Với bài Kỹ thuật Viết Bài Content Marketing nâng cao – Phần I, tôi đã hướng dẫn sửa các lỗi như: qui chuẩn trình bày, lỗi sai chính tả, lặp từ, sử dụng từ đồng nghĩa. Trong chia sẻ tiếp theo đây về Kỹ thuật Viết Bài Content Marketing nâng cao – Phần II tôi tập trung vào các vấn đề như: tìm hiểu thuật ngữ chuyên môn, bổ sung kiến thức cho bài viết, dùng từ chuẩn xác, nhấn mạnh keyword…
Tham khảo thêm:
Phần 1: Tuyển Nhân Viên Viết Bài Content Marketing
Phần 2: Những điều cần lưu ý trước khi Viết Bài Content Marketing
Phần 3: CTV Viết bài Content Marketing và các câu hỏi thường gặp
Phần 4: Cách trình bày bài viết đúng chuẩn theo BC Writing
Phần 5: Hướng dẫn cách xây dựng các bài viết có chủ đề liên quan
Phần 6: Các dự án Viết Bài Conent Marketing khác của BC Writing
Phần 7: Kỹ thuật Viết Bài Content Marketing nâng cao – Phần I
Phần 8: Kỹ thuật Viết Bài Content Marketing nâng cao – Phần II
Mục Lục
- Kỹ thuật Viết Bài Content Marketing nâng cao – Phần II
- Tìm hiểu về các thuật ngữ để không viết sai chuyên môn.
- # Nhầm lẫn giữa “lễ cưới” và “tiệc cưới”:
- #Nhầm lẫn giữa “đám cưới” và “nghi lễ”:
- #Nhầm lẫn vị trí của “cổng hoa”:
- #Nhầm lẫn giữa “bàn gallery” và “bàn tiệc”:
- Bổ sung kiến thức cho bài viết dựa trên sự nghiên cứu, tìm hiểu:
- Ví dụ 1 – Bổ sung kiến thức cho bài viết.
- Ví dụ 2 – Bổ sung kiến thức cho bài viết.
- Ví dụ 3 – Bổ sung kiến thức cho bài viết.
- Dùng câu từ chưa hợp lý, chưa chuẩn xác.
- Ví dụ 1 – Dùng từ không chuẩn xác.
- Ví dụ 2 – Dùng từ không chuẩn xác.
- Nhấn mạnh keyword nhiều lần để tạo dấu ấn cho bài viết.
- Ví dụ 1 – Trước khi nhấn mạnh keyword.
- Ví dụ 2 – Sau khi nhấn mạnh keyword.
Kỹ thuật Viết Bài Content Marketing nâng cao – Phần II
Tìm hiểu về các thuật ngữ để không viết sai chuyên môn.
Đã là một người viết bài và muốn phát triển theo hướng viết chuyên nghiệp. Cả bạn và tôi đều phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác. Phải có sự tìm hiểu sâu, kỹ lưỡng về lĩnh vực mà mình tham gia viết trước khi bắt đầu. Cho dù đó là thể thao, bóng đá, nhiếp ảnh hay chăm sóc sức khỏe, làm đẹp… đều phải viết tốt, viết đúng. Hiện nay, BC Writing có nhiều bạn tham gia viết content cho mảng Cưới Hỏi. Để các bạn hình dung rõ hơn về các lỗi cần tránh. Tôi sẽ đưa ra các thuật ngữ sai chuyên môn trong lĩnh vực Cưới Hỏi sau đây.
# Nhầm lẫn giữa “lễ cưới” và “tiệc cưới”:
“Để góp phần làm đẹp cho lễ cưới, bạn có thể đặt làm backdrop chụp ảnh với một hoặc nhiều loại hoa tươi khác nhau. Màu sắc và loại hoa được chọn theo sở thích của bản thân hoặc phong cách chung của buổi tiệc.” => Có 2 dữ kiện trong đoạn văn này. “Lễ cưới” được hiểu là Lễ Rước Dâu, Lễ Gia Tiên. Trong “lễ cưới” sẽ không có backdrop chụp ảnh mà dùng cổng hoa vì tổ chức tại nhà riêng. Backdrop chụp ảnh thường đặt ở sảnh tiệc cưới, là nơi cô dâu chú rể đón tiếp và chụp hình cùng khách mời.
#Nhầm lẫn giữa “đám cưới” và “nghi lễ”:
“Đám cưới là nghi lễ quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người. Vì vậy, để lưu lại những hình ảnh cùng người thân bạn bè là điều cực kỳ cần thiết đối với cặp đôi.” => “Đám cưới” là một danh từ, chỉ một sự kiện. Bạn có thể viết “Đám cưới là một sự kiện”. Còn “nghi lễ” là chỉ là một hoạt động trong rất nhiều hoạt động của đám cưới, vì vậy viết “Đám cưới là nghi lễ” sẽ không đúng.
#Nhầm lẫn vị trí của “cổng hoa”:
“Cổng hoa chính là yếu tố quan trọng nhất trong một đám cưới vì tất cả những nghi thức thiêng liêng của buổi lễ cưới đều diễn ra ở đây.” => Đoạn văn này cung cấp sai thông tin. Vì trong phong tục đám cưới của người Việt, “cổng hoa” xuất hiện ở hai vị trí. Vị trí thứ nhất là đặt ở trước nhà nếu là buổi Lễ Cưới. Vị trí thứ hai, đặt trước sảnh tiệc cưới tại nhà hàng nếu là buổi Tiệc Cưới. Cô Dâu Chú Rể không đứng ở “cổng hoa” để thực hiện “nghi thức thiêng liêng”.
#Nhầm lẫn giữa “bàn gallery” và “bàn tiệc”:
“Những ngọn nến là yếu tố giúp cho bàn gallery trở nên lung linh và bắt mắt hơn. Khách dự tiệc cũng có cảm giác ngon miệng hơn khi dùng bữa trong ánh sáng lãng mạn ấy.” => “Bàn gallery” là bàn trang trí khung ảnh, vật kỷ niệm, trưng bày album cưới của Cô Dâu Chú Rể đặt ngoài sảnh tiệc. Còn khách mời thì “dùng bữa” trên “bàn tiệc” đặt trong sảnh tiệc. Khách mời không ăn tiệc trên “bàn gallery”.
Trên đây chỉ là vài ví dụ nhỏ trong số rất nhiều thông tin viết sai chuyên môn khác. Nó cho thấy rằng nếu dùng từ chuyên môn không đúng thì bài viết không còn ý nghĩa.
Bổ sung kiến thức cho bài viết dựa trên sự nghiên cứu, tìm hiểu:
Đây là một bước làm cực kỳ quan trọng. Việc bổ sung thêm kiến thức sẽ giúp cho bài viết trở nên độc đáo hơn. Giúp cung cấp nhiều thông tin thú vị đến với người đọc. Trong khi cách làm lại cực kỳ đơn giản, không hề phức tạp chút nào. Xem những ví dụ bên dưới đây thì bạn sẽ hiểu rõ:
Ví dụ 1 – Bổ sung kiến thức cho bài viết.
Bạn G.N đã viết như sau “Vải lụa có nhiều dạng, và màu sắc khác nhau. Tùy theo tính chất của buổi tiệc cưới mà bạn nên chọn loại vải lụa phù hợp.” Tôi hướng dẫn G.N tìm hiểu thêm là nếu vải lụa có nhiều dạng thì cụ thể là bao nhiêu dạng. Sau khi tìm hiểu trên Google, bạn sửa bài thành: “Vải lụa có nhiều dạng, và màu sắc khác nhau, ví dụ: Twill, Satin, Taffeta, Chiffon… Trong trang trí đám cưới người ta thường dùng nhiều nhất là Chiffon. Tuy nhiên còn tùy theo tính chất của buổi tiệc cưới mà bạn nên chọn loại vải lụa phù hợp.”. Bạn thậm chí còn viết mô tả thêm về từng loại vải Twill, Satin, Taffeta có đặc tính như thế nào.
Ví dụ 2 – Bổ sung kiến thức cho bài viết.
Còn bạn H.L viết “Có thể nói mọi loại hoa đều thích hợp cho việc trang trí backdrop cưới. Ngoài những loại hoa phổ biến trong nước, dễ tìm mua. Thì hiện nay trên thị trường còn có nhiều công ty có thể cung cấp cho cặp đôi các loại hoa nhập khẩu.”. H.L đã đi tìm hiểu thêm về các loại hoa thường dùng trong đám cưới. Sau đó bạn sửa lại bài như sau: “Có thể nói mọi loại hoa đều thích hợp cho việc trang trí backdrop cưới. Ngoài những loại hoa phổ biến trong nước, dễ tìm mua như: hoa hồng, hoa baby, hoa cẩm chướng, hoa hướng dương,… Thì hiện nay trên thị trường còn có nhiều công ty có thể cung cấp cho cặp đôi các loại hoa nhập khẩu.”
Ví dụ 3 – Bổ sung kiến thức cho bài viết.
Trong bài của V.Y ban đầu viết khá đơn giản: “Xu hướng trang trí phong cách Rustic Wedding hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn một không gian tiệc cưới đầy thân mật, ấm áp, lung linh và lãng mạn.” Và được sửa thành “Xu hướng trang trí phong cách Rustic Wedding sử dụng nhiều chất liệu từ thiên nhiên, mộc mạc như lá cây, thân gỗ,… hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn một không gian tiệc cưới đầy thân mật, ấm áp, lung linh và lãng mạn.”. Sau khi V.Y có sự tìm hiểu thêm về Rustic Wedding là gì?
Bạn thấy đó, có rất nhiều cách để bạn khai thác thêm tư liệu. Chỉ bổ sung thêm chút thông tin thôi đã giúp cho bài viết trở nên phong phú, đặc biệt hơn. Nhưng quan trọng là bạn có sẵn sàng dành thời gian làm điều đó hay không. Chứ tôi tin bác “Gồ” sẽ luôn bên cạnh bạn rồi.
Dùng câu từ chưa hợp lý, chưa chuẩn xác.
Cách dùng từ như thế nào thì được gọi là hợp lý, chuẩn xác? Thật sự là một vấn đề khó ngay cả đối với tôi. Thú thực, không phải lúc nào mình cũng viết đúng, trong khi viết văn cần sự tinh tế. Tôi sẽ đưa ra vài ví dụ dùng từ “tinh tế” cụ thể sau đây:
Ví dụ 1 – Dùng từ không chuẩn xác.
“Bánh đính hôn hay còn gọi là bánh cưới, xuất hiện lần đầu tiên vào thời Đế chế La Mã. Ở thời điểm đó, bánh cưới sẽ không có nhiều tầng và không trang trí đặc sắc như bây giờ.” => Câu này không hợp lý chỗ nào? Thoạt đầu, đọc thoáng qua không thấy chỗ nào sai cả. Vậy mà lại không hợp lý đâu nha. Chỗ không hợp lý là từ “sẽ”. Viết đoạn văn mô tả về thời điểm ở quá khứ làm sao dùng từ “sẽ” mang ý nghĩa của tương lai được. Nếu sửa như sau thì đoạn văn trở nên hợp lý hơn: “Bánh đính hôn hay còn gọi là bánh cưới, xuất hiện lần đầu tiên vào thời Đế chế La Mã. Ở thời điểm đó, bánh cưới không có nhiều tầng và không trang trí đặc sắc như bây giờ.”
Ví dụ 2 – Dùng từ không chuẩn xác.
“Cổng cưới thật sự là một trong những vật không thể thiếu trong ngày trọng đại.” => Từ dùng không hợp lý trong câu trên là “vật”. Chúng ta thường dùng “vật” hoặc “đồ vật” để nói về những món đồ có kích thước nhỏ. Còn “cổng cưới” lại có kích thước rất lớn, với câu này dùng từ “chi tiết” hoặc “hạng mục” sẽ đúng hơn. Ví dụ “Cổng cưới là một trong những hạng mục không thể thiếu trong ngày trọng đại.”
Tôi thừa nhận là không dễ sửa được lỗi dùng từ như trên. Muốn sửa phải dựa trên sự cảm nhận, kinh nghiệm viết bài lâu năm. Cùng sự tinh tế của người viết trong cách sử dụng từ ngữ. Nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu dành cho nghề viết văn, “buôn con chữ”. Cùng mong muốn hoàn thiện để bài viết hay và chất lượng hơn. Chắc chắn chúng ta sẽ có cách để làm được.
Nhấn mạnh keyword nhiều lần để tạo dấu ấn cho bài viết.
Các bài viết của BC Writing thường được phát triển dựa trên một keyword chính. Muốn gây ấn tượng với người đọc, bạn cần nhấn mạnh keyword bằng cách lặp lại nhiều lần trong bài. Cũng như cách nhấn/lặp lại phải tự nhiên, đặc biệt là ở các tiêu đề nhỏ. Sau đây là một ví dụ cụ thể bể bạn dễ hình dung hơn.
Ví dụ 1 – Trước khi nhấn mạnh keyword.
Bài viết có tiêu đề là “Tự trang trí bàn gallery tiệc cưới đơn giản và đẹp”. Bài này được phát triển trên keyword “bàn gallery tiệc cưới”. Bạn H.Y đã phát triển bài viết này làm 03 ý chính. Với mỗi ý chính bắt đầu bằng tiêu đề nhỏ, các tiêu đề mà bạn đặt như sau:
- Lên ý tưởng.
- Chọn mua phụ kiện theo ý tưởng.
- Hoàn thiện bàn gallery.
Ví dụ 2 – Sau khi nhấn mạnh keyword.
Cách đặt tiêu đề nhỏ như vậy là đạt, nhưng chưa giúp nhấn mạnh keyword. Nhấn mạnh keyword không chỉ tạo ấn tượng với người đọc. Mà còn giúp bài viết dễ dàng xuất hiện trong kết quả tìm kiếm Google. Sau khi được hướng dẫn, bạn H.Y đã sửa tiêu đề như sau:
- Lên ý tưởng cho bàn gallery tiệc cưới.
- Chọn mua phụ kiện làm bàn gallery theo ý tưởng.
- Hoàn thiện bàn gallery tiệc cưới.
Lưu ý: Như tôi đã hướng dẫn tại bài Kỹ thuật Viết Bài Content Marketing nâng cao – Phần I, việc nhấn mạnh keyword tại các đoạn khác nhau sẽ không khép vào lỗi lặp từ.
Sau bài Kỹ thuật Viết Bài Content Marketing nâng cao – Phần II, tôi sẽ tạm ngưng việc hướng dẫn viết bài để tập trung vào việc biên tập các bài viết cho CTV gửi về. Tuy nhiên, tôi luôn muốn nhận được ý kiến đóng góp từ bạn. Cám ơn bạn đã giúp tôi hoàn thiện bài viết này trở nên hữu ích hơn.
TMCUONG
Film Maker | Photographer | Marketer
Tôi tên Trần Mạnh Cường, công việc chính là làm Content, Marketing và nghiên cứu về các mô hình, hoạt động kinh doanh liên quan đến Online. Bên cạnh đó, tôi có công ty riêng hoạt động trong lĩnh vực Tổ Chức Sự Kiện, Cưới Hỏi, Quay Phim, Chụp Ảnh. Trong lĩnh vực Marketing, tôi tập trung xây dựng “content tử tế” cho Website của các doanh nghiệp, phục vụ số ít khách hàng thay vì phát triển số lượng và muốn đồng hành cùng doanh nghiệp lâu dài. Cụ thể, đối với mỗi một ngành hàng, tôi chỉ nhận làm content cho một thương hiệu với mục tiêu đưa doanh nghiệp trở thành TOP ngành. Bạn có thể tìm hiểu về các dịch vụ Marketing và quan điểm làm nghề của tôi trước khi quyết định hợp tác.
Ngoài ra, tôi là người sống tối giản theo chủ nghĩa khắc kỷ, đam mê thể thao, theo đuổi xu hướng sống xanh, đồng người là một người tình nguyện hiến tạng. Nếu bạn đã đọc đến dòng này, có nghĩa là chúng ta có duyên được biết nhau trong cuộc đời này, hãy vui lòng nhắn giúp tôi một lời, cho tôi có cơ hội được làm quen với bạn, dù trước tiên chỉ là bạn trên mạng xã hội.