Nhiều bạn dù đang kinh doanh nhưng còn chần chừ về việc làm Website, không biết nếu có Website thì tiếp theo nên làm gì? Người khác lại cho rằng chỉ cần làm xong Website thì dĩ nhiên hình ảnh, thương hiệu sẽ được khách hàng biết đến, doanh thu sẽ tăng lên. Những lối suy nghĩ như trên có thể dẫn đến sai lầm tai hại, bởi thiết kế Website chỉ là bước đệm tạo nền móng giúp phát triển tốt hơn, về lâu dài nếu bạn không có chiến lược cụ thể sẽ khiến cho Website rơi vào tình trạng “tê liệt” và bị các đối thủ khác bỏ lại phía sau. Vậy nếu bạn có Website rồi, tiếp theo nên làm gì để đạt hiệu quả?
Mục Lục
- Có Website rồi, tiếp theo nên làm gì để đạt hiệu quả?
- Cài đặt công cụ quản trị, thống kê Website.
- Xây dựng mạng xã hội xung quanh Website.
- Tạo địa điểm trên Google Maps cho Website.
- Cập nhật nội dung Website thường xuyên.
- Viết bài chia sẻ thông tin hữu ích.
- Lập kế hoạch quảng cáo, tiếp thị Website.
- Tối ưu Website thân thiện với người dùng.
- Tiến hành làm SEO cho Website.
Có Website rồi, tiếp theo nên làm gì để đạt hiệu quả?
Cài đặt công cụ quản trị, thống kê Website.
Làm sao để biết Website của tôi có hiệu quả hay không? Muốn làm được điều này, bạn cần có các công cụ giúp quản trị và thống kê Website, chẳng hạn như Google Search Console, Google Analytics…
- Đối với Google Search Console hay còn gọi là Google Webmaster Tool: Giúp bạn kiểm soát các hoạt động của Website, phát hiện các vấn đề liên quan đến bảo mật, thu thập và thống kê dữ liệu, kiểm tra các trang gặp lỗi, Website có chặn bot hay không, tối ưu, tăng tốc trang Web,…
- Đối với Google Analytics: Giúp bạn theo dõi các hoạt động của Website như có bao nhiêu người vào xem Website, họ ở đâu và được giới thiệu từ nguồn nào, truy cập bằng thiết bị gì, search thấy Website bằng từ khóa nào, vào xem trong thời gian bao lâu,… Bảng thống kê này giúp bạn kiểm soát hiệu quả của Website và đưa ra phương thay đổi thích hợp.
Hiện nay, có nhiều công cụ giúp quản trị, thống kê Website với chức năng tương tự như Google Search Console, Google Analytics mà bạn có thể tìm hiểu để cài đặt cho trang Web của mình. Còn những bạn nào sử dụng dịch vụ thiết kế Website của tôi thì không cần bận tâm bởi chức năng này sẽ được cài đặt sẵn.
Xây dựng mạng xã hội xung quanh Website.
Sau khi đã có Website bạn hãy tận dụng các Mạng Xã Hội để truyền thông, thu hút thêm lượng truy cập vào Website và tạo thành một mạng lưới liên kết mạnh mẽ nhằm tăng độ nhận biết về thương hiệu. Trong nhiều bài viết, tôi luôn chia sẻ rằng tôi quan tâm và đầu tư cho Website nhiều hơn bởi vì Website chính là cái gốc rễ, thời điểm này Facebook thịnh hành thì chúng ta dùng Facebook truyền thông cho Website, nếu sau này có Mạng Xã Hội nào phát triển hơn thì mình lại sử dụng kênh đó để tiếp thị. Ngoài Facebook chúng ta còn có Instagram, Twitter, Pinterest, Tumblr, YouTube, TikTok, Reddit, LinkedIn, Medium, Snapchat, Zalo, Viber,…. Tất cả các kênh truyền thông phụ này cùng làm một nhiệm vụ là thu hút lượt truy cập cho kênh chính. Đối với những người bận rộn hoặc không rành về Mạng Xã Hội có thể sử dụng dịch vụ tạo Profile Mạng Xã Hội của tôi, đại ý là tôi sẽ giúp bạn thống nhất về tên thương hiệu, logo, hình ảnh, địa chỉ, giới thiệu bản thân… trên 20 Mạng Xã Hội phổ biến nhất, đồng thời liên kết các Mạng Xã Hội này vào Website của bạn.
Tạo địa điểm trên Google Maps cho Website.
Người ta thường có quan niệm “Nếu hoạt động online, không tiếp khách trực tiếp ở văn phòng thì tạo địa điểm trên Google Maps làm gì?”. Tôi cho rằng đây là một quan điểm chưa đúng đắn nếu chúng ta xác định xây dựng một thương hiệu uy tín hay Business Entity – một thuật ngữ mà mọi người thường nói tới trong vài năm gần đây. Khách hàng luôn có nhu cầu muốn tìm hiểu bạn là ai, bạn ở đâu, bạn có đáng tin hay không? Vì thế khi bạn kinh doanh online, không tiếp khách tại cửa hàng không gây ảnh hưởng đến việc công khai địa chỉ. Công khai địa chỉ nhằm thể hiện sự minh bạch, rõ ràng trong kinh doanh để nếu như có vấn đề gì quan trọng thì khách hàng biết tìm bạn nơi đâu. Tôi thường tư vấn cho các khách hàng dù cho họ kinh doanh theo hình thức cá nhân, nhỏ lẻ thì cũng nên nhúng bản đồ Google Maps vào trong Website, bởi vì để xây dựng uy tín thì bạn không nên giấu giếm.
Cập nhật nội dung Website thường xuyên.
Tùy theo từng lĩnh vực kinh doanh, sau một thời gian hoạt động bạn sẽ “sưu tập” thêm những “thành tựu” mới. Chẳng hạn người buôn bán, quán xá thì có thêm nguồn hàng mới nhập về, giới thiệu sản phẩm/món ăn/thức uống mới; Người làm kiến trúc, nội thất, bất động sản thì ra mắt dự án mới, tiến độ thi công; Dân làm nghề nhiếp ảnh, photo studio thì sáng tạo nên các bộ ảnh mới… Nhiệm vụ của bạn là tổng hợp các thông tin lại và cập nhật nội dung Website một cách định kỳ như mỗi tháng 01 lần, hoặc 3 – 6 tháng một lần giúp cho trang Web trở nên tươi mới, sinh động và ngày càng đầy đủ nội dung hơn trước.
Viết bài chia sẻ thông tin hữu ích.
Khi chúng ta hoạt động trong một lĩnh vực nào đó với khoảng thời gian đủ dài thì ít hay nhiều sẽ đúc kết được những kinh nghiệm thực tế quý báu. Thay vì bạn đăng các đoạn status ngắn lên Facebook thì tại sao không tổng hợp nhiều ý lại rồi soạn thảo thành một bài viết hoàn chỉnh, thể hiện được đầy đủ ý tứ hơn và công bố trên Website. Sau đó sử dụng Facebook để chia sẻ, giúp bài viết tiếp cận với nhiều người hơn giống như cách tôi đang làm hiện tại. Thông qua những bài viết này, mọi người xung quanh có cơ hội biết về công việc mà bạn đang làm, hiểu thêm quan điểm và tư tưởng của bạn. Tất nhiên khi có người đồng tình thì cũng có người phản bác, nhưng nếu ai ủng hộ quan điểm của bạn thì nhiều khả năng họ sẽ trở thành khách hàng của bạn trong tương lai. Lưu ý: Trong giai đoạn khởi đầu, bạn chỉ cần viết đúng chính tả, ngữ pháp, trình bày văn bản sạch đẹp là được. Đừng vội quan tâm đến vấn đề bài viết phải chuẩn SEO như những người làm Content Marketing chuyên nghiệp.
Lập kế hoạch quảng cáo, tiếp thị Website.
Muốn cho Website được nhiều người biết tới, bạn cần lập kế hoạch quảng bá, tiếp thị Website nhằm thu hút thêm người truy cập vào xem thông tin, hình ảnh, sản phẩm, dịch vụ… Hiện nay có nhiều kênh quảng cáo để bạn lựa chọn tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động và ngân sách, chẳng hạn:
- Quảng cáo Google Adwords, Facebook Ads, Youtube, Tiktok…
- Bài viết PR, Banner trên các Website chuyên ngành, trang tin tức, giải trí…
- Tin nhắn quảng cáo (SMS Marketing).
- Thư quảng cáo điện tử (Email Marketing).
- Quảng cáo hiển thị: Màn hình trong thang máy, rạp phim, sảnh chờ…
- Tiếp thị qua điện thoại di động: Zalo, Viber, Whatsapp…
Nhìn chung, hầu hết các nền tảng quảng cáo ở trên đều nhằm mục đích tạo sự tò mò, nhắn gửi thông điệp để nếu như khách hàng thật sự quan tâm thì họ có thể vào Website tìm hiểu chi tiết hơn.
Tối ưu Website thân thiện với người dùng.
Lúc chưa có Website thì phải ưu tiên làm sao có Website trước đã còn những yếu tố khác thì chúng ta thường không quan tâm. Đến khi có Website rồi và muốn mang đến hiệu quả cao nhất thì phải đầu tư thời gian, công sức để tối ưu Website trở nên thân thiện với người dùng. Nếu bạn đang thắc mắc như thế nào là Website thân thiện với người dùng, hãy tham khảo một số tiêu chí sau đây:
- Tương thích với nhiều trình duyệt: Google Chrome, Mozilla Firefox, Microsoft Edge, Safari, Opera, Chromium, Vivaldi,…
- Tương tích với nhiều thiết bị: Desktop, Mobile, Tablet,…
- Tốc độ tải trang nhanh.
- Nhiều tiện ích phù hợp.
- Hỗ trợ người dùng.
- Website chuẩn SEO.
Tiến hành làm SEO cho Website.
Tương tự như công việc viết bài chia sẻ thông tin hữu ích ở trên nhưng muốn tiến hành làm SEO cho Website đòi hỏi bạn chuẩn bị nền tảng Website kỹ lưỡng hơn, đồng thời áp dụng một quy trình làm việc chuyên nghiệp. Đầu tiên là phải kiểm tra xem Website đã được thiết kế, tối ưu đúng chuẩn SEO chưa. Tiếp theo cần xây dựng một bộ từ khóa chuyên ngành, đó là những từ mà khách hàng thường xuyên tìm kiếm trên Google để tiến hành viết bài trả lời, giải đáp thắc mắc của khách hàng về vấn đề đó.
- Nếu viết bài chia sẻ thông tin hữu ích (theo bước 05) thì bạn chỉ cần viết bằng kinh nghiệm của bản thân đối với những vấn đề mà bạn muốn chia sẻ.
- Khi viết bài SEO cho Website thì bạn phải dùng kinh nghiệm để giải đáp các vấn đề mà khách hàng đang quan tâm dựa trên bộ tiêu chuẩn hướng dẫn viết bài chuẩn SEO.
Đối với những bạn nào sử dụng dịch vụ thiết kế Website của tôi sẽ được hỗ trợ lập kế hoạch từ khóa theo đúng chuyên ngành, đồng thời được hướng dẫn quy trình viết bài chuẩn SEO để có thể tự thực hiện.
Bài viết “Có Website rồi, tiếp theo nên làm gì để đạt hiệu quả?” được đúc kết từ kinh nghiệm của tôi qua hơn 10 năm tìm hiểu về Marketing và Website. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng nếu đem so với kiến thức của các chuyên gia thì bài viết này vẫn còn nhiều hạn chế, vì thế bạn nên tham khảo thêm từ nhiều nguồn khác nhau và chọn ra cách làm phù hợp nhất với mình.
Tôi tên Trần Mạnh Cường, công việc chính là làm Content, Marketing và nghiên cứu về các mô hình, hoạt động kinh doanh liên quan đến Online. Bên cạnh đó, tôi có công ty riêng hoạt động trong lĩnh vực Tổ Chức Sự Kiện, Cưới Hỏi, Quay Phim, Chụp Ảnh. Trong lĩnh vực Marketing, tôi tập trung xây dựng “content tử tế” cho Website của các doanh nghiệp, phục vụ số ít khách hàng thay vì phát triển số lượng và muốn đồng hành cùng doanh nghiệp lâu dài. Cụ thể, đối với mỗi một ngành hàng, tôi chỉ nhận làm content cho một thương hiệu với mục tiêu đưa doanh nghiệp trở thành TOP ngành. Bạn có thể tìm hiểu về các dịch vụ Marketing và quan điểm làm nghề của tôi trước khi quyết định hợp tác.
Ngoài ra, tôi là người sống tối giản theo chủ nghĩa khắc kỷ, đam mê thể thao, theo đuổi xu hướng sống xanh, đồng người là một người tình nguyện hiến tạng. Nếu bạn đã đọc đến dòng này, có nghĩa là chúng ta có duyên được biết nhau trong cuộc đời này, hãy vui lòng nhắn giúp tôi một lời, cho tôi có cơ hội được làm quen với bạn, dù trước tiên chỉ là bạn trên mạng xã hội.