Mỗi lần có dịp gặp mặt, người thân nào tinh ý sẽ hỏi rằng ở nhà bé thích chơi gì nhất để họ mua tặng, tôi đều cảm ơn rồi xin được nhận món quà vào một thời điểm khác. Mãi cho tới khi con lên 03 tuổi, hai món đồ chơi hiếm hoi mà tôi mua cho con là một chiếc đèn pin để đi soi ếch và một hồ cá nhỏ bằng đá mài để thả bèo, nuôi cá. Bạn bè thấy lạ hỏi tôi rằng: “Tại sao không nên mua nhiều đồ chơi cho con?”, tôi nghĩ bài viết này có thể chia sẻ với mọi người một góc nhìn khác về “đồ chơi trẻ em”.
Mục Lục
Tại sao không nên mua nhiều đồ chơi cho con?
Từ lời khuyên của các nhà khoa học.
(Thùng nước lọc cũng có thể trở thành chiếc xe cùng con chạy đua).
Trong sách “Luật Trí Não Dành Cho Trẻ”, GS John Medina chia sẻ câu chuyện rằng: Bản thân ông có hai cậu con trai, một lần ông mua về món đồ chơi rất đắt tiền, ngỡ rằng cả hai bé sẽ rất thích. Nhưng không, chúng nhận lấy món quà, háo hức mở hộp quà ra, vất món đồ chơi bên trong sang một bên và say mê với cái hộp giấy đựng đồ chơi.
Đọc đến quyển “Phương Pháp Giáo Dục Montessori” của Thạc sĩ Ngô Hiểu Huy, trang 23 có đoạn: “Đối với trẻ nhỏ mà nói, rất có có thể phân biệt cái nào là thật, cái nào là hư cấu. Ví dụ: Trẻ em 03 tuổi cho rằng, con chuột đồ chơi giống như con vật trong thế giới tự nhiên đều là thật, mãi đến khi chúng có sự trải nghiệm nhất định hoặc đến một độ tuổi nhất định thì chúng mới có thể hiểu về khái niệm trừu tượng. Do đó, thực vật và động vật nhỏ trong lớp học Montessori đều là thật. Trẻ em cũng được học cách chăm sóc chúng, tưới nước hoặc cho chúng ăn.” – Tham khảo: “Tóm tắt sách: Phương Pháp Giáo Dục Montessori (Ngô Hiểu Huy)”.
Còn theo Tiến sĩ Shelley Lindauer thuộc Đại Học Bang Utah, Mỹ: “Việc có quá nhiều đồ chơi dẫn đến tình trạng quá tải đồ chơi, khiến cho trẻ em bị ngợp và bị sao nhãng. Có nhiều đồ chơi còn khiến trẻ không biết cách quý trọng đồ vật của mình, không có trách nhiệm để giữ gìn những đồ chơi của chúng”.
Đến áp dụng trong thực tiễn.
(Con chơi với rau, củ, quả vừa biết làm việc nhà vừa hiểu về các loài thực vật).
Bắt đầu từ những thông tin như trên (vốn được tiếp nhận trong thời kỳ mang thai), chúng tôi cùng thống nhất sẽ không mua đồ chơi cho con. Mặc dù vậy, con vẫn có một số món đồ chơi được “thừa kế” từ con của bạn Bố Mẹ và Cậu. Cậu của bé lúc nhỏ rất thích sưu tập mô hình khủng long, nay Cậu đã ngoài hai mươi rồi nên cho lại bé. Rồi chú nhiếp ảnh Đại Ngô tặng đồ chơi của anh Boong – con chú, bây giờ đã lớn. Nhưng tôi toàn “giấu bớt” đồ chơi đi và chủ yếu là cho con được tự do khám phá những đồ vật dùng trong sinh hoạt hàng ngày, các con vật thật và thế giới tự nhiên xung quanh. Đối với những thứ không có sẵn, chúng tôi cho con xem trong quyển “Bách Khoa Tri Thức Cho Trẻ Em”, và bộ sách ảnh “Bé Học Tiếng Việt 100 từ mới” của NXB Hội Nhà Văn, nói về rau củ, trái cây, con vật, xe cộ,… Ngoài ra, chúng tôi cũng hạn chế việc cho con xem phim hoạt hình mà lý do chính là hình vẽ không thật, tình tiết phim không thực tế. Tuy không biết khi lớn lên như thế nào, nhưng tạm thời con thể hiện tình yêu thiên nhiên, thích chơi trò vận động và tự giác tránh xa các thiết bị điện tử là Bố Mẹ cảm thấy vui lòng rồi.
Tác dụng xấu của đồ chơi trẻ em.
Cảm nhận của con không thực tế.
(Ra vườn vạch lá, tìm sâu, hái quả, nghịch đất… những thứ nào “thật” là con đều được tiếp xúc).
Sự cảm nhận của con không thực tế được thể hiện qua ví dụ về con chuột đồ chơi của Thạc sĩ Ngô Hiểu Huy ở trên. Sau khi đọc xong, tôi có niềm tin rằng nếu tôi cho con cầm một cái muỗng inox có sẵn trong nhà để xúc cát sẽ thú vị hơn là mua một cái đồ xúc cát mới bằng nhựa. Cũng như cầm một chiếc xe đồ chơi bằng nhựa không “thật” bằng dẫn con ra bãi xe rồi có thể trực tiếp nhìn, sờ, cảm nhận chiếc xe nó to giống cái gì, hôi xăng như thế nào, nếu chúng ta mới đi xa về thì ở chỗ cái bô tỏa ra hơi nóng nguy hiểm ra sao… Nếu con thật sự muốn chơi xe thì có thể dùng hộp giấy, cái kệ gỗ hay thậm chí thùng vắt nước của cây lau nhà cũng trở thành cái xe, vì dẫu sao xe đồ chơi cũng chỉ là mô hình để tưởng tượng về chiếc xe thật thôi mà. Tương tự, tôi hướng cho con chơi những thứ nào mà qua đó con được cảm nhận trực tiếp, nhìn bắt mắt, sờ bằng tay một cách chân thực nhất.
Làm mất đi sự sáng tạo của con.
(Một “ngọn núi” được làm từ các loại khăn, gối, chăn mền).
Bậc cha mẹ nào cũng muốn dành cho con những gì tốt nhất, thế nên chúng ta không tiếc tiền mua sắm đồ chơi cho con. Các gia đình có điều kiện còn mua thật nhiều đồ chơi nhằm giúp con được vui chơi và phát triển. Thế nhưng nghịch lý là chúng ta chỉ đồng ý khi con chơi đồ chơi, còn đồ vật khác ở trong nhà thì đừng có mà đụng vào. Chúng ta có tâm lý lo sợ rằng con sẽ làm cho mọi việc trong nhà trở nên rối tinh hết cả lên, đổ vỡ, hư hỏng hoặc người lớn phải đi dọn dẹp thì rất là mệt. Một khi người lớn quy định trẻ con chỉ được đụng vào những món đồ chơi và cấm đụng vào hầu hết đồ đạc trong nhà sẽ làm mất đi sự sáng tạo của con. Trong khi trí tưởng tượng của trẻ con rất là phong phú, chẳng hạn cái ống nhựa của máy hút bụi thì dài giống như bạn trăn, cái thùng vắt cây lau nhà giống như chiếc xe bồn chở nước, chiếc khăn tắm quăng xuống chậu nước là bạn cá voi lưng gù đang bơi… Nếu được người lớn cho phép, trẻ con nhanh chóng tận dụng những thứ có sẵn để tạo ra các trò chơi và dùng trí tưởng tượng vào việc chơi đùa.
Khiến con đánh mất kiên nhẫn, dễ bỏ cuộc.
Các nghiên cứu cho thấy, trẻ con có quá nhiều đồ chơi và nhiều sự chọn lựa dễ khiến con đánh mất kiên nhẫn, dễ bỏ cuộc khi gặp trở ngại. Chẳng hạn món đồ chơi này khó dùng quá, khoảng thời gian chú ý của trẻ bắt đầu giảm dần, trẻ sẽ bỏ qua một bên và tìm món đồ khác dễ chơi hơn. Và theo như chúng ta đã biết, thói quen vốn được hình thành từ những hành vi được lập đi lập lại trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu giữ lối suy nghĩ “khó quá bỏ qua” một cách thường xuyên, lúc trưởng thành trẻ sẽ thiếu sự kiên nhẫn và lòng quyết tâm để thực hiện những mục tiêu quan trọng trong đời. Ngược lại, những đứa trẻ có ít đồ chơi sẽ học được sự bền bỉ, kiên nhẫn và quyết tâm. Muốn tạo thói quen tốt cho con, bạn có thể đọc thêm bài “Mất bao lâu để hình thành thói quen tốt cho con?”.
Con không biết quý trọng đồ vật.
(Một chiếc xe lăn bằng lò xo của bút bi cũng trở thành món đồ chơi khiến con yêu quý”.
Nếu ngay từ lúc nhỏ con được vây xung quanh bởi quá nhiều đồ chơi sẽ dẫn đến tình trạng con không biết quý trọng đồ vật, dù sao không chơi thứ này vẫn còn thứ khác. Tâm lý này tương tự như với người lớn, thông thường chúng ta sẽ khó có được hạnh phúc nếu có quá nhiều sự lựa chọn. Trong khi nếu trẻ chỉ có một hoặc hai món đồ chơi, con có thể chơi món đồ đó với tất cả niềm yêu thích bản năng, sẽ luôn nhớ về món đồ đó suốt thời thơ ấu, thậm chí là cả đời.
Giao tiếp xã hội của con bị chậm.
(Con thích được giao tiếp với người lớn, bày trò để cùng chơi với những bạn bè xung quanh).
Khả năng giao tiếp xã hội của con bị chậm nếu quá say mê với một món đồ chơi nào đó. Đặc biệt trẻ con cũng có tâm lý lo sợ những trẻ khác tranh giành đồ chơi của mình, đôi khi tâm lý này khiến con không muốn kết bạn, chơi cùng trẻ khác. Ngược lại, khi trẻ có ít đồ chơi sẽ học được cách phát triển các mối quan hệ, muốn chơi với những đứa trẻ khác hoặc chơi với người lớn. Trong quá trình giao tiếp, trẻ sẽ học được cách nói chuyện, lắng nghe và cùng nhau thảo luận các chủ đề yêu thích. Phát triển tình bạn thời thơ ấu giúp trẻ tiếp thu học tập dễ dàng hơn và trưởng thành trong giao tiếp xã hội.
Không mua đồ chơi thì cho con chơi cái gì?
Con được chơi mọi thứ có trong nhà.
(Tự di chuyển đồ vật nặng giúp con cảm nhận về trọng lượng, lực và rèn luyện sự khéo léo).
Để cho con được chơi mọi thứ có trong nhà là lựa chọn của gia đình chúng tôi, tất nhiên có loại trừ những thứ nguy hiểm như: điện, dao, kéo, thủy tinh, bếp nấu… Điều này rất đơn giản vì gia đình tôi sống theo phong cách tối giản. Chẳng hạn tại nhà tôi không trang bị tivi, không có ghế salon – bàn kiếng phòng khách, không có gương soi cỡ lớn, không vách kính phòng tắm, không có tủ quần áo,… Tôi chỉ giữ lại ở trong nhà những thứ nào mà người lớn cảm thấy hoàn toàn yên tâm khi con sờ vào, đồ vật nào con có thể bê được thì cứ lấy, chơi xong trả về chỗ cũ. Tôi có chia sẻ điều này trong bài “Hành trình cùng con trưởng thành hạnh phúc”.
Phụ làm việc nhà là một trò chơi.
(Học cách giữ gìn môi trường xung quanh, hiểu về trật tự của các đồ vật trong nhà).
Chúng tôi tin rằng phụ làm việc nhà là một trò chơi thú vị dành cho trẻ con, đồng thời là một phần trong phương pháp giáo dục sớm. Chẳng hạn khi quét nhà là con học cách sử dụng cây chổi sao cho khéo léo; hốt rác để học cách giữ gìn vệ sinh, môi trường xung quanh; nếu đổ nước ra sàn thì học lau nhà để có ý thức trách nhiệm với việc làm của mình; khi dời đồ đạc đến phòng khác thì lúc chơi xong phải dọn dẹp về chỗ cũ để biết sự trật tự và gọn gàng; đến giờ cơm thì dọn chén bát ra bàn, ăn xong còn phải lau bàn sạch sẽ; học cách sử dụng máy hút bụi, vòi nước để tưới cây, nhặt rau cho người lớn nấu cơm… mặc dù sau đó thì người lớn phải dọn bở hơi tai. Có thể nói là con cứ bận rộn suốt, luôn chân luôn tay không ngơi nghỉ, lại còn rất vui vẻ và cười nói cả ngày. Cũng cần chia sẻ rõ hơn, giáo dục sớm không có nghĩa là dạy cho con biết viết, biết đọc, biết làm toán, hay biết ngoại ngữ sớm đâu nha. Nếu bạn muốn biết chi tiết hơn thì hãy đọc trong bài sau đây “Giáo dục sớm là hành trang giúp con vào đời thêm vững vàng”.
“Trò chơi” khám phá thiên nhiên tươi đẹp.
(Khám phá vườn cây, đồng cỏ, nghịch đất, bốc cát… để hiểu về thế giới tự nhiên).
Tôi ít khi để con ở nhà mà phần lớn thời gian trong ngày bé được chơi ngoài vườn, công viên, hồ bơi, các khu trò chơi vận động. Buổi chiều tôi thường cùng con đi bộ ra cánh đồng hoặc khu vực có bãi cỏ rộng gần nhà, trên đường đi hai cha con nói chuyện với nhau về loài cỏ tranh có thể làm đứt tay, cỏ đuôi chồn có bông bay bay trong gió, cây dừa cạn, cây dừa nước, cây cầu nhỏ bằng gỗ, cây cầu to bằng xi măng và bê tông, con thuyền nhỏ chở người, xà lan lớn chở cát, con chó đá trên cổng nhà dân bên đường… thông qua “trò chơi” khám phá thiên nhiên tươi đẹp mà con học hỏi được rất nhiều điều chân thực từ thế giới tự nhiên.
(Hai Bố con cầm đèn pin đi soi cóc, ếch, côn trùng vào ban đêm thay vì ngồi dán mắt vào màn hình TV).
Ở trên tôi cũng nói rằng món đồ chơi hiếm hoi mà tôi mua cho con là một chiếc đèn pin, cái đèn pin đó là để buổi tối hai bố con đi soi cóc, ếch, ốc sên, đom đóm, các loài côn trùng ban đêm… Thực tế để sống gần gũi thiên nhiên thì người lớn cần phải sắp xếp, chẳng hạn chúng tôi đã chuyển nhà từ trung tâm ra vùng ngoại ô, công việc của bố mẹ dù vất vả hơn nhưng bù lại con có cuộc sống vui vẻ hơn.
Gợi ý một số đồ chơi tại nhà cho trẻ.
(Đồ vật nào có thể với tới được thì “chơi” được, chơi được thì phải dọn dẹp được)
Những lúc ở nhà thì “đồ chơi” của bé rất đa dạng, hầu như chúng tôi không cấm đoán con nhiều, tỷ lệ là 80% đồ vật trong nhà là con được “sờ vào” miễn chơi xong biết dọn dẹp về chỗ cũ. Tôi gợi ý một số đồ chơi tại nhà cho trẻ sau đây để bạn có thể hình dung dễ hơn:
- Một “con đường” làm bằng tô, chén, đĩa,… dài từ nhà bếp vào phòng ngủ.
- Một “cây cầu” xây bằng đũa ăn cơm, nĩa, muỗng… vì thế mà đũa, muỗng cũng mất dần đi.
- Một “dòng sông” do các loại rổ rá, thau, xô chậu xếp lại.
- Một “hang động” bằng tất cả các loại chăn mền, khăn tắm, khăn mặt,…
- Một “ngọn núi” với đủ loại gối kê đầu, gối ôm và thảm chùi chân.
- Một “xe cứu hỏa” được vận dụng từ thùng vắt cây lau nhà.
- Một “hồ bơi” lấy nước từ nhà tắm xả ra sàn nhà.
- Một “chú lật đật” bằng quả bí ngô.
(Tại nhà chúng tôi, đồ chơi của con vô cùng đa dạng, có chơi cả ngày cũng không hết).
Cha mẹ nào cũng mong con được hạnh phúc và đủ đầy, thế nhưng mua sắm nhiều đồ chơi thực sự không phải là điều tốt cho trẻ em. Đôi khi chỉ cần một vài món nhưng chất lượng và hơn nữa là sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ cũng có thể mang đến cho con một cuộc sống tràn ngập niềm vui rồi. Đó là những điều tôi muốn chia sẻ qua bài “Tại sao không nên mua nhiều đồ chơi cho con?” ở trên.
Cảm ơn bức ảnh bìa rất đẹp của Rudy Hartono từ Pexels.
Tôi tên Trần Mạnh Cường, công việc chính là làm Content, Marketing và nghiên cứu về các mô hình, hoạt động kinh doanh liên quan đến Online. Bên cạnh đó, tôi có công ty riêng hoạt động trong lĩnh vực Tổ Chức Sự Kiện, Cưới Hỏi, Quay Phim, Chụp Ảnh. Trong lĩnh vực Marketing, tôi tập trung xây dựng “content tử tế” cho Website của các doanh nghiệp, phục vụ số ít khách hàng thay vì phát triển số lượng và muốn đồng hành cùng doanh nghiệp lâu dài. Cụ thể, đối với mỗi một ngành hàng, tôi chỉ nhận làm content cho một thương hiệu với mục tiêu đưa doanh nghiệp trở thành TOP ngành. Bạn có thể tìm hiểu về các dịch vụ Marketing và quan điểm làm nghề của tôi trước khi quyết định hợp tác.
Ngoài ra, tôi là người sống tối giản theo chủ nghĩa khắc kỷ, đam mê thể thao, theo đuổi xu hướng sống xanh, đồng người là một người tình nguyện hiến tạng. Nếu bạn đã đọc đến dòng này, có nghĩa là chúng ta có duyên được biết nhau trong cuộc đời này, hãy vui lòng nhắn giúp tôi một lời, cho tôi có cơ hội được làm quen với bạn, dù trước tiên chỉ là bạn trên mạng xã hội.