Hướng dẫn quay phim cưới phóng sự – Phần 1

TMC-06-Hướng-dẫn-quay-phim-cưới-phóng-sự-01

Có nhiều người hiện nay dù đang làm nghề quay phim cưới phóng sự nhưng mới chỉ dừng lại ở nhiệm vụ: cầm một cái máy quay tốt, bấm ghi hình theo những yêu cầu (của công ty, hoặc của Cô Dâu Chú Rể) rồi chờ cho hết giờ, hết nhiệm vụ để ra về. Cách làm việc đó hoàn toàn sai lầm và không phải là phong cách, tinh thần của phim cưới phóng sự. Vậy phải làm việc như thế nào mới đúng? Bài viết hướng dẫn quay phim cưới phóng sự sau đây sẽ giải đáp một phần.

I – 03 yếu tố quan trọng khi quay phim cưới phóng sự

Thông qua kinh nghiệm có được từ việc quản lý nhân sự và những công việc liên quan đến quay phim cưới, tôi tổng kết lại thành 03 yếu tố quan trọng (theo thứ tự ưu tiên) khi triển khai quay một dự án phim cưới phóng sự, bao gồm:

Ideas – Ý tưởng: Quay như thế nào, nội dung câu chuyện ra sao.

Humans – Nhân lực: Kỹ thuật, tay nghề, thái độ của người thực hiện.

Equipments – Thiết bị: Máy quay phim và các thiết bị hỗ trợ.

Trong đó, ý tưởng quay phim và nhân lực là hai yếu tố quan trọng nhất. Đối với thiết bị, bạn cần trang bị những thứ cơ bản như Body 60D của Canon, đèn Videolight, Monopod cùng 02 lens fix (50mm, 28mm) là đã có thể quay được một phim cưới phóng sự tốt nếu như có những ý tưởng độc đáo. Tất nhiên, nếu bạn có điều kiện về kinh tế thì nên trang bị những máy móc, thiết bị hiện đại để thuận tiện trong công việc.

TMC-06-Hướng-dẫn-quay-phim-cưới-phóng-sự-01

II – Hãy làm người kể chuyện tình yêu

Đám Cưới là một sự kiện đặc biệt, phần lớn chúng ta chỉ CƯỚI một lần. Ngoại trừ những người rất may mắn thì có cơ hội CƯỚI lần 2, lần 3… Và trong sự kiện đặc biệt đó, bạn là một nhân vật cực kỳ quan trọng, bởi bạn được trao cơ hội nắm bắt những khoảnh khắc tuyệt vời chỉ có một lần trong đời của Cô Dâu Chú Rể.

– Bạn hãy tạm thời quên mình là một người quay phim (chụp ảnh) để hòa mình tham gia vào sự kiện đó trên tư cách của một người kể chuyện, và trở thành một phần của sự kiện.

– Bạn hãy nhìn những sự vật, con người trong Đám Cưới bằng đôi mắt quan sát tinh tường, bằng tấm lòng bao dung (đừng để trong đầu nảy sinh những suy nghĩ “Nhìn mặt ông/bà này là thấy khó ưa rồi” khi gặp một ai đó trong Đám Cưới không hợp nhãn hoặc không thiện cảm với bạn).

– Hãy tiếp xúc với những người mà bạn có cơ hội gặp gỡ, nhìn thấy trong Đám Cưới bằng một tinh thần vui vẻ, luôn tươi cười hòa nhã để rồi thoải mái ghi hình họ một cách chân thật, tự nhiên và nghệ thuật nhất, bao gồm cả những người già và em bé.

– Hãy ghi hình một cách liên tục, khai thác một cách triệt để các diễn tiến của sự kiện, đừng bỏ qua dù là chi tiết nhỏ. Bạn nên biết rằng có những người cả đời cũng không có nổi một tấm hình (đoạn phim) tử tế. Hãy trao cơ hội cho họ được sở hữu những hình ảnh của chính mình bằng sự tử tế của bạn khi bấm máy.

– Hãy khiến Cô Dâu Chú Rể cảm thấy may mắn, hạnh phúc vì có được bạn trong Ngày Cưới của họ.

III – Hướng dẫn quay phim cưới phóng sự theo phong cách kể chuyện

Trước khi tiến hành kể câu chuyện theo một cách đặc biệt đó, mỗi người quay phim (chụp ảnh) cần tự chuẩn bị cho mình 4 yếu tố sau đây:

People – Nhân vật: đâu là những nhân vật trọng tâm trong câu chuyện của bạn. Chắc chắn là Cô Dâu Chú Rể rồi, nhưng còn gì nữa, có thể là Ba Mẹ, Anh Chị Em và gia đình hai bên, cũng như bạn bè, người thân của họ. Thậm chí là vật nuôi, thú cưng của Cô Dâu Chú Rể…

Place – Nơi chốn: Bối cảnh mà bạn sẽ tiến hành kể câu chuyện của mình. Nhân vật của bạn đang làm hành động gì trong bối cảnh đó, bối cảnh đó có điều gì đặc biệt (có ý nghĩa như thế nào đối với bộ phim), làm sao để bối cảnh đó trở nên hấp dẫn nhất qua góc nhìn của bạn.

Plot – Tình tiết, cốt truyện: Câu chuyện của bạn sẽ diễn ra như thế nào. Phần lớn Đám Cưới sẽ diễn ra với những trình tự gần giống nhau, sự khác nhau giữa tình tiết và cốt truyện nên được xây dựng từ nhân vật. Cụ thể, có Cô Dâu Chú Rể thì nghiêm nghị nhưng tình cảm, hay cặp đôi khác thì nhí nhảnh, sôi động tạo nên những tình tiết hấp dẫn khác nhau. Điều quan trọng là bạn có nắm bắt được những khoảnh khắc và sự khác biệt đó hay không.

Purpose – Mục đích: Mục đích của bạn thông qua cách kể chuyện đó là gì? Bạn muốn khi người ta xem đoạn phim cưới đó sẽ có cảm xúc như thế nào và phản ứng ra sao?

Khi trao đổi cùng một số bạn làm nghề quay phim cưới phóng sự, tôi thấy các bạn làm việc không tập trung hay chờ đợi các sự kiện quan trọng diễn ra, và bỏ qua những chi tiết mà bạn cho rằng là chi tiết nhỏ, không đáng quay, hoặc cảnh quay đó đã có rồi. Bạn kết luận rằng “Không có gì để quay!”, đó là bởi vì bạn không chuẩn bị được 4P như tôi đã trình bày ở trên: bạn không có nhân vật, địa điểm thì không như bạn đã hình dung, bạn không có câu chuyện để kể, không có mục đích… Như vậy, bạn mới chỉ làm việc trên tư cách một người quay phim (chụp ảnh) thông thường, chờ cho kết thúc sự kiện để có thể ra về.

Câu hỏi đặt ra ở đây là? Nếu bạn là Chú Rể, bạn có muốn một người quay phim (chụp ảnh) với thái độ thờ ơ như trên trong Đám Cưới của mình không?

Nếu là người quay phim cưới phóng sự, mục đích của tôi là: Kể từ ngày tôi quay phim cho Anh Chị này, tôi muốn rằng mỗi khi xem lại đoạn phim của Ngày Cưới, Anh Chị sẽ gợi nhớ về những kỷ niệm tuyệt vời, tìm thấy được niềm vui, sự hạnh phúc… Cũng như nhớ đến nụ cười và gương mặt của tôi với sự hài lòng, chứ không phải là “Đặt bên này quay phim sai lầm quá!” hay những từ như “Cảm thấy thất vọng!” hoặc đại loại như vậy.

TMCUONG
Film Maker | Photographer | Marketer

BÀI VIẾT GẦN ĐÂY
Contact Me on Zalo