
  • Khi trẻ được 06 tháng tuổi sẽ biết ngồi, không gian của trẻ chuyển từ mặt phẳng sang lập thể (Trang 124).
  • Tivi và máy tính đã làm phong phú cuộc sống của con người, tuy nhiên, nó cũng mang lại không ít những hạn chế cho trẻ. Các hình ảnh trong tivi luôn thay đổi, cho nên có hại cho việc bồi dưỡng khả năng tập trung của trẻ (Trang 125).
  • Trong thế giới phức tạp và phong phú này có rất nhiều thứ mà trẻ cần nhìn, cần khám phá, cần hiểu; hơn nữa, trẻ em ở độ tuổi này nên dùng các giác quan để nhận biết các đồ thật, người thật, việc thật như: thiên nhiên tươi đẹp lại tràn đầy sức sống với những sự vật như bầu trời, mặt đất, hoa cỏ, cây cối, bò sát, chim muông…, ngoài ra, còn có con người, sự việc, sự vật có quan hệ mật thiết với cuộc sống trẻ (Trang 125).
  • Cha mẹ và thầy cô giáo kể chuyện và đọc sách cho trẻ nghe, việc này không thể dùng tivi để thay thế; dùng tay để học các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống, các hoạt động phối hợp tay mắt tốt nhất như: dùng thìa để ăn cơm, dùng bàn chải để đánh răng, tự mình học cách cài khuy áo… (Trang 125).

(Các nội dung trên thuộc trang 123 – 125).

Thính giác.

  • Trẻ em mới sinh ra đã có thể nghe thấy âm thanh, chúng sẽ phản ứng khi nghe thấy âm thanh mới.
  • Những âm thanh kéo dài từ 5 – 10 giây là thứ có thể tạo hứng thú cho trẻ nhất, còn những âm thanh kéo dài mấy phút làm cho trẻ mất cảm hứng.
  • Người lớn nói mấy câu sau đó im lặng còn gây chú ý đối với trẻ hơn là nói thao thao bất tuyệt.
  • Nếu cứ mở nhạc liên tục thì trẻ sẽ chán không muốn nghe, thậm chí nhạc trở thành tiếng ồn.
  • Dù là loại âm thanh nào đều không thể thay thế bằng giọng nói của con người.
  • Giọng nói quen thuộc và dịu dàng không những tạo cho trẻ cảm giác an toàn, mà còn làm cho trẻ thấy yên bình.

(Các nội dung trên thuộc trang 126).

Vị giác.

  • Trẻ em mới sinh thích vị ngọt hơn vị chua, vị đắng và vị mặn.
  • Khi trẻ sơ sinh khóc, cho trẻ uống một chút nước đường thì trẻ sẽ lập tức ngừng khóc.

(Các nội dung trên thuộc trang 126).

Xúc giác.

  • Trẻ em vừa sinh ra đã có cảm giác đau nhức và đụng chạm đối với cơ thể.
  • Trẻ được vuốt ve và xoa bóp sẽ tăng cân nhanh hơn.
  • Xoa bóp sẽ khiến trẻ bình tĩnh.

(Các nội dung trên thuộc trang 127).

Chương III / Phần IV – Phát triển ngôn ngữ.

  • Tiếng khóc đầu tiên, ngôn ngữ cơ thể của trẻ được cha mẹ đáp lại kịp thời, trẻ có được sự phản ứng tích cực, khiến trẻ được động viên, từ đó phát ra càng nhiều tín hiệu cho mẹ (Trang 128).
  • Trẻ em thích nghe âm thanh, nhất là giọng nói của mẹ và người chăm sóc (Trang 128).
  • Mẹ nên nói chuyện với trẻ từ khi trẻ được sinh ra, nói với trẻ về con người, sự việc và sự vật quanh trẻ (Trang 128).
  • Trẻ thích bắt chước âm điệu, tiết tấu trong giọng nói của người lớn nhất là người chăm sóc trẻ, từ đó phát ra những tiếng “a…a” (Trang 129).
  • Trước khi trẻ nói được thành lời, trẻ sẽ ra hiệu để nói chuyện, như quay đầu, nhìn chăm chú, cho người lớn đồ vật hoặc cầm đồ vật của người lớn, vẫy tay, giơ tay… (Trang 129).
  • Trẻ được khoảng 01 tuổi sẽ nói được từ đầu tiên (Trang 129).
  • Trẻ em khoảng 1,5 tuổi sẽ ghép các chữ lại với nhau để biểu đạt rõ hơn ý kiến của chúng (Trang 129).
  • Khi được 02 tuổi, trẻ có thể nói, trẻ bắt đầu ý thức được rằng ngôn ngữ có sức mạnh, lúc này trẻ thường nói “Không”. Cha mẹ cần giúp trẻ dùng ngôn ngữ để diễn tả tâm trạng của bản thân (Trang 129).
  • Trẻ khoảng 1,5 – 2 tuổi rất dễ “động chân động tay”, việc này cũng có liên quan đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ; những đứa trẻ nào biểu đạt rõ ràng, lưu loát thông thường không dễ “động chân động tay” (Trang 130).
  • Trẻ khoảng 03 tuổi thích nói nhiều, hơn nữa trẻ có thể thích kể sơ qua quá trình xảy ra của một sự việc và trẻ diễn đạt bằng ngôn ngữ khó hiểu (Trang 130).
  • Cần nói chuyện với trẻ về những con người, sự vật và sự việc trẻ nhìn hoặc chú ý đến thì hiệu quả sẽ càng tốt hơn, điều này có lợi cho việc tăng thêm vốn từ vựng cho trẻ (Trang 130).
  • Cha mẹ cần cho trẻ ngồi trên chân mình và cùng trẻ đọc sách báo, kể chuyện cho trẻ nghe hoặc mặt đối mặt chơi một trò chơi với trẻ, điều này không những giúp trẻ tập trung tinh lực, mà còn góp phần nâng cao khả năng chú ý cho trẻ (Trang 130).
  • Những cuốn sách tranh ảnh có hình vẽ lớn và ít câu từ là phù hợp nhất đối với trẻ từ 0 – 3 tuổi. Cha mẹ cùng trẻ xem một bức tranh ảnh, và dùng ngón tay chỉ vào bức tranh thì có thể khiến trẻ có sự tập trung trong thời gian dài, lúc đó cha mẹ nói sơ qua cho trẻ nội dung bức tranh ảnh đó (Trang 130).
  • Trẻ em ở độ tuổi 1,5 – 3 tuổi cũng rất thích những bài hát nhi đồng và đồng dao, những bài hát này rất có lợi cho sự phát triển về ngôn ngữ của trẻ (Trang 131).
  • Trẻ em ở độ tuổi này còn rất thích những câu từ lặp lại, gieo vần, âm luật và âm điệu so sánh (Trang 131).
  • Trẻ em từ 3 – 6 tuổi có thể sử dụng chính xác các từ: mẹ/bố, con/cháu, bạn ấy/bác ấy… (Trang 131).
  • Trẻ sử dụng chính xác một số khái niệm không gian và trạng thái thời gian về: hiện tại, quá khứ, tương lai hoặc khoảng: ở dưới, bên cạnh, phía trước, phía sau… (Trang 131).
  • Trẻ thích nói chuyện với mọi người, có thể tham gia thảo luận tổ hoặc nhóm nhỏ, kể lại những việc mà mình đã trải qua (Trang 131).
  • Có thể nói về nội dung của các bức tranh ảnh; dùng ngôn ngữ để giải quyết mâu thuẫn với bạn bè, diễn tả cảm nhận của bản thân, tự mình thêu dệt câu chuyện; thích hát, học thuộc ca dao; thích nghe kể chuyện, đọc sách, vẽ tranh, viết chữ; nhận ra những chữ thường gặp; thích đọc và viết những chữ và câu đơn giản (Trang 131).

Chương IV / Phần I – Đồ chơi và cách chơi.

Nếu như phụ huynh hiểu được quá trình phát triển thể chất và tinh thần của trẻ thì có thể sử dụng ngay các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của gia đình, thậm chí là các phế phẩm như: vỏ bao bì, hộp sữa bột, vỏ chai nước khoáng…, để thiết kế ra các giáo cụ cho vừa hiệu quả kinh tế vừa hiệu quả, lại được trẻ yêu thích (Trang 133).

Có hai loại đồ chơi nhất định phải có đó là: tranh ghép và gỗ xếp hình (Trang 133).

Chương IV / Phần II – Quan sát và phân tích ví dụ thực tế.

  • Đối với trẻ dưới 03 tuổi, quá trình chơi là quá trình học tập của trẻ, đồng thời đây cũng là phương pháp học tập tự nhiên, hiệu quả và phù hợp nhất với trẻ (Trang 136).
  • Trò chơi đẩy xe (Trang 137).
  • Trò chơi gia đình (Trang 139).

Chương IV / Phần III – Tổ chức các hoạt động phù hợp với sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.

  • Khi tổ chức các hoạt động cho trẻ, cha mẹ cần chuẩn bị những thứ cần thiết, sau khi cha mẹ làm mẫu xong thì trẻ có thể tập làm theo và làm đi làm lại nhiều lần (Trang 142).
  • Cha mẹ cần làm mẫu trước cho trẻ. Từ từ phân tích từng động tác một và dùng bút ghi chép lại các bước phân tích (Trang 142). 
  • Khi cha mẹ làm mẫu, động tác phải chậm, thái độ phải nghiêm túc, sau mỗi động tác thì dừng lại một chút. Khi trẻ tập làm, cha mẹ cần bình tĩnh, không nên nóng vội yêu cầu trẻ làm đúng ngay lần đầu; cha mẹ quá nôn nóng trẻ sẽ bị căng thẳng (Trang 142).
  • Khi trẻ mới tập làm, việc mắc sai lầm là khó tránh khỏi, đây là một phần của quá trình học tập, cha mẹ không cần sửa chữa ngay mà ghi nhớ những chỗ trẻ làm sai, lần sau khi làm mẫu thì nhấn mạnh chỗ sai đó cho trẻ (Trang 143).
  • Một khi trẻ đang tập trung chú ý làm thì cha mẹ không nên làm phiền con. Việc rèn luyện khả năng tập trung và chú ý cho trẻ rất quan trọng.
  • Khi trẻ đã nắm được một hoạt động, cha mẹ không nên chuyển sang hoạt động mới ngay. Khi trẻ không còn hứng thú với hoạt động đó nữa thì mới chuyển sang hoạt động mới (Trang 143).

Chương IV / Phần IV – Hoạt động của trẻ 0 – 3 tuổi.

  • Hoạt động thị giác (Trang 144).
  • Hoạt động thính giác (Trang 146).
  • Hoạt động sinh hoạt hàng ngày (Trang 151).
  • Hoạt động giác quan (Trang 154).
  • Hoạt động ngôn ngữ (Trang 157).
  • Hoạt động toán học (Trang 159).

Chương IV / Phần V – Hoạt động của trẻ 3 – 6 tuổi.

Hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Hoạt động sinh hoạt hàng ngày của trẻ từ 3 – 6 tuổi chủ yếu là các kỹ năng cơ bản của sinh hoạt hàng ngày, trong đó bao gồm các hoạt động như tự chăm sóc bản thân, giữ gìn môi trường xung quanh, giáo dục lễ nghi,… (Trang 160).

Kỹ năng thao tác động tác:

  • Đóng mở đồ vật.
  • Các ngón tay cầm nắm đồ vật.
  • Đổ đồ vật.
  • Gấp đồ vật.
  • Cuộn đồ vật.
  • Nhẹ nhàng cầm và đặt đồ vật.
  • Dùng kéo cắt đồ vật.
  • Khâu may đồ vật.

Chăm sóc bản thân:

  • Mặc vào và cởi ra.
  • Giữ quần áo (treo, móc).
  • Học cách đóng khuy, kéo khóa.

Giữ gìn môi trường xung quanh:

  • Học cách cầm chổi quét nhà.
  • Lau sàn nhà.
  • Lau mặt bàn.
  • Gấp vớ.
  • Rửa cốc, bát, mâm.
  • Tưới hoa.
  • Cắm hoa.

Chuẩn bị đồ ăn:

  • Rửa trái cây.
  • Rửa dụng cụ nhà bếp.
  • Dùng dao nhựa/dao thật cắt bánh, trái cây.

Giáo dục lễ nghi:

  • Chào hỏi.
  • Nghe điện thoại.
  • Nói “Cảm ơn”.

Hoạt động mỹ thuật.

Trẻ em dưới 06 tuổi rất thích vẽ, dù là ở nhà hay trường mầm non, chúng ta thường thấy trẻ viết viết vẽ vẽ, cắt giấy, dán giấy, đan vải,… (Trang 167).

Âm nhạc.

Trẻ từ khi còn trong bụng mẹ đã thích âm nhạc. Sau khi được sinh ra, trẻ có thể nghe âm thanh và phân biệt rõ âm thanh trầm hay bổng; nhưng âm thanh mà trẻ thích đó chính là giọng nói của người mẹ.

Trẻ từ rất sớm đã nghe và hát đồng dao, các ca khúc thiếu nhi. Cha mẹ cần cho trẻ nghe những trải nghiệm âm nhạc phong phú, để tiếng hát đi cùng sự trưởng thành của trẻ.

Cha mẹ cần tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc với các loại nhạc cụ như: trống, bát, trống con và đàn gỗ trong nhạc hòa tấu, đàn ghita, đàn vi-ô-lông trong nhạc cụ dây; sáo, cây tiêu trong nhạc cụ ống; kèn đồng, kèn hiệu trong nhạc cụ đồng… (Trang 170).

Giáo dục giác quan.

Trẻ dùng tay để sờ, dùng mắt để nhìn, dùng mũi để ngửi, dùng tai để nghe, dùng miệng để nếm.

Tìm hiểu khái niệm trừu tượng: màu sắc, hình dạng, to mỏ, mùi vị, âm thanh, nhiệt độ, màu nền, trọng lượng…

Phương pháp giáo dục tam đoạn thức: do Edouard Seguin phát minh ra (Trang 177).

  • Đoạn thứ nhất: Giới thiệu đồ vật. Cha mẹ nói với con trẻ: “Đây là…”.
  • Đoạn thứ hai: Xác nhận tên gọi của đồ vật. Cha mẹ nói với con trẻ: “Con chỉ… cho bố xem với”, hoặc “Con đưa… cho bố nào”.
  • Đoạn thứ ba: Trả lời tên gọi của đồ vật. Cha mẹ hỏi con trẻ: “Con hãy cho bố biết đây là cái (đồ vật) gì?”.

Giáo dục tam đoạn thức không những tăng thêm lượng từ vựng của trẻ, mà còn thông qua những từ vựng đó để nhận biết tính chất của đồ vật như: màu sắc, hình dạng, kích thước, ít nhiều… từ đó hình thành khái niệm logic ở trẻ, thông thường mọi người coi giáo dục giác quan là nguồn gốc của toán học (Trang 178).

(Các nội dung trên thuộc trang 175 – 178).

Toán học.

Con người sinh ra là đã có tư duy toán học và không ngừng tích lũy và ứng dụng các tri thức toán học trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như: “Giày của con bé, giày của bố to” (sự to nhỏ), “Ngày mai, con đến nhà bà nội chơi” (thời gian), “Bánh của bạn nhiều hơn của con” (số lượng),… (Trang 194).

Hoạt động ngôn ngữ.

  • Từ 0 – 6 tuổi là giai đoạn nhạy cảm về ngôn ngữ của trẻ (Trang 202).
  • Hàng ngày cha mẹ cần dành thời gian để nói chuyện với trẻ (Trang 202).
  • Trẻ 03 tuổi cần sử dụng những câu đơn giản, khi nói cần chậm rãi rõ ràng, từng câu từng chữ, kèm theo cả biểu cảm (Trang 202).
  • Khi trẻ nói cha mẹ cần kiên nhẫn lắng nghe, cho trẻ có đủ thời gian để trình bày ý kiến của chúng, không được ngắt quãng mạch suy nghĩ của trẻ.
  • Gợi mở trẻ nói ra suy nghĩ, ý kiến và cách nhìn nhận của trẻ về một sự việc hay vấn đề nào đó. Tránh để trẻ chỉ trả lời các câu hỏi “Có” và “Không” (Trang 202).
  • Nói chuyện với trẻ về những sự việc đang xảy ra, miêu tả sự nảy sinh và quá trình của sự việc (Trang 202).
  • Khích lệ trẻ giải thích về suy nghĩ và nguyên nhân của những việc mà trẻ làm và những câu mà trẻ nói (Trang 203).
  • Đôi khi trẻ không nghe lời, chúng ta bảo trẻ làm thế này thì trẻ lại làm thế kia, hãy để trẻ nói ra lý do tại sao và điểm có lợi của việc làm đó. Nếu trẻ có thể thuyết phục được chúng ta thì chúng ta cần tiếp nhận, như thế cả hai bên đều thấy hài lòng (Trang 203).
  • Cần cho trẻ tiếp xúc với thiên nhiên, giao lưu gặp gỡ với nhiều người, nhiều sự việc và sự vật ở bên ngoài (Trang 203).
  • Động viên trẻ đóng kịch, diễn xuất lại những gì trẻ đã trải qua, sau đó bảo trẻ vẽ ra, viết ra những gì mà trẻ tiếp nhận được (Trang 203).
  • Khi trẻ tự tưởng tượng, cha mẹ không nên sửa, bởi vì trẻ 03 tuổi có cách biểu đạt của 03 tuổi, trẻ 05 tuổi có cách biểu đạt của 05 tuổi (Trang 203).
  • Khi trẻ nói ra những câu từ ngắn gọn chuẩn xác thì trên khuôn mặt trẻ sẽ tự nhiên lộ rõ niềm vui, bởi vì trẻ đã phân biệt được các âm thanh khác nhau (Trang 203).
  • Khi trẻ ngóng chờ có người kể chuyện hoặc hát cho trẻ nghe, lúc này cha mẹ hãy nhớ đáp ứng mong muốn của trẻ (Trang 203).
  • Trẻ có trí tưởng tượng rất phong phú, trẻ biết rất nhiều thứ chỉ có điều là chúng không thể nói ra hết được (Trang 204).
  • Kích thích trẻ nói ra những suy nghĩ của mình. Cha mẹ nên hỏi trẻ những câu hỏi kiểu như: “Còn gì nữa không con?”, “Sau đó thì sao nhỉ?”, “Oa, câu chuyện thật thú vị”… (Trang 204).
  • Trong túi xách của cha mẹ nên có một quyển sổ nhỏ và một cái bút, khi có cơ hội là ghi lại những lời bọn trẻ nói. Chúng ta có thể tốc ký hoặc dùng máy ghi âm để ghi lại, sau đó cẩn thận chép sang một quyển sổ khác (Trang 204).
  • Trẻ em rất thích nghe giọng nói của mình trong máy ghi âm và thích cùng người khác đọc những câu chuyện về bản thân mình do trẻ tự viết (Trang 205).
  • Người lớn thường nghĩ rằng, trẻ em chỉ viết linh tinh vẽ linh tinh thôi, chứ không biết trong đó có rất nhiều điều đáng được chú ý, bao hàm nhiều câu chuyện nhỏ thú vị (Trang 206).
  • Khi trẻ đưa tác phẩm của mình cho cha mẹ xem, cha mẹ thờ ơ sẽ khiến trẻ thất vọng, đồng thời cha mẹ cũng không nên nói chung chung “Ồ, thật tuyệt vời, đẹp thật đấy”… Làm như vậy trẻ rất vui, nhưng không giúp ích nhiều cho trẻ (Trang 206).
  • Khi cầm bức tranh của trẻ, trước hết cần xem một cách chăm chú, đồng thời nói với trẻ là đã nhìn thấy cái gì. Chăm chú lắng nghe và lên tiếng đáp lời trẻ, biểu thị đã hiểu hoặc tán đồng. Sau đó cha mẹ nên viết lên phía trên của bức tranh lời của trẻ nói về bức tranh, viết thêm ngày tháng năm (Trang 206).
  • Nếu trẻ không muốn nói hoặc không có gì để nói thì cũng không sao. Không cần thiết lần nào cũng bắt trẻ kể câu chuyện về bức tranh khiến trẻ cảm thấy áp lực (Trang 206).
  • Nghe và ghi lại những câu chuyện do trẻ kể lại sẽ bồi dưỡng khả năng biểu đạt, phát huy trí tưởng tượng, phát triển tư duy và khả năng suy lý của trẻ. Giúp trẻ nhận thức được mối quan hệ giữa nghe, nói và viết (Trang 207).

Ngoài ra, trong sách Phương Pháp Giáo Dục Montessori (Ngô Hiểu Huy) còn nhiều bài học tình huống, ví dụ thực tiễn về cách dạy, cách chuẩn bị giáo cụ, cách trò chuyện, ứng xử với trẻ em… mà tôi không tiện liệt kê trong bài tóm tắt này. Nếu như bạn quan tâm thì hãy tìm mua để nghiên cứu thêm nhé. Qua đây tôi gửi lời cảm ơn đến tác giả, Thạc sĩ Ngô Hiểu Huy, dịch giả Thành Trung và NXB Phụ Nữ đã mang đến cho tôi một quyển sách hay, mang nhiều giá trị trong hành trình nuôi dạy con cái.

Đôi nét về tác giả, Thạc sĩ Ngô Hiểu Huy:

Thạc sĩ Ngô Hiểu Huy là chuyên gia giáo dục Montessori được Hiệp Hội Montessori Hoa Kỳ (American Montessori Society, AMS) cấp giấy chứng nhận giáo viên Montessori. Giảng viên trợ giảng của Học Viện Montessori Hoa Kỳ. Hiệu trưởng đầu tiên của trường New Jersey Grace Montessori School (NYU), sáng lập và là Giám đốc Trung Tâm Tư Vấn Giáo Dục Qua Mạng cho bà mẹ Trung Quốc. Có nhiều năm nghiên cứu và triển khai giáo dục Montessori ở Mỹ và Trung Quốc. Đã có nhiều bài viết đăng trên tạp chí của Mỹ và Trung Quốc.

BÀI VIẾT GẦN ĐÂY
Contact Me on Zalo