Các cách để xây dựng một bài viết chất lượng

TMC01-Các-cách-để-xây-dựng-một-bài-viết-chất-lượng-01

Những người khi mới bước chân vào lĩnh vực copywriting thường băn khoăn rằng làm thế nào để họ có thể xây dựng được một nội dung tốt, hay một bài viết chất lượng. Tôi đã trao đổi với một số nhân vật mà trong sự hiểu biết của tôi họ được xem như là những chuyên gia trong lĩnh vực viết lách và được họ chia sẻ các cách để xây dựng một bài viết chất lượng, sau đây tôi sẽ chia sẻ cùng các bạn.

TMC01-Các-cách-để-xây-dựng-một-bài-viết-chất-lượng-01

Một bài viết được đầu tư, chất lượng thì sẽ thu hút người đọc quan tâm cũng như chia sẻ. Ảnh: TMC Photography

Cùng tìm hiểu các cách để xây dựng một bài viết chất lượng

Chị Thùy Trang, hiện nay đang là Biên Tập Viên (BTV) của một tờ báo uy tín dành cho Sinh Viên Học Sinh cho biết con đường để chị trở thành BTV bắt đầu từ thời gian học phổ thông tham gia nhóm Cộng Tác Viên (CTV) viết bài cho báo.

“Thời của tôi chưa có nhiều người sử dụng internet như bây giờ mà lúc đó vẫn còn nghèo, còn phải đạp xe hàng ngày thì lấy đâu ra laptop hay Google. Tôi bắt đầu viết khi xác định được đề tài mà mình cần khai thác, các ý chính để triển khai đề tài đó nhưng vấn đề lớn nhất là mình còn trẻ nên thiếu vốn sống và kinh nghiệm. Để bù đắp tôi hay đến thư viện để tìm đọc sách, nếu không thỏa mãn thì tôi đặt câu hỏi với những người lớn mà tôi nghĩ rằng họ có kinh nghiệm như ba mẹ, thầy cô, hoặc mấy ông anh lớn hơn, hoặc bất kỳ ai mà có thể cho tôi biết ý kiến của họ về vấn đề tôi đang quan tâm. Còn ý kiến đó đúng hay sai thì mình sẽ dành thời gian tổng hợp và phân tích sau”.

Đúc kết: Muốn viết bài, đầu tiên bạn cần có đề tài. Khi tham gia công việc viết bài tại BC Media, bạn sẽ được cung cấp sẵn đề tài, vì vậy, việc bạn cần làm tiếp theo là suy nghĩ hướng đi cho bài viết nhằm phát triển đề tài. Sau đó, bạn tận dụng tất cả nguồn thông tin có được, bao gồm hỏi ý kiến, đọc sách, google… để có kiến thức về đề tài chuẩn bị viết.

***

Một chuyên gia khác là anh Trung Hiếu, trước đây cũng xuất thân là phóng viên viết báo, nhưng về sau này anh phát triển sự nghiệp theo nghề viết lời quảng cáo, kịch bản phim quảng cáo, tự giới thiệu. Cho tới nay, số lượng kịch bản anh viết ra để làm phim cho các doanh nghiệp đã lên đến con số hàng trăm.

“Nghề của tôi là viết theo yêu cầu. Các doanh nghiệp họ đến đặt hàng thì mình mới bắt đầu viết. Có những lĩnh vực mà trước đó mình không hề biết chút gì về nó, ví dụ như trước giờ tôi viết báo về âm nhạc, showbiz… Xong rồi có công ty về dược phẩm liên lạc và yêu cầu viết một kịch bản phim tự giới thiệu doanh nghiệp khoảng 10-15 phút. Lúc đó mình mới bắt đầu đi tìm hiểu về doanh nghiệp, đọc các tài liệu do công ty cung cấp, nghiên cứu catalogue, brochure. Kế đến là nghe mọi người nói gì về doanh nghiệp này hay các sản phẩm của họ. Trước khi bắt tay vào viết thì tôi thường hỏi doanh nghiệp rằng mục đích làm phim của họ là để làm gì, họ muốn truyền đạt điều gì qua bộ phim thì mình mới viết đúng ý họ được”.

Đúc kết: Khi tham gia vào công việc viết bài, bạn phải chấp nhận viết theo yêu cầu, không được phụ thuộc vào “sở thích” hay “kinh nghiệm về lĩnh vực đó”, bạn phải nghiên cứu và tìm hiểu để viết được những đề tài mình “không thích” và “hoàn toàn không có kinh nghiệm”. Quan trọng hơn hết là viết phải có sức thuyết phục.

***

Chị Thu Hà, người đang quản lý hệ thống gồm nhiều trang tin tức cho một công ty truyền thông, với vị trí công việc liên quan đến nhiều nhân sự viết bài nên chị Hà có rất nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này. Chị đã chia sẻ về cách làm việc của những bạn trẻ hiện đang cộng tác với công ty.

“Tin tức ở trên mạng thì tràn lan, không phải thông tin nào cũng chính xác. Các bạn tham gia viết bài cho công ty hiện nay chia làm hai nhóm chính, nhóm thì copy chỗ này, copy chỗ kia sau đó tổng hợp lại thành một bài, mà cơ bản thông tin của bạn khi copy đã không chính xác (có thể là người viết bài đó đã copy ở một chỗ khác nữa) nên chắc chắn sẽ bị loại, hoặc trả về chỉnh sửa rất nhiều lần. Nhóm ngược lại tìm hiểu thông tin trên tinh thần tham khảo, sau đó tổng hợp phân tích thông tin, khai thác những thông tin đó theo hướng chuyên sâu. Cách làm này giúp các bạn xây dựng được một nội dung hay và chất lượng cho bài viết”.

Đúc kết: Bạn được quyền tham khảo để lấy ý tưởng nhưng không được copy bài viết của người khác. Khi có nguồn thông tin về đề tài, bạn phải thực hiện các bước kiểm tra chéo để xem thông tin của mình có chính xác hay không, thông tin đã đủ “chiều sâu” chưa.

***

Các cách để xây dựng một bài viết chất lượng trong thời đại Google Search

Là một người đã tham gia xây dựng rất nhiều website cho khách hàng trong những năm qua, bản thân tôi cũng có riêng cho mình một số phương pháp để xây dựng bài viết chất lượng. Đối với tôi việc Google Search hay đọc báo, tạp chí, tham khảo sách chuyên ngành hay hỏi ý kiến của những người có kinh nghiệm thì đều quan trọng và nên làm.

Sau khi xác định được chủ đề, tôi tiếp tục xác định về đối tượng độc giả, ai là người sẽ vào đọc bài viết này trên website này? Tại sao người ta phải đọc bài này mà không phải là bài khác? Tôi có mong muốn bài viết này trở nên hữu ích đối với người đọc hay không? Kế đến tôi mới xây dựng những chủ đề nhỏ, khung sườn cho bài viết.

Tôi Google Search rất nhiều, để viết một bài tôi đọc thông tin trên internet với số lượng từ vài chục đến hàng trăm bài viết khác nhau là chuyện rất bình thường, cứ mỗi bài viết lại giúp tôi bổ sung thêm một lượng kiến thức, thông tin về lĩnh vực mà tôi đang tìm hiểu. Sau đó tôi tổng hợp thông tin lại, sắp xếp các ý xem có đúng như khung sườn mà tôi đã xác định từ ban đầu hay không.

Kinh nghiệm của tôi là: Phần lớn các bài viết mà chúng ta đọc được trên internet ngày nay đều hời hợt, chúng hời hợt bởi người viết bài trước đó đã hời hợt, ví dụ bài viết đầu tiên chỉ có một ý mà tôi cảm thấy hợp lý, bài viết thứ hai có thêm một ý nữa, nên nếu chỉ dựa trên một nguồn thông tin chắc chắn bài viết của bạn sẽ không có chiều sâu. Mà tôi thì không muốn trở thành người viết bài hời hợt, nên tôi lại tiếp tục tìm xem trong bài viết có vấn đề nào cần làm rõ hay không rồi lại tìm thêm thông tin để bổ sung vào, tôi luôn đặt mình vào vị trí của người đọc để cố gắng hiểu nhu cầu của họ một cách đầy đủ nhất.

Ví dụ, khi tôi viết về máy ảnh, trên mạng họ hay nói đến DSLR thì tôi hiểu đó là một từ viết tắt, bản thân tôi không biết đó là chữ viết tắt của cái gì, nên tôi tiếp tục tìm và thấy đó là Digital Single Lens Reflex, mà thuật ngữ trên có nghĩa là gì? Tôi thấy họ chỉ đây tên gọi các dòng máy ảnh kỹ thuật số ống kính rời có sử dụng hệ thống gương phản ánh sáng. Hoặc khi tôi viết về quay phim cưới HD cho Dragon Films tôi không hiểu HD nghĩa là gì. Trên mạng họ cho biết rằng đây là chuẩn định dạng hình ảnh chất lượng cao gọi là Hight Definition. Vậy hình ảnh như thế nào thì được xem là chất lượng cao, như thế nào là thấp và có bao nhiêu chuẩn định dạng?… Google Search cứ như một cách cửa mở ra những kho kiến thức mới. Và nhờ công việc viết lách tôi đã biết thêm được nhiều kiến thức, nên có thể nói nghiên cứu để viết lách là một trong những phương pháp học tập của tôi.

Đúc kết: Thông tin nào làm cho bạn “mù mờ” không hiểu thì cũng sẽ có rất nhiều người khác “mù mờ”, nhiệm vụ của bạn là làm cho mọi chuyện trở nên sáng tỏ thông qua bài viết.

Chúc bạn sẽ học hỏi được những phương pháp xây dựng nội dung thành công và có nhiều bài viết hay.

TMCUONG
Film Maker | Photographer | Marketer

BÀI VIẾT GẦN ĐÂY
Contact Me on Zalo