Muốn đẩy mạnh nội dung Website cần làm gì?

Muốn đẩy mạnh nội dung Website cần làm gì?

Nhiều bạn đang kinh doanh nhỏ lẻ và cả người có công ty riêng dù đã sở hữu một Website nhưng chưa thật sự để tâm đến nó, thậm chí còn giao phó cho người khác thiết kế và quản lý Website giùm. Nhìn chung các Website ở trong tình trạng này đều làm cho có chứ chưa mang lại hiệu quả về doanh thu hay giúp tăng độ nhận biết về thương hiệu. Nếu như bạn đang quan tâm đến việc muốn đẩy mạnh nội dung Website cần làm gì hãy tham khảo bài viết sau của tôi.

Muốn đẩy mạnh nội dung Website cần làm gì?

Tái định vị thương hiệu, sản phẩm.

Muốn đẩy mạnh nội dung Website thì chúng ta cần làm cho Website có giao diện bắt mắt, hiện đại hay ngắn gọn là tạo nên cảm giác chuyên nghiệp cho người dùng khi họ vào xem. Dù bạn mới kinh doanh hay đã hoạt động lâu rồi mà muôn tái định vị thương hiệu hãy làm một bài tập nhỏ sau đây?

  • Bạn là ai? Công ty/thương hiệu tên là gì?
  • Bạn/Công ty cung cấp những sản phẩm/dịch vụ gì?
  • Đâu là sản phẩm/dịch vụ bán chạy nhất?
  • Đâu là sản phẩm/dịch vụ bạn muốn bán nhất?
  • Đối tượng khách hàng/khán giả của bạn là ai? Giới tính, độ tuổi, vùng miền, mức thu nhập,…
  • Bạn đã có logo, slogan, tagline, icon, favicon, bao bì, nhãn mác hay chưa?
  • Bạn đã có hệ thống dịch vụ/sản phẩm rõ ràng, tên dịch vụ/mã sản phẩm, ngăn nắp, chuẩn chỉnh hay chưa?
  • Tư liệu hình ảnh, video, tài liệu, bảng giá về dịch vụ/sản phẩm của bạn có đầy đủ không?

Một khi bạn trả lời một cách trung thực, rõ ràng về từng vấn đề ở trên đây thì bạn cũng phần nào nhận ra được bản thân/Công ty đang đứng ở đâu, tình trạng ra sao… Từ đó bạn có thể đề xuất các kế hoạch phát triển Website phù hợp và cụ thể hơn.

Kiểm tra tên miền Website, dịch vụ hosting.

Khi muốn đẩy mạnh nội dung cho Website tức là bạn mong thương hiệu được nhận biết nhiều hơn, doanh thu tốt hơn đồng nghĩa là Website phải có lượng truy cập lớn hơn. Hãy kiểm tra xem tên miền Website (domain) do ai cung cấp, khi nào hết hạn, có tên miền tương tự hay không? Bạn có lo lắng đối thủ mua tên miền tương tự không? Nếu có thì tiến hành đăng ký thêm tên miền để đề phòng rủi ro. Kế đến là chất lượng dịch vụ hosting đang sử dụng ra sao, tốc độ cao và bảo mật có tốt không? Nếu cảm thấy cần thiết thì nên nâng cấp dịch vụ hosting nhằm chuẩn bị khi phát triển nội dung, lưu lượng truy cập lớn thì Website vẫn hoạt động ổn định. Trường hợp tên miền do một bên quản lý, hosting lại do bên khác cung cấp mà bạn không rành về kỹ thuật thì nên quy về một đầu mối để quản trị tốt hơn.

Cập nhật thông tin, hình ảnh cho Website.

Trước khi muốn phát triển nội dung Website thì những thông tin, hình ảnh/video liên quan đến thương hiệu, sản phẩm/dịch vụ thể hiện năng lực của bạn cần được cập nhật đầy đủ, làm mới. Quay lại trả lời vấn đề “Tư liệu hình ảnh, video, tài liệu, bảng giá về dịch vụ/sản phẩm của bạn có đầy đủ không?”, nếu mọi thứ đầy đủ thì việc cập nhật rất đơn giản. Lưu ý quá trình quay phim, chụp hình hãy sử dụng bao bì, nhãn mác sản phẩm thật chuẩn chỉnh, còn khi đăng hình ảnh, video trên Website nhớ đóng dấu logo, slogan, tagline,… đầy đủ, như vậy thì nhìn sẽ chuyên nghiệp hơn.

Viết bài quảng cáo dịch vụ, sản phẩm.

Nếu bạn ưu tiên thúc đẩy doanh số, hãy thử nghiệm chạy quảng cáo trước như vậy sẽ cần soạn bài viết quảng cáo cho dịch vụ, sản phẩm. Trên Website thường phân chia thành Page (Trang) và Article (Bài Viết), tuy cả hai đều giúp thể hiện nội dung, hình ảnh, video nhưng bạn hãy cân nhắc để sử dụng phù hợp: 

  • Dùng Page để đăng bài sản phẩm/dịch vụ chính: Page có quy mô lớn hơn bài viết, vì vậy bạn hãy sử dụng Page để viết bài quảng cáo chính, được thể hiện dưới hình thức là Landing Page hoặc One Page. Ví dụ: Dịch Vụ Lễ Đính Hôn Trọn Gói của Dianthus.
  • Dùng Article để đăng bài PR, giải đáp về sản phẩm/dịch vụ chính: Bên cạnh Page chúng ta sẽ sử dụng nhiều Article khác nhau, mỗi Article phụ trách giải đáp một vấn đề liên quan đến dịch vụ chính, nhờ đó thu hút lượng truy cập và chuyển người dùng từ Article sang Page. Ví dụ: Các bài viết sau đây giúp PR Dịch Vụ Lễ Đính Hôn Trọn Gói của Dianthus.

Chạy quảng cáo Facebook, Google Adwords. 

Khi hoàn thành nội dung về dịch vụ chính và thể hiện thành Page, cứ mỗi dịch vụ là một Page khác nhau, bạn không nhất định phải soạn loạt bài PR ngay lập tức, bởi vì quá trình viết bài hơi mất thời gian. Thay vào đó, bạn có thể bắt đầu chạy quảng cáo Facebook hoặc Google Adwords hoặc kết hợp cả hai và tiến hành đo lường hiệu quả. Thời gian chạy quảng cáo nên từ 3 – 6 tháng mới cho kết quả tốt nhất, những thông tin cần thống kê bao gồm: Có bao nhiêu người vào Website để đọc Page này, họ đọc trong bao lâu, truy cập từ địa phương nào, họ dùng thiết bị gì để truy cập… từ đó mới thực hiện điều chỉnh để nội dung hấp dẫn hơn, kêu gọi hành động mạnh hơn. Ngoài ra, khi chạy quảng cáo hãy kết hợp với một chương trình khuyến mãi để đạt hiệu quả tốt nhất. 

Triển khai SEO Website, Content Marketing.

Chạy quảng cáo chỉ là một bước đi tạm thời để tăng lưu lượng truy cập, kết hợp kéo doanh thu nhưng nhược điểm là bạn còn chi tiền thì  quảng cáo còn xuất hiện, mỗi lượt click vào Website thông qua quảng cáo đều được tính tiền. Do đó, muốn phát triển nội dung Website bền vững hơn thì cần phải triển khai SEO Website nhờ việc viết Content Marketing. Tất nhiên SEO Website không đơn giản và mất nhiều thời gian nhưng đây là cách làm bền vững, hữu ích và giúp bạn không lệ thuộc vào quảng cáo nữa. Muốn làm SEO Website cần trải qua quy trình gồm nhiều bước, nhưng bạn hãy lưu ý vài điểm sau bởi vì bạn có thể tự làm được.

Lập kế hoạch từ khóa.

Muốn viết Content Marketing thì không thể dựa vào việc bạn cảm thấy “Điều này hay, chắc là người ta sẽ thích đây!” mà phải thống kê nhu cầu của người dùng một cách cụ thể. Đối với ngành hàng, lĩnh vực của bạn thì người ta thường quan tâm đến thông tin gì, tìm kiếm hay thắc mắc cái gì… từ đó giải đáp, gãi đúng chỗ ngứa của họ. Như vậy thì phải lên kế hoạch phân tích từ khóa chuyên nghiệp, bạn cần biết trong nhiều lĩnh vực số lượng từ khóa lên đến hàng chục ngàn từ là bình thường.

Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh. 

Trước mắt là nghiên cứu đối thủ trong ngành mà bạn biết, kế đến là nghiên cứu đối thủ bạn không biết nhưng nổi bật trên Google, rồi kết hợp cả hai với nhau để làm mục tiêu phấn đấu. Vậy nên nghiên cứu cái gì? Bạn hãy tham khảo danh sách sau:

  • Giao diện Website của đối thủ.
  • Danh mục sản phẩm của đối thủ.
  • Đối thủ viết bài về vấn đề gì?
  • Bạn đã có bài viết đó chưa?
  • Bạn có cạnh tranh với đối thủ về sản phẩm/dịch vụ đó không?

Viết Content cho SEO.

Nếu đã tổng hợp được danh sách đối thủ, danh sách từ khóa, các nội dung đối thủ quan tâm, các nội dung bạn cần viết… là lúc bắt tay vào viết Content Marketing. Hãy bắt đầu với những chủ đề dễ viết, chủ đề có nhiều người tìm kiếm, chủ đề ít cạnh tranh và dần dần nâng cấp lên các chủ đề khó, nhiều cạnh tranh hơn. Bạn có thể tham khảo ý tứ, tư tưởng từ các bài viết trên mạng và thể hiện lại theo cách hiểu của mình nhưng tuyệt đối không được copy.

Viết Content Marketing cho SEO nên lưu ý gì?

Có những hình thức viết Content Marketing nào?

Nhiều bạn khi được tư vấn về việc làm Content Marketing hay phản ứng kiểu như là: “Em có một người/một team phụ trách Content Marketing rồi”. Tuy nhiên lĩnh vực viết Content Marketing tương đối rộng và mỗi người sẽ có thế mạnh riêng, ví dụ:

  • Social Media: Facebook, Instagram, Twitter… thiên về sử dụng các đoạn Content Marketing ngắn hay còn gọi là status/tweet, chỉ khoảng vài dòng chữ nhằm thu hút khách hàng quan tâm đến thương hiệu, sản phẩm qua các trang Mạng Xã Hội.
  • Video: Youtube, Tiktok, Livestream… thiên về viết kịch bản quay clip, nội dung dẫn chuyện tức văn nói nhiều hơn.
  • Infographic: Sử dụng các đoạn chữ ngắn gọn kết hợp với hình ảnh, số liệu, biểu đồ, icon… nhằm minh họa cho nội dung, nhấn mạnh thông điệp truyền tải.
  • Email Marketing: Soạn nội dung thư ngỏ, tổng hợp thông tin, khuyến mãi, tin tức mới về doanh nghiệp, sản phẩm/dịch vụ,… để giới thiệu cho khách hàng tiềm năng, nhưng đáp ứng được đầy đủ yếu tố hữu ích, hấp dẫn để tránh bị biến thành thư rác.
  • Ebook: Nội dung của Ebook thường bao gồm lượng lớn thông tin được đúc rút từ sự học hỏi, kinh nghiệm về một khía cạnh, lĩnh vực nào đó và thể hiện dưới dạng PDF.
  • Blog: Hay còn gọi Weblog. Là những bài viết thể hiện quan điểm, kinh nghiệm về một lĩnh vực nào đó. Blog cung cấp nhiều giá trị cho người dùng thông qua những nội dung quan trọng, cần thiết giúp cho chủ sở hữu Website trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đang hoạt động.

Dựa theo những công việc liên quan đến Content Marketing ở trên, muốn làm SEO Website bạn cần đầu tư viết Blog.  

Viết Content Marketing cho SEO cần lưu ý gì? 

Muốn viết Content Marketing cho SEO hay còn gọi là Content chuẩn SEO, bên cạnh phải dựa vào danh sách từ khóa cần viết thì bạn phải dựa trên một bộ tiêu chuẩn gồm nhiều yếu tố:

  • Xác định từ khóa chính, từ khóa phụ của bài viết.
  • Từ khóa chính xuất hiện trong tiêu đề bài viết.
  • Từ khóa chính xuất hiện trong đoạn đầu của bài viết.
  • Từ khóa chính xuất hiện trong thẻ H2 của bài viết.
  • Từ khóa chính, từ khóa phụ xuất hiện trong các đoạn khác nhau bài viết.
  • Từ khóa chính, từ khóa phụ xuất hiện trong các thẻ khác của bài viết.
  • Bài viết phải chia ra thành nhiều mục lục, gồm mục lục lớn và mục lục nhỏ.
  • Bài viết phải chia ra thành nhiều đoạn văn nhỏ, mỗi đoạn văn giới hạn khoảng 150 – 200 từ.
  • Bài viết phải có nội dung hữu ích và đủ dài từ 800 – 1500 từ mỗi bài.
  • Bài viết phải có hình ảnh hoặc video, audio hoặc biểu đồ.
  • Cứ mỗi 200 từ nên có một hình ảnh minh họa.
  • Bài viết phải có liên kết nội bộ, từ trang này trỏ sang trang khác.

Ở đây tôi chỉ đang nói về việc soạn một nội dung chuẩn SEO, không phải là toàn bộ quá trình làm SEO, nên dù bạn có nội dung chuẩn SEO thì Website cũng không tự nhiên lên Top Google đâu nhé. Nhưng ít nhất, bạn cũng biết cần viết hoặc yêu cầu người viết Content Marketing cho SEO cơ bản như thế nào.

Chi phí quảng cáo, SEO Website là bao nhiêu?

Chi phí quảng cáo Website bao nhiêu?

Chi phí quảng cáo Website thực tế không có giới hạn, kể cả Facebook Ads lẫn Google Adwords đều cho chúng ta tự quyết định ngân sách. Ví dụ: 

  • Ngân sách 100.000 VNĐ/ngày x 30 ngày = 3 triệu/tháng.
  • Một lượt click vào Website sẽ thông qua đấu thầu, ai trả giá cao xuất hiện trước, bỏ giá thấp hơn thì xuất hiện sau. Ví dụ bạn đồng ý giá 10.000 VNĐ/click thì người dùng click 10 lần là hết ngân sách của ngày đó, như vậy quảng cáo không xuất hiện nữa.
  • Bạn được quyền chọn quảng cáo xuất hiện vào khung giờ nào, chẳng hạn từ 08:00 – 12:00 hoặc 16:00 – 20:00, hoặc cả ngày.
  • Bạn được quyền chọn quảng cáo xuất hiện ở đâu, ví dụ chỉ xuất hiện tại TP.HCM hoặc Hà Nội thay vì toàn quốc.

Như vậy tùy theo khả năng tài chính mà bạn hãy cân đối xem là mỗi tháng dự định chi ra bao nhiêu tiền cho quảng cáo, chẳng hạn 5 triệu/tháng hoặc 6 triệu/tháng đều được. 

Chi phí làm SEO Website là bao nhiêu? 

Chi phí làm SEO Website còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: 

  • Về nền tảng: Website đã chuẩn SEO hay chưa, có thân thiện với điện thoại hay không nếu chưa thì phải tối ưu lại hoặc thậm chí là đập đi xây lại. Tốc độ của Website ra sao, nhanh hay chậm… cần giải quyết triệt để những vấn đề này rồi mới tính đến chuyện làm SEO.
  • Về từ khóa: Bạn muốn lên Top Google bao nhiêu từ khóa, mức độ cạnh tranh của từ khóa, đã có nhiều đơn vị làm SEO từ khóa này chưa.
  • Về nội dung: Ai là người viết nội dung cho các từ khóa này, nội dung ấy có thật sự chuẩn SEO hay không, nếu không thì cần trải qua quá trình biên tập nhằm tối ưu bài viết. Hoặc thuê người viết Content Marketing chuẩn SEO ngay từ đầu, vậy phải viết tổng cộng bao nhiêu bài.

Nói tóm lại, nếu chúng ta chưa làm rõ các vấn đề trên thì không thể báo giá làm SEO Website một cách đại khái được. Hoặc bạn hãy đưa ra một ngân sách cụ thể hàng tháng để đơn vị thực hiện lên bản kế hoạch SEO Website phù hợp.

Tóm lại, thông qua bài viết “Muốn đẩy mạnh nội dung Website cần làm gì? mong rằng bạn đã có sự hình dung về những công việc cần làm và chọn một hướng đi phù hợp, hiệu quả trong tình trạng hiện tại.

BÀI VIẾT GẦN ĐÂY
Contact Me on Zalo